PHỔ CÁO CHÚNG SANH
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Saigon, Imprimerie de L'union, 15 Octobre
1926)
Thuở Hỗn Độn sơ khai, nhứt Khí Hư Vô sanh
duy có một Đấng Tạo Hóa, người phương Đông
gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, người Âu Tây gọi
là DIEU, Đức Chúa Trời, người An Nam gọi là
Ông Trời, là Đấng dựng nên Trời Đất và muôn
vật.
Có Thánh Ngôn, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
giáng cơ ngày 13 tháng 6 năm Bính Dần, rằng :
" . . . Bậc chơn tu, tỷ như hột giống tốt, hễ gieo xuống
thì cây lên, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái,
mà biến biến sanh sanh càng thêm tăng số, vì vậy mà
các con phải bỏ xác trần, mà bông trái thiêng liêng các
con sanh hóa Chơn thần, Chơn thần lại biến hóa hằng
muôn, thêm tăng lên hoài. Ấy là Đạo.
" Bởi vậy, một Chơn thần mà sanh hóa chư Phật, chư
Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong
Càn khôn Thế giới, nên chi, các con là Thầy, Thầy là các
con.
" Như kẻ bên Phật giáo hay tặng Nhiên Đăng
là Chưởng giáo, Nhiên Đăng vốn sanh ra đời Hiên Viên
Huỳnh Đế.
Người gọi Quan Âm là Nữ Phật tông, mà Quan Âm vốn
là Từ Hàng Đạo Nhơn biến thân, Từ Hàng lại sanh ra
lúc Phong Thần, đời nhà Thương.
Người gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn
sanh ra đời nhà Châu.
Người gọi Lão Tử là Tiên Tổ giáo thì Lão Tử cũng sanh
đời nhà Châu.
Người gọi Jésus là Thánh đạo Chưởng giáo, thì Jésus
cũng sanh nhằm đời nhà Châu.
Thầy hỏi vậy chớ ai sanh ra các Đấng ấy ? Ấy là Đạo,
các con nên biết.
Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn khôn Thế
giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có
Thầy."
Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mỗi khi giáng cơ
đều xưng là Đạo hữu với các chư môn đệ Nam
phái Nữ phái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, còn
chính mình Ngài lại xưng là Thầy của chúng
sanh và hằng dạy rằng : Sự khiêm từ nhịn nhục
hạ mình là hạnh yêu dấu của Ngài.
Khi chư Thiện nam Tín nữ vừa nghe trong môn
đệ gọi Ngọc Hoàng Thượng Đế là Thầy thì ái
ngại điều phạm thượng, song đã có Thánh Ngôn
chính mình Ngài dạy vậy, xin hãy an lòng.
Có hai Đạo hữu : Tương, Kinh, vẫn trước khi
nhập môn thì đã thọ nghĩa thầy trò cùng vị Lão
thành pháp danh là Đạo Quang nơi chùa Minh
Đường (Hạnh Thông Tây).
Nhằm ngày 21 tháng 8 năm Bính Dần, Ngọc
Hoàng Thượng Đế giáng cơ tại chùa ấy dạy việc,
luôn dịp Ngài có để lời rằng :
" Tương, Kinh, hai con phải lạy Đạo Quang trước mặt
Thầy, rồi từ đây gọi là Anh mà thôi, còn Thầy duy có
một Thầy."
Thánh Ngôn ngày mồng 5 tháng 9 năm Bính
Dần có dạy rằng :
" Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông
Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, giáo đạo Nam phương.
Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy mà hạ mình đặng độ
rỗi nhơn sanh là thế nào, phải xưng là một vị Tiên Ông
và Bồ Tát, hai phẩm chót của Tiên và Phật. Đáng lẽ thế
thường phải để mình vào phẩm vị tối cao tối trọng, còn
Thầy thì khiêm nhượng là thể nào. Vì vậy mà nhiều kẻ
môn đệ cho Thầy là nhỏ.
Hạnh khiêm nhượng là hạnh của mỗi đứa con phải noi
gương Thầy mới độ rỗi thiện hạ đặng . . . "
Thánh Ngôn dạy tại Vĩnh Nguyên Tự, chùa Minh
Đường, Cần Giuộc :
" Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã,
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã,
Gia Tô Giáo Chủ thị Ngã,
Kim viết Cao Đài Bồ Tát Ma Ha Tát."
Thánh Ngôn ngày 25 tháng 2 lang sa năm 1926:
" Trọng Ni (Khổng Phu Tử) là Văn Xương Tiên hạ trần
đặng thừa mạng Thầy làm Chưởng giáo Nhơn Đạo, lo
xong phận sự thì Thầy đến độ hồi cựu vị."
Trong mấy lần giáng thế hóa thân truyền Đạo,
Ngọc Hoàng Thượng Đế đều có để lời tiên tri
rằng :
"Ngày kia sẽ có một nước nhỏ nhen trong vạn quốc mà
đặng làm chủ nền Chơn đạo Ta."
Trong Sám truyền và Phật Tông Nguyên Lý đều
có ghi lời tiên tri ấy.
Chúng ta nên nghĩ, tiếc cho Phật đạo và Tiên
đạo đã khai từ thuở mới tạo Thiên lập Địa, nay
càng ngày càng xem tựa hồ như nền Chơn đạo
đã biến dời, lần lần xa nguồn Chánh giáo. Ngoái
lại coi Thánh Đạo gọi Gia Tô mới lập trong hai
ngàn năm nay mà Thánh quyền cao thượng là
dường nào.
Song, mọi việc chi cũng hữu chung hữu thỉ, có
tạo Thế tức là có Tận Thế. Cái tận tức là cuối
cùng, mà hễ cuối cùng chẳng dứt thí phải qui
nguyên lại trước nên gọi là Tuần huờn.
Ngày nay là buổi tuần huờn Đại Đạo, Thiên Địa
hoằng khai, Ngọc Hoàng Thượng Đế tuy chẳng
giáng sanh như mấy kỳ trước, song giáng thế
bằng huyền diệu Tiên bút, khai Đạo tại Nam
phương, hầu chuyển Phật giáo lại cho hoàn
toàn.
Có Thánh Ngôn ngày 13 tháng 3 Bính Dần rằng:
"Vốn từ trước, Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo là:
Nhơn đạo,
Thần đạo,
Thánh đạo,
Tiên đạo,
Phật đạo,
Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy Chánh giáo,
vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì
nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận
thức, thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhơn loại nghịch
lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục
nhứt. Lại nữa, trước Thầy lại giao Chánh giáo cho tay
phàm, càng ngày lại càng xa Thánh giáo mà làm ra
Phàm giáo. Thầy lấy làm đau đớn hằng thấy gần trót
mười ngàn năm, nhơn loại phải bị sa vào nơi tội lỗi,
mạt kiếp chốn A Tỳ.
Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con,
chẳng chịu giao Thánh giáo cho tay phàm nữa."
" . . . Chẳng một ai dưới thế nầy còn đặng phép nói rằng
thế quyền cho Thầy mà trị phần hồn của nhơn loại. . . . "
Tuy vân, mỗi lần giáng thế truyền Đạo thì đổi
Thánh danh khác nhau, chớ kỳ trung cũng một
Chơn linh Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Còn nay giáng thế bằng huyền diệu đặng chuyển
Phật giáo, chuyển Phật pháp, chuyển Phật tăng,
lại lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Troisième
Amnistie générale) (Đại Ân Xá lần thứ ba) thì
Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên
Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, giáo đạo Nam
phương.
Thánh Ngôn ngày 7 tháng 7 năm Bính Dần :
" Vốn từ ngày Đại Đạo bế lại, chánh quyền đều vào một
tay Chúa Quỉ. Khi Ngọc Hư Cung và Lôi Âm Tự lập pháp
Tam Kỳ Phổ Độ, Chúa Quỉ biết cơ mầu nhiệm ấy và hiểu
rõ rằng Tà quyền đã dứt, nên trước khi Thầy chưa đến
thì nó đã hiểu rõ rằng : Bề nào Thầy cũng phải chiếu y
Thánh ý Tam giáo qui nhứt mà dùng danh Cao Đài Tiên
Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, nên đã dùng danh Cao Đài
trước Thầy mà lập Tả đạo Bàng môn.
Thầy hỏi các con : Vậy chớ Tà quái nhận tên ấy là chủ ý
gì ?
. . . Lại làm cho ra rẻ rúng danh ấy để cho các con nghi
ngờ mà lánh xa Chánh giáo, như đàn Cái Khế vậy,
nhưng có một điều là nó không dám ngự nơi ngai Thầy,
tiện dùng làm một vị Tiên Ông mà thôi.
Vậy các con khi nghe nói Cao Đài nơi nầy, Cao Đài nơi
kia, đừng vội tin mà lầm mưu Tà mị."
Nội trong Thánh danh : Cao Đài Tiên Ông Đại
Bồ Tát Ma Ha Tát, chúng ta đủ hiểu rõ Thánh ý
gồm Tam giáo (Nho Thích Đạo) và Ngũ Chi Đại
Đạo cũng qui nguyên phục nhứt.
Cao Đài : Nho gọi là Đấng Chí Tôn.
Tiên Ông : là về Tiên đạo.
Đại Bồ Tát Ma Ha Tát : là về Thích giáo.
Có bài thơ giáng cơ tại Biên Hòa rằng :
Chín Trời mười Phật cũng là Ta,
Truyền đạo chia ra nhánh nhóc ba.
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ,
Thánh, Tiên, Phật đạo vốn như nhà.
Ngài đã dạy rõ rằng : Tam Kỳ Phổ Độ tuy khai
năm Dần (Nhơn sanh ư Dần) chớ kỳ trung Thiên
cơ tiền định đã lâu rồi :
Thánh Ngôn rằng :
" Vốn từ trước, trong Thiên thơ Tam Kỳ Phổ Độ nầy, nền
Chánh giáo phải có :
Nhứt Phật,
Tam Tiên,
Tam thập lục Thánh,
Thất thập nhị Hiền,
Tam thiên đồ đệ.
Chưởng quản thâu Tam giáo hiệp nhứt.
Nơi Bạch Ngọc Kinh, hơn sáu chục năm trước, chư
Thần, Thánh, Tiên, Phật thấy đại nộ của Thầy, nên ra
tình nguyện hạ thế cứu đời, Thầy coi lại bọn ấy lại làm
tội lỗi hơn kẻ phàm xa lắm. Vậy vì cớ chi, các con biết
chăng ?
Bị hàng phẩm Nhơn tước phải phù hạp với hàng phẩm
Thiên tước. Đáng lẽ Thầy cũng nên cho các con phải
chịu số phận bần hàn, mà bởi không nỡ, nên ngày nay
mới có kẻ như vậy. Thầy nói thiệt cho các con biết : Dầu
một vị Đại La Thiên Đế xuống phàm nầy mà không tu
cũng khó trở lại địa vị đặng."
Ngài hằng dạy rằng : Đạo phổ thông trễ một
ngày là một ngày hại nhơn sanh. Vậy thì trong
kỳ Phổ độ nầy là lần thứ ba, lại là lần chót, xin
chư Hòa Thượng, chư Lão thành. Chư sơn cùng
chư Chức sắc cả Tam giáo, và chư Thiện nam
Tín nữ ráng hiệp sức, cộng trí vùa giúp chung lo
chấn hưng Chơn Đạo cho hoàn toàn, hầu cứu
vớt chúng sanh thoát khỏi trầm luân khổ hải.
Có Thánh Ngôn giáng cơ ngày 27 tháng 6 năm
Bính Dần rằng :
" Thầy hằng nói cùng các con rằng : Thầy đến độ rỗi
các con là đến lập tại thế nầy một Trường thi Công quả.
Các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi trường
nầy mà đoạt thủ địa vị mình, chớ chẳng đi nơi nào khác
mà đặng đắc đạo bao giờ. Thầy lại khuyên nhủ các con
rằng : Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy
có tu mà đắc đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn
sanh còn phải bị trầm luân nơi khổ hải, chưa thoát khỏi
luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi.
Nay tuy các con chẳng thấy đặng hành vi mầu nhiệm
mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin
nơi Thầy mà cho rằng lời dạy của Thầy là chơn thật.
Nếu các con đợi đến buổi chung qui, hồn ra khỏi xác,
mới thấy cơ mầu nhiệm đặng, thì chừng ấy đã muộn rồi.
"
Chúng ta lưu ý rằng : Ngũ Chi : Minh Đường,
Minh Sư, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân cũng
đều do nơi Phật pháp mà ra, chớ nên lầm tưởng
vì chia phái mà riêng Đạo. Hễ cùng nhau một
Đạo tức là con một CHA, phải thương yêu nhau,
vùa giúp nhau, tình đồng cốt nhục vậy.
Từ buổi bế Đạo, tu nhiều thành ít, gẫm lại coi,
từ trước nơi cõi Á Đông nầy đã đặng bao nhiêu
Tiên, Phật. Chúng ta duy biết có một mình Huệ
Mạng Kim Tiên mà thôi.
Thánh Ngôn của Ngọc Đế giáng cơ tại chùa Minh
Đường Vĩnh Nguyên Tự ngày 14 tháng 7 năm
Bính Dần rằng :
"Đời Mạt kiếp nầy dữ nhiều lành ít, nếu Thầy không
chuyển pháp lại thì chưa một ai tu đặng trọn Đạo."
Ngài có giáng cơ tại Chùa Minh Đường ở Hạnh
Tông Tây ngày mồng 2 tháng 9 năm Bính Dần,
cho bài Tứ Tuyệt nầy :
Huợt địa bất tri Thánh chí tân,
Minh Thiên nhựt khí tản phong trần.
Huyền vi thế sự vô nhơn thức,
Hiệp khí bất năng hiệp diệu thần.
Theo tứ bài thi trên đây thì xét đương kim ít ai
quen thuộc đường đi nước bước mà gấm ghé
chơn vào nguồn Tiên ngọn Phật. Duy thành đạo
cùng chẳng thành đều do nơi Thiên ý, công bình
chánh trực, đại từ đại bi của Ngọc Đế ban ơn
cho chúng ta, tùy theo công quả âm chất và
công phu của chúng ta khổ hạnh hành đạo.
Thánh Ngôn hằng dạy rằng : Người đời muốn
đặng giàu có thì phải làm ra của, ấy là về phần
phàm, xác thịt; còn Thần, Thánh, Tiên, Phật
muốn đắc đạo phải có công quả.
Nếu lầm tưởng rằng bấy nhiêu Đạo lý trong Cổ
pháp Cựu luật thế tình mà đủ chiếm máy Thiên
cơ huyền vi mầu nhiệm của Đấng Tạo Hóa và
đặng phản nguyên ư nhứt Khí Hư Vô, hay là
tưởng rằng người thông thuộc kinh sám, hằng
bữa tụng cầu, lâu ngày chầy tháng mà thành
Tiên hóa Phật, thì từ cổ cập kim, quê hương
chúng ta, Tiên, Phật An Nam biết kể sao cho
xiết.
Vậy thì đâu đến đỗi Thượng Đế phải giáng trần
mà chuyển Pháp, và e khi cũng khỏi lập Tam Kỳ
Phổ Độ mà cứu vớt nhơn sanh.
Có Thánh Ngôn Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao
Đài giáng cơ tại Hội Trường Sanh Tự (Cần
Giuộc) ngày 19 tháng 4 năm Bính Dần, dạy chư
chúng sanh rằng :
" Từ trước, Ta giáng sanh lập Phật giáo gần sáu ngàn
năm thì Phật đạo Chánh truyền gần thay đổi. Ta hằng
nghe chúng sanh nói : Phật giả vô ngôn. Nay nhứt định
lấy huyền diệu mà giáo đạo chớ không giáng sanh nữa,
đặng chuyển Phật giáo lại cho hoàn toàn. Dường nầy, từ
đây chư chúng sanh chẳng tu, bị đọa A Tỳ thì hết lời nói
rằng : Phật tông vô giáo, mà chối tội nữa.
Ta nói thiệt cho chúng sanh biết rằng : Gặp Tam Kỳ Phổ
Độ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu
rỗi."
Thánh Ngôn của Thích Ca Như Lai kim viết Cao
Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát, giáng tại Hội Phước Tự
ngày 26 thánh 4 năm Bính Dần, rằng :
" Chư sơn nghe dạy :
Vốn từ Lục Tổ thì Phật giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu
công mà thành thì bất thành. Chánh pháp bị nơi Thần
Tú làm cho ra mất Chánh giáo, lập riêng pháp luật,
buộc mối Đạo Thiền.
Ta vì luật lịnh Thiên mạng đã ra, cho nên cam để vậy,
làm cho Phật tông thất chánh có trên 3 ngàn năm nay.
Vì Tam Kỳ Phổ Độ Thiên Địa hoằng khai, nơi Tây
phương Cực Lạc và Ngọc Hư Cung mật chiếu đã truyền
siêu rỗi chúng sanh.
Trong Phật Tông Nguyên Lý đã có cho hiểu trước đến
buổi hôm nay rồi, tại tăng đồ không kiếm chơn lý mà
hiểu. Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành đạo.
Ôi ! Thương thay, công có công mà thưởng chưa hề có
thưởng, vì vậy mà Ta rất đau lòng.
Ta đến chẳng phải cứu một mình chư tăng mà thôi, vì
trong thế, hiếm bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đọa
hồng trần, Ta đương lo cứu vớt.
Chư tăng, chư chúng sanh hữu căn hữu kiếp đặng gặp kỳ
Phổ độ nầy là lần chót, phải ráng sức tu hành, đừng mơ
tưởng hoài trông giả luật. . . .
Ta đến với huyền diệu nầy thì từ nay Ta cho chư tăng
dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội
rằng vì thất học mà chịu thất kỳ truyền.
Chư tăng từ đây chẳng đặng còn nói : Phật giả vô ngôn,
nữa."
Trần thế bị những sự vinh hoa phú quí hằng
làm chìm đắm biết bao nhiêu người có tiền căn
cựu phẩm, vì ham luyến hồng trần mà lạc bước
vào đường tội lỗi. Vậy thì, nay trống Lôi Âm đã
giục, chung Bạch Ngọc đã rung, xin chư Thiện
Nam Tín Nữ hồi tâm tỉnh ngộ, lo tu tâm dưỡng
tánh mà chen bước vào đường đạo đức cho kịp
thời Tam Kỳ Phổ Độ nầy. Gẫm xét cho cùng tột
rồi, chẳng vinh diệu nào cho bằng chịu khổ
hạnh nâu sồng, lập âm chất công quả hầu siêu
rỗi cho tiền bối nơi Chín Suối, chưởng đức lưu
truyền lại cháu con, ráng công phổ độ, cứu vớt
nhơn sanh khỏi nơi trầm luân khổ hải, và chính
mình đặng cải tà qui chánh, thoát kiếp luân hồi,
ấy là sở hành cao thượng vô cùng.
Có bài thi giáng cơ rằng :
Tu như cỏ úa gặp mù sương,
Đạo vốn cây che mát mẻ đường.
Một kiếp muối dưa muôn kiếp hiển,
Đôi năm mệt nhọc vạn năm bường.
Có Thần nuôi nấng Thần càng mạnh,
Luyện Khí thông thương Khí mới tường.
Nhập thể lòng trong gìn tịnh mẫn,
Nguồn Tiên ngọn Phật mới nhằm phương.
Trong nước có nhiều Đạo mà chẳng một Đạo chi
đáng chơn chánh đặng làm gương soi cho quốc
dân, cho nên nước phải thấp, dân phải hèn,
thấp hèn cũng vì dân một nước như con một
nhà mà xem tựa hồ như phân chia ra nhiều phe
nhiều phái, kẻ đạo nầy người đạo khác, rồi kích
bác lẫn nhau.
Trời không hai mặt, Đất chẳng hai vua. Đất có
hai vua là đất giặc. Trời già hai mặt, thế ra tro.
Phải trông mong ngày sanh linh đạo đức, an cư
lạc nghiệp, cộng hưởng thái bình, trong nhà
không đóng cửa, ngoài đường chẳng lượm của
rơi.
Nay Cao Đài Thượng Đế hạ trần, dùng huyền
diệu Tiên bút, lập nền Chơn Đạo tại Nam
phương, nhập Tam Giáo lại làm một, chủ ý qui
tụ chúng sanh lại một nhà, Ngài làm CHA
chưởng quản, sẽ hội Tam Giáo nơi Thánh Thất
là nhà chung (tại Tây Ninh ngày rằm tháng 12
tới đây) xem xét kiểm duợt kinh điển mà tạo
thành Tân Luật, sự thờ phượng chế sửa theo
Tam Kỳ Phổ Độ cũng nơi ấy mà xuất hiện; nhìn
Quốc âm, tiếng An Nam làm Chánh tự mà lập
Đạo.
Từ đây, nước Nam duy có một Đạo chơn thật là
Đạo của Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài lập
ra gọi là QUỐC ĐAÏO.
Có bài thi giáng cơ rằng :
Hảo Nam bang ! Hảo Nam bang !
Tiểu quốc tảo khai Hội Niết Bàn.
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.
Thi ân tế chúng thiên tai tận,
Nhược thiệt nhược hư vạn đại an.
Chí bửu nhơn sanh vô giá định,
Năng tri giác thế sắc cao ban.
THÁNH TƯỢNG CON MẮT :
Có Thánh Ngôn dạy rằng :
" Chưa phải hồi các con rõ tại sao phải vẽ Thánh Tượng
Con Mắt mà thờ Thầy, song Thầy cắt nghĩa cho hiểu
chút đỉnh :
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả Ngã dã.
Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị
bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy, duy Thầy cho Thần hiệp
Tinh, Khí đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu
phàm nhập Thánh."
SỰ THỜ PHƯỢNG chế sửa theo
Tam Kỳ Phổ Độ nơi Thánh Thất Tây Ninh :
Thánh Ngôn ngày 12 tháng 8 năm Bính Dần dạy
rằng :
" Các con lo một trái Càn khôn, hình tròn quay như trái
đất, sơn màu xanh da trời, bề kính tâm 3 thước 3 tấc,
lớn quá, mà phải vậy mới đặng vì là cơ mầu nhiệm Tạo
Hóa trong ấy.
Cung Bắc đẩu và Tinh tú phải vẽ lên trái Càn khôn ấy.
Thầy kể Tam thập lục Thiên và Tứ Đại Bộ Châu ở không
không trên không khí, tức là không phải Tinh tú, còn lại
Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giới thì đều là Tinh
tú, tính lại là ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao, con phải
biểu vẽ lên đó cho đủ. Con dở sách Thiên văn Tây ra coi
mà bắt chước.
Tại ngôi Bắc đẩu, con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và
sao Bắc đẩu cho rõ ràng, trên vì sao Bắc đẩu, vẽ Con
Mắt Thầy.
Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai, đút trong một ngọn đèn
cho nó thường sáng, ấy là lời cầu nguyện rất quí báu
cho cả nhơn loại trong Càn khôn Thế giới đó, nhưng mà
làm chẳng kịp thì con tùy tiện làm thế nào cho kịp Đại
hội.
Khi đem trái Càn khôn ấy về, con làm một cái cốt xây,
để trái ấy lên Đại Điện, nhớ day Con Mắt ra ngoài, rồi
con lại lên tượng Phật Thích Ca, Lão Tử, và Khổng Tử
mà để dựa dưới; kế ba vị ấy là Quan Thế Âm, Lý Thái
Bạch, Quan Thánh Đế; kế nữa ngay dưới Lý Thái Bạch
là Jésus de Nazareth; kế dưới Jésus là Khương Thượng
Tử Nha; còn chư Phật, Tiên, Thánh, Thần đã lên cốt thì
để dài theo dưới."
Ấy là sắp đặt sự thờ phượng tại Thánh Thất Tây
Ninh, còn các nơi Tiểu đàn, lập tran thờ tại nhà
riêng thì như vầy :
TIỂU ĐÀN : Trên thì Thánh Tượng Con Mắt, hàng
dưới thì lập đủ Ba Trấn chứng đàn trong Tam
Kỳ Phổ Độ và qui Tam Giáo nầy :
Phật thì có Quan Âm (bên mặt, ở trong ngó ra)
Tiên, Lý Thái Bạch (ở giữa, dưới tượng Thầy)
Nho, Quan Thánh Đế Quân (bên trái)
Mồng 2 tháng 7 năm Bính Dần :
Lý Thái Bạch giáng cơ :
Thái Thượng vô ngôn hữu Đạo thành,
Bạch vân hữu nhãn kiến nhơn sanh.
Kim quang đắc kiếp tu tâm thiện,
Tinh đẩu nan tri Ngã độ thành.
Quan Âm Bồ Tát giáng cơ :
Quang minh Nam hải trấn Thiền môn,
Âm cảnh năng du độ dẫn hồn.
Bồ đoàn mạc hám liên huê thất,
Tác thế tâm ưu khởi đạo tông.
Quan Thánh Đê Quân giáng cơ :
Quan thành tái kiếp Hớn triều phong,
Thánh đức mạc vong hám thế trần,
Đế thất nhứt tâm trung khí dõng,
Thanh y xích diện hảo vinh phong.
TỊCH ĐAÏO THI :
Thanh Đạo tam khai thất ức niên,
Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên.
Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.
KHAI ĐAÏO NƠI CHÁNH PHỦ :
Ngày 7 Octobre 1926, nhằm mồng 1 tháng 9
năm Bính Dần, có môn đệ Thiên phong của Đức
Cao Đài là cựu Hội Đồng Thượng Nghị Viện Lê
văn Trung tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt,
vưng lịnh Thánh Ngôn đến Khai Đạo nơi Chánh
phủ.
Trong Tờ Khai Đạo ấy có ký tên 247 chư môn đệ,
phần nhiều đều là Chức sắc Viên quan và có Nữ
phái nhiều người danh dự.
Quan Nguyên soái Nam Kỳ hoan nghinh và
khen rằng vì chữ thiện mà khuyến dân, ấy là
chủ nghĩa cao thượng.
Chúng tôi xin phô đôi lời thành thật thô sơ, chư
Hòa Thượng, chư Lão thành, chư sơn, chư Chức
sắc trong Tam Giáo và chư Thiện nam Tín nữ
xin lưu ý.
Chầy kíp đây, chúng tôi sẽ có dịp hiệp mặt mà
luận Đạo kỹ thêm nữa.
TÂN TẢ BẠCH NGỌC KINH
(Giáng cơ mồng 1 Tết năm Bính Dần)
Một tòa Thiên các ngọc làu làu,
Liền bắc cầu qua nhấp nhóa sao.
Vạn trượng then gài ngăn Bắc đẩu,
Thiên trùng nhiếp khảm hiệp Nam tào.
Chư Thần chóa mắt màu thường đổi,
Liệt Thánh kinh tâm pháp vẫn cao.
Dời đổi chớp giăng đoanh đỡ nổi,
Vững bền vạn kiếp chẳng hề xao.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét