Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Tìm Hiểu Châu Thành Thánh Địa


Tìm Hiểu Châu Thành Thánh Địa

幸遇高臺傳大道
好逢玉帝御塵間
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.  



1.-Nguyên nhân nào phải mượn Từ Lâm Tự?   
2.-Dời về Chùa mới thuộc xã Long Thành.       
3.-Địa thế xây cất Tòa Thánh.  
4.-Vùng Đất Thánh Địa sở rừng 140 hecta.

Sao gọi là Thánh Địa? Và Đền Thánh phải cất trên phần đất Long Thành, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Hẳn có huyền vi về Đạo Pháp cũng như về địa lý xây cất.
 Đạo Cao Đài là Phật Giáo chấn hưng, lấy Nho Tông làm nền tảng, có Hội Thánh ba Đài “Bát Quái, Hiệp Thiên và Cửu Trùng” tức Tam Giáo “Phật, Tiên, Thánh” lại thêm Ngũ Chi phục nhứt. Nên gọi Thánh Đạo Cao Đài. (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).
 Do vậy, Đức Chí Tôn dạy: “Thầy đến độ kẻ vô Đạo, chớ không phải sửa Đạo!”
 Nền Đạo được khai sáng trong nguyên lý “Qui Lương Sanh để cứu Quần Sanh”, các bậc Nguyên Nhân Thần, Thánh, Tiên, Phật đã tình nguyện đến trước, Đức Chí Tôn Thiên Phong trước, rồi mới thiết Đàn Khai Đạo nhằm ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần (DL 19 – 11 – 1926) tại chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự) của Hòa Thượng Giác Hải cho mượn tạm làm lễ Khai Đạo.

1.- Nguyên nhân nào phải mượn Từ Lâm Tự?

Vốn có nhiều mặt về thể pháp lẫn bí pháp. Trước hết Thánh ý Đức Đại Từ Phụ muốn cho toàn con cái của Ngài hiểu rằng: “Tam Giáo vốn đồng nguyên”, Phật, Thánh, Tiên tá trần lập giáo đều do Thượng Đế chủ tể, chiếc Chơn linh phân tánh nên gọi thị ngã, ấy là Đạo; vì vậy một thành ba, mà ba hiệp lại thành một; ấy là Nhứt sanh vạn vật, Đạo sanh Nhứt.
Về thể pháp, Đức Chí Tôn mượn cửa Thiền Từ Lâm Tự để thâu phục các Hòa Thượng như: Hòa Thượng Như Nhãn Thiên Phong Thái Chưởng Pháp, Ngọc và Thượng Chưởng Pháp, nhị vị Đầu Sư Thái Minh Tinh, sau thay Thái Nương Tinh. (Ông Minh bị Đức Lý trục xuất)…
Còn một ý nhiệm mầu là khi khai Thiên lập Địa, Đức Chí Tôn khai Phật Giáo trước, rồi sau tới Tiên Giáo và Nho Giáo, vì tôn chỉ Đạo Cao Đài là Qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi, nên tượng hình Phật Thích Ca để trước Hiệp Thiên Đài Chùa Gò Kén biểu tượng Phật Giáo trước.
Bằng chứng cụ thể ngày Khai Đạo tại chùa Gò Kén, người Miên họ đồn với nhau rằng: Trong cửa Đạo Cao Đài có hình Phật Tổ của họ cưỡi ngựa trắng, nên rủ nhau đến nhập môn theo Đạo Cao Đài, đúng với Thánh danh: “Thích Ca Mâu Ni Phật tá danh Cao Đài chuyển Phật Giáo Nam Phương, hay Chí Tôn Phật Tổ cũng là Thầy”.
Buổi phôi thai, chưa có chùa, có đất, nên phải mượn cửa Thiền để khai Đạo, cũng nhằm lúc Chùa này đang kiến tạo mới có ngôi Chánh Điện, chưa có Đông Lang, Tây Lang… Nhơn đó họ cũng muốn cho mượn để nhờ bàn tay Hội Thánh điểm tô sớm hoàn thành khai sáng nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Và cũng cho thấy rằng: “Xuất phát từ nơi cửa Thiền đến khi qui nhứt cũng chính Phật Giáo cầm đầu”, điển hình qua Ngựa Phật Tổ và Cội Bồ Đề trước cửa Tòa Thánh trong sân Đại Đồng Xã”.

2.-Dời về Chùa mới thuộc xã Long Thành.

Thiên thơ tiền định Hòa Thượng Giác Hải đòi chùa rất ngặt!
Đức Chí Tôn dạy: “Các con chung hiệp nhau lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi” (20 – 1 – Đinh Mão). Đến ngày 2 – 2 – Đinh Mão, Đức Chí Tôn dạy: “Thơ con lo Thánh Địa, lập Thánh Thất…”
Sau khi mua đất xong dời về Chùa mới cất trong đêm 13 – 2 – Đinh Mão phòng sự cản trở của chánh quyền Pháp tỉnh Tây Ninh.
Nơi Chùa Gò Kén chỉ là bước đầu cho sự phôi thai khai sáng nền Đạo, rồi Đền Thánh Tổ Đình phải được xây cất trên phần đất “Lục Long Phò Ấn”, một nơi rừng sâu nước độc. Sở rừng 140 mẫu tây của người Pháp tên ASPA tọa lạc làng Long Thành nằm dọc theo quốc lộ 13 đường đi Tây Ninh, Suối Đá, Phan, Chà Là.
Trường hợp đã xẩy ra với hành động của chánh quyền Pháp tỉnh Tây Ninh thấy người nhập môn theo đạo ngày thêm đông, đa số là người Tần Quốc, chỉ trong 3 tháng mà hơn 40 vạn người theo đạo; với sự náo nhiệt nầy, nhứt là về mặt tinh thần Đạo giáo làm cho chính quyền sợ có biến động chống Pháp. Nên họ bắt buộc Hòa Thượng Giác Hải đòi chùa và đuổi đi cho hết khai đạo. Lý do đòi chùa là vậy.

3.-Địa thế xây cất Tòa Thánh.

 Cái quan trọng của địa thế xây cất, theo Thánh Ngôn Đức Chí Tôn dạy: “Đền Thánh có thể cất vào ba chỗ:
1.     Nếu cất ở Cẩm Giang thì các con phải chịu khó khăn về phần ăn uống.
2.     Bến Kéo thì địa thế hẹp.
3.     Suối Vàng núi Phụng thì đặng, nhưng phương tiện chuyên chở không tiện, song phong thổ tốt”.
Nếu phải xây cất ba nơi kể trên thì chỉ nằm trên đầu Rồng, không nằm trọn trên mình Rồng. Như Đền Thánh hiện nay đúng địa huyệt “Lục Long Phò Ân”, trung tim sáu nguồn nước như sáu Rồng đoanh nhau vậy.

    4.- Vùng Đất Thánh Địa sở rừng 140 hecta.
 Thánh Giáo ngày 21 – 01 – Đinh Mão (21 – 2 – 1927), Đức Lý Giáo Tông giảng dạy: “Thái Thơ Thanh, Lão cậy Hiền Hữu một phen nữa, mai nầy đi lên đường trên gọi là đường dây thép, nhắm địa thế dài theo cho tới ngã ba Ao Hồ coi Hiền Hữu thấy đặng chăng…”
 Đến ngày 23 – 01 – Đinh Mão, Đức Lý giáng dạy: “Lão khen Thái Thơ Thanh phải đó đa ! Tưởng chư Hiền Hữu không thấy nữa”.
 “Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy gọi là Thánh Địa? Sâu hơn ba trăm thước, như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa sáu nguồn làm như sáu con Rồng đoanh nhau”.
“Nguồn nước ấy chảy trúng ngay đỉnh núi gọi là “Lục Long Phò Ấn”, ngay miếng đất đó được ba đầu: Một đầu ra Giếng Mạch Ao Hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia…”
“Người Lang Sa chỉ đòi hai mươi ngàn, Lão dặn trả giá mười bảy, mười tám ngàn thì mua đặng.”
 “Còn xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa mới trọn. Đất nay còn rẽ, đất chung quanh Thánh Địa ngày sau hóa vàng. Chư Hiền Hữu lo lập, ngày sau rất quí báu!”


PHẦN HAI

Vài Nét Đại Cương 

Trong Thời Kỳ Phá Rừng Xây Cất Tòa Thánh

1.-Phần nội ô cất Tòa Thánh.   
2.-Vị trí cất Đền Thánh tạm hiện thời.   
3.-Đức Lý dạy cất Đền Thánh theo kiểu thiên đình.      
4.-Tạo tâm đức hiến thân – thủ trinh     
5.-Những bí mật của Đền Thánh.

1.- Phần nội ô cất Tòa Thánh.

Châu vi Nội Ô Tòa Thánh có tổng diện tích 96 Ha (chín mươi sáu mẫu Tây), gồm có Đền Thánh, Báo Ân Từ và các dinh thự như: Giáo Tông Đường, Hộ Pháp Đường, Đầu Sư Đường nam, nữ; kiến thiết theo kiểu Đạo đồ, cùng các cơ sở của các cơ quan ban bộ. Đường sá thẳng tấp: Đại lộ Phạm Hộ Pháp, Cao Thượng Phẩm, Cao Thượng Sanh, chạy dài theo chiều dọc có hình chữ càn º, các lộ ngang như: Thượng Trung Nhựt, Oai Linh Tiên, Thái Gấm Thanh ráp thành chữ VƯƠNG (chánh).
Hàng rào tường bao quanh có 12 cửa. Riêng cổng Chánh Môn cao 36m, ngang 60m, cổ kính Tam quan, trên nóc là 3 Cổ Pháp: “Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu” có bản đồ theo sự chỉ dẫn trước của Đức Hộ Pháp.
Cửa Chánh Môn hiện nay, do chi Thế Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước lúc nắm quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài kiêm Thống Quản Hội Thánh Phước Thiện phối hợp với tỉnh trưởng Tây Ninh Thiếu Tướng Lê văn Tất xây dựng theo bản đồ Ty Kiến Thiết Tây Ninh, nên có 2 Rồng tranh Cổ Pháp. Tại sao nói tranh Cổ Pháp? Vì bản tánh của Rồng là “Long năng biến hóa”, hình Rồng hả miệng, mình uốn khúc là Rồng tranh Châu thời Phong Kiến Xuân Thu; nay đem tranh Cổ Pháp, đó là việc làm của Thời Quân Chi Thế.

2.- Vị trí cất Đền Thánh tạm hiện thời.

 Đức Lý Giáo Tông dạy: “Thánh Thất tạm cất trên miếng đất trống. Ngay trung tim rừng cách miếng đất trống chừng 3,50m đóng một cây nộc, đo Hiệp Thiên Đài như vầy: ngoài Bàu Cà Na đo vô chừng 50m đóng một cây nộc, ấy là khuôn viên Tòa Thánh.
Lão dặn: Từ cây nộc phía bên miếng đất đo vô Bàu Cà Na 27m tây. Nghe à!”
Từ vuông 27 thước, mỗi góc của Bát Quái Đài, nghĩa là hình nhà tròn có tám nóc, cao từ dưới đất lên thêm 9m, phân làm tám nóc.
Trên Điện Bát Quái Đài bề cao 9m, hình nóc tròn mô lên có tám nóc phân minh, trên đầu phải để một cây đèn màu xanh, kế nữa là Chánh Điện bề dài 81m, ngang 27m (81x27 ).
Hai bên Hiệp Thiên Đài mặt tiền có Lôi Âm Cổ Đài, bên trái có Bạch Ngọc Chung Đài.
 Lão phải vẽ mới đặng…”.
(Gò Kén ngày 27 tháng 1 Đinh Mão. DL 28 – 2 – 1927).

     3.- Đức Lý dạy cất Đền Thánh theo kiểu thiên đình.
Thánh Giáo ngày 7 – 2 – Đinh Mão, Đức Chí Tôn dạy Ngài Phối Sư Thái Thơ Thanh lo lập Thánh Thất. Ngài bạch: “Xin đúc nền Tòa Thánh bề cao 9m theo kiểu của Đức Lý Đại Tiên “.
 Đức Chí Tôn dạy: “Tốn kém nhiều lắm con! Bính, con đo từ mé rừng dưới vào cho tới 50m, bỏ miếng trãng vào tới 50m, rồi 81m, rồi kế 27m; làm như vậy Thánh Thất nằm trọn vào rừng mà thành ra như bao quanh một vườn thiên nhiên rất đẹp…
Khi cất, con nhắm thế nào cho nộc Bát Quái Đài và Hiệp Thiên Đài cho ngang mặt trời phía Tây thì trúng, con nhớ nghe!”
Đức Lý Giáo Tông dạy:…
“Cười… Họa đồ của Lão, Chí Tôn chê và trách rằng: hao tốn vô nền uổng lắm. Chí Tôn sửa lại mỗi cấp ba tấc tây mà thôi. Dưới đất năm tấc, chín cấp ba tấc là 2,70m cộng 5 tấc là 3,20m. Còn 10m thì chỉ đầu trong nền Bát Quái Đài. Trên đầu song chí nóc 13m mới khỏi đọng nước mưa phải mục.
 Nóc Đại Điện và Hiệp Thiên Đài cũng y như vậy. Phải làm plafond hai Đài Chuông, Trống cao hơn nóc Hiệp Thiên Đài 6 thước”.
1. Đèn vàng ngay nóc Điện Bát Quái.
2. Đèn xanh ngay giữa Đại Điện làm hình Long Mã Phụ Hà Đồ.
3. Đèn đỏ để Hiệp Thiên Đài.
Do vậy mà Đền Thánh hiện nay xây dựng bằng bê tông cốt sắt nằm trên Lục Long Phò Ấn, trung tâm Thánh Địa, vẫn còn là tạm; vì Chí Tôn dạy cất ngôi Tổ Đình trong sân Đại Đồng Xã.
Đền Thánh được khởi công xây cất vào ngày 23 tháng 10 Tân Mùi (1931), phải trải qua thời gian bốn lần kiến tạo mới hoàn thành vào năm Đinh Hợi (đầu năm 1948).
1. Lần thứ nhất đào hầm Bát Quái, đổ bê–tông do Ngài Thái Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh lãnh đạo, rồi bị ngưng trệ vì cuộc nội phản. (1931).
2. Lần thứ hai do Đức Quyền Giáo Tông và Bà nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh đảm nhiệm. (1932).
3. Lần thứ ba do Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh lãnh vận động, mướn Bác Vật Phan Hiếu Kinh khởi làm Lầu Hiệp Thiên Đài, đúc cột được phần ít rồi cũng phải ngưng… (1933).
 4. Lần thứ tư do Đức Hộ Pháp lãnh đạo khởi công vào ngày 01 – 11 – Bính Tý (1936), tiếp tục kiến tạo đến ngày 30 – 12 – Đinh Hợi (DL 24 – 01 – 1948) mới hoàn thành trọn vẹn.

4. - Tạo tâm đức hiến thân – thủ trinh

 Phương pháp nào đạt kết quả qua ba lần thất bại không hoàn thành Thánh Tòa được? – Do Đức Hộ Pháp khéo léo tạo tâm đức cho con cái Chí Tôn, người Phạm Môn, Phước Thiện đảm nhận tình nguyện trường trai và thủ trinh hiến thân làm công quả cho đến ngày làm xong Đền Thánh. Nhờ vào đức tin mãnh liệt đó mới sớm hoàn thành hiện tượng Bạch Ngọc Kinh tại thế.
 Trong giai đoạn nầy đến năm Tân Tỵ (1941) nhằm ngày 25–5 phải tạm ngưng vì Pháp bắt Đức Hộ Pháp lưu đày sang đảo Madagascar. Mãi đến 30– 8–Bính Tuất (1946) Đức Ngài được trở về nước nhà điểm tô thêm bốn tháng nữa, thợ hồ mới làm lễ bàn giao Tòa Thánh cho Hội Thánh. (03–01–ĐH).
 Đức Hộ Pháp cho tổ chức cuộc lễ Khánh Thành Tòa Thánh trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 6 đến 16 tháng giêng năm Ất Mùi (DL. 29–01 đến 8–2–1955), Đức Ngài cho diễn ba vở tuồng cổ: San Hậu, Tiêu Anh Phụng, Hoàng Phi Hổ Tây Châu.

5. - Những bí mật của Đền Thánh.

Đền Thánh là hình trạng Bạch Ngọc Kinh tại thế, kiến trúc theo Thiên Đình thể hiện cổ kim tổng hợp, đúc kết tinh hoa hai nền văn minh Âu Á về khoa học lẫn Đạo học.
Từ xa nhìn vào nhận diện nó là con Tu vật: một con LONG MÃ QUÌ đem nguồn sống vĩnh sanh cho loài người, bởi bên trong nó Pháp giới gồm có Bát Quái Đài thể hiện Bạch Ngọc Kinh, Cửu Trùng Đài thể hiện Cửu Thiên Khai Hóa, Hiệp Thiên Đài là hình trạng Cung Hiệp Thiên Hành Hóa trên Diêu Trì Cung một cảnh giới.
Muốn vào Bát Quái Đài, trước phải vào Hiệp Thiên Đài là cửa Trời – Người hiệp nhứt, rồi qua Cửu Trùng Đài phải chịu sự khảo dượt của cửu phẩm Thần Tiên, chịu nổi rồi mới vào Bát Quái Đài được, bằng chẳng phải thối bước…
    Đền Thánh uy nghi như thế, vẫn còn tạm. Sau đây phải xây cất Tổ Đình theo Thánh Giáo của Đức Chí Tôn mà nền móng Bát Quái Đài đã xây xong vào năm Canh Ngọ (1930) tại trụ phướng.


PHẦN BA
Trong Đền Thánh Tượng Hình Những Gì?

1. Tịnh Tâm Đài 

2. Khoản giữa từ Hiệp Thiên Đài đến Cửu Trùng Đài. 
3. Phần bên trên nóc. 
4. Bát Quái Đài. 
5. Cung Đạo

Trước hết là Hiệp Thiên Đài, mặt tiền Tòa Thánh có hai lầu Chuông Trống (Bạch Ngọc Chung Đài và Lôi Âm Cổ Đài) biểu tượng tiếng nổ “ầm” của hai lằn ngươn khí, Phật gọi tiếng ấy là “úm ma ni bát rị hồng”, tiếng nổ có âm thanh là tiếng trống, còn tiếng ngân vang ra là tiếng chuông ngân. Vì thế Đạo giáo Á Đông có đủ trống và chuông do Đạo xuất ư Đông. Còn Đạo bên Thái Tây chỉ có chuông, không có trống, bởi tiếp thu Đạo phương Đông truyền qua như tiếng chuông vang vậy.
Hay nói: Đền Thánh tượng trưng hình thể Đức Chí Tôn. Trước hết là Hiệp Thiên Đài mặt tiền Đền Thánh, gồm có một cửa chánh và 2 lầu cao gọi Lầu Chuông, Lầu Trống. Cửa Chánh gọi là Chánh Điện, trên Chánh Điện có bao lơn, có sáu chữ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ. Trên sáu chữ nầy có Thiên Nhãn. Trên Thiên Nhãn có mái ngói cửa Chánh Điện, trên nóc có hình Đức Di Lạc cỡi cọp.
Tất cả hình tượng trước mặt tiền Hiệp Thiên Đài là những biểu tượng ẩn hiện giáo lý bí truyền của Chí Tôn.
Cập hai bên tấm bảng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có hai câu liễng, với hai chữ “Nhơn”“Nghĩa”. Câu liễng bằng chữ Nho:
Bên chữ Nhơn: Hiệp Nhập Cao Đài Bá Tánh Thập Phương Qui Chánh Quả.
Bên chữ Nghĩa: Thiên Khai Huỳnh Đạo Ngũ Chi Tam Giáo Hội Long Hoa.
Hai câu liễng dạy chúng sanh làm tròn Nhơn Đạo, tức thực thi Nhơn Nghĩa, làm xong Nhơn Đạo mới bước qua Thiên Đạo.
·        Hai ông THIỆN – ÁC: là con vua Tỳ Kheo: Tỳ Văn và Tỳ Vũ, do cảnh giác mà đạt vị “Thiện Thần và Ác Thần” soi gương cho Đạo Giáo hễ biết tu là đắc Đạo.
·        Bên trên nóc Phi Tưởng Đài là pho tượng Đức Di Lạc Chưởng Giáo Tam Hội Long Hoa Bạch Dương Đại hội, Ngài vâng lịnh Đức Chí Tôn ngồi trên để quan sát chấm công định vị (điểm Đạo).
·        Vào Bao lơn Đài, trước cửa có 4 cột: 2 cột Rồng và 2 cột Bông Sen, đó là tượng trưng ý nghĩa 2 chữ LONG HOA. Vậy bước chân vào Đền Thánh là vào Long Hoa Đại Hội, tức Ngũ Chi Tam Giáo Hội Long Hoa sau nầy.
·        Cây cân Công Bình, có một cánh tay mặt đưa xuống biểu tượng quyền Thiêng Liêng phán định, nơi cảnh Hư Vô chỉ có Đức Chí Tôn cầm cân Công Bình mà thôi.
Trên plafond vòm lên thấy một Bát Huệ Huyền Quang, tức một vòng chuỗi có tám chia hào quang, trên có chùm Sao Bắc Đẩu.
Kết thúc phần ngoại tâm cửa Chánh, năm cấp ngoài bước lên tượng trưng Thế Giới Ngũ Châu… hay năm phần hành: Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

1.- Tịnh Tâm Đài

Trên plafond có Bát Huệ Dương Quang tại Tịnh Tâm Đài, có ý nghĩa muốn đạt pháp phải nắm được ba chìa khóa mở cửa Huyền Quang mới qua được vô hình.
(1) Thứ nhất mở huyệt Vi Hộ gọi Thiên Điều Huyệt (Ấn Tý).
(2) Thứ hai mở 12 cánh sen tròn của Tâm Điền Huyệt (Cung Dần).
(3) Thứ ba là Bát Huệ Dương Quang ngay chót lưỡi.
Phương pháp Thần học nầy phải có minh sư hướng dẫn thuần thục mới đạt kết quả, tự mình không tôi luyện được. (Nguy hiểm).
Có nghĩa vào Đài Tịnh Tâm phải phủi sạch những tạp niệm phàm tục, giữ lòng trong sạch, thanh thản để vào Nội Điện chầu lễ Chí Tôn và các Đấng…
Ba Đấng Tam Thánh lãnh sứ mạng Thiêng Liêng truyền Giáo cho các sắc dân nghe theo tiếng gọi của các Ngài mà nương cơ siêu thoát. Đức Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên) cầm nghiên mực để hai cây bút cùng chấm vào mà viết nên chữ; đó là tượng trưng cho sự dung hòa giữa Đông và Tây để cùng ký Đệ Tam Hòa Ước.
Cả ba vị Thánh đều mặc cổ phục đại diện của Hội Thánh Ngoại Giáo, cho nên để tượng ảnh tại Hiệp Thiên Đài day mặt ra ngoài cho thiên hạ đều thấy mà hưởng ứng theo tiếng gọi Thiêng Liêng của các Ngài. Kể từ ngày 10–7–Mậu Tý (1948), tượng ảnh Tam Thánh đã đặt lên khuôn vách Hiệp Thiên Đài là biểu hiện cho chủ nghĩa Đại Đồng của Cao Đài Giáo, mở đầu giai đoạn tiếp dẫn Chúng Sanh Vạn Quốc vào cửa Đạo…

2.- Khoản giữa từ Hiệp Thiên Đài đến Cửu Trùng Đài.


·        Chữ KHÍ là khí Sanh Quang tức là Trời.
·        Mười tám cột Rồng hai bên tượng trưng các Đấng Chơn Linh chầu Chí Tôn nơi Bạch Ngọc. Khoản giữa có lối đi từ Hiệp Thiên Đài đến Bát Quái Đài có viền gạch phân rõ ba màu, ấy là tượng trưng Tam Giáo, chín cấp bậc của mỗi bên Nam phái và Nữ phái. (Đường Tam Giáo ở giữa từ bậc thứ ba đổ lên).
·        Hai cửa hông nơi Hiệp Thiên Đài là Sanh Môn Quan.
·        Tại cửa hông của Đền Thánh, phía trên là Nghinh Phong Đài, có tượng hình Long Mã chạy về hướng Tây, ngoái đầu về Đông; Tượng trưng Đạo xuất ư Đông là chuyển Đạo Nam phương rồi truyền ra Tây Phương (Á Châu và Âu Châu).
Ngay dưới Nghinh Phong Đài là Tử Môn Quan có lót 24 tấm gạch đen cũng gọi là Quỉ Môn Quan đường về Thanh Tịnh Đại Hải Chúng. Kim Mao Hẩu là vật giữ cửa Bạch Ngọc Kinh, muốn vào được Bạch Ngọc Kinh phải qua Kim Mao Hẩu. Ý nghĩa về phần hữu hình là muốn vào được Đền Thánh phải diệt thất tình.
Đoạn đường Tam Giáo có những rắc rối như:
“Con đã đứng vào chín phẩm Thần Tiên, nhưng không giữ giới răn pháp luật chơn truyền, không vào Bát Quái được, phải chạy xuống gặp Tử Môn Quan có Khổn Thiên Thằng sợ bị trói buộc, rồi chạy xuống Sanh Môn Quan cửa bị đóng. Nghẹt lối, hết đường đi, buộc phải trở lại Tử Môn Quan, chạy tuốt ra ngoài dậm cẳng kêu Trời, Trời chẳng ngó, kêu Đất, Đất làm thinh. Giận quá, tức mình đầu thai một lần nữa, ấy là đường Quỉ Môn Quan”.

3.- Phần bên trên nóc.

Hiệp Thiên Đài có 36 Cổ Pháp: Thiên Nhãn phía trước ngó ra có 36 chia. Nhưng Đức Hộ Pháp dạy đắp 35 chia, có ý nghĩa; Tam Thập Ngũ Môn Sanh Thiên Căn, để làm chứng cho 36 chữ lời thề của Tín Đồ Cao Đài, tức đóng cửa Phong Đô do quyền năng của Hộ Pháp “Ném thử Giáng Ma đóng Cửu Tuyền” kể từ ngày 10–4–Kỷ Hợi (DL. 17–5–1959), theo Đại ân Xá của Đức Chí Tôn.
 Ba mươi sáu chữ trong câu lập thệ: “Thề rằng từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục”. (Bên trong phi Tưởng Đài là nơi Giáo Tông và Hộ Pháp thông công cùng Đức Chí Tôn).
Cửu Trùng Đài: Hai mái ngói khoảng giữa Nghinh Phong Đài, mái ngói phân ba thành chữ Bát Quái là Càn tam liên  º (Dương) có 360 cù lá dằn đầu mái trên nóc Đền Thánh “Đầu dằn xuống ló đuôi” có nghĩa muốn tu phải: “Đừng nói, đừng nghe, đừng thấy, tức tam tịnh mới được yên bình…”
Tám rồng đen bị dằn dưới trái đất (địa cầu).
Nhờ thời kỳ ân xá mới có tám Rồng Đen ló đầu lên, vì trước kia chỉ có một Rồng Đen quậy làm cho Châu Ắt–lăng–tíc (Atlantis) chìm sâu xuống Đại Tây Dương. (Nhiệm vụ Hắc Long là thủ Thiên Cung, mưa phun nước, nắng ngậm lại, tuân luật Thiên Đình nghinh tiếp các Chơn Hồn qui Thiên. (Bên trên là Nghinh Phong Đài, dưới là Địa Tịch Đài).

    4. - Bát Quái Đài.
Trên nóc Bát Quái có tượng hình Tam Thế Phật: “Brama Phật day mặt về hướng Tây, cỡi Thiên Nga trị đời Thượng Nguơn Thánh Đức. Civa Phật day mặt hướng Bắc đứng trên thất đầu xà trị đời thời kỳ Trung Nguơn, thổi ống sáo diệt thất tình, thức tỉnh Nhơn sanh. Christna Phật day mặt hướng Nam, cỡi con Giao Long đi cùng khắp chơn Trời góc bể rước các Chơn Hồn. (Khai Nguơn chuyển thế ba lần, Đức Chí Tôn có ba xác thân gọi là Tam Thể Chí Tôn.) Nay Hạ Nguơn, Đức Chí Tôn đến chuyển Đạo vô vi để hiệp nhứt Đạo Giáo, nên Tam Thể tượng hình trên nóc Bát Quái Đài để độ rước các Chơn Hồn, vì chủ của Bát Quái Đài là Đức Chí Tôn.
 Phần dưới của Bát Quái Đài có tám Rồng Bạch chầu Bát Quái nhằm thời kỳ Bạch Dương Đại Hội, và Càn Khôn trên Bát Quái Đài, tức Bát Quái Đài biến sanh ra Càn Khôn Thế Giái và vạn vật…”

5.- Cung Đạo

Từ Cửu Trùng Đài vào Bát Quái Đài, phải đi qua Cung Đạo. Trên plafond có hình Đức Hồng Quân Lão Tổ là Đấng phân định âm dương do Thượng Đế hóa thân làm Thầy Tam Giáo: Nho–Thích–Đạo. Biểu hiện của Tam Giáo là: (Nho) Xuân Thu, (Đạo) Phất Chủ, (Thích) Bát Vu, Cơ Xâm của Tiên, trái tim của Thánh Giáo.
    Từ trước loài người miệt mài tầm Đạo, ngày nay Đức Chí Tôn để Đạo trước mắt cho nhơn sanh thức tỉnh tu hành lập nghiệp Thiêng Liêng là quê hương thật của linh hồn. (Hình tại Cung Đạo là Hồng Quân Lão Tổ, chớ không phải hình của Thượng Phẩm).

PHẦN TƯ
Bên Ngoài Đền Thánh
1.- Tổ đình trong sân Đại Đồng Xã.     
2.- Cội Bồ Đề 
3.- Tìm hiểu ngựa Phật Tổ trong sân Đại Đồng Xã.       
4.- Ba ngôi tháp “Thượng Sanh – Hộ Pháp – Thượng Phẩm”    
5.- Cổng Chánh Môn  
6.- Tháp Tiếp Đạo xây trong nội ô là phạm pháp.         
7.- Mặt tiền Đền Thánh day hướng Tây
8.- Hình thể Đền Thánh: một con Long Mã quì

1. - Tổ đình trong sân Đại Đồng Xã.

Vâng lịnh Đức Chí Tôn dạy cất Tổ Đình tại sân Đại Đồng Xã, giữa hai cụm rừng Thiên Nhiên, nên Đức Cao Thượng Phẩm lo phá rừng cho tới Bàu Cà Na, vì có Thánh Giáo Đức Lý Giáo Tông dạy xây Động Đình Hồ tại Bàu Cà Na.
Đức Chí Tôn dạy đổ nền Phật Tổ trước và đào móng xây Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài, Bát Quái Đài.  Nền Bát Quái Đài hao tốn nhiều vật liệu, nên Hội Thánh cho cắm nọc lấy ranh nền HTĐ, CTĐ vô tới Bát Quái Đài đào hầm Bát Quái Đài trước, cho công quả đi đào sạn ở các nơi đem về đổ hai bên mé rừng Thiên Nhiên, phía tay mặt có cất nhà lá để rửa sạn dựa mé rừng.
Khi Hội Thánh cho xây hầm Bát Quái Đài thì tất cả nhân viên công quả đều ra gánh đất đem về đổ vào rừng Thiên Nhiên (chỗ thơ viện bây giờ).
 Buổi Đạo mới phôi thai, Hội Thánh còn nghèo, không thể tạo tác Tổ Đình nổi, nên Đức Chí Tôn dạy cất Tòa Thánh tạm hiện thời, ngày sau con cái Đức Chí Tôn đến xây Tổ Đình thiệt thọ, đó là Hội Thánh tương lai đời Giáo Tông tịch Đạo “ĐẠO TÂM”. Nền móng hầm Bát Quái Đài đã xây xong vào năm Canh Ngọ (1930) đã lấp lại, địa điểm trong sân Đại Đồng Xã từ nền trụ phướng đến Cội Bồ Đề.
 Trong lúc đào Hầm Bát Quái, kích thước thế nào đó mà làm “lát” hết một mình Rồng, Đức Hộ Pháp có đến xem và nói rằng: “Đến năm Dần, Rồng phục sinh”. Quả nhiên đúng vào ngày 22–4–Nhâm Dần (1962) sân gạch tàu nơi nền trụ phướng ở phía ngoài tự nhiên gạch nổi dòng mô lên như máng xối lật úp, hai tấm gạch dựng lên mà đường ron hồ xi măng ba mặt vẫn còn nguyên không bể gãy. Đường gạch nổi một cách diệu kỳ, quanh co uốn khúc như Rồng lượn trên sân gạch. Hội Thánh để nhân sanh xem việc lạ có cả tuần nhựt, đó là ngày Rồng bị lát phục sinh, cũng là phép nhiệm “Long năng biến hóa”.

2. - Cội Bồ Đề

Nguyên nhân nào Đức Hộ Pháp cho trồng cây Bồ Đề trong sân Đại Đồng Xã trước mặt tiền Đền Thánh và sau ngựa Phật Tổ, có ý nghĩa gì?
Bồ Đề, Xá lợi Phật là hai báu vật của Phật Giáo Tây Thiên Trước, do vị Đại Đức NARADA THERA Phó Giáo Tông Phật Giáo Tích Lan hiến cho Đạo Cao Đài vào ngày 15–5–Quí Tỵ (1953), được Hội Thánh tiếp nhận long trọng và Đức Hộ Pháp thuyết minh ý nghĩa của Ngọc Xá Lợi Phật và cây Bồ Đề tại Đền Thánh…
Đến năm Ất Mùi (1955), sau lễ vía Đức Quan Thánh Đế Quân nhằm ngày 24–6–Ất Mùi, Đức Hộ Pháp cùng Chức Sắc Hội Thánh ra sân Đại Đồng Xã trước trụ phướng để trồng cây Bồ Đề.
Cách trồng: Đức Ngài ra lịnh Công Viện cho thợ đào hầm sâu xuống đụng đá, rồi xây bầu tròn như hiện nay, cho đổ vào hầm hơn 20 xe phân bò đề bón phân cho cây, điều đó chứng tỏ cho sự lâu dài… Khi khởi sự trồng, Đức Ngài dạy vị Lễ Sanh Thái Thu Thanh đương thủ lãnh Bảo Thể, bưng chậu cây Bồ Đề đặt xuống hầm trồng; kế Đức Hộ Pháp lấy dá xúc ba dá đất lấp vào gốc cây Bồ Đề, duy có lấy cái Mão của Đức Ngài xuống trước khi trồng cây quí. Lúc đó có số Chức Sắc Hội Thánh cũng định góp phần trồng cây Bồ Đề, nhưng Đức Hộ Pháp chỉ để cho vị Lễ Sanh đặt chậu cây vào bồn trồng mà thôi.
Điều nầy có lẽ Đức Hộ Pháp đã tiên liệu để cho Nhơn sanh trồng, tức Nhơn sanh phải gìn giữ đúng như pháp định thời gian qui nhứt, còn để cho Chức Sắc Hội Thánh Trồng thì cây Bồ Đề bị chuyển hệ! (Lễ Sanh là Đại diện Nhơn sanh).

3. - Tìm hiểu ngựa Phật Tổ trong sân Đại Đồng Xã.

 Nên tìm hiểu nguyên nhân nào ngày khai Đạo tại chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự), Đức Chí Tôn dạy Ngài Thái Thơ Thanh đúc tượng Phật Thích Ca để trước Hiệp Thiên Đài tại Từ Lâm Tự, có ý nghĩa gì?
 Để trước Hiệp Thiên Đài là cửa Trời Người hiệp nhứt trong mối Đạo Trời khai gồm có Tam Giáo Phật – Thánh – Tiên, mà Phật là trước, nên tượng hình Phật Thích Ca cũng vốn là Thầy. Thầy mượn cửa Thiền để thâu phục các Hòa Thượng Thích Giáo và giống dân Tần Quốc. Tượng ảnh nầy là Phật Thích Ca, chớ không phải Thái Tử Sĩ Đạt Ta cỡi ngựa, vì Ngài đã thành Phật Tổ gần ba ngàn năm. Hay nói cách khác Thái Tử Sĩ Đạt Ta là hóa thân của Phật Tổ.
Thánh Giáo tại chùa Gò Kén ngày 27–1–Đinh Mão (DL. 28–2–1927). Đức Lý Giáo Tông dạy: “Hình Phật Thích Ca trước Hiệp Thiên Đài đó phải làm thế nào đừng cho hư gãy, vì Chí Tôn đã trấn Thần chính nơi tay Người nghe! Dặn khi đến Thánh Thất mới, phải cầu Chí Tôn trấn Thần lại nữa”.
Đức Chí Tôn nói với Hòa Thượng Như Nhãn:
“Như Nhãn Hiền Đồ, Thầy không muốn nói với con bằng tiếng Hớn ngôn, vì tiếng An Nam từ đây Thầy cho là chánh tự đặng lập Đạo của Thầy. Nên buộc phải nói rõ với con! Con đã giúp Thầy gìn giữ Thích Đạo nguyên luật từ thử mới còn đặng như vầy, không thì ra Bàn Môn Tả Đạo rồi…”

    4.- Ba ngôi tháp “Thượng Sanh – Hộ Pháp – Thượng Phẩm”

Thánh Ngôn ngày 9–3–Kỷ Tỵ (DL. 18–4–1929), Đức Chí Tôn dạy về việc xây Tháp cho Đức Cao Thượng Phẩm như vầy: “Các con…Cười… Ấy! Cũng tại Thầy mà các con lộn xộn cùng nhau… Cười… Thơ! Con cũng phải, mà Bính cũng phải! Lỗi ấy nơi Thầy. Bính! Chớ chi con lấy năm lần chín (5 x 9 = 45) thì con đã trúng rồi đó, con lại sợ thằng… Sang đứng cận đường, song cũng còn xa đó con, không hề gì.
Hai con muốn đem vào cây ba nhánh một chút nữa càng tốt, nhưng đã lỡ rồi, cứ để y.”
Theo Thánh Ngôn dạy trên, thì ba ngôi Tháp cách nhau 45 thước, lấy tháp Hộ Pháp làm trung tâm và Tháp của Thời Quân không có trước mặt tiền Tòa Thánh, vì sao vậy? (Xem thêm nơi “Phần đất xây Tháp Thời Quân”.)
 Để rõ hơn, ngày 7–3–Kỷ Tỵ, Đức Chí Tôn dạy:
 “Thơ! Con xây Tháp Cao Thượng Phẩm trước cây ba nhánh, day về hướng Đông, giống như ngó vào Điện hầu Thầy vậy… Đừng làm như Tháp Bảo Đạo, vì phẩm vị khác nhau…”. (Không dạy rõ khoản cách, nên nói lỗi tại Thầy là vậy).

5.- Cổng Chánh Môn

Cổng Chánh Môn theo họa đồ của Đức Hộ Pháp chỉ dẫn: “Cao 36 (ba mươi sáu) thước – cổng giữa ngang 60 m, cổ kín tam quan, trên nóc để Cổ Pháp”. Họa đồ nầy có Đức Thượng Sanh xác nhận bằng Huấn thị đọc trong ngày đặt viên gạch đầu tiên xây cổng theo kiểu của Ngài Bảo Thế, là: “Đã từ lâu Hội Thánh có ý định xây cửa Chánh Môn theo bản đồ của Đức Hộ Pháp, mãi đến hôm nay mới có cơ hội”.
Huấn từ của bậc kế thừa đọc như vậy, mà cửa vẫn xây dựng theo bản đồ của Ty Kiến Thiết Tây Ninh, tức của Quan Tỉnh Trưởng Thiếu Tướng Lê Văn Tất. (Xem bài tường thuật diễn tiến ở phần sau).
Thế nên, sau 14 năm lãnh đạo Giáo Hội, Đức Thượng Sanh không nghĩ đến việc Khánh Thành Cổng Chánh Môn, vì có hai Rồng tranh Cổ Pháp.
                                                                (Xem ảnh Cổng Chánh Môn ở phần cuối trang này)

6.- Tháp Tiếp Đạo xây trong nội ô là phạm pháp.

Từ ngày 15–4–Đinh Dậu (1957), Đức Thượng Sanh về Tòa Thánh cầm giềng mối Đạo, Ngài chỉ huy chi Thế, nên không có nắm Pháp.
Khi Ông Tiếp Đạo Cao Đức Trọng qui liễu, lại an táng trước mặt tiền Tòa Thánh, bên cạnh cửa chánh, phía tay trái, bên trong ngó ra.
Thánh Thơ số 17, ngày 6–6–Mậu Tuất (DL. 22–7–1958) của Đức Hộ Pháp nơi Hải Ngoại (Nam Vang) truyền phán như sau: “Vụ đám Ông Cao Tiếp Đạo, Qua nghe tin, Qua rất mừng, nhưng mà xây Tháp chỗ ấy phạm mạng lịnh của Đức Chí Tôn đã dạy trước là: “Trước Đền Thánh chỉ có ba cái Tháp mà thôi: Tháp Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh. Còn Thập Nhị Thời Quân không có ở đó. Vì sự quyết ấy mà chính mình Qua phải mua đất tư đặng chia cho mỗi người nửa mẫu tây (0 Ha 50), để cho họ lập nghiệp và xây Tháp, cho con cái của họ ở đặng gìn giữ hương hỏa, luôn cả các môn đệ của họ có thể làm ăn và làm nơi hội hiệp”.
Sự thể là như vậy, Thánh Giáo Đức Chí Tôn dạy trước Đền Thánh chỉ có ba ngôi Tháp Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh đúng vào ngôi vị trong Đền Thánh, còn Thời Quân không được xây Tháp nơi đó.
Khi Thánh Thơ nầy đến Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, Đức Ngài ra lịnh dời liền. Điều nầy chắc không còn gì lạm bàn thêm nữa, nếu có là sai.

7.- Mặt tiền Đền Thánh day hướng Tây

Đạo xuất ư Đông, nên Đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn khai lập trong Miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Tây Ninh cũng hướng Đông. Khi truyền Đạo cũng khởi đầu các Tỉnh phía Đông, rồi lần lượt truyền ra các tỉnh Miền Tây Nam Phần.
Nước Việt Nam có ba phần: Nam – Trung – Bắc. Ngày nào miền Bắc Việt Nam Đạo thạnh hành như Miền Nam, chừng đó Đạo mới xuất dương hoằng hóa khắp ngũ Châu, tức từ phương Đông ra phương Tây theo bài Thi tứ tuyệt của Đức Chí Tôn đã dạy như sau:
“Từ thử nước Nam chẳng Đạo nhà,
Nay ta gầy dựng lập nên ra…”
Để hiểu rõ ba Miền và Đạo xuất dương theo bài thi:
“Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà.
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền Chơn Đạo một mình ta.”
Đến ngày ấy là Đại Đồng Tôn Giáo, Vạn loại sẽ là một khối do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chủ quản, Tam Giáo Ngũ chi không còn riêng biệt nữa. Biểu tượng hình Long Mã Phụ Hà Đồ trên nóc Nghinh Phong Đài Đền Thánh, từ Đông chạy qua Tây; ấy là Đạo khai phương Đông rồi truyền ra phương Tây. Long Mã ngoái đầu cũng có nghĩa buổi Đạo khai tại Đông Phương là nước Việt Nam cũng vào thời kỳ Hạ nguơn.
Về mặt Bí Pháp, nước có Đạo sẽ được vi chủ hoàn cầu như hai nước trước đây Ấn Độ và Trung Hoa vậy. Riêng Việt Nam ứng vào câu:
“Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc,
Mà sau làm chủ mới lạ kỳ”.
Đó là Hồng Ân Chí Tôn ban cho nước có Đạo nhà.
Hướng Tây là cung Đoài tức cung Đạo, nên tượng hình Long Mã là đem Đạo cho đời.

8.- Hình thể Đền Thánh: một con Long Mã quì

Đền Thánh có hình thể con Long Mã quì mang hai chữ “Nhơn–Nghĩa” là đạo Trung Dung của Đức Khổng Tử, vì có nhơn nghĩa mới có thương yêu, thực hiện đạo lý nhơn nghĩa ấy là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh. Đạo khai kỳ nầy để tận độ toàn thể nhơn loại, nên Đức Chí Tôn buộc phải thương yêu làm phương cứu cánh tự giác và giác tha, nếu không đủ sức thương yêu thì không đặng quyền ghét.
Đền Thánh là nguồn cội Đạo, là bóng mát từ bi, là nguồn suối vĩnh sanh tắm mát linh hồn, là phướng siêu sanh của Vạn linh sanh chúng.

8.1 - Một chữ Sơn

Sự tổng hợp ngoại thể ngôi Đền Thánh từ Đông Lang, Tây Lang thành một chữ “SƠN”, bên trong nơi Bát Quái Đài là chữ “CHỦ”, khoảng giữa Cửu Trùng Đài là chữ “TRUNG”, nơi Hiệp Thiên Đài là chữ “NHỨT”. Chung kết là qui nhứt Đạo Giáo do Chí Tôn làm chủ, theo tôn chỉ Đạo Cao Đài khi vào Đền Thánh là vào Long Hoa Đại Hội.
  8.2- Mặt tiền hai bên là chữ Lâm
Thời gian sau đây, Hội Thánh tương lai sẽ cất ngôi tổ Đình trong sân Đại Đồng Xã thì tượng chữ “Lâm” rất rõ ràng, chữ Sơn ở giữa hai cánh rừng Thiên Nhiên là chữ Lâm.
Đó là tất cả dịch lý cũng là dấu hiệu Chúa tái lâm đến nơi Đền Thờ Cha Ta có hai chữ “Sơn Lâm”.
Thánh địa Tây Ninh cũng là nơi Chư Phật, Tiên, Thánh xuống trần để dự Đại Hội Long Hoa vào năm Tý… Ngày ấy là ngày Đại Từ Phụ sẽ giáng lâm mừng con cái của Ngài đắc quả đạt vị theo “Bộ Công Di Lạc Tam Kỳ Độ Sanh”, thì vàn vàn Thần, Thánh, Tiên, Phật chầu hầu, hộ giá hào quang chiếu khắp Thánh Địa là Cực Lạc tại trần gian.
Điều nầy cũng chẳng lạ, vì Đức Chí Tôn đã đến Đền thờ Tây Tạng vào năm 1917, để an ủi, giáo hóa con cái yêu dấu của Ngài và hứa rằng cứ 50 năm Chí Tôn sẽ đến…
Trên thế giới có ba ngôi Đền Thờ Ngài: Một La Mã, hai Jerusalem, hai nơi nầy Đức Chí Tôn đã đến bằng hình ảnh Thiêng Liêng. Vậy thì Đền Thánh là ngôi thứ ba Đức Đại Từ Phụ sẽ đến vào ngày Long Hoa Đại Hội, vì chính Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn giáng linh lập thành, thì chắc chắn rằng ân huệ sẽ đủ đầy…

PHẦN NĂM

Trấn Pháp Đền Thánh 

(Báu Vật Lấy Từ Núi Bà là Ngũ Thạch).

1. Chuyến đi núi lần thứ hai của Đức Hộ Pháp. 

2. Một chuyện lạ hai tháng sau tại Đền Thánh. 
3. Lễ an vị quả Càn Khôn. 
4. Tòa Nội Chánh Cửu Trùng Đài (1933). 
5. Sự biến hóa của Tòa Nội Chánh. 
6. Báo Ân Từ Tòa Thánh. 
7. Sao gọi là Oai Linh Tiên lộ?

1.- Chuyến đi núi lần thứ hai của Đức Hộ Pháp.

Trước ngày Lễ Trấn Thần Đền Thánh 6–1–Đinh Hợi (1947), Đức Hộ Pháp dạy số người Phạm Môn vô chân núi, phía Suối Đá ngó qua để tìm miệng hang.
Vâng lịnh Đức Thầy, bốn người Phạm Môn đi tìm suốt ba ngày mà không gặp, phải về báo trình lên Đức Tôn Sư Hộ Pháp hay sự việc.
Đức Thầy chấp bút, được các Đấng mách bảo Đức Hộ Pháp cứ đi, có Sơn Thần hướng dẫn.
Tiếp nhận lịnh trên, Đức Thầy chọn 5 vị Phạm Môn cùng đi. Quả thật đúng như lời Thiêng Liêng hướng dẫn đến một lùm cây, dây mây phủ kín, đứng ngoài trông lên nhận diện được miệng hang, Đức Thầy dạy phải dọn đường cho trống, chặt gai, ruồng cành cây vô tận miệng hang cho tiện đường đi.
Sau khi dọn lùm dây mây phủ kín, quả thật có miệng hang, đường vào hang sâu, phải nhờ đèn dầu chai cháy sáng rọi lối đi…
Đi như thế rất lâu, đến một nơi có ánh sáng bên ngoài chói vào làm sáng lối đi; đường trong hang chỗ rộng, chỗ hẹp, có chỗ phải nghiêng người mới qua lọt, lại có chỗ khom lưng đi qua.v…v…
Sáu Thầy trò lần bước đi lần theo vách đá chập chồng ngổn ngang dưới chân. Đi mãi như thế rất lâu mới tới một cái sân rộng có đủ các loại thú rừng như: chim, rắn, cọp, beo, voi. Đến đây số người đi trước thấy thế hoảng sợ phải thối lui lại.
Trường hợp bị thú rừng cản đường xẩy ra, có lẽ số thú nầy có phận sự canh giữ đường hang huyền bí. Lúc bấy giờ Đức Thầy Phạm Hộ Pháp tiến lên đi trước, ngộ nghĩnh thay! Khi Đức Thầy vừa đi đến thì các loài thú vẹt ra tránh đường, đầu cúi mạp xuống dường như cung kính chào mừng.
Đến khoảng đường nầy dường như lên dốc cao. Đi độ hai giờ nữa lại gặp một ao sen, hoa lá rất to, lá sen lớn cỡ cái nia. Qua khỏi ao sen một khoảng thật xa mà hương thơm vẫn còn bát ngát. Mùi thơm của hoa sen làm cho sảng khoái tâm thần, đi lâu mà không thấy mệt mỏi gì cả.
Đi như thế rất lâu, đến một nơi có ánh sáng chói lòa, mắt thường không nhìn thẳng vào được, một điều rất lạ là không còn đi nữa được! Có lẽ nơi phải đến đã đến! Làm cho số người đi phải dừng lại, kẻ đứng, người ngồi; duy có một mình Đức Thầy đi đến chỗ có ánh sáng ấy… Không biết Đức Thầy làm gì, thời gian là bao lâu, vì tất cả năm người đều bị ngủ mê…
Cho đến khi Đức Thầy trở ra đánh thức dậy nhìn vào chỗ có ánh sáng lúc ban đầu thấy dịu bớt, không còn chói lòa như trước nữa.
Kỳ diệu thay! Song không biết là báu vật gì. Kế Đức Thầy ra lịnh trở lên miệng hang, khi trở về đi nhanh hơn vì đã quen đường cũ. Sáu Thầy trò thông thả ra tới miệng hang, nhìn mặt trời lên cao độ 9–10 giờ sáng; tính ra đường đi vào hang sâu mất một ngày, đêm (có hơn 24 giờ).
Lạ một điều, không ai thấy đói, khát và mệt mõi chi hết. Lúc khởi đầu đi chỉ uống một lần nước thạch nhũ mát lạnh, có hương vị ngọt làm cho khỏe mạnh lạ thường.
 Khi vào hang huyền bí nầy với hai tay không, lúc trở về Đức Thầy cầm trên tay một cái hộp gói vải điều…

2.- Một chuyện lạ hai tháng sau tại Đền Thánh.

Qua hai tháng sau, vào một buổi chiều gần giờ tan sở, Đức Thầy dạy mấy em thợ hồ trộn sẵn cho Đức Thầy một thùng hồ để sẵn sàng đó, Đức Thầy có chỗ dùng… Dạy xong, Đức Thầy về Hộ Pháp Đường, thay Đạo Phục, qua Báo Ân Từ cầu nguyện Đức Chí Tôn. (Quả Càn Khôn lúc Bấy giờ tạm thờ tại Báo Ân Từ để làm Tòa Thánh từ năm 1931 đến năm 1947).
Lễ cầu nguyện vừa xong, Đức Thầy cùng đi với ba vị Phạm Môn: Trung, Mậu, Út đồng bách bộ đến Đền Thánh (chỗ Giáo Hữu ngồi cúng), đều đứng lại tại đây; rồi Đức Thầy tự tay xách thùng hồ đi thẳng vào Bát Quái Đài, một lúc khá lâu… Khi Đức Thầy trở ra với cái thùng “không”, không còn hồ xi–măng nữa. Lúc nầy ba anh em chúng tôi không biết Đức Thầy làm gì và ở đâu.
Vì tách tọc mạch, muốn khám phá sự bí mật, sau khi ra về, hai ông: Lê văn Trung và Trần Thạnh Mậu trở lại vô Đền Thánh, vào thẳng Bát Quái Đài tìm kiếm dấu vết hồ mới rất lâu và rất kỹ mà vẫn không thấy dấu hồ mới. Thật là kỳ bí…

3.- Lễ an vị quả Càn Khôn.

Ngày 6 tháng giêng Đinh Hợi (1947) lễ rước Quả Càn Khôn tạm thờ nơi Báo Ân Từ về Đền Thánh. Đức Hộ Pháp hành pháp trấn Thần An Vị. Khi đến Ngai Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, Đức Ngài thuyết minh tiên tri ngày về của người đứng đầu chi Thế:
“E sau nầy Hộ Pháp xuất ngoại, Thượng Sanh về ngự nơi đuôi (ngôi Thượng Sanh trên đuôi thất đầu xà), thì thất tình lục dục tự do dấy động, cái loạn không phương kềm chế…”
“Ngày Hộ Pháp trấn lại trên Ngai, mới êm tịnh Đạo Đời, lập lại tháng Thuấn, ngày Nghiêu, hưởng thuần phong mỹ tục”.

4.- Tòa Nội Chánh Cửu Trùng Đài (1933).

Trong Nội Ô Tòa Thánh có điều đáng lưu ý nhứt là Tòa Nội Chánh Cửu Trùng Đài, cất phía Bắc Đền Thánh, cập Quốc lộ 13, con đường số 13 nầy phân ranh giữa Nội Ô và Ngoại Ô Đền Thánh. Nói rõ hơn, Tòa Nội Chánh nằm bìa trong Nội Ô về hướng Bắc, tức là từ hướng Bắc đi vào thì gặp ngay Tòa Nội Chánh.
 Cho nên khi cất Tòa Thánh, Đức Hộ Pháp cũng cho xây Tòa Nội Chánh và Đức Ngài nói; “Bần Đạo cất Tòa Nội Chánh để áng hơi thở của con Cù, vì mỗi lần nó thở, nền Đạo chinh nghiêng …”
Năm Quí Mão (1963) có cuộc thay đổi, chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, buộc Đạo phải sửa đổi các danh từ dinh thự, như: “Pháp Chánh HTĐ đổi lại Pháp viện, Tòa Nội Chánh đổi lại Cửu Trùng Đường” phù hợp với câu:
“Đài phương phúc địa giáng linh,
Cửu Trùng thụy ứng Long Thành ngũ vân”.
Ngũ tường vân là một hội Rồng Mây… Ấy là một trấn pháp, che mặt hông Đền Thánh.
Từ cửa Hòa Viện số I chánh Bắc (Thủy) đi vào Nội Ô trung tâm Thánh Địa, trước thấy văn phòng Nội Chánh CTĐ, nơi làm việc của Cửu viện và ba Chánh Phối Sư.
Qua vườn hoa kiểng (mới làm sau), rồi tới Đền Thánh, đoạn đường nầy nằm bên ngoài bao lơn HTĐ, tức áng lỗ tai con Long Mã (bên Nữ phái) bảo vệ Sanh Môn Quan cho phái yếu…
Trái lại, bên Nam phái, từ phía Nam đi vào Bạch Ngọc Kinh tại thế, thì Hiệp Thiên Đài nằm nơi Đại lộ Phạm Hộ Pháp, tức là Đạo Pháp để trước mắt nhơn sanh tự tri, tự giác vào cửa Sanh Môn Quan để đến Cung Đạo trình diện Đức Chí Tôn, gọi là Pháp Luân Thường Chuyển (Lễ Hoán Đàn khi cúng Đại Lễ).

5. - Sự biến hóa của Tòa Nội Chánh.

Trước cuộc biến thiên, Chức Sắc bị thâu quyền chức, lúc đó có con Mễnh chạy vào Tòa Nội Chánh, đụng đầu vô cột chảy máu, rồi chạy ra Quốc Lộ số 13, bị bắt làm thịt trong năm Đinh Dậu (1957).
Đức Hộ Pháp phê dạy như sau:
“Con Mang đem tin tại Nội Chánh đã tỏ ra rằng: Cơ khảo đảo do căn nguyên nơi Nội Chánh. Nếu ta tin nơi quyền năng Thiêng Liêng thì ta có thể nói rằng: Nếu không có quyền năng vô đối của Đức Chí Tôn thì cả Chức Sắc Cửu Trùng Đài nơi Nội Chánh bị nạn tiêu diệt mà chớ, chẳng phải như thế mà thôi!”
Vậy Bần Đạo nói: Cơ khảo đảo ngưng cả quyền tước của Chức Sắc Thiên Phong là cốt trừ cái nạn diệt vong của Nội Chánh. Vậy Bần Đạo khuyên họ ráng chịu cho tới ngày Bần Đạo trở về nước”.
                                                                      Ngày 01–01–Đinh Dậu.
Quả nhiên đến năm Giáp Thìn (1964), 10 vị Đại Thiên Phong từ Phối Sư đến Giáo Hữu: 5 ông hồi hưu dưỡng lão, 5 ông bị ngưng quyền chức 15–4– Đinh Dậu (26–5–1964). Theo câu chót thì lời phê nầy vẫn còn hiệu lực cho đến ngày Đức Hộ Pháp trở về nước nhà, các tai nạn mới được chấm dứt.
Còn hai trường hợp nữa cũng do con Mễnh mang tin chẳng lành: Năm Mậu Tuất (1959), một con Mễnh chạy vào Nội Ô bị té giếng. Sau đó Ông Ngọc Hoài Thanh bị Gián Ma Xử chết. Một con Mễnh khác chạy vào nội Ô năm Ất Mùi bị què chân, được Đức Hộ Pháp giải nạn đưa xuống Trí Huệ bảo dưỡng, chờ đi được rồi phóng sanh, nên nạn tai được nhẹ.
 Mang, Mễnh là con vật đem điềm bất thường.

6.- Báo Ân Từ Tòa Thánh.

Báo Ân Từ là Văn Đài của Đức Chí Tôn, nơi phụng tự các bậc tiền Thánh hữu công cùng Đạo gọi là Điện Báo Ân. Nơi Chánh Điện hiện nay tạm thờ Phật Mẫu, Vì Đền thờ chánh thức Đức Phật Mẫu chưa cất, chờ ngày nào toàn con cái của Mẹ biết thương yêu nhau thật sự thì Đức Đại Từ Mẫu cho cất Đền Thờ Bát Cảnh Cung có hình Nam Bình Vương Phật mặc áo cà sa.
Còn đây là Báo Ân Từ, bản đồ thiết kế do Đức Hộ Pháp phác họa, có tám cung cảnh, trên plafond có một hình Rồng, đầu ở cung thứ tám, đuôi ở căn giữa và căn đầu. Thế là một Rồng thể Dương. Phần dưới thì có ba gian song song thể cung Càn, gồm 2 âm, 1 dương (nữ 2, nam 1). Trên nghi thờ thì 2 dương, 1 âm. Thể hiện Đạo Pháp trong dương có âm, trong âm có dương. Âm Dương tương hiệp hóa sanh vạn vật. Âm Dương phát tán là đạo lý của Dịch.
Khái quát Nội Ô, qua lộ Oai Linh Tiên để ra ngoài ngoại ô gồm có Châu Thành hạ và Châu Thành thượng theo cung cảnh tứ phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

7.- Sao gọi là Oai Linh Tiên lộ?

Trong cửa Đạo có Lộ Oai Linh Tiên là việc làm nhớ ơn của Đức Hộ Pháp về việc cho Hoa Hạnh Nhơn.
Nơi cung Huyền Đô Đại Pháp Sư có sai vị Tiên Thánh Danh “Oai Linh Tiên” đem hoa Hạnh Nhơn dâng cho Đức Hộ Pháp để gắn nơi Đền Thánh, hoa Hạnh Nhơn có dây lá.
Do đó, để ghi nhớ, Đức Hộ Pháp đặt tên đường OAI LINH TIÊN cho sử ghi tạc đời đời công ơn và biết rõ sự tích hoa Tiên. 
(Đường Oai Linh Tiên nằm từ ngã tư Đại Lộ Phạm Hộ Pháp đến cửa số 4).



 Cổng Chánh Môn theo họa đồ của Đức Hộ Pháp chỉ dẫn









Thiện Tâm Cao Đài - wedside chia sẽ miễn phí tài liệu Đạo Cao Đài !!! 
Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
Thiện Tâm - Cao Đài Tây Ninh - Việt Nam 
mọi chi tiết về wedside xin chư quý hiền liên lạc theo 
Gmail : Thientamcaodai@gmail.com 
Cập Nhật lần cuối 2013 
Copyright © Anh Tuấn 2011: 2012 : 2013 by www.thientamcaodai.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More