Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Tam Thánh Ký Hòa ước

Tổng quát

Định nghĩa : Tam Thánh là 3 vị Thánh, ở đây chỉ 3 vị Thánh đứng đầu Bạch Vân Động nơi cõi Thiêng liêng.
Ba vị Thánh đó là :
- Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ, hay Thanh Sơn Chơn Nhơn, đứng đầu Bạch Vân Động, mà trong kiếp giáng trần tại Việt Nam, Ngài là Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm.
- Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, mà trong kiếp giáng trần tại nước Pháp, Ngài là Đại văn hào Victor hugo.
- Đức Trung Sơn Chơn Nhơn, mà trong kiếp giáng trần tại nước Trung Hoa, Ngài là nhà Đại Cách mạng Tôn Dật Tiên, tức Tôn Văn.
, theo nghĩa chữ Hán, có nghĩa là ghi chép.
Hòa Ước là bản văn cam kết thi hành những điều thỏa thuận giữa đôi bên. Đây là bản Hòa Ước giữ Trời và Người, tức là giữa Thượng Đế và Nhơn loại, nên được gọi là THIÊN NHƠN HÒA ƯỚC.
Tam Thánh Ký Hòa Ước là 3 vị Thánh Bạch Vân Động ghi chép bản Thiên Nhơn Hòa Ước lên một tấm bia đá để công bố lên cho toàn thể Vạn Linh trong Càn Khôn Vũ Trụ biết rõ.
Khi du khách bước vào cửa chánh Tòa Thánh, nhìn ngay vào, liền thấy một bức họa thật lớn sừng sựng trên vách, vẽ hình Tam Thánh Bạch Vân Động cao lớn và sống động như người thật, đang cầm bút viết bản Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước trên một tấm bia đá tỏa hào quang bằng 2 thứ chữ : Chữ Trung Hoa tức là chữ Nho của Việt Nam, và chữ Pháp :
Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ cầm bút lông viết 8 chữ Nho :
(Thiên thượng Thiên hạ - Bác ái Công bình.)
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cầm bút lông ngỗng viết 6 chữ Pháp :
"DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE"
Cả hai vị đều chấm bút lông vào nghiên mực đỏ tỏa hào quang do Đức Trung Sơn Chơn Nhơn đứng cầm. Bên góc dưới Bức họa có ghi :
      " Tòa Thánh 1947
      Họa sĩ Lê minh Tòng"
Bên cạnh Bức họa nầy, Hội Thánh có đặt bản chú thích bằng 5 thứ chữ : Chữ Việt, chữ Pháp, chữ Trung Hoa, chữ Anh và chữ Đức.
Bản chữ Việt, xin chép ra như sau đây :
" TRUYỆN KÝ TAM THÁNH"
"Cụ NGUYỄN BỈNH KHIÊM, nhà tiên tri danh tiếng lớn ở đời Mạc Lê, thi đậu Trạng nguyên, tước vị là Trình Quốc Công, tục gọi là Trạng Trình, giáng cơ tự xưng là Thanh Sơn Đạo Sĩ, tức là Sư Phó của Bạch Vân Động.
Cụ VICTOR HUGO, nhà thi gia trứ danh của Pháp quốc, giáng cơ tự xưng là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, tức là đệ tử của Cụ Nguyễn bỉnh Khiêm ở Bạch Vân Động.
Cụ TÔN DẬT TIÊN, đại cách mạng gia nước Trung Hoa, nhũ danh là Tôn Văn, giáng cơ tự xưng là Trung Sơn Chơn Nhơn, tức là đệ tử Cụ Nguyễn bỉnh Khiêm ở Bạch Vân Động.
Ba vị Thánh nhơn trên đây là Thiên Sứ đắc lịnh làm Hướng đạo cho nhơn loại để thực hành Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước."
(GHI CHÚ : Sư Phó Bạch Vân Động là vị Thầy dạy chư Thánh trong Bạch Vân Động, nên cũng là Động chủ Bạch Vân Động).

                                  Lễ Trấn Thần Tam Thánh

Vào năm 1947, Hiền Tài Lê minh Tòng là một họa sĩ, lãnh ý kiến của Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc để vẽ bức họa "Tam Thánh ký Hòa ước". Khi vẽ xong, trình với Đức Hộ Pháp thì được Đức Ngài chấp thuận bản vẽ nầy.
Sau đây là Bài tường thuật của Luật Sự Võ quang Tâm (Tốc ký viên) về buổi lễ Đức Phạm Hộ Pháp trấn Thần bức họa Tam Thánh ký Hòa ước.
" Cuộc lễ rước tượng Tam Thánh ký Hòa ước khởi hành vào lúc 8 giờ sáng ngày 10-7-Mậu Tý (dl 11-8-1948).
Hiện diện : Chư Chức sắc HTĐ, CTĐ, Phước Thiện, Chức việc, Đạo hữu NamNữ, chư Thượng Hạ Sĩ quan thamdự.
Đúng giờ, Lễ Viện và Dàn Nhạc đến Hộ Pháp Đường rước Đức Hộ Pháp qua Văn phòng Quốc Sự Vụ, vì nơi đây là nơi khởi đầu cuộc rước tượng ảnh.
Lộ trình, trước hết hai hàng Đồng nhi nam nữ, kế Bảo thể cầm đồ Lỗ bộ đi hai bên Dàn Nhạc, có 4 Lễ sĩ mặc áo phái Ngọc (áo tràng đỏ), 2 vị cầm lọng, 2 vị cầm tàn, hầu hai bên bàn đưa tượng ảnh, có 4 vị Lễ Sanh thuộc Hội Thánh Ngoại Giáo khiêng đi.
Bức tượng Tam Thánh nầy do vị Hiền Tài Lê minh Tòng vâng lịnh Đức Hộ Pháp truyền họa, khuôn khổ : 2 m 80 X 1 m 90.
Hình tượng bằng người thường. Đức Thanh Sơn cầm bút lông mèo, Đức Nguyệt Tâm cầm bút lông ngỗng, và Đức Tôn Sơn cầm nghiên mực.
Hai Đấng đang viết trên bia đá những chữ :
Hán văn :
Pháp văn :
Đi tiếp bàn đưa có Đức Hộ Pháp mặc Tiểu phục vàng, đội Tam quang mạo, kế đó là Ngài Bảo Thế, Khai Đạo mặc Tiểu phục trắng, đội Tam quang mạo, kế tiếp là Chức sắc HTĐ, CTĐ, Phước Thiện, Chức việc, Sĩ quan, Đạo hữu và trên 200 học sinh Đạo Đức Học Đường đi sau rốt.
Đến Đền Thánh, đi vào cửa hông phía Đông, tiến lên Cung Đạo, day mặt tượng ảnh vào Bát Quái Đài, Bảo thể cầm đồ Lỗ bộ đứng hầu hai bên.
Trước hết, Đức Hộ Pháp xông tay vào lư hương và áp vào mặt 3 lần, rồi Ngai bước xuống cầm lư hương xông tượng ảnh 3 lần để khử trược. Xong rồi, Đức Hộ Pháp lấy nước Âm Dương hòa lại, rải lên tượng ảnh 3 cái, bắt đầu từ Đức Thanh Sơn đến Đức Nguyệt Tâm, rồi đến Đức Trung Sơn.
Rồi Đức Hộ Pháp lấy 9 cây nhang trấn Thần Tam Thánh : Đức Thanh Sơn trước, Đức Nguyệt Tâm kế đó, và sau rốt là Đức Tôn Trung Sơn.
Đồng nhi đứng trên lầu HTĐ đọc kinh Xưng Tụng Công Đức. Khi dứt kinh, Đức Hộ Pháp giải rằng :
" Trấn Thần 3 vị Thánh rất khó, vì phải kêu Chơn linh họ đến nhập vào tượng ảnh, mà muốn Chơn linh họ đến, phải thấu đáo cả căn kiếp của họ mới đặng. Còn 9 cây nhang dùng để trấn Thần là 9 cái thang bắc lên Cửu Trùng Thiên cho các Chơn linh nương theo đó. Chẳng biết họ ở từng Trời thứ mấy, mình cứ đưa lên đủ, họ gặp họ tới ngay, quan hệ là trước khi trấn Thần, phải xem lại coi có tắt cây nhang nào không. Thảng như họ ở từng thứ 7 mà cây nhang thứ 6 rủi tắt đi, thành ra bị cách khoảng, họ không thể tới được.
Bây giờ chúng ta chỉ thông công với các Đấng trong Cửu Thiên Khai Hóa, rồi đây cũng có ngày Bần đạo kêu lên Đức Di-Lạc ở từng thứ 11 chưa biết chừng, khi ấy sẽ phải dùng đến 11 cây nhang, chớ không phải 9 cây nữa. "
Khi Đức Hộ Pháp trấn Thần tượng ảnh Tam Thánh xong, cả nhân viên tùng sự lui theo cửa hông trở ra, vòng ra cửa trước, đi vào HTĐ, thỉnh Thánh tượng đặt lên vách tường, ngó mặt ra trước cửa Đền Thánh.
Đức Hộ Pháp giải thích :

      1. Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn,
      2. Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ,
      3. Đức Tôn Trung Sơn,
là đại diện của Hội Thánh Ngoại Giáo, các Ngài là những Thiên mạng truyền giáo Ngoại quốc (Missionnaires étrangers), cho nên tượng ảnh để ở Hiệp Thiên Đài, day mặt ra ngoài cho thiên hạ đều thấy mà hưởng ứng theo tiếng gọi thiêng liêng của các Ngài.
Cả 3 vị Thánh đều mặc cổ phục. Cái nghiên mực trên tay Đức Tôn Trung Sơn có hào quang chiếu diệu, tượng trưng sự rực rỡ của nền văn minh tối cổ Trung Hoa. Cái khuôn xi măng đúc trên vách HTĐ, từ ngày tạo tác Tổ đình, là để dành ngày nay đặt tượng ảnh Tam Thánh lên đó. Trước kia, Bần đạo cũng không hiểu để làm gì, chỉ biết tạo theo lịnh của Đức Lý Giáo Tông.
Ngày nay thời cuộc biến thiên, vị Hiền Tài LÊ MINH TÒNG ở Hải đảo trở về đây, Đức Lý truyền lịnh cho vẽ tượng ảnh nầy, mới hiểu rằng : Đức Lý chờ người mà Ngài cần dùng đến.
Trước tượng ảnh không có bàn thờ chi hết vì Chơn linh đã nhập vào đó như người sống vậy.
Kể từ ngày 10-7-Mậu Tý (dl 19-8-1948), tượng ảnh Tam Thánh đã đặt lên vách tường Hiệp Thiên Đài, là biểu hiệu cho Chủ nghĩa Đại Đồng của Đạo Cao Đài, mở đầu một giai đoạn tiếp dẫn chúng sanh Vạn quốc vào cửa Đại Đạo, mà cũng là ngày khởi đoan sự bành trướng ngoại giáo.
Cuộc lễ bế mạc lúc 9 giờ cùng ngày."
Trên bức họa Tam Thánh ký Hòa ước, chúng ta thấy :
- Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ , tức là Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm, mặc triều phục của một văn quan Đại thần VN thuở xưa, Ngài cầm bút lông mèo viết vừa xong 8 chữ Nho, phiên âm là : Thiên thượng Thiên hạ - Bác ái Công bình.
- Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, tức văn hào Victor Hugo, mặc áo mão giống vị Bá Tước Âu Châu thời Trung Cổ, vì Ngài là một Hàn Lâm Học Sĩ lúc bấy giờ. Ngài cầm bút lông ngỗng viết 6 chữ Pháp : Dieu et Humanité - Amour et Justice.
Sáu chữ Pháp nầy nghĩa là : Trời và Nhơn loại - Bác ái và Công bình.
- Đức Tôn Trung Sơn, tức là Tôn dật Tiên hay Tôn Văn của nước Trung Hoa, mặc quốc phục Trung Hoa, vì Ngài là nhà Đại Cách mạng đứng lên lật đổ chế độ Quân chủ của vua quan nhà Thanh, lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa với thuyết Tam Dân chủ nghĩa : Dân tộc, Dân quyền, Dân sinh.
Đức Tôn Trung Sơn cầm nghiên mực rực rỡ ánh hào quang, để cho 2 vị kia chấm bút vào mà viết ra chữ. Điều đó tượng trưng cho sự hiểu biết giữa Đông phương và Tây phương hòa hợp cùng nhau đặt trên nền tảng Triết lý Nho giáo của Đức Khổng Tử nước Trung Hoa.
Nghiên mực rực rỡ ánh hào quang tượng trưng nền văn minh Nho giáo của Trung Hoa rất rực rỡ vào thuở xưa.
Bản Thiên Nhơn Hòa Ước được viết lên tấm bảng đá cũng rực rỡ ánh hào quang, được 2 vị Thánh đứng đầu Bạch Vân Động viết ra để công bố cho toàn cả chúng sanh biết bằng 2 thứ chữ :
- Chữ Trung Hoa, cũng là chữ Nho của VN, là chữ viết có ảnh hưởng lớn ở vùng Á Đông.
- Chữ Pháp của nước Pháp ở Âu Châu, là chữ viết có nhiều ảnh hưởng ở các nước Tây Âu.
Nội dung của Bản Thiên Nhơn Hòa Ước nầy rất đơn giản, chưa có bản Hòa ước nào trên thế gian lại đơn giản hơn, vì nội dung chỉ gồm có 4 chữ : BÁC ÁI - CÔNG BÌNH.
Tam Thánh công bố Bản Thiên Nhơn Hòa Ước nầy để chúng sanh biết rõ sự Cam Kết giữa Thượng Đế và Nhơn loại.
Người nào trong nhơn loại mà thực thi 4 chữ nầy được trọn vẹn thì Thượng Đế sẽ rước về cõi Thiêng liêng để ban thưởng cho những phẩm vị Thánh, Tiên, Phật tương xứng.
Còn nếu Nhơn loại không thực hiện được 4 chữ nầy, mà lại làm nhiều điều trái ngược thì sẽ bị đọa, không thể kêu nài được nữa.
Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng chỉ có mục đích dạy dỗ nhơn sanh thực hiện 4 chữ BÁC ÁI và CÔNG BÌNH trong tờ Hòa ước nói trên.
                             Thiên Nhơn Hòa Ước


Thiên Nhơn Hòa Ước là bản Hòa ước giữa Trời và Người, tức là giữa Thượng Đế và Nhơn loại.
Như vậy, trong bản Hòa Ước nầy, một bên là Trời, tức là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, và một bên là Nhơn loại, hai bên thỏa thuận ký kết với nhau.
+ Nhưng Đức Chí Tôn ở cõi Thiêng liêng vô hình, làm sao ký kết Hòa Ước với Nhơn loại nơi cõi hữu hình ?
Thật ra, Đức Chí Tôn ký Thiên Nhơn Hòa Ước với Vạn linh nơi cõi thiêng liêng. Vạn linh nầy đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh. Trong chúng sanh, Nhơn loại ở phẩm cao hơn hết, nên xứng đáng đại diện cho chúng sanh. Cho nên, Đức Chí Tôn ký Hòa ước với Vạn linh, tức là ký Hòa ước với Nhơn loại vậy.
+ Bản Thiên Nhơn Hòa Ước nầy ký vào năm nào ?
Đức Chí Tôn ký bản Thiên Nhơn Hòa Ước nầy kể từ khi Đức Chí Tôn mở lòng Đại từ Đại bi Đại khai Ân Xá mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm Bính Dần (1926) cứu vớt nhơn sanh trong thời kỳ cuối Hạ nguơn Tam Chuyển, trước khi mở Đại Hội Long Hoa.
+ Kể từ khi có Nhơn loại đến nay, có bao nhiêu lần Đức Chí Tôn ký Hòa ước với Nhơn loại ?
Kể từ khi có nhơn loại trên quả Địa cầu đến nay, giữa Trời và Người, đã có 3 lần ký Thiên Nhơn Hòa Ước, tương ứng với 3 thời kỳ Phổ độ :
- Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa Ước được ký kết lúc mở Nhứt Kỳ Phổ Độ.
- Đệ nhị Thiên Nhơn Hòa Ước được ký kết lúc mở Nhị Kỳ Phổ Độ.
- Đệ tam Thiên Nhơn Hòa Ước được ký kết lúc mở Tam Kỳ Phổ Độ.

1. Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa Ước :

Khi loài người mới xuất hiện trên quả Địa cầu nầy, thì đó là các Hóa nhân, do loài cầm thú cao cấp tiến hóa lên, nên còn mang ít nhiều thú tánh, nhưng bản chất sống rất hồn nhiên. Đức Chí Tôn Thượng Đế liền cho 100 ức Nguyên nhân giáng trần để khai hóa đám Hóa nhân ấy, cho có được đời sống văn minh, có đạo đức và luân lý. (1 ức là 1 trăm ngàn, 100 ức là 10 triệu).
Nhưng loài người càng tiến bộ về đường vật chất thì càng xa dần đạo đức, các Nguyên nhân lại nhiễm trược trần, nên không thể trở về cõi Thiêng liêng. Đức Chí Tôn thương xót, muốn cứu vớt đám Nguyên nhân nầy, nên mở ra Nhứt Kỳ Phổ Độ, khai Đạo Thánh tại nước Do Thái với Ông Môi-se làm Thiên sứ, công bố Đệ Nhứt Thiên Nhơn Hòa Ước.
Bản Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa ước nầy chính là 10 Điều Răn mà Đức Chúa Trời (Thượng Đế) đã ban cho Ông Môi-se trên đỉnh núi Si-nai nước Do Thái. Thánh Môi-se công bố bản Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa Ước nầy cho dân chúng biết, nếu ai giữ đúng 10 Điều Răn nầy thì sẽ được Đức Chúa Trời ban cho phẩm tước xứng đáng và rước về Thiên đường sống đời đời hạnh phúc.
Nếu người nào không tu, chẳng giữ được 10 Điều Răn, lại phỉ báng tôn giáo, thì phải bị đọa vào Địa ngục, hoặc bị luân hồi trở lại cõi trần mà đền bồi tội lỗi.
Bản Đệ nhứt Thiên Nhơn Hòa Ước được người đời nay gọi là CỰU ƯỚC, được chép trong Thánh Kinh của Đạo Do Thái, mà về sau, Thiên Chúa giáo và Đạo Tin Lành đều nhìn nhận.
Những tôn giáo mở ra trong thời Nhứt Kỳ Phổ Độ với Đệ Nhứt Thiên Nhơn Hòa Ước chỉ độ được 6 ức Nguyên nhân trở về cựu vị nơi cõi Thiêng liêng, còn lại 94 ức Nguyên nhân chìm đắm trong cõi trần.

2. Đệ nhị Thiên Nhơn Hòa Ước

: Phần lớn nhơn loại vẫn say đắm mùi trần, không lưu tâm đến linh hồn, không kể chi đến việc tu hành. Các mối đạo mà Đấng Thượng Đế đã cho mở ra vào thời Nhứt Kỳ Phổ Độ đã bị nhơn loại sửa cải làm sai lạc chơn truyền, khiến nhiều người tu lầm lạc.
Đức Thượng Đế với lòng Đại từ Đại bi mở ra Nhị Kỳ Phổ Độ, cho các Đấng Tiên Phật giáng trần, lập ra nhiều mối đạo trên khắp hoàn cầu, với Đệ Nhị Thiên Nhơn Hòa Ước, mà Đức Chúa Jésus (Gia Tô Giáo Chủ) lãnh nhiệm vụ công bố cho nhơn loại rõ. Bản Đệ Nhị Thiên Nhơn Hòa Ước nầy lúc đó được gọi là TÂN ƯỚC (để đối lại với Cựu Ước thời Ông Môi-se).
Các mối đạo được mở ra trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ là :
- Đạo Thiên Chúa ở Trung Đông và Âu Châu.
- Phật giáo ở nước Ấn Độ.
- Lão giáo và Khổng giáo ở nước Trung Hoa.
- Thần giáo ở Trung Hoa, Ai Cập, Hy Lạp, Nhựt bổn.
- Hồi giáo ở các nước Á Rập Trung Đông.
Trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ, nhơn loại càng bị thâm nhiễm trược trần hơn thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, nên số người quay về đường đạo đức vẫn còn quá ít so với số nhơn loại. Nhị Kỳ Phổ Độ chỉ cứu độ được 2 ức Nguyên nhân. Như vậy, vẫn còn 92 ức Nguyên nhân đang trầm luân nơi cõi trần.

3. Đệ tam Thiên Nhơn Hòa Ước

: Các nền tôn giáo mở ra thời Nhị Kỳ Phổ Độ, sau mấy ngàn năm truyền bá cứu độ nhơn sanh, lần lần bị người đời sửa cải làm sai lạc chơn truyền, nên tất cả các tôn giáo ấy đều bị Thiên điều bế lại, người tu thì nhiều mà vì lầm lạc nên đắc quả rất ít.
Nhơn loại đồng lòng kêu nài lên Đấng Thượng Đế : " Các nền tôn giáo thuở trước đã bị Ngọc Hư Cung, chiếu theo Thiên điều, bế lại hết, mà Phật giáo vô ngôn. Đức Chí Tôn lại không cho khai đạo mới thì nhơn sanh biết đường đâu mà tu hành, biết đường nào lành mà đi theo, biết đường nào dữ mà tránh."
Bởi đó, Đức Chí Tôn mở lòng đại từ đại bi lần thứ 3, khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ký với nhơn loại một tờ Hòa Ước thứ 3, gọi là Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước, giao cho 3 vị Thánh đứng đầu Bạch Vân Động nơi cõi Thiêng liêng, viết ra công bố cho toàn nhơn loại rõ, đồng thời Đức Chí Tôn ra lịnh cho Tam Thánh làm Thiên sứ hướng dẫn nhơn loại khắp hoàn cầu đi vào con đường Đại Đạo.
Tại sao Đức Chí Tôn không chọn ai khác để công bố Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước, mà lại chọn Tam Thánh Bạch Vân Động ?
Bởi vì chư Thánh có nhiệm vụ Thể Thiên Hành Hóa, điều hành tất cả các hoạt động của Càn khôn Vũ trụ. Cho nên Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói rằng : " Bần đạo nói, họ đương nói chuyện mà trên đầu họ muôn ánh hào quang xẹt tứ tung ở không trung, họ đương nói chuyện ở đây mà họ đương điều hành tới các địa giới khác, cả CKVT." (Con đường Thiêng liêng Hằng sống, trang 8).
Mặt khác, bực Thánh đứng trung gian giữa Trời và Người trong nấc thang tiến hóa của Vạn linh, nên Tam Thánh Bạch Vân Động đại diện chư Thánh, được Đức Chí Tôn chọn để công bố Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước là một điều hợp lý.
Chọn 3 vị Thánh của 3 nước có ân oán với nhau : một là Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm, người Việt Nam; hai là Victor Hugo, người Pháp; ba là Tôn dật Tiên, người Trung Hoa; để có ý chỉ rằng, Đức Chí Tôn muốn nhơn loại xóa bỏ hết các ân oán dân tộc, nhìn nhau là anh em một nhà, đồng là con cái của Đức Chí Tôn để tiến tới một xã hội đại đồng trong tình thương yêu huynh đệ và công bằng, tạo lập thời kỳ Thượng nguơn Thánh đức. (Nói rằng 3 nước nầy có ân oán với nhau là bởi vì theo dòng lịch sử, Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ 1000 năm và bị nước Pháp đô hộ 80 năm).
Nội dung của bản Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước được Tam Thánh Bạch Vân Động công bố bằng 2 thứ ngôn ngữ quan trọng nhứt là :
- Chữ Trung Hoa, cũng là chữ Nho của Viêt nam, là chữ viết quan trọng phổ biến của giống dân da vàng.
- Chữ Pháp, là chữ viết quan trọng của giống dân da trắng ở Châu Âu và Bắc Mỹ Châu.
- Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ tức Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm viết chữ Nho, phiên âm ra tiếng Việt là :
" THIÊN THƯỢNG THIÊN HAÏ BÁC ÁI CÔNG BÌNH"
- Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn tức Victor Hugo, viết chữ Pháp :
" DIEU et HUMANITÉ AMOUR et JUSTICE"
Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước rất đơn giản, chỉ gồm 4 chữ :
BÁC ÁI - CÔNG BÌNH, hay AMOUR et JUSTICE.
Giải Thích :
Thiên thượng : Trên Trời, tức là Thượng Đế (Dieu).
Thiên hạ : Dưới Trời, tức là Nhơn loại (Humanité).
Bác ái : (Amour) " Bác ái là hay thương xót sanh linh hơn thân mình. Cho nên, kẻ có lòng Bác ái coi mình nhẹ hơn mảy lông mà coi Thiên hạ trọng bằng Trời Đất." (TNHT)
Công bình : (Justice) Không nghiêng về bên nào, không có ý riêng tư, theo đúng Đạo lý.
Theo bản Hòa Ước nầy, Đức Chí Tôn cam kết với Nhơn loại, nếu người nào thực thi được 4 chữ Bác ái - Công bình, thì Đức Chí Tôn rước về cõi Thiêng liêng Hằng sống, được ban thưởng các ngôi vị Thần Thánh Tiên Phật, thoát khỏi Luân hồi; còn nếu không thực hiện được 4 chữ nầy thì phải bị đọa Luân hồi, không được đổ thừa hay khiếu nại vào đâu được nữa.
Đức Chí Tôn lại ban cho một ơn huệ đặc biệt là Đại Ân Xá : " Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng." (TNHT)
Nhơn loại muốn thực hiện được bản Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước nói trên thì phải nhập môn vào Đạo Cao Đài, tùng giáo Đức Chí Tôn, lo việc tu hành. Do đó, Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tức là Đạo Cao Đài, lấy 4 chữ : Bác ái - Công bình làm tiêu chuẩn cho Luật và Quyền trong việc phổ độ nhơn sanh :

      - Luật là Bác ái (Thương yêu),
      - Quyền là Công bình (Công chánh).

" Các liệt cường ký với nhau khoản nầy khoản nọ, khoản kia đủ thứ, ký không biết bao nhiêu khoản; với Đức Chí Tôn chỉ có 2 khoản thôi :
1./ LUẬT : Thương yêu. Ngài định luật cho chúng ta là Thương yêu. Không phải thương yêu nhơn loại mà thôi, mà phải thương yêu toàn cả Vạn linh nữa.
2./ QUYỀN : Ngài chỉ định là Quyền Công chánh.
Từ thử, ta chưa thấy Hòa ước nào đơn sơ như thế." (Trích trong thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, Quyển 2 trang 168)
" Đức Chí Tôn Ngài đến, do tay Ngài ký một Hòa ước với một sắc dân nô lệ, sắc dân hèn mọn, đặng Ngài nài nỉ xin cho đặng 2 điều trọng yếu làm cho nhơn loại sống tồn tại là : Luật Thương yêu và Quyền Công chánh.
Ngài đã ký, Ngài đã hứa với Thánh thể của Ngài, tức nhiên là cả quốc dân nầy đặng tạo ra hình ảnh Luật Thương yêu. Nếu toàn cả quốc dân VN lấy Quyền Công chánh làm thành tướng ra, rồi Ngài sẽ lấy tướng diện của nó Ngài làm môn thuốc cứu sanh mạng của nhơn loại đó vậy."
" Ngài đã ký kết với nhơn loại bản Hòa Ước thứ ba.
Hai Hòa Ước kỳ trước, nhơn loại đã phản bội, không giữ sở tín của mình, vì cớ cho nên phải thất Đạo, nhơn loại đi trong con đường diệt vong, tương tranh tương sát nhau.
Vì lòng bác ái từ bi, Đức Chí Tôn đến ký Hòa Ước thứ ba nữa để trong Luật điều. Chúng ta thấy các Đấng Thiêng liêng chỉ tấm tượng Tam Thánh biểu nhơn loại tín ngưỡng : Thiên thượng Thiên hạ, về Luật có Bác ái, Pháp có Công bình, ngoài ra dầu luật pháp muôn ngàn hình tướng, Hội Thánh Đạo Cao Đài dìu dẫn tâm lý nhơn sanh, chỉ dẫn họ vô mặt luật tối cao là Luật Bác ái và vô một nền Chơn pháp tối trọng là Pháp Công bình.
Luật pháp của Đạo Cao Đài, ngoài Luật Bác ái và Pháp Công bình, tất cả luật điều khác đều là phương pháp lấy giả tạo chơn mà thôi." (Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp)
Nội dung của Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước gồm 4 chữ rất đơn sơ, nhưng muốn thực hiện trọn vẹn 4 chữ đó không phải là điều dễ dàng, mà cũng không phải quá khó khăn để không thể thực hiện được.
Có lòng Bác ái mới rõ lẽ Công bình. Muốn có lòng bác ái, phải có lòng nhân, phải biết bố thí. Sự bố thí làm cho ta có sự cảm xúc tinh thần trước những nỗi đau khổ của nhơn sanh. Từ đó, chúng ta mới thể hiện được tình thương yêu trên muôn loài vạn vật, tức là Bác ái vậy, và nhờ đó, chúng ta mới biết rõ được lẽ Công bình của Tạo Hóa.
Nói một cách khác, muốn thực hiện Bác ái và Công bình thì chúng ta phải làm Công Quả phụng sự chúng sanh. Nói như thế tức là việc làm Công Quả phụng sự chúng sanh là hình thức tốt nhất để thực thi Bác ái và Công bình, tức là thực thi Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước vậy. Mà thực thi được Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước là đắc đạo và được Đức Chí Tôn rước về Bạch Ngọc Kinh.
Bởi lẽ đó mà Đức Chí Tôn nhiều lần dạy bảo và khuyên nhủ nhơn sanh phải lo làm Công Quả.
" Thầy đến độ rỗi các con là lập thành một Trường Công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Nếu chẳng đi đến Trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ." (TNHT)
" Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng : Một Trường thi Công Quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi." (TNHT)


                                                                            
Tam Thánh ký hòa ước -hình ảnh tại Tòa Thánh Tây Ninh
                                            

Tòa Thánh, ngày 10-7-Mậu Tý (dl 19-8-1948).
Luật Sự VÕ QUANG TÂM tường thuật.

DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE

Thiên thượng Thiên hạ - Bác ái Công bình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More