Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Thánh Giáo Dạy Đạo Của Bát Nương Và Cao Thượng Phẩm

Đêm 11 tháng 12 năm Tân-Mão ( D.L. 7/1/1952 ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Luật-Sự Tỹ, Hưỡng.
Thơ-ký Minh.


Vô-Danh Tiên-Trưởng

Bần-Đạo xin chào chư quý vị.
Rừng Đạo-Pháp sâu xa, trí người phàm nông nổi, Bần-Đạo khuyên chư vị khá dày công đào-tạo âm dương thuần mỹ, mới rõ thấu cơ mầu. Vạn-vật hữu-hình, càn khôn vô tướng, thảy thảy chung đồng nhứt lý hư không, sắc nên không, không biến sắc. Xin chư quý vị ráng tự mình mở điểm quang-minh, còn cõi hư-linh đã giúp về hình-thức đã nhiều lắm rồi. Thoảng như đem phơi bày đủ lẽ, thì chẳng hoá ra giả-tướng hay sao?
Học một, nghiệm mười mới đựơc đó đa!
Bần-Đạo hằng mến chư quý vị, muốn đôi lời kỹ-niệm đó thôi. Còn phần giáo-hoá đã có Thượng-Phẩm Chơn-Tiên và Bát-Nương Tiên-Nữ. Bần-Đạo xin làm một bài thi:

        Thi: Nối gót Tiên-Gia ráng lần dò,
        Thầy không có bóng ráng lường lo.
        Động-đào đưa khóa tùy phương mở,
        Nét tục định thần liệu thế lo.
        Sẵn lái, sẵn buồm còn thiếu khách,
        Đủ linh, đủ phướng mãi nhiều tơ.
        Khai tâm nhờ định không vì thế,
        Tình-dục xin khuyên chớ hững-hờ.
Bần-Đạo xin lui bước.
Thăng.



Cao Thượng-Phẩm

Đêm nay Bần-Đạo giảng tiếp về Đệ-nhị xác thân.
Đệ-nhứt xác thân là vật thể hữu-hình nó nuôi dưỡng Chơn-tinh, do đó, có bốc ra chất hơi gọi là Chơn-khí. Ví dụ, một nồi nước để lên hơi vậy.
Chơn-khí ấy có một ánh sáng riêng của nó, gọi là hào-quang mà tiếng Pháp gọi là Aura. Nhờ hào-quang biến đổi hình sắc, mà nơi cõi hư-linh thấu triệt hành-tàng, tâm ý của mỗi người.
Chơn-khí là một điển-quang của thể xác bốc ra, nên nó dung-hợp với điển âm dương trong thể xác. Bỡi cớ, nó là trung gian tiếp-điển của Chơn-Thần, là của Phật-Mẫu và Chơn-Linh của Chí-Tôn. Khi thể xác bị ô-trược, thì Chơn-khí có một chất làm cho Chơn- Thần không tiếp được Nê-hườn-cung, tức là nơi phát sanh ý-chí. Còn như ý-chí xao-động, thì Chơn-khí phải xao-động, làm cho lạc điển của Chơn-Thần tiếp xuống.
Chơn-khí là một khí chất trong Đệ-Nhị xác thân, cả Chơn-khí và Chơn-Thần hiệp lại mới đủ.
Chơn-Thần là một điểm linh của Phật-Mẫu sanh ra. Chơn-Thần đến với xác thân, đặng khai trí cho con người, theo bên Phật-Giáo gọi là Giác-Hồn đó. Cả Chơn-khí và Chơn-Thần thì gọi là cái Phách; còn riêng về Chơn-Thần thì gọi là Vía đó vậy.
Chơn-Thần đến đặng giữ thể xác đặng trọn bước trên con đường tấn-hoá. Song vì bổn-chất của Chơn-Thần là Âm-quang, nên thường vì những nỗi khó-khăn của thể xác mà hay dung túng cho thể xác, được phù hạp với chất sanh của thể xác là thú-chất.
Trong mọi người đều có thất-tình lục-dục, những tình-dục ấy phát sanh ra, do nơi lục-phủ ngũ-tạng, nhưng chủ của nó là Chơn-Thần đó vậy.
Khi Chơn-Thần kềm thúc không nỗi, thì lục-dục thất-tình dấy động, làm cho Chơn-khí tiết ra một chất ô-trược, khiến cho Chơn-Thần không đến đặng, mà chế ngự được nữa. Lấy ví-dụ là một kẽ có manh tâm làm điều gian ác, khi họ khởi thi-hành công việc ấy, họ được nghe một tiếng nói vô-hình mà người ta thường gọi là lương-tâm cắn rứt. Tiếng nói ấy là của Chơn-Thần đó vậy. Song kẽ ấy cố tâm làm công làm công-việc đã suy tính, và từ đó, không còn được nghe tiếng nói của Thiêng-Liêng kia nữa. Lúc đó là Chơn-Thần không còn đến được, bỡi Chơn-khí ô-trược ngăn cản.
Khi Chơn-Thần đã bị xác thân cải ý, thì Chơn-Thần phải theo luôn xác thân ấy, đặng kiếm phương gội rửa, bỡi cớ, những người gian ác khi được lời giảng dạy về hành tàng của người thì liền đó, có một lời nói vô-hình biểu phải cải hối. Thoảng như thể xác ấy được định tỉnh, thì Chơn-Thần chế ngự luôn lục-dục thất tình, mà cải thiện cho thể xác ấy, tiếng thường gọi đó là giác-ngộ vậy.
Còn luận về tội-lỗi, thì Chơn-Thần phải luôn luôn theo thể xác, bỡi cớ khi thể xác phải chuyển kiếp đến đâu, Chơn-Thần phải theo đến đó. Khi thể xác đã mất sự sống của nó thì điển của âm dương trong thể xác bay ra cùng với Chơn-Thần. Hễ là thể xác trong sạch thì khí dương hợp với Chơn-Thần bay về cõi Thiêng-Liêng và do nơi Nê-hườn-cung là cửa. Còn thể xác ô-trược thì khí âm tiết ra hợp với Chơn-Thần mà giáng xuống vật-chất đặng chờ cơ chuyển kiếp, mà do nơi đầu ngón chân cái là cửa.
Mấy em còn điều chi không hiểu về Đệ-nhị xác thân nữa không?
Thừa-Sử Phước bạch: - Thưa Ngài, để chờ học lại.
- Được, Bần-Đạo muốn như vậy lắm.
Bần-Đạo kiếu.


Đêm 13 tháng chạp Tân-Mão ( D.L. 9/1/52 ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-sự Nhung.
Hầu-Đàn: Luật-Sự Tỹ, Du, Hưỡng.


Bát-Nương

Chị chào mấy em.
Đêm nay, chị thấy trong mấy em có sự đồng tâm cố gắng, chị mừng cho lắm đó. Về đường học hỏi, chị nhận thấy mấy em chưa được thông hiểu , bỡi vì, mấy em chưa tự mở khiếu của mấy em. Vậy chị xin để ít lời, hầu chỉ rõ phương-pháp tự khai khiếu lấy. Mỗi khi cần học hỏi điều gì, phải đem hết trí lực mà phán-đoán, tầm cho đủ mọi lẽ. Xong rồi suy gẫm lại các lẽ đã tìm ra, rồi tầm trong ấy, một lý lẽ bất di bất dịch. Khi đã nhận định rõ-ràng rồi, phải tự mình kiếm lấy câu hỏi, để tự trích-điễm lý lẽ đã tìm ra. Khi đã nhận rõ, không còn một điều có thể trích điểm nữa, thì lý lẽ ấy là đúng đó vậy.
Về phương-pháp tham-thiền nhập-định đặng kiếm hiểu huyền-bí hư-vô, cũng không ngoài phương-pháp ấy. Những người tịnh luyện mà bị sai đường lạc nẽo cũng bỡi không tầm cạn lý. Nên nhớ rằng, vô-vi và hữu-hình chỉ cách nhau có một chút màng mỏng của Đệ-Nhị xác thân mà thôi. Vì vậy, khi đã rửa sạch Chơn-khí, định được Chơn-Thần, thì khiếu huyền-quang mở hoát, đặng thấy rõ cơ huyền-vi bí-mật của Tạo-Đoan.
Mấy em nên phân biệt cho rõ tham-thiền nhập-định và xuất Chơn-Thần đó nghe! Nếu lầm lộn thì phải sanh ra loạn trí, bỡi Chơn-khí bị rung động kích thích Nê-hườn-cung. Mỗi lý lẽ gì đã tầm ra phải đi đôi với thực-tế, và không ngoài lẽ bác-ái là đúng đó. Từ xưa bị thất chơn-truyền là do lòng hám vọng mà việc tham-thiền nhập-định chỉ có một kết quả rất nông nỗi.
Một khi định thần, tức là an Chơn-khí, thì Chơn-linh sẽ đến ngay nơi Nê-hườn-cung mà mở trí, đặng hiểu biết mọi lẽ, hoặc do sự mách bảo của một đấng vô-hình, đến giúp khiếu của người định thần. Do đó, mà nhiều khi mấy em cũng tự nhận được đặc điểm ấy, mỗi khi mấy em cố tâm chú ý.
Vậy từ đây, chị khuyên mấy em khá định tâm và không nên nóng nảy, các Đấng vô-hình chỉ đến dạy cho các em bằng phương-pháp ấy mà thôi. Ngoài ra, lúc nào đoạt pháp xuất thần mới có bề dể-dãi hơn nữa.
Mấy em hãy cố gắng, kết quả không bao xa, để chị nhường cơ.
Thăng.

Cao Thượng-Phẩm

Bần-Đạo chào mấy em nam nữ.
Đêm nay, Bần-Đạo chỉ dạy về phương-pháp luyện khí, định thần của Đệ-Nhị xác thân. Chơn-khí tiết ra bỡi bảy dây oan nghiệt, mà người ta gọi là thất phách.
Phách cực âm là nơi xương cụt, phách cực dương là nơi Nê-hườn-cung, còn phách trung ương là thận.
Về dương, đặng điều động huyền-quang, có ba phách là: - Một ở tại Thượng-đình, một ở tại Trung-đình hay là nơi đầu cuống họng và đầu cuống phổi, một phách ở tại cung hỏa tức là ở tim. (Xem minh họa trang (?) - Vận hành chơn khí )
Còn về âm (Hội âm dưới âm khiếu là nơi khởi động các mạch), để khai thông thủy hỏa, thì phách ở Hạ-đình hay là Hạ-đơn-điền gọi là rún. Khi mỗi một phách lay động, khiến cho âm dương khí bất điều-hòa, mà sanh ra bịnh tật hay là làm cho Chơn-khí ô trược. Mỗi một phách có một điển-lực dương xây chuyển không ngừng, và rất mau lẹ, do đó, tiết ra một sắc hào-quang, và hấp-dẫn những điển- lực âm ở gần nó, phải xoay theo nó.
Nơi thận là chỗ chứa cả khí âm-dương gọi là thận thủy và thận hỏa đó vậy. Thường thường, bị dùng trí nhiều, mà không biết vận âm và dưỡng tinh, thì bị hỏa xông lên làm hại tim, phổi, mắt và óc. Còn như bạc nhược thì hỏa lại bị kém, mà thủy lại dồi-dào, làm cho hư ruột gan. Muốn cho khí điều hòa phải dưỡng tinh, định trí, mà vận chuyển thủy hỏa đi cho cùng châu thân, thì Chơn-khí mới trong sạch, mà định được Chơn-thần. Sự dẫn thủy hỏa ấy, gọi là vận hành Chơn-khí, mà tạo nên Hỏa-tinh (Hỏa tinh là chơn hỏa, mệnh môn hỏa. Nó trắc trở thì sanh bịnh, nguội lạnh thì chết).
Phải biết rằng, nếu để cho một trong bảy phách phải kích động, tức nhiên hỏa tam muội sẽ đốt cháy nơi đó, tức nhiên có điều hiểm nguy, có khi hại đến tánh mạng nữa.
Mấy em vẫn biết rằng, người thượng-cổ được sống lâu và khỏe mạnh, còn người hiện thời bị yếu sức khoẻ và hay chết sớm, cũng tại không biết dùng âm dương đặng điều hoà lấy thể xác.
Chơn-khí bọc lấy xác thân, do nơi bảy oan nghiệt tiết ra mà có. Muốn luyện khí, phải biết gìn-giữ bảy oan nghiệt. Khi luyện khí, phải giữ cho Thần được tịnh, không cho xao-lãng bỡi lục-dục, thất-tình. Mấy em ráng tập cho được vậy, thì sẽ được ân-huệ gội nhuần.
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.


Bài-học Bổ-túc:
Thần-Quang, trong đêm 7 tháng 5 Nhâm-Thìn.
Bài nầy, Bà Bát-Nương giáng dạy sau khóa-học, nhưng xét vì có liên-quan với bài dạy về Đệ-Nhị xác thân, nên xin ghép vào đây để tiện việc học hỏi.


----------------
Đêm 7 tháng 5 Nhâm-Thìn ( D.L. 30/5/52 ).

Bát-Nương

Chào mấy em,
Đêm nay Chị dẫn cho các em được hiểu Thần-Quang là gì.
Từ Ngôi Diêu-Trì Kim-Mẫu, xuất tích một khối Linh-quang gọi là Thần. Do nơi khối ấy, chuyển đi ra cho các Chơn-linh đặng phối hiệp với các thể-chất, mà làm nên Đệ-Nhị xác thân, ấy là Chơn-Thần đó vậy.
Do nơi Chơn-Thần diêu-động, mà phát hiện ra một Linh-quang vi chủ, ấy là Nê-hườn-cung, nói rõ hơn nữa là bộ óc đó vậy. Nhờ điển Linh-quang vận hành mà các thể-phách được vận hành, phát tiết áp-lực nuôi sống và gầy thêm trí não, cùng sự sống của con người.
Thần-Quang tức là " khiếu " đó vậy (*) .
Ánh hào-quang động tịnh rất nhiều ảnh-hưỡng cho cả Tam-thể, bỡi cớ, Thần-Quang phải điều hòa. Thuyết diệt bãn-ngã hay là diệt tình và dục, là phương điều-độ Thần- Quang khỏi quá khích động, hay quá trệ ngưng. Những người luyện-pháp bị điên cuồng, hoặc có khi phải chết là vì Thần-Quang bị khích động quá lẽ, khiến cho hỏa-tinh lên đốt cháy thần- kinh hệ và tim. Muốn giữ được điều-hòa thì chẳng nên còn tâm (*) : giận, ghét, buồn hay dục vọng. Đó là những điểm làm cho Thần-Quang bị khích động. Chớ quá suy-nghĩ, ấy là điểm làm cho Thần-Quang bị ngưng trệ.
Chỉ có vui mừng là điều phải giữ mực trung, chớ thái quá. Còn tình thương, phải đi trong khuôn viên công-chánh. Ấy là phương luyện Thần đó.
Khi đã giữ đúng mực, phải tịnh tâm, định trí. Lúc ấy là lúc phát huệ đó, mấy em hiểu chưa?
Nơi Diêu-Trì-Cung là nơi tạo hình hài cho cả vạn-linh. Nhờ đó,Thần được tịnh, Quang được minh, thì do nơi Kim-Bồn phát hiện mỗi ảnh tượng, mà chiếu sáng cho Chơn-Thần, tức là khai hoát Thiên-Môn cho giác tánh.
Các em coi lại, rồi kỳ tới cho hỏi.
Chị kiếu.
Thăng.
~~~~~~~~~~~~~
(*)Con người có cửu khiếu được Đức Chí Tôn xấp đặt có hình quẻ Thái : - Hai quẻ “Càn Khôn” phân bởi nhân trung ; - 6 khiếu trên là: 2 con mắt, 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi; - 3 khiếu dưới là: miệng, lỗ tiểu, hậu môn gom thành 9
(**) Khẩu huyết của thiền định là “Vô Tâm Đạo Dị Tầm

Đêm 15 tháng 12 năm Tân-Mão ( D.L. 11 / 1 / 52 ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Luật-Sự Hợi, Du, Hưỡng.
Thơ-Ký: Minh.


Bát-Nương

Chị chào mấy em,
Đêm nay chị giảng về Chơn-Linh. Đại-Ca nhờ chị đến giải cho mấy em, còn người chút nữa mới về dạy thêm.
Mấy em vốn hiểu Chơn-Linh là Linh-hồn do nơi Thái-Cực chiết ra. Vì đó, sự sáng-suốt của Đệ-Tam xác thân, tức là sự sáng-suốt của Chí-Tôn. Nguyên hình của Đệ-Tam xác thân là một luồng điện cấu-tạo do tế-bào mà điển-tử chỉ một âm và một dương. Luồng điện ấy vẫn hằng ở nơi Tam-Thập Lục-Thiên, và đến hiệp với Chơn-Thần đặng giúp cho Đệ-Nhị xác thân vi-chủ lấy Đệ-Nhứt xác thân của nó. Nói rõ hơn nữa là Linh-hồn điều khiển Giác- hồn, đặng chế ngự Sanh-hồn đó vậy.
Khi Đệ-Nhứt xác thân tinh khiết, Đệ-Nhị xác thân an-tịnh, thì Đệ-Tam xác thân mới đến được Nê-hườn-cung mà khai huyền-quang khiếu, thường gọi là đắc Đạo tại thế. Mỗi khi tham-thiền nhập-định được rõ thấu lý mầu, ấy là lúc Đệ-Tam xác thân đã đến. Vì lẽ đó mà các nguyên-nhân từ ngày xuống thế, bị Đệ-Nhứt xác thân lôi cuốn, Đệ-Nhị xác thân phải chuyển kiếp, làm cho Đệ-Tam xác thân bận theo giáo-hóa mà ngôi vị phải để trống.
Mỗi khi lập đủ công, tạo đủ đức rồi thì Đệ-Tam xác thân sẽ tùy theo công nghiệp mà thăng vị. Khi được trở về cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống, cả Chơn-Linh và Chơn-Thần được hiệp một mà ngự trên đài sen Tức Liên Đài, tức là công nghiệp của Sanh-hồn tạo nên. Lúc ấy gọi là hiệp nhứt qui bổn hay là đắc-vị đó vậy.
Cơ Đại ân-xá nầy do nơi Chơn-Thần được Phật-Mẫu định tĩnh sau khi được trở về, nên Chơn-Linh mới hiệp được đặng trở về ngôi vị cũ, đó là nói những Chơn-Linh không tạo được vị; nhưng được giác-ng trước ngày qui liễu. Còn nói về sự phạm ti, tùy theo nặng nhẹ mà chuyển kiếp, còn như phạm thệ thì phải đến phong-đô đặng định tĩnh Chơn-Thần.
Thừa-Sử Phước bạch: ....................?
Vẫn theo đặng giáo hóa chớ, vì vậy mà ngôi vị mới bõ trống đó. Còn như bị ngũ-lôi tru-diệt thì luồng điện của Chơn-Linh bị đánh tãng, không hiệp được với Chơn-Thần nữa, vì vậy, Chơn-Linh ấy phải xiêu lạc, chờ cơ ân-xá Phật-Mẫu ban cho Chơn-Thần lại mới được tái kiếp trả quả mà lập công.
Thừa-Sử Phước bạch: ...................?
-Đánh tãng Chơn-Thần làm cho Chơn-Linh xiêu lạc , Chơn-Thần ấy bị tãng ra và Phật- Mẫu thâu âm-quang lại. Thoảng như, bị tận đọa tam-đ��(*) � bất năng thoát tục, thì Chơn-Linh phải bị ngăn cản, không hiệp được với Chơn-Thần, làm cho Đệ-Nhị xác thân phải trở lại chuyển kiếp từ bực kim-thạch cho đến làm người, và phải chuyển trở lại đủ ba vòng mới được khởi lập công lại.
Thừa-Sử Phước bạch: - Có phải ba vòng trở lại từ bực kim-thạch không?
-Phải vậy.
Thừa-Sử Phước bạch: - Một vòng cũng đủ giác ng rồi, cần gì phải tới ba vòng?
-Bỡi phạm thệ của Thiên-Điều, chớ không phải phạm tội. Phạm tội cũng có khi bị trở về kim-thạch chớ.
Thừa-Sử Phước bạch: - Nếu phạm tội thì phạt tới thú cầm là đủ, cần gì phải tới kim-thạch?
- Cười......Kiếp hóa-nhân thì về quỉ-vị, còn kiếp nguyên-nhân phải bị đọa đày, như vậy mới sánh với quĩ-vị được chớ. Đó là luật Thiên-Điều đã định, dầu cho nguyên-nhân hay hóa- nhân cũng đồng hình phạt, lẽ công-bình là đó. Mấy em đã được rõ chưa?
Thừa-Sử Phước bạch: - Xin cho mấy em học kỹ lại.
-Phải học kỹ lại, chị đã dặn rồi đa. Mấy em cũng có mòi mệt mỏi.
Thôi chị kiếu.
Thăng.
~~~~~~~~~~~~~~~
(*) Tam Đồ : Hoả đồ bị đày ở địa ngục, Huyết đồ đầu thai làm súc sanh, Đao đồ bị ở cõi ngạ quỉ nên khó thoát tục.
Ai phạm Thiên điều đến Đức Hộ Pháp cầu khẩn, Ngài mở Huệ Quang Khiếu bằng cách học Văn kinh, nghe kinh đi cúng, tư kinh suy nghĩ những điều kinh dạy, Thiền định là tịnh luyện để chống lại Tam đồ. Nhờ hào quang Đức Hộ Pháp khai huệ quang dù ở cõi Tam Đồ cũng được giải thoát.


Tái-Cầu

Cao Thượng-Phẩm

Bần-Đạo chào mấy em,
Về Tam-Thể xác thân, các em được rõ như vậy là đủ. Còn nói về các Bí-Pháp khác, mấy em phải tự lấy trí mà kiếm hiểu. Phương-pháp kiếm hiểu, Bát-Nương đã chỉ rồi, mấy em ráng tập thì rõ được kết-quả. Cần nhứt là đừng để lục-dục thất-tình xao-động. Phải coi chừng hỏa-tinh đa!
Hỏa-tinh (*) tiếng Pháp gọi là " Calorie ", về y-học; còn " Feu Sorpent " về khoa Thần-Linh Học , nó chạy luồn theo tủy, và tiết ra bỡi các dây thần-kinh. Muốn luyện hỏa-tinh phải tịnh tâm, định trí, trụ thần mà chuyển vận, tức là lấy khí dương vào cơ thể đó vậy. Phải lấy trí mà điều-khiển nó.
Mấy em còn chỗ nào muốn hỏi, kỳ tới Bần-Đạo dạy thêm cho, rồi tiếp dạy về Bát-Hồn.
Nhớ để ý lời của Các Đấng đã để đó nghe.
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
(*) Hỏa tinh là dương khí châu lưu trong cơ thể để nuôi sống xác thân, nếu dưỡng khí tuyệt thì người tắt hơi thở


Đêm 17 tháng 12 Tân-Mão ( D.L. 31/1/52 ).
Phò-Loan: Luật-Sự Nhung, Hưỡng.
Hầu-Đàn: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Hợi, Cao.


Cao Thượng-Phẩm

Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay Bần-Đạo dẫn dạy cho mấy em được rõ thế nào là tịnh thần, định trí, và thế nào là xuất Chơn-Thần.
Mỗi khi muốn tìm hiểu một lẽ gì, hoặc về siêu-hình hay về Thể-Pháp, mà muốn được có ấn chứng của Chơn-lý, hay là của một Đấng vô-hình thì phải để tâm không Vô Tâm Đạo dị tầm, và trí phải cố theo đuổi một lý-lẽ (Lập nên 1 công án) muốn tầm ra, cần nhứt là đừng để cho tâm bị động, tức nhiên hỏa-tinh sẽ phát khởi, kích thích làm loạn não cân thì chẳng những không được ấn-chứng, mà có khi bị hại là rối loạn thần-kinh-hệ mà trở nên loạn trí hay điên cuồng.
Định thần là vậy, còn xuất Chơn-Thần là khi ngồi, giữ tâm, tịnh thần được minh mẫn, lấy trí mà khai hoát Nê-hườn-cung, cùng trong lúc ấy, phải vận-chuyển âm dương cho điều- hòa, đem luồng hỏa-tinh chạy khắp cả bảy phách, rồi định tĩnh tâm thần, được một lát thì bắt đầu thấy buồn ngủ và Thần xuất ngoại bay đi. Phương-pháp nầy phải lắm công phu, và phải giữ trọn vô-tư mới được. Chớ nên nóng nảy hám vọng mà nguy đa! Trước hết, phải rèn lòng sửa tính rồi mới luyện được.
Trong mỗi thể xác đều có bảy oan-nghiệt mà chính nó là chủ-khảo trên mặt thế đó! Vì cớ Đức Chí-Tôn đã nói rằng trong mỗi hình thể đều có quỉ, duy có thiết-giáp Đạo-bào mới ngăn nỗi mà thôi.
Bần-Đạo đã chỉ rõ các phương-pháp đặng tạo thiết-giáp ấy, mấy em khá nhớ cho lắm đa! Phải thực-hành từ lời nói, việc làm cho đến ý-chí mới mong đoạt được. Mấy em đã hiểu chưa? Còn gì muốn hỏi thì cứ hỏi.
Thừa-Sử Phước bạch: - Xin Đức Ngài dạy chi tiết về khí Thái-Cực và khí Hư-Vô.
- Khí Thái-Cực là khí sanh-quang, còn khí Hư-Vô là khí Chơn-Như đó.
Thừa-Sử Phước bạch: - Dạ còn về khí Âm Dương với khí Lưỡng-Nghi?
- Vẫn đồng một.
Thừa-Sử Phước bạch: - Có phải Hỏa-tinh là Chơn-khí không?
- Không phải. Hỏa-tinh là sức nóng của Dương-quang tạo thành. Nhờ sức nóng ấy nung nấu Chơn-tinh mới bốc thành Chơn-khí. Còn hỏi chi nữa?
Thừa-Sử Phước bạch: - Dương-quang làm thế nào vào trong thể xác được?
- Dương-quang vẫn vào trong cơ thể do dưỡng-khí, và tiết ra bỡi những điển-tử dương do bảy phách trụ lại.
Thừa-Sử Phước bạch: - Nhiều lúc tôi làm việc bằng trí, thường hỏa bốc lên nhức đầu, có phải là hỏa-tinh bốc lên không?
- Phải đó, hỏa-tinh ấy nếu không biết phép dưỡng-sanh của Bần-Đạo đã dạy thì nó sẽ làm hại cho hoặc trí, hoặc nhãn-quan, hoặc tâm, hoặc phổi. Muốn giữ trọn phép dưỡng-sanh thì ăn đừng no quá, làm đừng mệt quá, ngủ đừng nhiều quá, đi đừng mau quá, hè đừng mát quá, đông đừng ấm quá, hơi thở phải điều-hòa, ý-chí phải trong sạch, tâm phải định, lục-dục thất-tình phải cản ngăn, chỉ có vậy là được.
Thoảng như thảo-thực mà nhuốm bịnh, thì chỉ có nhịn đói uống nước chín có chút đường sẽ lành mạnh. Còn như nhục-thực thì phải cần thuốc bỡi vì hơi đc và vi-trùng phá-hoại cơ thể.
Thừa-Sử Phước bạch: - Theo Đạo như dạy nhục-thực có hại cho khi xuất thần, là chất thịt có tính cách lôi kéo điển-khí làm cho Chơn-Thần bị điển đánh tan khi nó xuất ra đi?
-Nhục-thực mà xuất thần sẽ bị các linh uỗng kiếp lôi kéo, cũng có hại là bị lôi theo âm-khí mà gặp ngũ-lôi nữa.
Thừa-Sử Phước bạch: - Làm thế nào được biết trong mình hết chất thịt trong khi đã ăn chay một thời gian?
- Cười .....Có khó chi em, lấy ví-dụ cho các em hiểu: một chiếc xe hơi chạy bằng " xăng " xấu, được nữa chừng em bỏ " xăng " ấy đi, rồi lau rữa, sửa máy và đổi " xăng " tốt vào thì máy chạy tốt ngay chớ có sao!
Thừa-Sử Phước bạch: Chúng em học luyện như vậy, có sai với Chơn-Truyền của Đạo Cao-Đài chăng?
Cười ......Mỗi khi muốn học và luyện thì phải đủ công-đức mới có kết-quả. Bần-Đạo đã dặn rồi. Mà khi đã đủ công-đức thì rõ nẽo tu-chơn, ai cũng được, đó là luyện tập cho mỗi Chơn -Thần, còn công-quả vẫn phải tiếp tục, chớ đâu có phải ngồi mà nhắm mắt đâu, mà sái chơn-truyền. Bần-Đạo dạy cho mấy em, là cốt yếu rèn cho mấy em được xứng vị đó thôi.
Luật-Sự Hưỡng bạch: - Bạch Đức Ngài, trong sách Thông-Thiên-Học có nói về cái trí, vậy xin cho biết cái trí là thế nào?
-Trí là Linh đó. Bên Thần-Linh-Học, chưa tìm rõ Chơn-Linh là thế nào. Nói cho đúng hơn là họ chỉ muốn có một nền tảng thiển-cận trong Bí-Pháp Thiền-Đạo mà thôi, còn đi đến đoạt-pháp thì chưa được hoàn-bị.
Luật-Sự Hưỡng bạch: - Chúng em coi sách về Thần-Linh-Học và Thông-Thiên-Học có bổ ích trong sự học hỏi không?
- Coi sách có ích nhưng cần phải định Thần mà nghiệm lý mới được.
Mấy em chịu khó một chút sẽ được kết-quả.
Bần-Đạo kiếu.

Tái-Cầu

Chị chào mấy em,
Chị đêm nay dạy các em đi đến con đường, mà các em đã dò lần đặng đến con đường chơn-chánh. Mấy em có để tâm đến các điều chỉ dạy đó chăng?
Các em có hiểu Chị dạy các em bữa qua rồi đó, các em cần phải ôn-nhuần. Chị căn-dặn một điều là các em còn nghĩ nhiều điều không đúng Chơn-lý, nên chi các em còn mơ hồ lắm. Các em để tâm coi lại, Chị sẽ dẫn thêm nữa.
Thừa-Sử Phước bạch: - Thưa, lương-tâm tức là Chơn-Linh, chớ đâu phải Chơn-Thần?
- Chơn-Linh đâu có lương-tâm, chỉ Chơn-Thần mới có.
Thừa-Sử Phước bạch: - Vậy Chơn-Linh lấy gì mà chế-ngự thể xác?
- Chơn-Linh chế ngự đặng gìn-giữ Chơn-Thần, do đó, mới có các đấng ám trợ.
Đến đây, đã tới giờ cúng, khi khác Chị sẽ tiếp.
Chị chào các em. Thăng.

Đêm 19 tháng 12 năm Tân-Mão ( D.L. 15/1/52 ??? (sai?) ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Luật-Sự Hưỡng, Hợi.
Thư-Ký: Minh.


Cao Thượng-Phẩm

Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay Bần-Đạo tính giải về Bát-Hồn, song nhận thấy lỡ-dở, vậy để qua năm tới sẽ tiếp tục.
Bây giờ, Bần-Đạo chỉ cho mấy em được biết về cách vận-chuyển điển-quang.
Trong mỗi thể xác đều có nhơn-điển gọi là âm-dương khí. Điển ấy chạy khắp châu thân, do nơi bảy phách vận-hành mà có. Khi điển ấy chạy trong cơ thể, tức là đem sanh lực cho lục-phủ, ngũ-tạng đặng nuôi sống xác thân.
Mỗi khi bị bịnh là do điển-quang chẳng được lưu thông khiến nên mệt nhọc. Vậy muốn vận-chuyển điển-quang trong cơ thể thì phải hoặc ngồi, hoặc nằm mà hô-hấp cho được điều hoà, chậm chừng nào hay chừng đó. Trong khi ấy, phải để tâm được tịnh, mỗi buỗi sáng, phải lấy khí dương, cũng bằng cách hô-hấp điều-hòa, nhưng đứng day mặt về đông, buổi chiều lấy khí âm, nhưng đứng quay mặt về tây.
Mấy em ráng tập cho thường như vậy trong một thời gian sẽ kết-quả. Mỗi lần độ nữa giờ là đủ.
Còn vận chuyển điển-quang của Chơn-Thần thì trong lúc ấy, phải đem hết khả năng, tư- tưởng trụ lại mà vận-hành cho khí xuất dương, nghĩa là phải định Thần vậy.
Còn muốn vận-chuyển điển-quang của Chơn-Linh, thì là phương tham-thiền nhập-định đó. Những nhà tu dụng được đệ lục giác-quan cũng nhờ phương-pháp đó rồi chuyển đi tư- tưởng.
Mấy em nếu chịu khó công-phu luyện-tập, thì ngày sau sẽ dùng nó trong việc tình báo với nhau, nghĩa là, giữa hai em xa cách có thể nói chuyện với nhau bằng Chơn-Thần mà hiểu nhau được. Cần nhứt là khi chuyển đi tư-tưởng phải đúng thời đúng khắc, tỷ như máy thu thanh và phát thanh vậy.
Bần-Đạo khuyên mấy em ráng trì chí, Bần-Đạo rất mong kết-quả.
Đêm nay như vậy là đủ, và cũng để chấm dứt bài học về Tam-Thể xác thân.
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

Đêm Cúng Tất Niên.
21 tháng chạp năm Tân-Mão ( D.L. 17/1/52 ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Hợi, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự: Tiếp,Tỹ, Hợi,Đúng,Hưởng.
Thư-Ký: Minh.


Cao Thượng-Phẩm

Bần-Đạo chào mấy em,
Đại hỷ! Mấy em tổ-chức coi long trọng quá. Khá thủ lễ, có các đấng đến chung vui. Bần-Đạo mừng thấy khoa Bí-Pháp nầy mấy em đã lãnh hội được chút ít, đó là sở vọng của Bần-Đạo. Có vậy , mấy em mấy xứng vị trong cửa Hiệp-Thiên chớ.
Chung niên Bần-Đạo để lại cho mấy em một bài thi:

      Cửa tục Động-đào để nét Tiên,
      Khai Thần định trí hiệp đưa thuyền.
      Cầu Ngân hẵn được khi mời khách,
      Kinh Ngọc ắt nên lúc chọn duyên.
      Mở nét huỳnh-cân tua sửa thế,
      Đóng đường âm-khí sắp trao nguyền.
      Chúc qua năm mới thêm phần huệ,
      Học thấu cơ mầu đến đãnh Tiên.
Bần-Đạo sẽ đem các sự học vấn của mấy em ra Đại-Hội Thiên-Triều đặng cầu xin thêm ân-huệ cho mấy em. Bần-Đạo nhượng cơ cho Anh Cả.

Tiếp-điển:

Thượng-Trung-Nhựt

Qua mừng chung mấy em.
Chung niên qua thấy mấy em mà qua tủi thân cho Cữu-Trùng Đài quá lẽ. Thương cho họ thiếu hiểu. Cuối năm, Qua chỉ mong chúc mấy em được rạng thêm danh khí, cầm đuốc huệ giữ mực Chơn-Truyền. Qua rất mong sự học hỏi nầy giúp phần hay cho mấy em đặng tầm phương dìu-dẫn bên phần xác.
Qua xin để một bài thi:

      Mừng rạng Chơn-Thần giữ trọn công,
      Đèn từ soi khắp chiếu non sông.
      Sửa đời mong có Chơn-Thần tắm,
      Đặng dẫn xác thân đến cõi bồng.
Qua xin nhượng cơ cho Thanh-Sơn Đạo-Sĩ.

Tiếp-điển:

Bạch-Vân

Đại tiếu! Đại tiếu!
Mừng chư môn-đệ cùng các em.

      Thi: Dẫn thế về Tiên có mấy tay,
      Mừng thay cửa Đạo Hiệp-Thiên-Đài.
      Đưa cờ dìu chúng qua bờ bĩ,
      Nắm kiếm độ sanh khỏi sóng tai.
      Cứu giống Lạc-Hồng còn luyến thế,
      Sửa dòng Nam-Việt lại tương lai.
      Chúc thêm bước tiến qua non Phật,
      Chiếm được chiến bào cứu nạn tai.
Có các vị Tiên-Nữ muốn nhập cơ.
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

Diêu-Trì-Cung Tiên-Nữ

Mừng mấy em,

      Văn: Hoa tươi thắm sắp mừng xuân mới,
      Đón chào Tiên đã tới Đào-Nguyên.
      Sông Ngân sắp sẵn con thuyền,
      Chờ ngày đón khách may duyên trở về.
      Cẫm-tú đấy ra bề Tiên-giới,
      Mở Thần-Quang bước tới Đào-Nguyên.
      Nắm cân giữ lấy Đạo quyền,
      Đưa thuyền Bát-Nhã độ duyên cõi trần.

      Liễu ủ nét đứng gần trúc thạch,
      Nhớ nguồn cơn muốn trách thợ trời.
      Thương dân Hồng Lạc lưng vơi,
      Trường thi đã vắng chợ đời lại đông.

      Huệ đưa hương ướp nồng thân để,
      Khóc cho người chẳng kể dân Nam.
      Chỉ lo một chước dấy tham,
      Chẳng tình bạn hữu, chẳng màng nghĩa nhân.

      Lễ nhà Nam mười phần chưa bốn,
      Bỡi Hiệp-Thiên có vốn không lời.
      Chúc mau tiến kịp cơ trời,
      Sửa hồn Việt-chủng về mười như xưa.

      Khiết tinh-ba khá ngừa bóng khuyết,
      Giữ cho tròn ấn-quyết Hiệp-Thiên,
      Mở trường đã có Chư Tiên,
      Chúc thêm tài đức giữ giềng Đài-Cao.


Bát-Nương

Chị chào mấy em,
Chị Tam-Nương và chị Tứ-Nương vắng mặt, nhờ chị kiếu lỗi. Chị xin mừng và chúc một bài thi:

      Hoa sen trong trắng có gì hơn,
      Ở chốn bùn nhơ chẳng dạ hờn.
      Chúc đến Nhâm-Thìn thêm trí cả,
      Đặng theo Liên-Bạch giúp đời chơn.
Chị mừng thấy mấy em được trọn Lễ, mấy em khá gắng thêm.
Chị lui.


Tái-Cầu:

1 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More