Cổng Chánh Môn tại Tòa Thánh Tây Ninh

Thiện Tâm Cao Đài trang Kinh Sách và Giáo Lý Cao Đài

Tòa Thánh Tây Ninh

Thiện Tâm Cao Đài trang Kinh Sách và Giáo Lý Cao Đài

Một Thời Cúng của tín đồ Cao Đài

Thiện Tâm Cao Đài trang Kinh Sách và Giáo Lý Cao Đài

Chánh Điện và Quả Càn Khôn tại Bát Quái Đài

Thiện Tâm Cao Đài trang Kinh Sách và Giáo Lý Cao Đài

Tòa Thánh Tây Ninh về Đêm

Thiện Tâm Cao Đài trang Kinh Sách và Giáo Lý Cao Đài

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp - Bí Pháp Ban Phép Lành

Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp - Bí Pháp Ban Phép Lành









Đêm nay là khởi đầu Tết, tức nhiên cả thảy chúng ta đều thêm một tuổi, gọi là năm mới, Bần đạo giảng có chuyện vui lắm, nghe tức cười lắm, nên dặn đi cho đông đặng nghe việc Bần đạo học Bí pháp của Đức Chí Tôn truyền năm Bính Dần.
Rằm tháng 10 năm Bính Dần là năm mà Đức Chí Tôn đến đặng khai đạo tại Từ Lâm Tự, tức là chùa Gò Kén, rằm tháng 10 Bính Dần mở đạo đến Tết Đinh Mão, đêm 30, có lẽ khi cũng giờ nầy, cúng đàn rồi, thì Đức Chí Tôn giáng cơ.

Bần đạo và anh Cao Thượng Phẩm phò loan cho Đức Chí Tôn đến. Đến rồi, vừa ký tên của Ngài (ký đặc biệt) cho chúng tôi hiểu. Ngài xách hai đứa đứng dậy hết, không biết làm gì, xô ra chính giữa, rồi viết trên không vậy, đoạn biểu cả con cái của Ngài đều chun ngang dưới cơ đó hết đặng Ngài ban Phép lành. Khi xong, hai đứa đứng dậy, mỗi người đều chun dưới cơ vậy hết. Hễ chun qua, Ngài vẽ gì đó không biết trên đầu mỗi người. Đó là cái huyền bí của Đại Từ Phụ, mình không hiểu gì hết. Tới chừng rồi lại kêu: "TẮC, con coi đó đặng bắt chước Thầy nghe."

Thiệt, Bần đạo không hiểu gì hết, bắt chước nhưng làm sao giáng cơ như Ngài, rồi cũng vẽ như vậy sao? Không biết mà không dám hỏi. Lâu quá rồi khi đó giáng cơ nữa, dạy nữa. Bần đạo hỏi:

- Dạ thưa Thầy, hôm Tết Thầy ban Phép lành cho cả con cái của Thầy mà Thầy biểu con coi đó đặng bắt chước, nhưng bắt chước làm sao mới được chớ? Con có thể giáng cơ như Thầy được đâu mà bắt chước?

Đức Chí Tôn cười .... Ngài mới chỉ cái bí pháp ban Phép lành là làm như vậy, và giải nghĩa. Ngài nói: cái ấn tạo CKVT là cái ấn Thái Cực với Lưỡng Nghi, nó thuộc về vô hình thể, tức nhiên về khí chất nên không hữu hình tướng, duy có cái ấn Tứ Tượng với Bát Quái, hễ hiển xuất ra rồi thì vạn linh mới xuất hiện ra. Ấy vậy, con đưa cái ấn Tứ Tượng với Bát Quái ra, con trụ cả cái nguyên khí của CKVT rồi con phân phát lên đầu mỗi đứa, vậy là ban Phép lành đó.

Nếu không nói rằng: Hễ con đưa nó lên đó, rồi nguơn pháp của con đó nó hiệp lại với huyền khí tối linh của Thầy tức nhiên là cái quyền Chí Tôn của Thầy đó, thì cả con cái của Thầy mới được hưởng cái hồng ân đặc biệt về hồn về phách và xác thịt của nó.

Nghe nói vậy, Bần đạo mới hỏi:

- Bây giờ ấn Tứ Tượng ra sao? ấn Bát Quái ra sao?

Thầy trả lời: Tay nầy để trên tay kia thành chữ thập là Tứ Tượng, rồi cái nầy có 8 cái cung của nó, tức nhiên là Bát Quái đó vậy. (Đức Hộ Pháp đưa hai tay ra làm kiểu mẫu) Rồi biểu để vậy đưa ra.

Bần đạo cũng đưa ra mà không hiểu biết, nên đưa tay ra trơ trơ mà không làm gì trong đó hết.

Ngài nói cái pháp thủ để như vầy, nhưng Bần đạo không biết làm sao. Vì tự thuở trước, Bần đạo theo đạo Thiên chúa, đâu có tin gì thứ đó. Đạo Gia Tô mà tin thứ đó đâu có được, từ nhỏ chí lớn là đại kỵ đó mà. Ngài bắt làm cái vụ nầy, Bần đạo cũng đưa ra, rồi không làm gì hết.

Sau bữa đó, Ngài thấy mỗi khi làm trật rồi Ngài lại rầy, Ngài nói: Con đưa ra cũng như không, cũng như khúc củi thôi.

- Dạ thưa Thầy, vậy chớ làm sao, con có biết đâu.

Ngài nói: Ờ, Thầy dặn con để pháp thủ như vầy.

- Đưa ra thì con cũng đưa ra chớ biết sao giờ.

Ngài nói: Con không trụ cái điển lực của con vô trong đó, trong pháp thủ của con, tức nhiên truyền thần vô đó, thì nó làm sao huy động trong CKVT đặng? Không hành chơn pháp thì có gì hy vọng đâu? Giả tỷ như máy truyền thanh thâu thanh của con hát đó chớ gì, hễ đưa nó ra, nó phải rung động mới được, là xao động cả CKVT chớ. Đàng nầy con đưa ra như khúc củi, có làm gì đâu?

Bần đạo hỏi: Truyền thần có phải như thể con phò loan phò loan hôm nọ, phải truyền thần, cơ mới lên phải không?

Ngài nói: Thì vậy chớ sao!

Hôm trước Thầy không có nói, Thầy nói chỉ có một lần thôi, dặn ban phép tới kẻ cùng đinh.

Bần đạo mới tò mò hỏi: Cái đó là sao?

Ngài nói: Không có gì. Con ngó thấy máy truyền thanh, máy thâu thanh bây giờ trước mắt đó là cho mấy con dễ hiểu. Con nói tiếng là nó có thể thâu được. Bây giờ con có thể đứng ra huy động thì cả Càn Khôn nầy nó linh động chớ gì, mà khi nào cái pháp thủ của con nó linh động thì cái chơn pháp của Thầy thiệt hiện cho cái pháp thủ của con, rồi cả khối sanh lực CKVT trụ lại đó, rồi mới đưa tay ra như vầy, con rải trên đầu của mỗi đứa thì mỗi đứa hưởng, chớ có gì đâu.

Tại Bần đạo chưa hiểu tới chỗ đó, khi hiểu được điều đó mới có làm bây giờ đây, không thôi đâu có biết đâu mà làm. Hạng nhứt là những ấn khuyết thì lúc đó là đại kỵ với Bần đạo, vì Bần đạo không ưa thứ đó. Bần đạo đâu có phải thầy phù thầy pháp gì mà ưa. Gốc là Gia Tô giáo nên Bần đạo đâu có ưa thứ đó, nhưng biểu làm thì làm.

Nhưng cái ấn mà Đức Chí Tôn đưa cho đặng ban Phép lành cho con cái của Ngài đến nay là trọng yếu hơn hết mà mai sáng đây, thì mấy người sẽ đến mừng tuổi, Bần đạo sẽ ban Phép lành cho, để tề tựu lại cho đông thiên hạ. Không biết chừng có người ngoài họ đi đâu lối đó, rồi làm bất tử, họ cũng hưởng được, cũng đỡ lắm chớ. Mình làm chuyện phước đức bất ngờ phải vậy không?

Thôi để mai rồi ban Phép lành, đêm nay nghỉ, sáng mai tựu lại cho có mặt đầy đủ rồi sẽ ban Phép lành. Nhớ à! Ai không có mặt không được hưởng thì chịu à!"

(Trích Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp tại Báo Ân Đường - Kim Biêng - Cao Miên Quốc)


 

Thuyết Đạo Của Đức Hộ Pháp


Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Tìm Hiểu Châu Thành Thánh Địa ( Phần Tiếp Theo ) hết



Tổng Luận Châu Thành Thánh Địa

Du khách tham quan Tòa Thánh, ngồi trên phi cơ nhìn xuống thấy Đền Thánh, Đền đài Dinh thự nguy nga của Đạo Cao Đài trong vùng Thánh Địa, nhà cửa san sát, đường sá thẳng tắp thênh thang, nẻo tắt đường ngang tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Bay ngang chợ Long Hoa nhìn thấy các phố bar trấn theo tứ tượng, Bát Quái, nhà lòng chợ bốn cánh, trải dài rõ ràng là một trận đồ Bát Quái. Đó là chợ chuyển thế để cho nhơn sanh vọng tưởng điều lành thì phát hiện điều lành và trái ngược lại.
 Quan kiến cảnh vật hiện tại, liên tưởng đến khoản rừng xanh rậm rạp trước kia mà sinh lòng cảm phục bậc vĩ nhân sáng tạo mà thốt nên lời: Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu hình Đài, ngoài tài tình lập giáo, Đức Ngài còn là nhà thiết kế Đô Thị đại tài trong khi trước đây vùng nầy là rừng thiêng nước độc.
Nếu ngoài Thiên mạng, dù cho có bản lỉnh siêu nhân cũng khó có thể thực hiện được cơ đồ như ngày nay. Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang là bậc kế thừa sự nghiệp chưởng quản Pháp – Đạo – Thế trong Hiệp Thiên Đài, được Đức Hộ Pháp khen tánh đức mềm dẻo, kiên nhẫn nên được ban cho quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.
Sau 14 năm kế thừa Đạo Nghiệp, Đức Ngài tuyên dương công nghiệp vĩ đại của Đức Hộ Pháp như: “Nếu không có Đức Hộ Pháp thì không có Đạo Cao Đài, đành rằng tìm ra mối Đạo đều do ba vị Hộ Pháp – Thượng Phẩm – Thượng Sanh.
Nhưng nếu không có Đức Hộ Pháp thì lập Đạo không thành vì Đức Ngài có Thiên tài đặc biệt về mặt Bí Pháp Chơn Truyền và kiên gan trì chí, chấp nhận gian khổ và chịu lưu đày để lập xong nền Đạo cho vừa lòng Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ…”
Theo bài thi mà Đức Lý Giáo Tông nói về quyền hành trong khi cầm quyền Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài của Đức Ngài như sau:

“Bắt ấn trừ yêu đã đến kỳ,
Ngọc Hư định sửa mối Thiên thi.
Cửu trùng không kế an thiên hạ,
Phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.
Thành pháp dìu đời qua nẻo khổ,
Nên công giúp thế lánh cơn nguy,
Quyền hành từ đây về tay nắm,
Phải sửa cho nên đáng thế thì.”

Đó là quyền hành Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng từ những năm Ất Hợi (1935)…

Phụ Lục
1.- Cổng Chánh Môn – Cội Bồ Đề      
2.- Thâu quyền chức Tổng Giám có hợp lệ không?       
3.- Lưỡng Long Tranh Châu hay Lưỡng Long tranh Cổ Pháp.  
4.- Lưỡng Long Tranh Cổ Pháp hay tấm bảng đại loạn.
5.- Cửa xây sai bản đồ Đạo – Cây Bồ Đề chết
6.- Cách trồng cây bồ đề         
7.- Cuộc thanh trừng ngày 20 tháng 8 năm Ất mùi (1955).        
8.- Hỏa thiêu hài cốt Thánh tông đồ     
9.- Đức Hộ Pháp tiên liệu diễn biến trong năm Canh Thìn (1940)

1.- Cổng Chánh Môn – Cội Bồ Đề

Tìm hiểu mười bốn năm kế thừa Đạo Quyền, Đức Thượng Sanh không khánh thành Cổng Chánh Môn là do nguyên nhân nào?
Ngày 10–7–1965 (Ất Tỵ), lễ đặt viên gạch đầu tiên xây Cổng Chánh Môn theo bản đồ Ty Kiến Thiết Tây Ninh, do Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước đương quyền Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài và Thiếu Tướng Lê Văn Tất tỉnh trưởng Tây Ninh chủ trì. Lúc bấy giờ có thỉnh Đức Thượng Sanh từ Saigon về dự lễ và ban Huấn Từ như sau:
“Đã từ lâu Hội Thánh có ý định kiến thiết Cửa Chánh Môn theo sự chỉ định của Đức Hộ Pháp. Mãi đến hôm nay mới có cơ hội”.
Trong bài diễn văn khai mạc cuộc lễ thì Ngài Bảo Thế đọc rằng: “Cửa Chánh Môn được xây theo bản đồ của Ty Kiến Thiết vẽ, cao 9m, ngang 54m, trên nóc có ban công chở 2 Rồng Phò Cổ Pháp.” Bản nầy được trưng bày tại địa điểm xây cất.
Thế là Diễn văn và Huấn từ hai hướng khác nhau như Đông và Tây, âm dương cách biệt; làm cho mọi người đều lưu ý tại sao lại có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như thế?
Nên buộc lòng phải tìm hiểu nguyên do cớ sự.
 Nguyên vào thời điểm Ngài Lê Bảo Thế cầm Quyền Chưởng Quản HTĐ theo bài thi được Đức Hộ Pháp giáng cho:

“Quyền uy nhờ bởi giữ Chơn Truyền,
Chưởng đức dụng Hiền mộ Thánh Tiên.
Quản quán Chúng sanh tu cội phúc,
Hiệp hòa Nhơn sĩ hưởng tiền duyên.
Thiên môn mở rộng nguyên nhân đến,
Đài nội tuyển thăng Thánh Đức lên.
Thừa thế chuyển nguy an Thánh Địa,
Mạng Trời đâu để Quỉ hành quyền”.
(Ngày 6–2–Ất Tỵ 8–3–1965).

Đức Hộ Pháp ban cho Ngài Bảo Thế nắm Quyền Chưởng Quản HTĐ và dạy rằng: “mạng Trời không để Quỉ hành quyền”, cùng lúc với Thiếu tướng Lê Văn Tất đáo nhậm Tỉnh Trưởng Tây Ninh, nhân cơ hội về ở gần với Đạo trong Tỉnh nhà. Quan Tỉnh trưởng thấy có cơ may để tiếp tục lập công với Đạo, với Hội Thánh.
Đức Hộ Pháp đã dạy các bậc tiền bối trong Ban Kiến Trúc.
Đến đây xin nói thêm: Ông Trần Văn Lành trước đây là Tá Lý thợ hồ vâng lịnh Đức Hộ Pháp đắp con Hạc trên nóc Đoạn Trần Kiều chở hai Thầy trò Tân Dân Tử và Tôn Võ Tử, day đầu vô Cung Trí Huệ có ý nghĩa đưa phàm nhập Thánh, nhưng Ông Lành lại sơ ý đắp con Hạc đầu quay xuống chợ Thiên Dương tức là chở Thánh lâm phàm. Trường hợp nầy cũng là tiền định!
Ngày nay Cổng Chánh Môn cũng không ra ngoài tiền lệ đó, nghĩa là nếu không phải Ông Trần Văn Lành cương ra lãnh làm thì trong Ban Kiến Trúc chắc rằng cũng không có người thứ hai vậy.
Vậy tiền định là gì? – Tất cả công việc xây dựng của Đạo đều phải trải qua nhiều công đoạn, như Đền Thánh phải qua bốn lượt xây dựng mới hoàn thành, Chợ Long Hoa và các Dinh Thự đều ở trong thức lệ nầy, thì ngày nay Cổng Chánh Môn vẫn phải chịu công lệ đó. Và sau đây, một ngày nào đó, con cái Đức Chí Tôn, ai có sứ mạng lập công sẽ lãnh bản đồ làm đúng theo Thánh ý.

2.- Thâu quyền chức Tổng Giám có hợp lệ không?

Quả thật một việc làm sai cả hai mặt pháp lý lẫn hành vi; bởi rằng: Huấn Lịnh của Hội Thánh Phước Thiện không đủ thẩm quyền vô hiệu hóa được Thánh Lịnh của Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài.
Việc nầy khi xảy ra mới biết rằng: Ban Kiến Trúc do Thánh Lịnh lập thành, là cơ quan biệt lập của Hiệp Thiên Đài. Hành Chánh và Phước Thiện chỉ điều hành về việc tu bổ hoặc xây dựng mà thôi. Vì linh hồn cơ quan nầy do Hội Thánh HTĐ chủ quản.
Nói rõ hơn, Ông Chơn Nhơn Lê Văn Trung Chưởng Quản Hội Thánh Phước Thiện lập Huấn Lịnh thâu hồi quyền chức của vị Tổng Giám Lê Văn Thế là bất hợp pháp, bởi Huấn Lịnh thấp hơn Thánh Lịnh.
Sau một tháng bị áp đảo ngưng quyền chức Tổng Giám, Ông Lê Văn Thế mang Thánh Lịnh số: 231/ đề ngày 20–8–1950 của Đức Hộ Pháp lập thành Ban Kiến Trúc là cơ quan biệt lập của Hiệp Thiên Đài, xuống tư thất của Đức Thượng Sanh tại Saigon để trình tấu:
Đức Thượng Sanh thấy Ngài Bảo Thế quá quyền hành động sai Thánh Lịnh của Đức Hộ Pháp, nên Ngài chuyển giao cho Bộ Pháp Chánh minh tra đủ yếu tố, Ngài liền ra Chỉ Thị số: 72/CT ngày 27–8–Ất Tỵ (DL. 20–9–1965):
                                 
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI

Kính gởi:         Hiền huynh Bảo Thế 
                       Hiền huynh Đầu Sư.
Tham chiếu: V/v Chưởng Quản Phước Thiện ra Huấn Lịnh thâu hồi nhiệm vụ Tổng Giám Ban Kiến Trúc Lê Văn Thế.

Kính Quí Hiền Huynh,
Theo phúc trình minh tra số: 157/PC của Hiền huynh Hiến Pháp Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh thì vị Chưởng Quản Phước Thiện không có thẩm quyền thâu hồi nhiệm vụ của vị Tổng Giám Ban Kiến Trúc Lê văn Thế, vì chức vụ Tổng Giám ngang hàng với Giáo Hữu Cửu Trùng Đài.
Ngoài ra, chiếu theo Thánh Lịnh số: 231/TL ngày 20–8–1950 của Đức Hộ Pháp, Ban Kiến Trúc là một cơ quan công thợ biệt lập chịu dưới quyền điều khiển của vị Tổng Giám và đặt dưới hệ thống của Cửu Trùng Đài và Phước Thiện để tạo tác hoặc tu bổ các cơ sở trong châu vi Tòa Thánh.
Nếu vị Tổng Giám nầy không làm tròn phận sự hoặc không tuân lịnh thượng cấp thì tùy trường hợp, bên Hành Chánh hay bên Phước Thiện phúc báo lên Hội Thánh HTĐ để nội vụ được giao qua Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ rồi Hội Thánh HTĐ mới quyết định sau.
Vậy xin Quí Hiền huynh ra lịnh cho các cơ quan dưới quyền trực thuộc của mình thi hành theo đề nghị của Bộ Pháp Chánh, gồm hai khoản dưới đây:
1. Quyền chức của vị Tổng Giám Lê Văn Thế vẫn giữ như cũ.
2. Ngưng công cuộc tạo tác những Thánh Thất và Đền Thờ Phật Mẫu trong các Phận Đạo (chiếu theo lời phê của Đức Hộ Pháp và Quyết nghị của Hội Nhơn Sanh năm Giáp Thìn (1964).)
Những Thánh Thất, Đền Thờ Phật Mẫu cất lỡ rồi, Hội Thánh sẽ tùy nghi sửa đổi cho hợp thời và hợp lệ.
                                                                                 Nay kính       
                                                                      Ngày 25 tháng 8 Ất Tỵ
                                                                         (DL 20 – 9 – 1965)
                                                                             Thượng Sanh
                                                                                 (Ấn Ký)

3.-  Lưỡng Long Tranh Châu hay Lưỡng Long tranh Cổ Pháp.

Hãy nhìn vào Bát Quái Đài Đền Thánh sẽ thấy việc làm của Đức Chí Tôn qua sự thực hiện của Đức Hộ Pháp. Rồng Bạch đang chầu Bát Quái Đài, mình thẳng, đầu day ra ngoài; đó mới gọi rằng Phục Long, Rồng chầu Bát Quái.
Vì bản chất của Rồng là Long năng biến hóa
Nơi cổng Chánh Môn lại đắp hình Rồng mình uốn khúc, đầu day vô và hả miệng chực nuốt Cổ Pháp. Ấy là Rồng Tranh Cổ Pháp, bảo sao Đạo không loạn…
Hình dáng Rồng kiểu đó là Lưỡng Long Tranh Châu.

4.- Lưỡng Long Tranh Cổ Pháp hay tấm bảng đại loạn.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, số Trời định Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc. Nên Bình Linh Đại Hội Tam Giáo Thánh Nhân, cho Hải Triều Thánh Nhơn dẫn các Động Chơn Nhơn xuống giúp Tần Thủy Hoàng gồm thâu thiên hạ trong sáu nước: Yên, Tề, Sở …
Phần Liễu Nhứt Chơn Nhơn, Ngài cũng có sứ mạng quân âm thầm trung và hiếu nghĩa đối với hai nước Yên Bang cùng Tề Quốc. Thế nên khi quân Tần đến hai nước Yên, Tề thì bị sự kháng cự của Liễu Nhứt Chơn Nhơn làm cho binh Tần thua chạy cuốn cờ, xếp giáp, các Động Chơn Nhơn cũng đành thất thủ trước binh pháp của họ Tôn.
Vì thế nên Hải Triều Thánh Nhơn phải giáng lâm thành Lâm Tri nước Tề đấu phép cùng Tôn Tẩn. Trận thách đấu xảy ra giữa Tiên Thánh và Chơn Thánh vô cùng ác liệt. Muốn sớm kết thúc trận chiến dành phần thắng lợi về mình, Hải Triều Thánh Nhơn phải sử dụng phép báu “Định Hỏa Châu” định sát hại đối phương.
Song, gặp Liễu Nhứt Chơn Nhơn đâu phải dễ thua, Ngài biết “Hỏa Châu” là phép nhiệm mầu cũng giống như Tảng Thiên Tiển, phải có Rồng mới giữ được, hầu phá phép của đối phương. Ngài liền quăng gậy Trầm Hương hóa thành Rồng ngăn đón Hỏa Châu. Nhưng phép Hỏa Châu rất nhiệm, một Rồng không ngăn đón được Hỏa Châu, Ngài liền quăng thêm một cây gậy Trầm Hương nữa liền hóa thành hai Rồng vùng vẫy, nhào lộn đón ngăn, mình uốn khúc, há miệng phun lửa, ngăn cản không cho hỏa Châu rơi xuống làm hại Tôn Tẩn được. Buộc Hải Triều phải thâu phép Hỏa Châu lại vì không còn tác dụng.
Sự thể là như thế, từ sự tích đấu phép nầy mà sự tích Lưỡng Long tranh châu được truyền tụng lâu đời nhiều kiếp qua hai ý nghĩa sâu sắc:
Một là nói lên phép nhiệm mầu của Hỏa Châu, nếu họ Tôn không đủ bản lãnh huyền hư thì dễ dàng bị sát hại. Mà trừ được Hỏa Châu chỉ có Rồng, mà phải hai Rồng mới giữ Hỏa Châu được. Đức tánh của Rồng là vùng vẩy biến hóa, cho nên Rồng uốn khúc há miệng là Rồng Tranh Châu.
Hai là xiểng dương đức tánh trung hiếu của Tiền Nhân họ Tôn, mặc dù đã thành Đạo lên non, nhưng Đạo hiếu trung phải trả mới vẹn đạo làm người, ấy là: “Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhơn đạo” là đấy.
Biểu tượng Rồng là hình dung sự tranh đấu, thế nên Đạo Pháp Tam Kỳ biểu thị cho Nhơn Sanh biết rằng: “Tám Rồng Bạch chầu Bát Quái, đầu day ra và mình thẳng, để trước mắt nhơn loại, hầu thấu triệt Bí Pháp nầy.”
Do sự nhầm lẫn nào đó, nay đem hình Lưỡng Long Tranh Cổ Pháp để trước Cổng Chánh Môn biểu hiện sự loạn Đạo, loạn pháp; rõ ràng rằng nền Đạo trước đó bị họ Ngô áp đảo mà Đức Hộ Pháp phải buộc miệng mà nói rằng: “Đạo ngày nay là của Ngô Đình Diệm!”
Sâu xa hơn nữa, Đức Ngài đã tiên tri trước viễn cảnh nầy bằng câu: “E sau nầy Hộ Pháp xuất ngoại, Thượng Sanh về ngự nơi đuôi (thất đầu xà) thì thất tình lục dục tự do lôi cuốn…”
Cái loạn không phương kềm chế được.
Quả thật, Cổ Pháp bị phân tranh thì Đạo phải loạn theo vai tuồng chi Thế tùng Đời cũng là hợp Thiên Thơ lắm lắm!
Đã nói là tiền định, khi cửa đã được dựng lên theo bản đồ của Đời có hai Rồng Tranh Cổ Pháp, tức là Tấm bảng ĐẠI LOẠN đã được dựng lên.
Điều quan trọng đáng nói ở đây là: khi Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước và Quan Tỉnh Trưởng Lê Văn Tất bước ra nền móng đặt viên đá đầu tiên trong buổi lễ, rồi trở lại khán đài, chưa kịp an tọa; kế có công điện khẩn của Trung ương mời Tỉnh Trưởng đải lịnh gắp. Xem công điện xong quan tỉnh trưởng kiếu từ lên xe ra về, đến Tỉnh đường thì trực thăng đã chực sẵn rước đi vội vã. Thế là từ đây chức Tỉnh trưởng được thay người khác là Thiếu tá Trung (Hồ Đức Trung).
Vể mặt Đạo, chẳng bao lâu Ngài Bảo Thế phải bàn giao chức quyền Thống Quản Hội Thánh Phước Thiện lại cho Thời Quân Chi Đạo là Ngài Khai Đạo HTĐ đảm nhận để nâng đỡ người Phước Thiện. Không những thế mà Quyền Chưởng HTĐ cũng không còn được giao cho Ngài Bảo Thế nắm trọn; Đức Hộ Pháp áp dụng thuyết danh chánh ngôn thuận: “Bảo Thế Thừa Quyền Thượng Sanh”.
Còn vị Tân Tổng Giám do Huấn Lịnh trái phép ban cho, đến khi có chỉ thị 72/CT ngày 25–8–Ất Tỵ (1965), Đức Thượng Sanh phục chức Tổng Giám Ban Kiến Trúc cho Ông Lê văn Thế, thì ông Trần văn Lành trắng tay.
Cảnh ngộ bi đát cho việc làm sai bản đồ Đạo, phải mất quyền chức đến ba người hiện tại cấp thời và sau trong vòng một tháng.
Một bài học đáng sợ.

5.- Cửa xây sai bản đồ Đạo – Cây Bồ Đề chết

Chết thiệt hay chết giả? – Câu hỏi thật thà nầy ắt có lý do.
Do cửa Chánh Môn xây theo bản đồ đời cho là đẹp, chiều cao chỉ có 9m thấp quá, xem như bánh ít xẹp, coi không được, nên Ngài Bảo Thế cho cơi thêm 2m nữa hiện thời là 11m. Đứng tại chỗ nhìn vào Đền Thánh thấy bị án bởi cây Bồ Đề, nên cùng nhau có quyết định bứng dời cây Bồ Đề vào rừng Thiên Nhiên khoản trống chỗ Thơ Viện.
Vậy từ cái sai nầy dẫn đến cái sai khác, vô cớ cây Bồ Đề bị vạ lây phải chịu chặt tàng mé nhánh, khoanh gốc và lỗ mới đã đào sẵn trong rừng Thiên Nhiên.
Điều quan trọng là vị trí trồng cây bồ Đề trước đây, tại sao Đức Hộ Pháp lại cho trồng trong sân Đại Đồng Xã, mà không trồng nơi nào khác? Biết rằng sau nầy phải dời để cất Tổ Đình. Đó là việc tương lai mai hậu.
Hiện tại thấy gì?
Nhìn cội Bồ Đề mà đau lòng, toàn thể Chức Sắc, Tín Đồ Đạo Cao Đài chứng kiến tận mắt cái chết của cây Bồ Đề.
Thấy chết đến nơi mà không cứu cũng là cái tội thiếu sự thương yêu vì giống cây quí nầy từ Tích Lan đem qua Việt Nam hiến dâng cho Đạo. Chức Sắc và Tín đồ đồng loạt dâng kiến nghị xin Hội Thánh không nên dời cây Bồ Đề đi nơi khác vì do Đức Hộ Pháp đã cho trồng tại đó.
Kiến nghị vẫn không được chấp nhận. Đồng thời có dự định mượn trực thăng câu vào rừng Thiên Nhiên. Cuối cùng có danh sách 12 người yết bảng tử thủ tại gốc cây Bồ Đề rằng: “Nếu Hội Thánh quyết định dời cây Bồ Đề thì phải bước qua 12 xác chết của chúng tôi”.
Thấy có mòi lưu huyết, máu Tín Đồ Cao Đài sắp đổ làm cho nhóm người chủ trương cảm thấy ngờn ngợn phần nào, liền nghĩ ra diệu kế: “Mượn Thánh Giáo của Đức Hộ Pháp làm lịnh”.
Vì họ thừa biết rằng nhơn sanh một lòng phục tùng mạng lịnh của Đức Hộ Pháp. Nên liền thực hiện Đàn cơ cầu Đức Hộ Pháp để “xin thẳng với Ngài dời cây Bồ Đề”.
Việc nầy quyền Thiêng Liêng đã rõ kể từ khi bắt đầu chọn bản đồ xây cửa. Nên Đức Hộ Pháp phán rằng:
“Hỏi tức là trả lời, vậy Bần Đạo cũng xin chấp thuận cho hợp tình hợp lý”.
Qua phán quyết trên, nếu xét đoán khách quan có hai điều suy diễn:
1. Nếu không xin bứng dời đi thì cứ để nguyên tại chỗ.
2. Còn nay muốn dời cây Bồ Đề đi nơi khác thì cứ làm theo ý mình.
Chuyện xảy ra đã vượt ngoài khả năng bảo thủ của số Chức Sắc, Tín đồ trung kiên phải dùng đến biện pháp tử thủ.
May thay, Hoàng Thiên bất phụ thiện tâm nhơn, bởi lòng thành thấu đến Thiên Đình, nên quyền Thiêng Liêng đã động đến Phật Giáo Saigon, liền cử Phái Đoàn đến Tòa Thánh quan sát hiện trường nhận thấy tận mắt: cây Bồ Đề bị chặt tàng khoanh gốc rồi.
Đủ chứng cứ hiển nhiên, Phái Đoàn Phật Giáo gặp Hội Thánh đề nghị một biện pháp giản đơn mà không thực hành được: “Phật Giáo chúng tôi vừa được tin Hội Thánh định dời cây Bồ Đề đi nơi khác, đó là quyền của Quí Ngài, chúng tôi không có ý kiến. Chúng tôi chỉ đề nghị với Hội Thánh cho Phật Giáo chúng tôi thỉnh lại Ngọc Xá Lợi Phật Tổ của chúng tôi trước đây từ Tích Lan đem sang Việt Nam dâng hiến cho Hội Thánh Đại Đạo cùng với cây Bồ Đề, đó là hai báu vật của Phật Giáo, khi Đức Hộ Pháp còn tại tiền tiếp nhận và cũng chính Đức Hộ Pháp trồng cây Bồ Đề với Bộ Thiên Phục Hộ Pháp, duy có lấy cái mão xuống trước lúc trồng, đó là điều quan trọng.
Ngày nay Quí Ngài quyết định dời cây Bồ Đề vì đã chặt tàng khoanh gốc rồi, nên Phật Giáo chúng tôi xin thỉnh lại Ngọc Xá Lợi Phật vì Quí Ngài không còn tôn trọng nữa”.
Thật là điều đáng tiếc xảy ra, song Quí Chức Sắc đương quyền vui lòng chấp nhận điều kiện giao trả Ngọc Xá Lợi, hẹn trong ba ngày Phái đoàn đến nhận.
Lành thay! Hạn kỳ đã đến, Phái đoàn Phật Giáo đến nhận Ngọc Xá Lợi, nhưng không có.
Tại sao? Bởi Đức Hộ Pháp đã đoán trước sự việc, nên cất giữ Ngọc Xá Lợi một nơi tôn nghiêm kín đáo, mà mắt phàm tục không làm sao trông thấy được, để diệt trừ cái nạn tai phải chết của cây Bồ Đề theo phàm ý!
Vậy thì Ngọc Xá Lợi đã cứu sống cây Bồ Đề của Phật Giáo hiến dâng, còn đứng vững sừng sững uy nghi trước Thánh Đường ngoại thể để chờ ngày Qui Nhứt Phật Pháp trong khi Thánh Đường nội tâm chưa sáng chói.
Trước trạng huống lỡ làng chua chát xót xa đó, Đại diện Hội Thánh nhận khuyết điểm không tìm Ngọc Xá Lợi để giao trả, nên buộc phải cam kết rằng: “Không còn ý định bứng dời cây Bồ Đề nữa!”.
Kết luận: Nhờ Phật Giáo khéo đòi Ngọc Xá Lợi mà cây Bồ Đề thoát nạn.
Muốn biết nhơn sanh định tử thủ để bảo vệ cây Bồ Đề đúng hay sai xin xem:

6.- Cách trồng cây bồ đề

Cây Bồ Đề và Ngọc Xá Lợi Phật Thích Ca do Đại Đức NARADA THÉRA Phó Giáo Tông Phật Giáo Tích Lan đem sang Việt Nam hiến cho Đạo Cao Đài vào ngày 15–5–Quí Tỵ (1953), được Hội Thánh Tây Ninh tiếp nhận trọng thể.
Đức Hộ Pháp thiết lễ Tiểu đàn đêm rằm tháng 5 Quí Tỵ tại Đền Thánh để thuyết minh về ý nghĩa an vị Ngọc Xá Lợi Phật và pháp lý Cây Bồ Đề.
Cây Bồ Đề được trồng vào ngày Đại Lễ Đức Quan Thánh Đế Quân nhằm ngày 24–6–Ất Mùi (1955). Sau Lễ vía, Đức Hộ Pháp và Chức Sắc Hội Thánh đồng ra sân đại Đồng Xã trước Trụ Phướng để trồng cây Bồ Đề, Đức Ngài vẫn mặc Thiên Phục Hộ Pháp, duy có lấy cái mão xuống trước khi trồng.
Khởi sự, Đức Hộ Pháp ra lịnh cho Công Viện đào một hầm sâu tới đá, xây bồn tròn từ đáy đến nền, cho đổ hơn 20 xe phân để bón cho cây, còn bồn bao quanh là ngăn rễ cây rừng Thiên Nhiên lấn đến cây Bồ Đề.
Bao nhiêu việc xây bồn, đổ phân trước sân Đại Đồng Xã vào ngày Vía Đức Dà Lam Cổ Phật, đủ nói lên rằng: Đức Hộ Pháp trồng cây Bồ Đề trước Đại Đồng thiên hạ với Thánh Đức trung cang tuyệt đỉnh, hàng Hớn bất hàng Tào của Quan Hầu đã đắc Phật Dà Lam do trung cang nghĩa khí của Ngài mà nên. Nhơn sanh nên học gương Ngài để đạt Đạo. Thứ đến tượng trưng Thể Pháp biến Bí Pháp vì tôn chỉ của Đạo là qui Tam Giáo hiệp Ngũ Chi. Cội Bồ Đề, Ngựa Phật Tổ là Pháp Giới nhà Phật, sau đây Phật Giáo nhìn nhận qui hiệp trước làm tiền đề cho Lão Giáo và Nho Giáo, đó là sự lâu dài cho mai hậu.
Lúc trồng, quí Chức sắc Hội Thánh tưởng Chức Sắc trồng, nên đến gần cây Bồ Đề. Nhưng lạ thay, Đức Hộ Pháp ra lịnh cho vị Lễ sanh Thái Thu Thanh đương quyền “Thủ lãnh Bảo Thể Quân” bưng chậu cây Bồ Đề đặt vào chỗ trồng… Chừng đó mọi người mới hiểu rằng: Đức Hộ Pháp để cho nhơn sanh trồng, mà hễ nhơn sanh trồng thì nhơn sanh có bổn phận phải gìn giữ bảo vệ cây Bồ Đề về sau.
Nói rõ hơn, Đức Hộ Pháp thị chứng cho Đại diện Nhơn Sanh là phẩm Lễ sanh trồng cây Bồ Đề trước sự hiện diện của Hội Thánh. Nếu sau nầy Chức sắc cầm quyền Hội Thánh có ý muốn bứng hoặc dời cây Bồ Đề đi nơi khác phải thông qua Hội Nhơn Sanh.
Tại sao? Vì khi vị Lễ Sanh Thái Thu Thanh đặt cây Bồ Đề xuống chỗ trồng thì Đức Hộ Pháp cầm dá xúc ba dá đất lấp vào gốc cây Bồ Đề.
Như thế hiểu theo cách trồng cây thì Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài hiệp cùng Nhơn Sanh trồng cây Bồ Đề trước Thánh Thể Đức Chí Tôn (Trời Người đồng trồng cây Bồ Đề).
Điều quan trọng cần tìm hiểu là Phật Pháp đối với Phật Tông, chớ không đơn thuần riêng cho cây Bồ Đề.
Nên hiểu rằng: Khi Nhơn Sanh đã làm hết sức mình, phải dùng đến biện pháp tử thủ vẫn không giữ được sự sống cho cây Bồ Đề. Đức Phật muốn tránh cảnh đổ máu cho Tín Đồ trung kiên, nên động đến Phật Giáo bảo vệ cây quí của Phật.
Đề tài liên hệ giữa cửa Chánh Môn mặt tiền Đền Thánh xây sai bản đồ Đạo, thay vì 36m chiều cao, thì không quan hệ còn mất gì đến cội Bồ Đề; đó là do người cầm quyền Đạo không nắm Pháp lại làm theo ý mình nên xảy ra lắm chuyện buồn vui kể trên.

7. - Cuộc thanh trừng ngày 20 tháng 8 năm Ất mùi (1955).

Trong thời gian khánh thành Tòa Thánh, nơi Văn Minh Điện trước Sân Đại Đồng Xã có xướng xuất những câu thài thi cuộc như: “Than Trách Ly Khai”… hàm ý tiên tri diễn đề ngày 20–8–Ất Mùi đến 5–1–Bính Thân, xảy ra cuộc thanh trừng do Trung Tướng Nguyễn Thành Phương mang Quân lực Quốc Gia Ngô Đình Diệm về chiếm Thánh Địa, phong tỏa Hộ Pháp Đường, bắt Chức sắc, Tín Đồ, gây hại danh thể Đạo, làm cho Đức Hộ Pháp phải lưu vong lánh nạn sang xứ Chùa Tháp (Tần Quốc) vì cuộc khủng bố của bạo quyền họ Ngô.
Trích đoạn Sớ Chung Niên Ất Mùi:
Về Cuộc thanh Trừng:
“…Năm Ất Mùi là năm Đạo trải qua nhiều trạng thái vui buồn lẫn lộn, lắm cảnh hiệp tan pha màu, khiến cho Hội Thánh phải lắm công nhọc trí xoay trở thuận chiều, hầu trấn an toàn thể con cái Đức Chí Tôn…”
“Bước qua tháng tám Lễ Hội Yến Diêu Trì vừa yên, cách ba ngày sau nhằm ngày 20 tháng 8 năm Ất Mùi (DL. 5/10/1955) cuộc nội biến xảy ra, Trung Tướng Nguyễn Thành Phương chủ động vào Hộ Pháp Đường là nhược điểm. Cuộc khảo đảo nhằm ngay Đệ Tử, nhưng dầu phải, dầu quấy, dầu hư, dầu nên, Đệ Tử cam hứng chịu cuộc bạo hành của Phương… làm sôi nổi cả dân cư trong vùng Thánh Địa, luôn cả các nước ngoài…”

7.1- Ngày 20–8–Ất Mùi có gì ?

QĐCĐ gởi giác thư cho Đức Hộ Pháp ngày 09–10–1955. Đức Hộ Pháp chuyển qua cho Hội Thánh mở Đại Hội các cơ quan Chánh Trị Đạo họp cùng Quân Đội giải quyết do Vi bằng ngày 28–8–Ất Mùi (DL. 13–10–1955) tại Giáo Tông Đường Tòa Thánh Tây Ninh vào lúc 10 giờ 30 phút.
Có mặt dự hội:
Hiệp Thiên Đài: Quí Ngài Thời Quân Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa.
Bảo Thế Lê Thiện Phước
Tiếp Đạo Cao Đức Trọng
Tiếp PhápTrương Văn Tràng
(Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh)
Cửu Trùng Đài: Quí Ngài Thái Chánh Phối Sư Thái Bộ Thanh.
Quí Ngài Thượng Chánh Phối Sư Thượng Sáng Thanh
Quí Ngài Thượng Ngọc Chánh Phối Sư Thượng Tước Thanh
Quí Ngài Giáo Sư Ngọc Hoài Thanh
Phước Thiện: Quí Ngài Chơn Nhơn Trịnh Phong Cương
Quí Ngài Đạo Nhơn Đỗ văn Viện.
Thượng Giáo Sĩ: Chí Thiện Trần Thạnh Mậu
Quân Đội Cao Đài: Thiếu Tướng P.TTL Lê Văn Tất (đã Quốc Gia hóa)
Quân đội: Đại tá Nguyễn Thành Danh
Thiếu Tá Võ Tòng Lục
Thiếu Tá Nguyễn Văn Ngọ
Quân đội Quốc gia Liên Minh: Trung Tá Trần Văn Trạng
Thiếu Tá Hồ Đức Trung
Cơ Thánh Vệ: Trung Tá Đỗ Công Khanh.
Sau khi mật niệm Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng, toàn hộ đồng công cử Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng chủ tọa buổi hội nầy.
Ngài Tiếp Đạo đảm nhận Chủ tọa, đứng lên cảm tạ toàn hội và đề cập vào chương trình nghị sự.
Chủ tọa: “Trước hết xin toàn hội bàn giải 10 khoản kiến nghị của Quân đội. Còn việc biến chuyển do nội dung Quân đội chủ trương mấy hôm nay, Đức Hộ Pháp có nói với tôi rằng: Đức Ngài rất bằng lòng, nhờ vậy mới có thể lược lọc được nội dung của Thánh Thể và Châu Thành Thánh Địa, tức là Quân đội đã giúp cho Đức Ngài Quốc tế hóa Thánh Địa dễ dàng hơn.
Nhưng Đức Ngài cũng than phiền rằng: Quân đội thi hành quá bạo, làm cho toàn thể Hội Thánh và Nhơn Sanh rúng động tinh thần.
Về việc giải giới Cơ Thánh Vệ, Cận Vệ Quân và Bảo An lưu động, Bảo An nội thành là điều làm rất hợp lý trong việc Quốc tế hóa đặng lấy quyền bất khả xâm phạm nơi vùng Thánh Địa.
Lại nữa, trong nội ô và ngoại ô Tòa Thánh mà có võ trang thì có thể xảy ra lắm chuyện không hay, lấy việc nọ châm chế việc kia, nên Đức Ngài không buộc tội Quân đội.
Lại nữa, từ lúc khai Đạo, Đức Chí Tôn đã nói: “Các con yếu là các con mạnh, các con nhược là các con cường”. Thể theo Thánh Giáo ấy, chúng ta phải nhận định rằng: cái yếu của chúng ta là Tình Bác Ái, rộng dung, kết lại thành một khối tinh thần vô đối, mạnh mẽ chống lại với mọi bất công, bạo lực trong xã hội đặng cứu dân, cứu nước, cứu nhơn loại đang khổ não lầm than.
Vậy thể theo chánh lý ấy, chúng ta phải hiệp tâm mà lo đại cuộc, đừng để ngoại nhơn thừa cơ châm biếm. Chúng ta là những người đã từng chịu gian lao khổ hạnh vì Đạo, thì trong tình trạng nầy chúng ta phải vững chắc tinh thần đạo đức hầu tầm giải pháp dung hòa nội bộ và giải quyết 10 khoản kiến nghị của Quân đội, để được trong ấm ngoài êm, trau sửa Thánh địa thêm phần đẹp đẽ; ấy là phương đắc sách”.
Ngài Tiếp Pháp đương quyền Chưởng Quản bộ Pháp Chánh đọc bức Giác Thơ của Quân đội gởi cho Đức Hộ Pháp, đề ngày 09–10–1955. (Đọc nguyên văn …)
Thiếu tướng Lê Văn Tất: “Trước hết, chúng ta muốn chỉnh đốn nội dung thì xin “truất quyền độc tôn của Đức Hộ Pháp”, vì Đức Ngài còn nắm quyền thống nhứt trong tay muốn phong cho ai làm gì tùy ý, không ai dám động đến hay ngăn cản được, chính Ông Giáo Sư Tuy cũng nhìn nhận như vậy. Như Ông Hiếu, cô Tranh, cô Cầm họ làm sái Chơn truyền luật pháp của Đạo mà có ai nói được đâu?”
Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa: “Việc nầy tôi đã mục kiến nhiều lần, Đức Ngài rầy mắng hai cô đó, nhưng tại họ không nghe mà thôi. Chẳng lẽ chúng ta buộc Đức Ngài phải đang tay giết con của Đức Ngài bằng pháp luật hay sao? Thử đặt chúng ta vào tình trạng đó, chúng ta cũng khổ tâm cho cơn khảo đão lắm chớ!!”
Chủ Tọa: Ngài Cao Tiếp Đạo nói: “Tôi cũng nhìn nhận như vậy, vì chính tôi cũng thấy Đức Ngài rầy hai người ấy nhiều lần”.
Thiếu tướng Lê Văn Tất: “Vậy thì chúng ta hãy giải phẫu từ vấn đề mà bàn luận và quyết định”.
Ngài Tiếp Pháp Trương văn Tràng: Đọc kiến nghị, khoản I: “bắt tất cả những người lợi dụng Đạo để bóc lột và huy hiếp nhơn sanh, những người ấy đã có hành động ly gián Đạo và quân đội, tài sản của họ phải bị tịch thu, chia cho nhơn sanh nghèo khổ. Các tội phạm phải bị trừng trị”.
Trung tá Trạng: “Việc xảy ra đã có dư luận là Liên Minh tham dự cùng Quân Đội Cao Đài, nhưng sự thật thì không có; đến khi chúng tôi nghe hiểu việc làm của QĐCĐ, chúng tôi rất tán thành; dầu sao chúng tôi cũng là Tín Đồ của Đạo, đã từng xuất thân nhờ Đạo, thì mọi biến chuyển trong Đạo chúng tôi phải quan tâm.
Hôm nay chúng tôi đến dự hội là để đưa ý kiến ấy cho Hội Thánh được rõ, còn việc bàn tính nội dung của Hội Thánh, chúng tôi không có thẩm quyền”. (Hay)
Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước: “Để việc điều tra và xử đoán các tố tụng nhơn sự hay hình sự khỏi phải phạm vào quyền hành của Chính Phủ về tư pháp, đối ngoại thì nhờ Tổng Tư Lệnh Bộ can thiệp với Thủ Tướng Chánh Phủ chánh thức hóa Thánh Địa là vùng bất khả xâm phạm, có quyền tự trị đối với Quốc tế. (Internationalité de la Région neutre avec le droit d`asile).
Còn về nội dung thì cấm cả Chức Sắc Thiên Phong từ Giáo Hữu đổ lên không được tham dự vào việc làm đời sống tư của mình nữa. Còn nói về Quân đội thì có Quân đội Quốc gia Cao Đài, Quân đội Quốc gia Liên Minh” (Lúc nầy Trình Minh Thế đã chết).
Thiếu Tướng Lê Văn Tất: “Việc Quốc tế hóa Thánh Địa là lẽ dĩ nhiên của một Châu Thị không võ trang phòng thủ, Quân đội xin đồng ý với Ngài Bảo Thế”.
QUYẾT NGHỊ:
Sau khi bàn thảo, toàn hội đồng ý tán thành: lập một Ban Thẩm vấn Hỗn Hợp có bốn cơ quan: Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài, Phước Thiện và Quân Đội gồm có Liên Minh và Cao Đài.
A. Ban nầy có quyền điều tra các tố tụng xảy ra giữa nhơn sanh và Dân sự, hình sự; có quyền hòa giải các việc thường thức trong vùng Thánh Địa.
B. Việc quan trọng, sau khi điều tra xong, Ban nầy giao cho Hội Đồng Hỗn Hợp phân xử.
C. Thành lập một Hội Công Đồng có bốn cơ quan kể trên để phân xử các hồ sơ của Ban Thẩm Vấn Hỗn Hợp giao qua, ngoài phạm vi Đạo Luật và Đạo Pháp.
Ban Thẩm vấn Hỗn Hợp và Hội Công Đồng chịu dưới hệ thống của Hội Thánh CTĐ, HTĐ và Tổng Tư lệnh Bộ Quân đội Cao Đài. Riêng bản án do Hội Công Đồng thành lập phải có sự phê chuẩn của Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh mới có hiệu lực.
(Nghỉ trưa lúc 12 giờ)
TÁI NHÓM BUỔI CHIỀU LÚC 13 GIỜ.
Chủ Tọa: Ngài Cao Tiếp Đạo: “Xin tiếp tục bàn giải về việc ly gián mà Quân đội đã nói, xin Ngài Thiếu Tướng định rõ nghĩa”.
Thiếu Tướng Lê Văn Tất: “Như bản thông tin của Hội Thánh đã rao truyền những tin tức thất thiệt nói xấu Quân đội, gây mầm ác cảm giữa Quân đội với Đạo. Xin Hội Thánh định lại để sửa đổi hình thức và nội dung Bản Thông tin cho được đầy đủ thiện chí và hợp với lẽ Đạo”.
QUYẾT NGHỊ.
Hội Thánh sẽ nghiên cứu để sửa đổi danh từ Bản Thông Tin và cách thức thông tin cho được hoàn toàn trong vòng Đạo Đức, không phô trương việc tồi tệ trong Thánh Địa cho thiên hạ biết như Bản Thông Tin đã làm rồi.
Tiếp Pháp đọc Kiến nghị khoản II;
“Giải giới và giải tán các tổ chức võ trang lỗi thời trong…
QUYẾT NGHỊ:
“Dưỡng Lão Đường đã có mầm móng sẵn, nhưng nền tài chánh của Hội Thánh còn lẩn quẩn trong vòng thiếu thốn. Lời yêu sách của Quân đội, Hội Thánh chấp nhận tùy cơ mà tiến hành.”
Ngài Tiếp Pháp đọc Kiến nghị khoản IX:
“Gấp rút xây dựng một Thánh Thất vĩ đại và kiểu mẫu tại Đô Thành Saigon Chợ Lớn, lập Ban Văn Hóa của Đạo để chỉnh đốn lại việc tuyên truyền Giáo lý của Đạo cho hợp thời, mở lớp huấn luyện Chức Sắc có khả năng, thiết lập cơ quan Truyền Giáo ngoại quốc”.
QUYẾT NGHỊ:
“Đã có Thánh Lịnh tạo lập Thánh Thất Saigon Chợ Lớn, đã biết mấy phen khởi hấn, nhưng chung qui cũng chưa thực hiện được, lý do cũng vì tài chánh.
Hội Thánh Ngoại Giáo là cơ quan truyền giáo ngoại quốc, nhưng cơ quan ấy bị thử thách mọi mặt nên phải ngưng trệ. Đã có Thánh Lịnh huấn luyện Chức sắc do Hạnh Đường đảm đương. Hạnh Đường đã có từ trước, nhưng sự huấn luyện Chức Sắc chưa có kết quả mỹ mãn, vì Đạo còn ở trong thời loạn phải chịu kham khổ mọi bề.
Hội Thánh nhìn nhận là yêu sách xứng đáng, rồi đây Hội Thánh cấp tốc thi hành việc giáo hóa. Lập một Ban Văn Hóa, Hạnh Đường phải tổ chức châu đáo hơn, cả Chức Sắc từ Lễ sanh đến Giáo Hữu đều phải có cấp bằng Hạnh Đường mới được dự cử cầu thăng”.
Ngài Tiếp Pháp đọc Kiến Nghị khoản X:
“Các nơi ăn ở của Chức sắc Nam Phái không được dùng thiếu nữ làm tùy tùng dù dưới hình thức nào”.
QUYẾT NGHỊ:
“Hội Thánh triệt để thi hành điều thứ nhất, điều thứ ba,điều thứ tư của Thánh Lịnh 33 đề ngày 14–9–Đinh Hợi (DL. 27–10–1947) áp dụng từ Chức sắc đại Thiên Phong đến Tín Đồ”.
Tạm nghỉ lúc 18 giờ 30 phút.
Tái nhóm 8 giờ 30 phút, ngày 29–8–Ất Mùi.
Chủ Tọa Ngài Cao Tiếp Đạo nói:
“Đức Hộ Pháp đã nhập tịnh, vậy các cõ quan chánh trị ðạo cứ theo Huấn Lịnh nhập tịnh của Ðức Ngài mà trọn quyền chỉnh ðốn nội bộ ðể bảo toàn Thánh Thể Ðức Chí Tôn và gieo rắc ánh sáng cho toàn nhơn sanh thụ hưởng.
Xin mở hội tiếp tục bàn giải Kiến nghị khoản thứ IV mà hôm qua đã đình lại, cho được phù hợp với Chơn truyền.”
QUYẾT NGHỊ:
“Sau kết quả bàn luận, toàn hội đồng ý mở hội Nhơn Sanh vào ngày 10–1–Bính Thân y như Hội Thánh đã định.
Chiếu Thánh Lịnh số: 675/VP–TL của Đức Hộ Pháp giao cho Tam Đầu Chế CTĐ thay quyền Đầu Sư. Toàn Hội Đồng yêu cầu Tam Đầu Chế CTĐ nắm trọn quyền Đầu Sư mà thi hành y theo Pháp Chánh Truyền chờ đến ngày Quyền Vạn Linh định đoạt.
Ghi chú: Đức Hộ Pháp đã chấp thuận giao trả quyền Đầu Sư cho Cửu Trùng Đài và giao cho HTĐ chọn người cai quản ba chi “Pháp– Đạo– Thế” y theo yêu cầu của Trung Tướng Nguyễn Thành Phương trong vi bằng phiên hội ngày 3 và 4 tháng 9 Ất Mùi tiếp theo sau.
Mục Linh Tinh:
 Thiếu Tướng Lê Văn Tất yêu cầu Hội Thánh thay đổi vài danh từ trong thơ số: 1673/VP–HP ngày 26–8–Ất Mùi của Đức Hộ Pháp đã gởi cho Thủ Tướng Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa (Ngô Đình Diệm) để cải án Phản Đạo mà Đức Hộ Pháp đã buộc tội Quân Đội.
QUYẾT NGHỊ:
Hội Thánh và Quân Đội sẽ ra thông báo thanh minh rằng: “Những thông cáo và Hiệu triệu của cả đôi bên đã rải trong Thánh Địa từ ngày 20–8–Ất Mùi đến nay coi như thất thiệt và Hội Thánh cùng Quân Đội vẫn được giao hiếu trong tình huynh đệ như xưa nay”.
Hội giải tán lúc 12 giờ cùng ngày.
Sau 30 phút quan sát vi bằng, Trung Tướng Nguyễn Thành Phương có thái độ như sau:
Đúng 12 giờ 30 phút có thơ của Trung Tướng Nguyễn Thành Phương xin Hội Thánh tiếp tục hội nhóm vào lúc 16 giờ để ông bàn tính thêm nhiều điều bổ ích trong việc chấn chỉnh nội bộ cho được tốt đẹp hơn và đúng với Chơn Truyền của Đạo.
(Có nghĩa ông Phương không chịu cách giải quyết qua 2 ngày của Tướng Lê Văn Tất với Hội Thánh).
Buổi chiều ngày 29–8–Ất Mùi:
Từ lúc 16 giờ là phần của Nguyễn Thành Phương, diễn tiến như sau:
Đại diện Quân đội là Trung Tướng Nguyễn Thành Phương Tổng tư lệnh.
Chủ Tọa: Ngài Cao Tiếp Đạo:
“Ngài Trung Tướng có ý kiến gì giúp hay cho Hội Thánh Lưỡng Đài, xin Ngài đưa ra để chúng tôi bàn luận.”
Trung Tướng Nguyễn Thành Phương:
“Nếu chúng ta muốn chấn chỉnh toàn diện lại nội dung, tôi xin toàn hội cho phép tôi giải phẩu cho rõ rệt những điều đã xảy ra trong cửa Đạo làm cho Đạo phải ngưng trệ và phải mang tai tiếng với quyền Đời do những người thân cận của Đức Hộ Pháp đã gây ra, cùng những tài liệu mà tôi đã thâu thập được ở những người mà tôi đã bắt giữ do tự ý họ khai…”
Chủ tọa: “Việc đã qua thì để cho nó trôi qua, vậy hiện tại cần chấn chỉnh lẽ nào cho đẹp đẻ nền Đạo, xin Ngài Trung Tướng cho biết ý định”.
Trung Tướng Nguyễn Thành Phương:
“Vì vậy mà toàn thể Sĩ quan và binh sĩ trong QĐCĐ chúng tôi đều là tín đồ của Đạo, nhất định đòi Đức Hộ Pháp Phải ra Thánh lịnh rõ rệt giao trả hẳn quyền hành Đầu Sư lại cho Cửu trùng Đài và để cho CTĐ tự lựa người cầm quyền điều khiển và giao cho Thập Nhị Thời Quân HTĐ trọn quyền tự lựa người điều khiển.
Còn Đức Hộ Pháp thì xin Đức Ngài chỉ an dưỡng tinh thần và sức lực mà thôi, không tham gia vào việc Đạo hay việc Đời gì nữa cả.
Tôi nhất định trong 10 ngày kể từ nay nếu Đức Ngài không giao trả thì tôi thưa thật với Quí Ngài là tôi sẽ đăng báo tất cả sự thật và mời các Chi Phái, cùng tự ý chúng tôi điều động triệu tập Hội Nhơn Sanh đặng định đoạt…
Thoảng như về việc làm nầy mà Đức Hộ Pháp có trục xuất chúng tôi, thì chúng tôi sẽ lập thêm một “Chi Phái thứ mười ba” nữa có sao đâu.” (Cũng không sao).
“Các Đại Thiên Phong trước kia đã bị uy hiếp nhiều rồi, nên mới lập chi Phái đó”.
QUYẾT NGHỊ:
“Sau khi bàn tính, Hội Thánh quyết định để tìm phương yết kiến Đức Hộ Pháp, cầu xin Đức Ngài định đoạt, vì là quyền của Đức Ngài, nhưng xin triển hạn thêm 15 ngày”.
Tạm giải tán lúc 18 giờ.

Tái nhóm lúc 9 giờ ngày 2–9–Ất mùi. (DL. 27/10/1955)
Hiện diện dự Hội:
HTĐ: Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa
Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước
Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng
Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng
CTĐ: Ngài Quyền Thái Chánh Phối Sư Thái Bộ Thanh
Ngài Thượng Chánh Phối Sư Thượng Sáng Thanh
Ngài Ngọc Chánh Phối Sư Thượng Tước Thanh
Ngài Giáo Sư Ngọc Hoài Thanh
Nữ Phái: Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Lự
Bà Nữ Phối Sư Hương Hiếu
Phước Thiện: Ngài Chơn Nhơn Trịnh Phong Cương
Ngài Đạo Nhơn Nguyễn Văn Phú
Ngài Đạo Nhơn Đỗ Văn Viện
Thượng Giáo Sĩ: Chí Thiện Trần Thạnh Mậu
Quân đội QGCĐ: Trung Tướng Nguyễn Thành Phương
Thiếu Tướng Lê Văn Tất
Đại Tá Nguyễn Thành Danh
Thiếu Tá Nguyễn Văn Ngọ
Thiếu Tá Võ Tòng Lục
QĐ Liên Minh: Trung Tá Trần Văn Trạng
Thiếu Tá Hồ Đức Trung
Cơ Thánh Vệ: Trung Tá Đỗ Công Khanh
Buổi hội nầy, Ngài Cao Tiếp Đạo xin nhường ghế Chủ Tọa, vì bịnh sợ ngồi lâu không nổi.
Toàn hội đồng yêu cần Ngài tiếp tục ngồi ghế Chủ Tọa cho mãn Đại Hội.
Chủ Tọa: “Hôm nay ngày 29–8–Ất Mùi, Ngài Trung Tướng đã để cho chúng tôi 15 ngày đặng tầm phương giải quyết khoản thứ tư trong Bản Kiến Nghị.
Chúng tôi đã được Đức Hộ Pháp cho yết kiến và Đức Ngài vẫn bằng lòng ký tên Thánh Lịnh giao trả quyền Đầu Sư cho CTĐ và giao quyền điều khiển Hiệp Thiên Đài cho Tam Đầu Chế HTĐ. Vậy hôm nay chúng ta bàn định lại nội dung hầu chấn chỉnh lại nội bộ cho được tốt đẹp hơn”.
Trung Tướng Phương:
“Theo chúng tôi thì Đức Ngài Hộ Pháp nên trả trọn quyền cho Cửu Trùng Đài đặng Nhơn Sanh tự chọn Đầu Sư, trong lúc chờ quyền Vạn Linh định đoạt thì CTĐ tự lựa người cầm quyền cho Đài ấy.
Bên Hiệp Thiên Đài cũng vậy, xin đừng dùng Tam Đầu Chế vì không có trong Pháp Chánh Truyền, Đức Hộ Pháp giao trọn quyền cho Thập Nhị Thời Quân tự chọn người điều khiển ba chi: Pháp – Đạo – Thế, còn Đức Ngài thì trọn vẹn an tịnh không còn biết tới việc Đạo và chánh Trị, Quân sự nữa.
Còn vị Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh thì khỏi phải thay đổi vì đã có Thánh Lịnh ấn định rõ rệt. Trong Thánh Lịnh nầy cũng xin nói rõ là cả hai Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng được trọn quyền hiệp ý mà chỉnh đốn lại nền Đạo cho đúng với Pháp Chánh Truyền.
Lại nữa đừng để trong Thánh Lịnh là Quân đội Quốc gia Cao Đài, mà chỉ nói là Phương, Tất xin dâng kiến nghị mà thôi, vì chúng tôi chẳng dùng võ lực mà nói rằng Quân đội, còn Quốc gia thì không có quyền gì về nội bộ của Đạo.
Được Đức Ngài chấp thuận rồi thì chúng ta sẽ bàn tiếp.”
(Rõ ràng vâng lịnh Ngô Đình Diệm chỉ đạo, ra lịnh bắt buộc phải làm theo kế hoạch).
QUYẾT NGHỊ:
“Sau khi bàn về quyền hành của Hộ Pháp và quyền hành của Hiệp Thiên Đài, toàn hội đồng ý xin Chư Thời Quân dâng ý kiến của Trung Tướng Nguyễn Thành Phương lên Đức Hộ Pháp định…”
 Tạm nghỉ lúc 11 giờ.
Tái nhóm lúc 9 giờ 15 phút, ngày 4–9–Ất mùi (dl. 19–10–1955).
Chủ Tọa: Ngài Cao Tiếp Đạo:
“Đức Hộ Pháp đã vui lòng ra Thánh Lịnh theo ý kiến của Ngài trung Tướng, nhưng khoản nhì về việc giao quyền cho Hiệp Thiên Đài phải đề cập đến việc lập luật, sửa luật; quyền Vạn Linh phải dâng lên Hiệp Thiên Đài cho Hộ Pháp phê chuẩn đặng phù hạp với Pháp Chánh Truyền”.
Trung Tướng Phương:
“Chúng tôi muốn đừng để chi tiết vào, vì muốn để thì phải để đủ, như vậy dài dòng lắm. Nói rõ hơn nữa, nếu để có Đức Hộ Pháp phê chuẩn nấy nọ, thì chúng tôi thấy đó là một mâu thuẫn để sau khi yên sẽ dùng quyền ấy mà lên án trục xuất chúng tôi. Nếu vậy thì chúng tôi cũng xin giữ thế thủ, nếu ai có mâu thuẩn sẽ gặp lại mâu thuẩn của chúng tôi.
Ban Thẩm vấn chỉ điều tra việc đã qua, còn việc sẽ tới thì giao về Hội Thánh thi hành y như trước. Những người của Hội Thánh bị Ban Thanh trừng bắt, Quân đội sẽ giao trả liền cho Hội Thánh bảo lãnh liền sau khi Thánh Lịnh ban hành theo khoản thứ tư”.
Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa:
“Như vậy quyền hành của Hiệp Thiên Đài mới định ra lẽ nào?”
Trung Tướng Phương:
“Nếu Ngài muốn ra Thánh Lịnh như vậy, chúng tôi cũng không nói gì, nhưng xin thú thật là chúng tôi phải giữ thế thủ, nếu quyền Vạn Linh âm thầm thì thôi, nếu có điều gì mâu thuẫn với chúng tôi, chúng tôi được quyền chống đỡ và tôi không bảo đảm là giữ trọn vẻ đẹp trong cửa Đạo như đã hứa mấy hôm nay”.
Ngài Bảo Đạo:
“Xin chư Chức Sắc CTĐ Nam Nữ và Phước Thiện cho biết ý kiến”.
Ngọc Chánh Phối Sư Thượng Tước Thanh phát biểu:
“Việc nầy của Hiệp Thiên Đài, vậy xin Quí Ngài Thời Quân định, vì chúng tôi chỉ biết tuân luật mà hành quyền thôi. Nhưng chúng tôi cũng hứa giữ trọn quyền hành đúng theo Pháp Chánh Truyền, khỏi phải nhọc ḷng Đức Hộ Pháp để tay vào như trước”. (Mượn thế mà đòi quyền Đầu Sư).
Quyền Thái Chánh Phối Sư Thái Bộ Thanh: “Tôi cũng đồng ý như vậy”.
Ông Chơn Nhơn Trịnh Phong Cương: “Tôi cũng đồng ý như vậy”. (Tiếc thay không dám nói gì).
Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa:
“Đọc Pháp Chánh Truyền về khoản lập luật hay sửa luật đều phải dâng lên cho Đức Hộ Pháp cầu Chí Tôn chỉ dạy hoặc tự ý định lại” và đọc lời chú giải của Hộ Pháp.
Trung Tướng Phương:
“Vậy chúng tôi xin đứng chờ Quí Ngài thi hành và xin Hội Thánh HTĐ và CTĐ cam kết rằng: Không để Đức Hộ Pháp ra một lịnh gì nữa, hoặc quyền Vạn Linh có lập luật hay sửa luật thì phải thi hành đúng với Pháp Chánh Truyền là đủ, khỏi phải để rõ là có Đức Hộ Pháp phê chuẩn”.
(Theo ý nầy, đương sự còn biết nghe lẽ phải, khi Ngài Hồ Bảo Đạo mạnh dạn nói về luật pháp HTĐ).
Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước: Đọc tờ cam kết.
Trung tướng Phương:
“Bản cam kết nầy chúng tôi hứa sẽ thi hành đúng 10 khoản quyết nghị. Còn như Đức Hộ Pháp bằng lòng ra Thánh Lịnh y như lời tôi nói, thì khỏi phải làm cam kết gì cả, vì chúng ta giữ chữ tín làm đầu, lấy vi bằng quyết nghị của các cơ quan mà thi hành là trọn vẹn.”
Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước:
“Vậy thì chúng tôi cũng ráng chịu cực xin lên Đức Hộ Pháp một lần nữa.”
Trung tướng Phương:
“Nhưng khi chúng tôi rút hết binh lực, có bắt được liên lạc với đối phương Pháp và phiến loạn, Hội Thánh mới tính sao?”
Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước:
“Họ liên lạc cá nhân thì họ chịu tội, còn Hội Thánh cam kết rằng: Không hề tiếp xúc thầm lén với một liên lạc nào cả”.
Trung tướng Phương:
“Còn những lính không tuân lịnh giải giới, ôm súng trốn đi rồi sanh ra cướp bóc, bên chánh quyền đã giao cho Hội Thánh một tuần lễ nếu không gọi họ về, họ sẽ tảo thanh. Nếu chúng tôi rút binh hết, họ lại trở về phá rối bổn Đạo, ai chịu trách nhiệm?”
Ngài Bảo Thế:
“Hội Thánh sẽ ra thông báo theo Thánh Lịnh số 1670/VP–HP ngày 23–8–Ất Mùi, mà gọi những người còn giữ vũ khí phải đem nộp liền, hạn định đến 25101955 là ngày chót, nếu ai bất tuân sẽ buộc họ vào tội phiến loạn”.
Quyền Ngọc Chánh Phối Sư Thượng Tước Thanh:
“Theo Thánh Lịnh ấy, Đức Hộ Pháp hạn định 3 ngày cho cơ Thánh vệ và các cơ quan bán quân sự phải nộp đủ khí giới cho Đức Ngài trả cho QĐQGCĐ, nếu quá hạn định thì bộ Tư Lịnh xét bắt.
Hôm nay Bộ Tư Lịnh nói số khí giới nộp chưa đủ,ấy là họ sợ bị bắt mà trốn. Vậy Bộ Tư Lịnh ra thông báo kêu gọi họ đem súng về trả và hứa không bắt tội chi cả; được vậy thì Hội Thánh cùng ký tên chung trong tờ thông báo ấy thì họ mới đem súng về giao trả cho Bộ Tư Lịnh”.
Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng:
“Ban Thẩm vấn Hỗn hợp và Hội Công Đồng cũng không đúng với Pháp Chánh Truyền. Vậy xin giao các vụ của Ban thanh trừng đã làm về Bộ Pháp Chánh”.
Trung Tướng Phương:
“Để mọi việc được thỏa thuận, khỏi làm cam kết gì cả; xin để trong Thánh Lịnh về khoản lập luật hoặc sửa luật do quyền Vạn Linh thì Hiệp Thiên Đài phải thi hành đúng y Pháp Chánh Truyền là Hội Nhơn Sanh cứ để y như Hội Thánh đã định. Như vậy khoản thứ tư của Kiến Nghị đã giải quyết xong.
Khoản thứ nhứt: Về Hội Công Đồng và Ban Thẩm vấn Hỗn hợp không đúng với Pháp Chánh Truyền như lời Ngài Tiếp Pháp nói, thì giao về Bộ Pháp Chánh.
Khoản thứ nhì: Xin thưa rằng chúng tôi sẽ không còn canh giữ các cửa ra vô nội và ngoại ô Thánh Địa nữa. Nhưng về các đồn ở những nơi quan trọng, chúng tôi xin tạm đóng giữ cho đến ngày Chánh Phủ chính thức nhìn nhận châu vi Thánh Địa là vùng bất khả xâm phạm, để họ không còn thế xâm nhập vào Thánh Địa nữa, chừng đó chúng tôi rút binh ra khỏi 13 Phận Đạo liền.
Khoản thứ chín: Về Thánh Thất Saigon tạm dời Thánh Thất Thái Hòa về văn phòng 107 đường Trần Hưng Đạo. Còn về vụ đất mua chừng có tiền đủ sẽ chồng tiền mặt mà lấy dãy nhà ấy để nguyên đặng làm chỗ lưu trú cho Chức Sắc và bổn đạo tạm ngụ.
Chúng tôi cũng đã mua một miếng đất ở Phú Nhuận để Đức Hộ Pháp làm chủ, chừng nào việc mua bán xong sẽ định thành lập căn cứ cho bổn Đạo về tạm ngụ”.
Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước: “Xin Quân Đội Quốc Gia Liên Minh cho biết ý kiến”.
Thiếu Tá Trung:
“Bên Liên Minh chúng tôi đã thành Quân đội Quốc Gia thiệt thọ rồi, nên không thể giúp trực tiếp với Hội Thánh được, vì lý do: nay đi mai ở không nhất định. Nhưng chúng tôi đều là Tín Đồ của Đạo, thì hứa chắc là luôn luôn sẵn sàng bảo vệ bổn Đạo, giúp ích Hội Thánh và cam kết không nhúng tay vào nội bộ của các cơ quan chánh trị Đạo. Còn bây giờ, chúng tôi đặt trọn tín nhiệm nơi Hội Thánh và bộ Tư Lịnh QĐCĐ, Quí Ngài quyết nghị xong thì chúng tôi cũng tán thành đồng ý tuân theo, chớ chúng tôi không có ý kiến thảo luận gì cả”.
QUYẾT NGHỊ.
“Hội Thánh và Quân đội sẽ ra thông báo chung kêu gọi những binh sĩ đã ôm súng trốn để họ về trình diện với Bộ Tư Lệnh. Bộ Tư Lệnh cam kết không buộc tội những người trình diện.
Cấm Chức Sắc, Đạo hữu hay sĩ quan, binh sĩ không được chứa chấp hay liên lạc với những người ấy cùng với đối phương, nếu ai vi phạm sẽ bị bắt giao cho Quân đội…
 …”
Hội Thánh bảo lãnh những người của Hội Thánh đã bị Ban Thanh Trừng bắt đem về lưu giữ tại Tòa Thánh trong vùng Nội Ô.
Từ đây Quân đội không được dùng võ lực can thiệp vào nội bộ của các cơ quan chánh trị Đạo, cùng là bắt bớ Đạo hữu vô cớ, trái với quyền cư trú đã định trong Thánh Lịnh của Đức Hộ Pháp…”
Còn các khoản khác thi hành đúng theo quyết định Đại hội ngày 28–8–Ất Mùi.”
 –––––––––––––
Đến đây tạm giải tán, sẽ tái hội vào ngày 6–9–Ất Mùi, vào lúc 8 giờ 30 phút để ký Vi Bằng và thi hành Thánh Lịnh Đức Hộ Pháp ban hành theo khoản 4.
Tất cả có mặt dự hội ký tên vi bằng.
Từ hàn Vi bằng: Sĩ Tải Phạm Duy Nhung.
Lập tại Tòa Thánh, ngày 6 tháng 9 Ất Mùi
(DL. 21/10/1955)

7.2- Nhận xét cuộc thanh trừng ngày 20–8–Ất Mùi:

Ánh sáng cho thấy Bảng Kiến Nghị Gián Thập Điều tuy có oai vũ ồn ào náo nhiệt, chỉ là cái cớ để truất Đạo quyền của Đức Hộ Pháp nơi điều thứ tư là buộc phải ra Thánh Lịnh theo quyết định của Nguyễn Thành Phương, là Đức Ngài chỉ còn an tịnh, không biết tới việc Đạo, Đời nữa.
Để trả thù Chủ tịch đoàn Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất lực lượng các đảng phái CĐ, BX, HH.

 

8.- Hỏa thiêu hài cốt Thánh tông đồ

Trong ngày hỏa thiêu hài cốt các Thánh Tông Đồ, tiền khai nền Đại Đạo, tro tàn đổ xuống sông Vàm Cỏ Đông, Xá Lợi thờ tại Bát Quái Đài, có một hiện tượng kỳ bí như sau: Nguyên trước khi khai cửa Tháp, mở Liên Đài Đức Cao Thượng Phẩm ra để hỏa thiêu, thì một việc lạ trước mắt mọi người nhận thấy tất cả đồ liệm trong Liên Đài đều mục nát, duy có chiếc áo dài trắng mặc bên trong vẫn còn nguyên vẹn, không hư mục. Có lạ không?
Liền khi ấy, Đức Hộ Pháp dạy Ông Đạo Nhơn Nguyễn Thành Thôi, nhận chiếc áo Pháp nầy đem về giặt sạch sẽ rồi sắc lấy nước uống trừ bệnh thổ huyết. Ông Thôi vâng lịnh làm y theo lời Đức Thầy dạy, quả nhiên sau đó ông được hết bệnh nói trên. Và Đức Hộ Pháp còn dặn rằng: “Con cất giữ áo nầy cho kỹ lưỡng đến khi Lê Văn Thoại trở về Đạo (về nhà), thì con đem áo nầy giao cho nó.”
Vâng lời Đức Tôn Sư chỉ bảo, Ông Nguyễn Thành Thôi rất trân trọng áo Pháp nầy, bởi ông được khỏi bệnh ngặt, nên đầy lòng tin tưởng cất giữ cẩn thận chờ ngày giao lại cho ông Lê Văn Thoại.
Trước chuyện lạ lùng nầy, tưởng chưa thấy trường hợp nào xảy ra nơi thế tục. Ắt có nhiều người tọc mạch hỏi tại sao?
Tại sao thì không biết tại sao! Nhưng trước hết thấy: Áo vải mà không mục qua 26 năm thì hẳn là chuyện lạ nếu không phải là Pháp nhiệm mầu, thứ đến trị được bệnh thổ huyết cho Ông Đạo Nhơn Nguyễn Thành Thôi, thứ ba là chuyển qua cho đệ tam nhơn.
Cuối cùng vào năm Tân Hợi (1971), Ông Lê được đắc phong phẩm Hữu Phan Quân, chức vụ cầm phướng Thượng Phẩm dẫn đầu hàng Thánh Hoán Đàn trong Lễ Đại Đàn nơi Đền Thánh. Ấy là Đức Phật chỉ trước rằng: Đệ Tam nhơn Hữu Phan Quân đó, là người hầu cận Đức Thượng Phẩm, vào hàng Nhơn Thánh đối phẩm với Giáo Sư Cửu Trùng Đài.
Kể rõ điều nầy để thấy Đức Phật Hộ Pháp Di Đà cầm Pháp nền Đại Đạo, hẳn đã tiên liệu trước mọi việc Đạo, như việc: “E sau nầy có đại loạn…,” nên cho diễn ba vở tuồng: San Hậu, Anh Phụng loạn trào, Hoàng Phi Hổ đầu Châu và buồn, than, ly, tách…

9. - Đức Hộ Pháp tiên liệu diễn biến trong năm Canh Thìn (1940)

Trong năm 1940 tại Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng ủy nhiệm cho Ông Giáo Sư Thái Khí Thanh (Lâm Tài Khí) người Trung Hoa, đại diện Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh khi Đức Ngài vắng mặt và không nhìn nhận Ông Giáo Sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) là Chức Sắc Tòa Thánh Tây Ninh.
 Bởi Đức Ngài đoán trước rằng nền Đại Đạo sắp gặp khó khăn đàn áp của Thực dân Pháp, tức Đức Ngài chuẩn bị cho cuộc lưu đày nơi đảo Madagascar, nên ủy quyền giữ Đạo tại Tòa Thánh cho Ông Giáo Sư Khí là người Tàu, trương cờ Tàu lên khi Đồng Minh đến Đông Dương đảo chánh Nhật.
Nhờ đó mà Tòa Thánh được an toàn. Lúc đó có nhiều người Đạo khuyên Đức Ngài nên lánh mặt để tránh việc Pháp đến bắt lưu đày. Đức Ngài cương quyết nói: “Bần Đạo chấp nhận tử vì Đạo, chớ không chạy trốn, Bần Đạo ngồi đây chờ chúng đến bắt”. Tấm gương hy sinh cao cả của Đức Ngài mà nền Đạo còn tồn tại đến ngày nay.
Chắc rằng ngoài Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, thì không ai dám liều lĩnh gánh vác sự nghiệp lớn lao của Đạo như vậy. Điều nầy Trạng Sư Nguyễn Hữu Phương đã chứng tỏ bằng văn thư trong năm Ất Mùi (1955).
Cũng đúng vào năm 1940 nầy, Ông Giáo Sư Bảy về Nam Vang vui sống với gia đình, vì Ông được chấm dứt nhiệm vụ Giáo Sư vào ngày 30/10/1939 (giáng cấp và trục xuất), để rồi qua năm 1942 được nhà cầm quyền Pháp ở Nam vang mời ra nhận lãnh Thánh Thất Kiêm Biên với chức vụ cũ là chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo tại Phnom Penh, trong khi Hội Thánh Tây Ninh bị thực dân Pháp khủng bố nặng nề.
Với Chức trách nầy do Pháp đặc cách cho Ông, vì Ông không còn là Chức sắc của Hội Thánh Tây Ninh nữa. (Có nhiều người lầm chức Chủ Trưởng năm 1942 của ông Bảy là còn trong cửa Đạo). Mãi đến ngày 19–02–1948 (Âm lịch 10–01–Mậu Tý) ông qui, hưởng thọ 65 tuổi.

Hộ Pháp Đường ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Văn phòng (Tam thập nhứt niên)
Số: 99/HP. TL Tòa Thánh Tây Ninh
HỘ PHÁP
Chưởng Quản Nhị Hửu Hình Đài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.
Chiếu y Đạo Luật ngày 16 tháng giêng năm Mậu Dần (15–2–1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh trị Đạo cho Hộ Pháp nắm giữ cho đến ngày có Đầu Sư chánh vị.
Nghĩ vì: từ tháng 7 năm 1941 cho tới tháng 10 năm 1946, Bần Đạo bị đồ lưu nơi đảo Madagascar, ở nhà, Phối Sư Trần Quang Vinh hiệp cùng chư Chức sắc Thiên Phong Hội Thánh Cửu Trùng Đài lập Quân Đội Cao Đài tới ngày 9 tháng 3 năm 1945 đảo chánh Pháp.
Nghĩ vì: trong thời gian ấy, Việt Minh đã cướp chánh quyền, kế tiếp Pháp trở lại, làm cho Đạo phải chịu “lưởng đầu thọ địch” con cái của Đạo đã bị giết chóc một cách ác liệt, tàn nhẫn, Đạo gây thù giữa Pháp cùng Việt Minh.
Nghĩ vì: Khi Pháp trở lại, thì Phối Sư Trần Quang Vinh và Chức Sắc Thiên Phong đồng lõa cùng người, cũng đã tái lập quân Đội đặng chống Việt minh và đầu hàng Pháp, dưới quyền chỉ huy Tổng Tư Lịnh Phối Sư Trần Quang Vinh.
Nghĩ vì: các cơ thể Quân Đội đã tạo thành hiển nhiên nên Bần Đạo phải buộc mình nhìn nhận Quân Đội ấy đặng họ thi hành sứ mạng Thiêng Liêng của họ là giành quyền Thống Nhứt và Độc Lập cho nước nhà, nên phải dám đứng làm Thượng Tôn Quản Thế.
Nghĩ vì: Trần Quang Vinh đã làm Tổng Tư Lịnh Quân Đội khi Bần Đạo vắng mặt, nên Bần Đạo tấn phong cho làm chức Trung Tướng Quân Đội.
Nghĩ vì: Khi Nguyễn Văn Thành đồ mưu lật đổ quyền Tổng Tư Lịnh của Trần Quang Vinh thì Bần Đạo đã giao cả Quân Đội cho Đức Quốc Trưởng Bảo Đại xử dụng.
Nghĩ vì: Nguyễn Văn Thành khi nắm chánh quyền Tổng Tư Lệnh Quân Đội rồi lại toan mưu phản loạn, nên Bần Đạo thâu quyền lại giao cho Đại Tá Lê Văn Tất.
Nghĩ vì: Nguyễn Thành Phương nhờ Trình Minh Thế, Quân Đội Liên Minh đứng làm hậu thuẩn, đặng thâu đoạt cho kỳ đặng quyền Tổng Tư Lệnh Quân Đội với mọi mưu mô gian xảo, hàm hồ ám sát Lê Văn Tất buộc phải nhường quyền ấy lại cho nó với sự bất chấp thuận của Hội Thánh vì trong 38 vị Chức sắc Đại Thiên Phong đầu phiếu thì Nguyễn Thành Phương chỉ đặng có một mà thôi.
Nghĩ vì: Nguyễn Thành Phương và Nguyễn Thái là người ngoại Đạo, chỉ có Lê Văn Tất là con của Lê Văn Trung, Chí Thiện Hội Thánh Phước Thiện, cùng Tham mưu Quân Đội ấy đa số đều là những người không có Đạo.
Nghĩ vì: Nguyễn Thành Phương đặng Bần Đạo phong cho chức Trung Tướng đã Quốc Gia hóa hoàn toàn, mà trở lại khủng bố chiếm đoạt Tòa Thánh, bắt giam ngục Chức sắc Thiên Phong và Tín Đồ của Đạo với oai quyền của Quân Đội Quốc Gia, cùng tổ chức Ban ám sát đặng giết con cái của Đạo.
NÊN:
THÁNH LỊNH

Điều Thứ Nhứt: Cả Hội Thánh Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài, Phước Thiện, Phạm Môn cùng các cơ quan của Đạo đều tổ chức ngày kỷ niệm 20 tháng 8 âm lịch, là ngày của Nguyễn Thành Phương đã nhơn danh Quân Đội Quốc Gia về chiếm Thánh Địa.
Điều Thứ Hai: Từ đây, Đạo không coi Quân Đội, bất cứ với danh thể nào còn có chơn trong Đạo nữa.
Điều Thứ Ba: Hội Thánh Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên, Phước Thiện, Phạm Môn cùng các cơ quan khác của Đạo, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy và truyền tống cho toàn Đạo hiểu biết.
                                                KIÊM BIÊN, ngày 8 tháng 8 Bính Thân
                                                                 (DL. 12/9/1956).
                                                                      HỘ PHÁP
                                                               Ký tên và đóng dấu.
–––––––––––––––––––––––––––––––––––
Sao y nguyên văn bổn chánh Thánh Lịnh ban hành cho toàn Đạo Phước Thiện.
         Số 397/SL.                      Tòa Thánh, ngày 13 tháng 8 Bính Thân.
                                                                    (DL. 17/9/56)
Chưởng Quản Phước Thiện        Quyền thượng Thống lại Viện Phước Thiện.
           CHƠN NHƠN                                       ĐẠO NHƠN
      (ký tên và đóng dấu)                             (ký tên và đóng dấu)
  TRỊNH PHONG CƯƠNG                        NGUYỄN VĂN PHÚ
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
                                                            Trưởng Tộc Phạm Môn
                                                                    ĐẠO NHƠN
                                                              (Ký tên và đóng dấu)
                                                                 PHẠM VĂN ÚT

Giỗ Phạm Phủ từ, Huỳnh Phủ từ, Phan Phủ Từ…hiện nay cúng vào Ngày 20 tháng 8 hàng niên.
Ghi chú: Có Thánh giáo tại cung Đạo thời kỳ Đức Thượng Sanh, Ngài Khai Đạo bạch hỏi về vụ 20–tháng 8 (ngày Đạo hận thì Đức Hộ Pháp có trả lời, lúc sanh tiền, còn xác phàm thì Đức Ngài nói như vậy. Nay về Thiêng Liêng Ngài không nhắc ngày ấy nữa. Vậy có cúng thì áp dụng các lễ giỗ nào cũng được)



Chung 





Thiện Tâm Cao Đài - wedside chia sẽ miễn phí tài liệu Đạo Cao Đài !!! Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Thiện Tâm - Cao Đài Tây Ninh - Việt Nam mọi chi tiết về wedside xin chư quý hiền liên lạc theo Gmail : Thientamcaodai@gmail.com Yahoo : thientamcaodai Facebook : www.facebook.com/thientamcaodai Wedside được Phát triển bởi Anh Tuấn Cập Nhật lần cuối 2013 Copyright © Anh Tuấn 2011: 2012 : 2013 by www.thientamcaodai.com

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More