Tìm Hiểu Châu Thành Thánh Địa ( Phần Tiếp Theo ) 02
1.-Nguyên
nhân nào lập Đạo Cao Đài tại Tây Ninh.
2.-Châu Thành
Thánh Địa:
3.-Hướng Bắc
Châu Thành Thánh Địa
4.- Chợ Vườn
Điều.
5.-Vạn Pháp
Cung (Linh Sơn Động)
6.- Cực Lạc
Thế Giới (trên Núi Bà)
7.-Tìm hiểu
ông Giáo Thiện Võ văn
Đợi.
8.-Làm sao
biết được ông Võ Văn Đợi Ở Đại Hải
Chúng?
9.-Đức quyền
Giáo Tông nói gì với Phạm môn tại Tòa Thánh
10.-Núi Điện
Bà – Chùa Linh Sơn.
11.-Huệ Mạng
Kim Tiên đắc Đạo: (Linh Sơn Động).
12.-Sự tích
suối Vàng
13.-Đại lộ
sáu mươi thước: kỳ quan Cực Lạc Cảnh
14.-Kết luận
phía Bắc.
15.-Bản đồ
Châu Thành Thượng.
16.-Hướng nam
Châu Thành Thánh
Địa:
17.-Đường, lề
lộ.
18.-Long Hoa
thị chuyển
19.-Hồ tắm,
Bịnh viện, Bến xe.
Châu Thành Thánh Địa gồm có 40 cây số vuông. Châu Thành Hạ và Châu Thành
Thượng. Để tìm tàng thấu đáo nêu diễn kiến qua các nội dung cho tường tận, hầu
không nhầm lẫn chánh trị Đạo khác chánh trị Đời.
a. Nguồn gốc nước Việt Nam có: Nam-Trung-Bắc.
b. Liên hệ tỉnh Tây Ninh là Thánh Địa.
c. Địa lý, nhân văn, sắc tộc ( Tàu, Việt).
Nhìn vào lịch sử Việt Nam không loại trừ huyền sử và cận đại sử để thấu
triệt lý do chính đáng về địa thế ba miền: Nam, Trung, Bắc có sự liên quan mật
thiết cùng nhau từng thời kỳ Vương vị. Đế đô của mỗi thời đại.
Dựa vào huyền sử, kể từ Lạc Long Quân phối hợp với Bà Âu Cơ sanh ra Vua
Hùng dựng nước và giữ nước trải qua 18 đời Vương Đế trị vì, đó là dòng giống
Rồng Tiên.
Nước ta xét về phương diện địa lý, được chia 3 vùng:
1. Vùng cực Nam tên nước là Phù Nam, sau đổi thành Chân Lạp (Thủy Chân
Lạp), sau cùng sát nhập vào AN NAM QUỐC.
2. Vùng giữa nước là Lâm Ấp, sau đổi tên Chiêm Thành, rồi đồng hóa vào AN
NAM QUỐC.
3. Vùng phía Bắc, tên nước đổi thay nhiều lần, ban đầu tên là Xích Quỷ, qua
đời Hồng Bàng gọi là Văn Lang, đến đời Thục gọi là Âu Lạc, qua đời Triệu gọi là
Nam Việt.
Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, bị Tàu chia 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân,
Nhật Nam. Đến Bắc thuộc nhà Đường đặt lại An Nam Đô Hộ Phủ.
Đến đời nhà Đinh dẹp loạn Sứ Quân, rồi đổi lại Đại Cồ Việt, đến đời Vua Lý
Thánh Tông đổi tên Đại Việt. Vua Lý Anh Tông đổi lại An Nam Quốc. Đến Hồ Quí Ly
đổi Đại Ngu. Nhà Lê đổi lại Đại Việt.
Khi Vua Quang Trung băng hà, Vua Gia Long thống nhất đất nước và cầu phong
với Tàu lấy hiệu nước là Nam Việt. Vua nhà Thanh bên Tàu cho rằng: Đất Nam Việt
đời nhà Triệu ngày trước gồm: Lưỡng Quãng, Vân Nam, Phúc Kiến; nếu nhận cái tên
Nam Việt là mặc nhiên nhận chủ quyền của Việt Nam trên 4 tỉnh của Tàu. Vì vậy
Vua nhà Thanh đổi hiệu nước là Việt Nam.
Đến đời Vua Minh Mạng cho rằng cái tên Việt Nam có mang ý nghĩa thần phục
nhà Thanh bên Tàu, nên cải tên nước lại là Đại Nam cho đến nhà Nguyễn chấm dứt.
Năm 1945 tên nước Việt Nam được nêu lại. Sau ngày hiệp định Geneve chia đôi
lãnh thổ do Pháp và Việt Minh chia hai miền Nam Bắc, lấy vĩ tuyến 17 phân ranh
(Nam: VNCH – Bắc: VNDCCH).
Nhìn tổng quát lịch sử Việt Nam thì tên Việt Nam do nhà Thanh áp đặt cho
Vua Gia Long phải ép bụng mà nhận do sự cầu phong…
Sử gia Trần Trọng Kim cho rằng hai chữ An Nam có ý nghĩa thần phục người
Tàu, nên lấy tên Việt Nam, lại không kể rõ việc cầu phong của Vua Gia Long từ
cái tên Nam Việt đổi thành Việt Nam.
Đó là cận đại sử để thấy rõ sự liên hệ Tàu Việt, tại sao nước ta xưa kia
đặt tên nước là Xích Quỷ? Do chỗ con Rồng Cháu Tiên nên gọi mình là Xích Quỷ là
lửa đỏ, do câu: “Hỏa Sơn Lữ” (lửa đỏ trên núi), vào thời 50 con theo Mẹ
Tiên lên núi làm ruộng rẫy gọi là Đào Canh Hỏa Nậu; đó là giai đoạn đi với “vật
biểu” như: Núi, Chim, Lửa… đúng vào huyền sử 100 con, 50 con theo Cha Rồng
xuống biển.
Nếu cứ định hai chữ Nam Việt làm tên xứ gồm có: Vân Nam, Lưỡng Quảng, Phúc
Kiến: thế thì cái tên Việt Nam chỉ có nghĩa về địa lý mà thôi.
Về địa lý: Lịch sử cận đại nước ta có Tonkin là Bắc phần, thủ đô Thăng Long
Thành trải qua nhiều thời đại được chấm dứt… tức trải qua nhiều cuộc biến thiên
tuần hoàn, nên vượng khí địa lý được thạnh hành nơi Trung Phần Cố Đô Huế… Rồi
cũng nằm trong chu kỳ định luật, rồi sang địa lý vượng khí Sài Gòn, Gia Định.
Đến đây cuộc tuần hoàn dường phản bổn hoàn nguyên châu nhi phục thỉ trở lại
Thăng Long, nên vương vị nơi Sài Gòn rất ngắn hạn, cao lắm chín năm trở lại,
nên được chấm dứt vào ngày 30–4–1975, đúng vào dự đoán biến thiên của thế kỷ,
cứ 25 năm gần mãn thế kỷ cũ sang thế kỷ mới thì trải qua cuộc bể dâu của thế kỷ
20 vào năm 1975 là quá đúng.
Cuộc tuần hoàn chuyển xây hết loạn tới bình, vận mạng máu xương dân Việt
đến hồi kết thúc. Nước Việt Nam được thống nhất theo CNXH thủ đô trở lại Hà
Nội. Đúng là qui luật!
Đến đây ta thấy nước Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn: hùng hồn, uy
liệt làm cho ngoại bang khủng khiếp kinh hồn cũng có, mà tủi hổ thần phục cũng
có…
Đó là phần đời khi nước Việt Nam chưa có Đạo, tín ngưỡng đạo giáo do nước
ngoài du nhập mà thôi.
Dân tộc Việt Thường dù phải chịu lệ thuộc hai nước đại bang Tàu đô hộ ngót
ngàn năm, Pháp gần trăm năm, nhưng với ý chí quật cường bất khuất nên vẫn đứng
vững giữa năm châu.
May thay cũng nhờ đức tin tín ngưỡng của dân tộc nói chung mà được Hồng Ân
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế khai sáng nền Đại Đạo trong nước, nên gọi là Quốc Đạo
lấy danh “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” và cho biết rằng:
“Từ thử nước Nam chẳng Đạo nhà,
Nay ta gầy dựng lập nên ra.
Ví bằng ai hỏi sao bao nả,
Rằng trẻ noi sau biến hóa già”.
Chọn đất Tây Ninh làm Thánh Địa là nguồn cội Đạo Trời, để bao bọc, chở che
cho toàn nhơn loại vì đạo đức thương yêu nhau, không sát hại lẫn nhau hầu tránh
nạn chiến tranh hạt nhân nguyên tử; cũng tiền định làm nơi thay thế cho ba
thành Sài Gòn, Chợ lớn, Gia Định về mặt tôn giáo…
Chiến tranh là gì?
Do quyền lợi vật chất lẫn tinh thần mà gây hấn chiến tranh, tức là trát đòi
của Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng, đều do quả kiếp nghiệp duyên của nhơn loại phải
chịu nạn vay trả…
1. - Nguyên nhân nào lập Đạo Cao Đài tại Tây Ninh.
Vì địa thế và sanh khí, nên Đạo Cao Đào tiền định chọn đất Tây Ninh làm
Thánh Địa.
Đức Chí Tôn dạy: “Chi chi cũng tại Tây Ninh nầy mà thôi”
Muốn thấu đáo chân lý nầy, cần tư duy Đạo học lẫn khoa học về địa thế và
máy nhiệm cơ mầu của Đấng Hóa Công đã đào tạo sắp bày nơi vùng Thánh Địa Tây
Ninh.
Về địa thế: Huyệt Rồng, một vùng đất Lục Long Phò Ấn theo Thánh Giáo sau
đây:
“Sâu hơn ba trăm thước, như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng
giữa sáu nguồn làm như sáu Rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy chảy trúng đảnh núi
Bà Đen, nên gọi Lục Long Phò Ấn”.
Về huyền vi cơ tạo: Theo luật tiến hóa phải có thối hóa để đào thải, đó là
qui luật biển hóa cồn dâu, cồn dâu hóa biển.
Đức Lý Giáo Tông đã phán: “Nước Việt Nam đã được danh Thánh Địa, mà Lão
xin tội cho sáu thành… không được… Thảm! Thảm! Thảm!”.
Sau khi sáu thành chịu quả nghiệp, thì Tây Ninh thật sự là vùng Thánh Địa
để qui tụ lương sanh không phân sắc tộc, màu da, vì tất cả là con chung của
Thượng Đế.
Vùng Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh gồm có 40 cây số vuông, do Chánh Phủ Bửu
Lộc đã công nhận, diện tích có 20.382 hecta gồm đất thổ cư và đất ruộng.
Nhưng đến Chánh Phủ Đệ I Cộng Hòa Việt Nam thì Thủ Tướng Ngô Đình Diệm
không thừa nhận lại còn đem quân lực Quốc Gia xâm chiếm vùng Thánh Địa Cao Đài
do trung Tướng Nguyễn Thành Phương chỉ huy bạo động vào ngày 20–8–Ất Mùi (1955).
Lịch sử vàng son xen lẫn đen tối cách nhau từ 1945 đến 1955. Ấy vậy, mọi
việc ở đời biến động theo quan điểm thời gian và không tồn tại trong không
gian, cũng không phải là lạ!.
2.- Châu Thành Thánh Địa:
Được phân ra:
·
Châu Thành hạ: lấy Tòa Thánh làm trung tâm.
·
Châu Thành thượng: lấy Núi Bà Đen làm trung tâm.
Hai Châu Thành hiệp nhứt mới đủ 40 cây số vuông:
·
Bề ngang từ Nam đến Bắc: 24km + 16km = 40km
·
Bề dài từ Tây đến Đông: 28km + 12km = 40km.
(Giếng Mạch đến Núi Cậu).
3.- Hướng Bắc Châu Thành Thánh Địa
Ngoại ô Châu Thành Hạ thuộc hướng Bắc lập thành như sau: lấy Tòa Thánh làm
trung tâm, phân ra bốn mặt: Đông, Tây, Nam, Bắc.
·
Phía Đông: Từ Tòa Thánh đo về hướng Đông 21km.
·
Phía Tây: đo từ Tòa Thánh đến Mít Một 3km.
·
Phía Nam: đo từ Tòa Thánh đến Cẩm Giang 12km.
·
Phía Bắc: đo từ Tòa Thánh đến Núi Bà 12km.
Từ hàng rào Tòa Thánh đi về hướng Bắc đến chân Núi Bà, có các Đền, Điện,
Dinh Thự, Chợ hiện tại và tương lai như sau: tại xóm Tà Mum hiện nay là Phận
Đạo Thập Thất, cập Đại lộ Bình Dương có 4 mẫu đất mà Đức Hộ Pháp dành để sau
nầy cất Đền Thờ Phật Mẫu chánh thức, có đắp hình Nam Bình Vương Phật, theo lời
Đức Hộ Pháp dạy:
“Phải đợi ngày nào tạo được Đền Thờ Phật Mẫu mới đắp hình Nam Bình Vương
Phật, cũng như ở Đền Thánh có hình Hộ Pháp trên Ngai ngó vô Bát Quái Đài vậy.
Đền Thánh tượng trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế có hình Hộ Pháp mặc Thiên Phục
khôi giáp, thì nơi Đền Thờ Phật Mẫu thay vì tượng trưng cho Lôi Âm Tự, lẽ dĩ
nhiên phải đắp hình Ngài, nhưng không mặc Thiên Phục, chỉ mặc áo cà sa nhà Phật
mà thôi.
Nơi Trí Giác Cung Qui Thiện, Thầy có dạy thờ Nam Bình Vương Phật trong Đền
Thờ Phật Mẫu phía ngoài ngó về Chánh Điện. Cũng như hồi ban sơ Phật Mẫu giáng
cơ tại Khổ Hiền Trang, Ngài cho biết nơi đây là:
…Phước Địa ngộ tùng hoa.
Lục ức dư niên vũ trụ hòa (600.000 năm)”.
Phật Mẫu dạy tạm lập nhà thờ Phật Mẫu tại Thảo Đường và cho biết sau nầy Tổ
đình Tòa Thánh hoàn thành rồi mới khởi tạo Đền Thờ Phật Mẫu lớn lao cũng như
Đền Thánh vậy. Nhưng nợ vay trả quả kiếp tiền khiên của dân tộc Việt Nam chưa
dứt, khiến nạn biến cố mãi đến không tạo đặng Đền Thờ Phật Mẫu nơi Thảo Đường
Khổ Hiền Trang (Mỹ Tho).
Hiện giờ đây, Thầy có dành bốn mẫu đất trước cửa Hòa Viện Tòa Thánh để tạo
Đền Thờ; nhưng lòng từ bi của Phật Mẫu thấy con cái của Ngài đang chịu loạn lạc
cùng khổ và trong cửa Đạo, con cái của Ngài cùng Hội Thánh chưa được thống
nhất. Nên Ngài dạy tạm thờ Ngài nơi Báo Ân Từ là nhà thờ công nghiệp con cái
của Ngài đặng thấy lòng thương yêu của Mẹ cưng con đáo để dường nào…
Cho đến khi cởi bỏ xác trần, cũng đem vô tế lễ trình diện trước mắt bà Mẹ,
dầu cho sang trọng, công hầu, khanh tướng nơi nào, đến khi chung qui cũng về
với Mẹ mà thôi.
“Qua nói thiệt! Chừng nào cả con cái Phật Mẫu xúm nhau sùng bái để gọi chút
hiếu thảo đền ơn Đức Mẹ, thì ngày ấy sẽ có Đền Thờ Phật Mẫu chánh thức theo
lòng từ bi của Đức Mẹ đã định”.
Đôi Liễng trong tượng ảnh Nam Bình Vương Phật:
“Hữu tế hóa nhân hữu tế hóa vật,
Thì vị kỳ trấn tá hữu ngã Phật,”
“Phật kỳ hữu linh kháng hương bái khất”.
4.- Chợ Vườn Điều.
Theo Đại lộ Bình Dương qua cầu vào Phận Đạo Thập Tam có chợ Vườn Điều, đây
là chợ nhỏ nằm trong Phận Đạo.
Sau đây, khi Châu Thành Thượng mở rộng, có lộ 60 thước bao quanh kho tàng,
thì tại khu Suối Vàng có ngôi chợ Ninh Sơn rất phồn thịnh như chợ Long Hoa vậy.
5. - Vạn Pháp Cung (Linh Sơn Động)
Ngày 28 tháng 10 Giáp Ngọ (DL. 23–11–1954), Đức Hộ Pháp lên núi Bà Đen, chỉ
chỗ xây nền Vạn Pháp Cung tại Chơn đá Ông Văn, cho hiệu là “Linh Sơn Động
Vạn Pháp Cung”.
Đồ án xây dựng Vạn Pháp Cung Tịnh Thất Nam Phái chưa được Đức Hộ Pháp dạy
thế nào, duy Đức Ngài đã dạy: “Bần Đạo lập Trí Huệ Cung trước cho nữ phái,
sau nam phái phân bì mà lo cất Vạn Pháp Cung trên núi”.
Qua Thánh ý nầy, có lẽ Vạn Pháp Cung do bản đồ Thiên Hỉ Động mà làm theo.
Còn sơ đồ do Phòng họa đồ (Lễ Sanh Ngọc Ba Thanh) vẽ theo sự phỏng định của
Công Viện Phước Thiện (Đạo Nhơn Phạm văn Út), không có sự phê chuẩn của Đức Hộ
Pháp, coi như chưa chánh thức, vì Tịnh Thất phải được cất theo họa đồ đặc biệt
phê duyệt. (Bản vẽ ngày 18–8–Ất Mùi (1955), Đức Hộ Pháp còn ở Tòa Thánh).
5.1-Phương
hướng tạo tác.
Vâng lịnh Đức Hộ Pháp, Hội Thánh Phước Thiện ra Thông tri tuyển mộ công quả
tình nguyện tạo tác Vạn Pháp Cung theo số định ba ngàn… rồi dâng thỉnh giáo,
được Đức Thầy phê dạy: “Trừ ra số mấy đứa Đạo Núi, còn lại bao nhiêu là số
tuyển mộ; phải lựa cho kỹ người đủ khỏe mạnh đặng tạo tác Tịnh Thất.
Sau còn một ngàn nữa sẽ tới các vị lão thành”.
Ngày 16–2–Ất Mùi.
5.2- Phần điều hành.
Sắp khởi công xây dựng trong tháng 2 năm Ất Mùi, Hội Thánh giao cho Thượng
Thống Công Viện Phước Thiện Đạo Nhơn Phạm Văn Út đương quyền Trưởng Tộc Phạm
Môn công cử Ban Chưởng Quản Vạn Pháp Cung, Ông Đạo Nhơn Nguyễn văn Gia đảm
nhiệm Chưởng Quản Ban Tạo tác.
Về nhân số và công thợ đã tuyển mộ xong, sắp khởi công động thổ, kế gặp
ngày Đạo Hận 20–8–Ất Mùi (1955), Đức Hộ Pháp xuất ngoại Tần Quốc thuộc Kiêm
Biên Tông Đạo vào đêm 4 rạng 5–1–Bính Thân (1956), làm cho mọi việc Đạo sự bị
gián đoạn, từ đó công cuộc tạo dựng Vạn Pháp Cung phải đình hoãn lại mãi cho
đến ngày nay.
6.- Cực Lạc Thế Giới (trên Núi Bà)
Muốn biết cực Lạc Thế Giới ở đâu, đất liền hay trên Núi Bà nên đọc bài
tường thuật chuyến đi núi của Đức Hộ Pháp lần thứ nhứt ngày 12–6–Mậu Dần
(9–7–1938) như sau:
“Đêm 12 tháng 6 năm Mậu Dần, Đức Hộ Pháp thức dậy sớm khoảng 4 giờ sáng,
mặc đồ bà ba trắng dẫn xe đạp ra cổng Hộ Pháp Đường mà Bảo thể giữ cổng không
hay biết. Đức Thầy lên xe đạp chạy ra cửa Hòa Viện, dẫn xe qua cổng; bên ngoài
có quí ông: Nguyễn văn Gia, Nguyễn văn Lư và Võ văn Đợi (Đại) đứng chờ sẵn, Ông
Võ văn Đợi ở họ đạo Mỹ Tho về Tòa Thánh thăm Đức Thầy, nghe Đức Thầy định đi
núi nên ông xin theo hầu Thầy.
Lúc lên đường, trời sắp sáng, Thầy trò cỡi xe đạp đi ra mé Tây Ninh, rồi tẻ
qua ngả năm để đi thẳng lên núi. Đến sáng ra trong Tòa Thánh mới phát giác
không biết Đức Thầy đi đâu…
Khi Thầy trò đến chân núi, tới láng rừng có đóng bảng cấm, Đức Thầy bảo đem
xe đạp bỏ trong đó, rồi Đức Thầy dẫn anh em băng qua vườn chuối. Đến chân núi,
Đức Thầy leo theo triền núi, anh em cũng đi theo. Khi lên được một đổi, gặp một
tảng đá lớn, dưới tảng đá có một cái hang kêu là hang Gạo (chứa gạo).
Đức Thầy chun qua hang đá rồi leo lên một tảng đá khác, nơi đây mát mẻ, Đức
Thầy ngồi nghỉ mát, lúc đó Ông Võ văn Đợi đạo hiệu Linh Đoán, đem võng ra gắn
cho Đức Thầy nằm nghỉ, rồi ông chạy xuống Cầu Đá chỗ bến xe gần chùa Trung mua
nước dừa đem lên cho Đức Thầy uống”.
Đức Thầy nói: “Nơi đây sau nầy anh em bây về ở trên ba ngàn người, mà
cũng có thể hơn nữa. (Đức Thầy nói dưới chân đá chắc có mạch nước).
Nơi đây chắc có mạch nước, đâu mấy con xuống coi thử”.
Anh em leo xuống dưới vạch cát lên, quả nhiên có mạch nước. Khi anh em trở
lên báo trình có mạch nước y như Đức Thầy nói. (Mạch nước đó hiện giờ là Sở số
I). Lúc đó Đức Thầy kể chuyện Ông Đầu Sư Thái Thơ Thanh tạo Cực Lạc ở dưới đó
là sái Thiên Thơ, cho nên Ảnh làm không thành, mà Cực Lạc Cảnh ở trên núi nầy…
“Cực Lạc Thế Giới có Lôi Âm Tự là nơi tu hành của các bậc Chơn tu, là con
đường giải thoát. Giữa đỉnh cất Kim Tự Tháp tượng trưng cho Lôi Âm Tự tại thế,
còn dưới chân núi là dinh thự Vạn Pháp Cung…
Sau nầy mấy em có xin việc gì thì cầu nguyện Đức Diệu Võ Tiên Ông, Ngài đắc
lịnh trấn nhậm núi nầy cai quản các vị Sơn Thần, thay cho Bà Lê Sơn Thánh Mẫu
đến trấn nhậm vùng thổ địa…”
Đến 16 giờ, Đức Thầy ra lịnh trở về Tòa Thánh. Thật là dịp may hay có định
trước duyên hạnh ngộ đối với Ông Võ Linh Đoán, trước kia được nghe Đức Thầy
nói: “không biết có đứa Phạm môn quèn nào lên núi lập cho bần đạo một vườn
nho”.
Khi nghe câu nói nầy trong dịp lễ khánh thành Nhà Bảo Cô, Ông đảm nhận Đầu
Họ Đạo từ Rạch Giá về Tòa Thánh tham dự. Nay lại được nghe nói: “Cực Lạc Thế
Giới ở trên núi, có đủ Am Vân, Tịnh Cốc”, tất cả những điều đó được khắc
sâu vào tâm não và chính đó là điểm hành trình lên núi sau nầy của Ông.
7.- Tìm hiểu ông Giáo Thiện Võ văn Đợi.
Sau ba năm đi Đầu Họ Đạo, rồi làm gì?
Trong số 72 Môn Đệ Phạm Môn được thọ giáo với Ân Sư Hộ Pháp, có Ông Giáo
Thiện Võ Văn Đợi đáng quan tâm lưu ý về gương Đạo hạnh của ông. Sau ba năm hành
đạo theo lịnh Đức Tôn Sư lo tạo tác cơ sở lương thực nuôi công quả làm Đền
Thánh, Ông liền từ chức về cửa Tu Chơn. Song sự từ chức nầy chưa được thượng
quyền chấp thuận, bởi vì từ bỏ chức tước phẩm vị Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng
là từ bỏ Thiên Vị mình, thay vì đi về nơi Cửu Thiên Khai Hóa, lại phải an
trú nơi Thanh Tịnh Đại Hải Chúng.
Để bảo tồn ý định mình, Ông Giáo Thiện Võ Văn Đợi tự treo ấn từ Quan Đạo,
lên núi tự lập cơ sở tu hành riêng, không còn tùng Hội Thánh Phước Thiện nữa,
thay áo trắng ra đồ nâu. Mặc dù có hành động mở đường khác, song Ông Võ văn Đợi
vẫn giữ nghĩa Thầy trò luôn trung thành tôn kính Đức Hộ Pháp. Điều nầy đáng
phục, Ông biết giữ ba mươi sáu chữ lời thề, nhứt là tình nghĩa Thầy trò nơi cửa
Phạm.
Hành động nầy, Ông căn cứ vào đâu? Theo sự hiểu biết từng cá nhân
hoặc đúng hoặc sai, có lẽ theo văn thơ ngày 22–1–Kỹ Mão (DL. 12–3–1939) của
Ngài Khai Pháp Chưởng Quản Cơ Quan Phước Thiện như vầy:
“Kính cùng Ông Giáo Thiện Võ Văn Đợi,
Tiếp thơ hồi âm của Hiền Hữu theo thơ số 219 của Bần Tăng đề ngày 17–11–Mậu
Dần. Bần Tăng đắc lịnh của Đức Hộ Pháp để trả lời cho Hiền Hữu rõ về thăng phẩm
Chí Thiện của Hiền Hữu và giải rành rẽ vì cớ nào mà người chưa muốn để cho Hiền
Hữu thọ lãnh tân phẩm Chí Thiện?
Vốn Thập Nhị đẳng Cấp Thiêng Liêng là chơn tướng bí truyền của Đạo, mỗi bậc
thăng là một cơ quan giải khổ về phần hữu vi hình thể của chúng sanh. Kể từ bậc
Giáo Thiện đổ xuống trách nhiệm đã nặng hoằng khó khăn dường nào, thử nghĩ từ
bậc Thính Thiện mà họ lần leo đến Giáo Thiện thì ôi thôi! Thật là tân khổ trăm
bề.
Hiện thời chúng sanh còn khổ thì lẽ cố nhiên Hiền Hữu phải còn chịu nhọc
nhằn, mà cái khổ ấy chúng ta đã thấy trước mắt dẫy đầy không còn ai chối cãi
cho đặng.
Hiền Hữu chẳng lẽ ngơ tai nhắm mắt mà đi ngang qua cái khổ cảnh của chúng
sanh cho đặng. Huống chi bậc phẩm Chí Thiện lại còn khó khăn phận sự hơn bội
phần; Đức Hộ Pháp vì lòng thương yêu Hiền Hữu, không nở để chồng chất sự khó
khăn thêm cho nặng hoằng hai vai Hiền Hữu, sợ nỗi nặng gánh đổ nhiều, nên mới
duy trì không cho thăng vị Chí Thiện là vậy đó!
Bần tăng mong sao Hiền Hữu hiểu rõ phận sự mình rồi có lẽ sau nầy sẽ được
ánh sáng Huệ Quang soi đường cho Hiền Hữu lần bước trên con đường Chí Thiện là
nơi Đức Hộ Pháp đương mong mỏi thấy trong học trò mình sẽ có người mon men đến
chốn trọn lành, mà đền bồi cái nghĩa Thầy trò trong muôn một”.
KHAI PHÁP.
Qua Thánh ý nầy hiểu được rằng: Đức Hộ Pháp đã tiên liệu về sứ mạng đi đến
con đường trọn lành của Ông tức con đường Tu Chơn nên cố ý duy trì không thăng
phẩm Chí Thiện là do đó.
Thế là Ông là người đầu tiên Đức Thầy tuyển chọn đưa vào con đường Chí
Thiện là Tu Chơn, hầu dìu dắt các bạn đồng môn để trả nghĩa Thầy.
Nhưng tiếc thay, Ông đi trúng đường mà lại làm sai Thánh ý là lập luật tư
riêng, thay vì tùng theo kỷ luật Phạm Môn đã có Ân Sư giáo huấn…
Do đó nên Ông bị Thánh Lịnh số 25/PT ngày 26–2–Kỹ Mão (DL. 15–4–1939) đương
thời gọi là Đạo Nghị Định khép về tội bất tuân luật pháp của Đạo, hiệp nhau làm
nghịch mạng bề trên, tự chuyên phế bỏ phận sự hành Đạo, nên cho xuất ngoại
Phước Thiện kể từ ngày ký tên Thánh Lịnh nầy.
Mặc dù phải thi hành theo luật pháp Đạo, nhưng tình nghĩa thầy trò đối với
Tôn Sư ông vẫn vẹn giữ… Đến năm Đinh Hợi (1947) Ông thọ bịnh nặng trên chơn
núi, Đức Thầy Hộ Pháp hay tin liền ra lịnh đem Ông Võ Văn Đợi về Nội Ô Tòa
Thánh để trị bịnh, Đức Thầy giao cho Chức Sắc Phước Thiện chăm sóc thuốc thang,
vì họ là thệ hữu Phạm Môn trước đây. Đức Thầy thường đến thăm và chọn thầy
thuốc điều trị cho môn đệ đến ngày Ông qui liễu.
Trước ba ngày cởi bỏ xác trần, Ông tự biết mình có tội với Thầy, với bạn,
nên dạy đàn em viết tờ xin tội cho Ông ký tên dâng lên Đức Thầy, nguyên văn như
sau:
“Chùa Cao Đài, ngày 22 tháng 4 năm Đinh Hợi.
TỜ XIN TỘI
Cúi Bạch Sư Phụ,
Con là Võ văn Đợi, 50 tuổi, cúi đầu trăm lạy Sư Phụ xá tội giùm con. Kể từ
ngày con hiến thân làm Đạo đến nay tính 17 năm có lẽ.
Đến nay con đau nặng, không thể mạnh được, mà lại gần rốt kiếp sống rồi. Nên
nay con cúi đầu trăm lạy Sư Phụ xá tội cải Thầy, cải bạn của con.
Xin Sư Phụ xá tội cho con.
Cúi Bạch.
(Võ văn Đợi. Ký tên).
Lời Phê Đức Hộ Pháp:
“Làm Thầy như ai thì khác, còn Qua đây vẫn khác. Với Qua, Thầy chỉ biết
thương trò, tha thứ là phận Thầy. Em chẳng vì đời mà phạm, nếu có phạm là vì
Đạo mà chẳng hiểu rõ mầu nhiệm của Thầy.
Em về trước, rồi mấy Qua cũng lục thục về sau. Chúng ta sẽ hội hiệp vĩnh
viễn nơi cõi Hư Linh là quê hương thiệt, Thầy trò sẽ thiệt, bạn hữu sẽ thiệt.
Cảnh nầy chẳng phải của chúng ta, vì nó là giả cảnh dành để cho kiếp trái oan
khiên.
Em yên lòng, Thầy chỉ thầm khen em, chớ chưa biết em đã có tội gì hết”.
Quí hóa thay, lòng từ bi của Đức Thầy đã không trách phạt, mà lại còn thầm
khen và xác nhận không có tội gì hết. Nhờ lượng khoan hồng của Đức Phật mà Ông
được an trú nơi thanh tịnh Đại Hải Chúng thay vì phải đầu kiếp tu hành lại.
Ngoài ân huệ khoan dung, Đức Thầy còn cho phục chức Giáo Thiện do Thánh
Lịnh số 581/TL đề ngày 23–4–Đinh Hợi (DL. 11–5–1947):
“Cho phục phẩm Giáo Thiện (Phước Thiện) kể từ ngày 22–4–Đinh Hợi, vị
Đạo hữu Võ Văn Đợi 50 tuổi, khi còn tại thế ở làng Gia Lộc (Tây Ninh), lễ cất
táng người được đứng theo hàng Giáo Thiện và Linh vị đem vào Báo Ân Từ”.
Phẩm Giáo Thiện được hành lễ tại Báo Ân Từ lần đầu là Giáo Thiện Võ Văn Đợi
vậy.
8.- Làm sao biết được ông Võ Văn Đợi Ở Đại Hải
Chúng?
Căn cứ vào lời phê sau đây của Đức Hộ Pháp:
“Đợi tự phế vị là nó dám từ chối Thập Nhị Đẳng cấp Thiêng Liêng. Ngày nay
theo luật Thiên Điều thì nó phải tái kiếp mà hành Đạo lại, nếu nó đặng ở nơi
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mà tu hành nơi cõi Hư Linh là may phước cho nó.
Còn Quyền Thiêng Liêng thưởng phạt là do quyền Ngọc Hư Cung, có phải của
Bần Đạo đâu mà xin. Còn dâng công quả cho Đợi chỉ có vợ con Đợi mới đặng, còn
của mấy em ai thèm thâu mà dâng”.
Ý nghĩa nầy liên hệ với lời phê ngày 8–9–Kỷ Sửu (cho Ông Trần văn Mến ở
Châu Đốc xin từ chức Giáo Thiện).
“Phước Thiện cũng có phẩm tước là Thập Nhị Đẳng cấp Thiêng Liêng, nếu chê
bỏ không kể đến phần hồn, thì thay vì đi về với Cửu Thiên Khai Hóa, lại an trú
nơi Đại Hải Chúng”.
Sưu khảo tài liệu nầy để chiêm nghiệm về ý nghĩa ba ngàn công quả như thế
nào.
Nguyên nhân Hội Thánh có dâng tờ lên Đức Hộ Pháp là Thầy của Phạm Môn Phước
Thiện, cầu xin ân xá phục chức Giáo Thiện cho Ông Võ văn Đợi:
Trước khi ban hành Pháp Lịnh Quyền Chí Tôn hiệp nhứt (Chưởng Quản Nhị Hữu
Hình Đài: Hiệp Thiên và Cửu Trùng) đặc xá phục chức Giáo Thiện cho Ông Võ văn
Đợi, Đức Hộ Pháp kêu Ông Chí Thiện Phạm văn Út đến hỏi rằng: “Đợi nó đủ ba
ngàn công quả chưa?” – Gặp câu hỏi hóc búa nầy thuộc về mặt Pháp
giới, Ông Chí Thiện bạch Thầy: “Điều đó con làm sao biết được”.
Đức Hộ Pháp phán: “Nếu vậy, căn cứ vào tờ xin tội của Hội Thánh Phước
Thiện mà phục phẩm Giáo Thiện lại cho Võ văn Đợi ý nghĩa gì?” Không rõ Ông
Phạm văn Út có thỉnh giáo rõ việc này không?…
Kết luận: “Nhờ Ân Sư tha thứ là phận Thầy, nên Đệ Tử khỏi đầu kiếp mang
xác phàm, mà được lưu trú nơi Đại Hải Chúng ở cõi Hư Linh”.
ĐẠO NÚI là tên do Đức Thầy đặt cho số Đạo ở trên Núi Bà.
Sau khi Ông Võ văn Đợi qui liễu, khu Núi Bà mất an ninh, số Đạo Núi không
còn được ở trên núi nữa, phải về Tòa Thánh xin làm công quả, bị Hội Thánh Phước
Thiện chiếu y luật buộc phải để tóc, nhuộm đồ già lại màu thâm mới cho làm công
quả với Đạo. Do vậy, Ông Nguyễn văn Thế đại diện Đạo Núi dâng tờ lên xin Đức Sư
Phụ, cầu xin được giữ Thiền cách ngày 17–5–Đinh Hợi.
Được Đức Sư Phụ phê: “Tư cho Hội Thánh Phước Thiện, cứ để tự do cho mấy
đứa nhỏ giữ nguyên Thiền Cách, cho làm công quả tạm đây, chờ ngày Bần Đạo giao
việc làm riêng cho chúng nó.”
9.- Đức quyền Giáo Tông nói gì với Phạm môn tại
Tòa Thánh
Ngày 20–01–Giáp Tuất (DL. 5–3–1934) là ngày lịch sử nhóm Chi Phái Tương,
Trang thông báo cho Hội Thánh Tây Ninh biết sẽ về Tòa Thánh chiếm ngôi Giáo
Tông để đuổi Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt khỏi Nội Ô.
Nhóm Chi Phái nầy được cường quyền Pháp hỗ trợ để phá Đạo, nên họ có thế
lực, nên quyền thống nhất Giáo Tông + Hộ Pháp giao cho người Phạm Môn giữ cửa
chùa bảo vệ Đạo.
Sau khi trấn áp được số Chi Phái cướp giựt nầy, nền Đạo được yên bình, ngôi
vị Quyền Giáo Tông bất khả xâm phạm, nên Đức Quyền Giáo Tông thiết tiệc đãi
người Phạm Môn.
Đức Ngài nói:
“Đức Hộ Pháp lập Phạm Môn mấy năm qua, các Chức Sắc lớn trong Hội Thánh
đánh đỗ, Qua nghe để dạ, chớ thật ra Qua cũng không biết Đức Hộ Pháp lập Phạm
Môn để làm gì? Ngày nay Qua mới hiểu rõ, nhờ có mấy em dám hy sinh đứng ra “Cứu
Đạo”, Đại nghiệp Đạo mà còn tồn tại đây là do bàn tay của mấy em Phạm Môn cứu
sống Đạo đó vậy.
Mấy em xứng đáng vào hàng Thánh vị”.
Đến khi thuyên bổ người Phạm Môn đi khai mở cơ sở lập Phước Thiện, Đức Ngài
mời đến Giáo Tông Đường dạy:
“Nay Qua mời mấy em đến đây, Qua có mấy lời giao cảm cùng mấy em, không
biết tại sao Qua là anh cả mấy em, mà Đức Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn mở Phạm
Môn cho mấy em học Đạo tu hành thuộc về cơ giải thoát mà Qua không hay biết.
Nếu Đức Hộ Pháp không nói rõ thì Qua đây cũng không hiểu đặng! Còn mấy em
làm sao biết mà vào, nên Qua để lời khen mấy em đó; và Qua cho mấy em là Chí
Thánh, nhưng Qua có lời khuyên mấy em, dầu cho mấy em có đặng sáng suốt, tài
đức bao nhiêu đi nữa thì mấy em cũng nên tưởng rằng còn thiếu, đặng cố gắng làm
thêm, đặng bước vào con đường Thánh Đức”.
Sau đó về trình lại với Đức Thầy, Đức Hộ Pháp nói: “Ảnh là Giáo Tông, hễ
nói sao thì có vậy”.
Đức Hộ Pháp nói.
“Thầy mượn chức Lễ Sanh cho mấy em Giáo Thiện xuất sư trong 21 tỉnh Nam Kỳ
để mở mang “Lương Điền, Công Nghệ” hầu tạo của cải tài sản để xây cất Tổ Đình,
sau ba năm trở về từ chức trả áo mão lại cho Hội Thánh…”
Vậy thì việc đi núi của Ông Võ văn Đợi là đúng về Đạo Pháp, mà sai về sở
hành không lập vườn nho đúng theo Thánh Ý Đức Tôn Sư trên con đường chí thiện.
Một bài học quá lớn!.
10. - Núi Điện Bà – Chùa Linh Sơn.
Núi Bà thời Pháp thuộc, Sở Họa Đồ đo chiều cao được 884m, đến nay độ 1.000m.
Là ngọn núi cao nhất ở Nam phần Việt Nam, cách tỉnh lỵ Tây Ninh 11 cây số
ngàn. Gọi Núi Bà vì trên núi có Bà Linh Sơn Thánh Mẫu rất linh hiển, được vua
Gia Long sắc phong năm 1802.
Đoạn đường dốc núi Điện Bà lên đỉnh: 2.800m.
Đoạn đường dốc núi từ Cầu Đá lên Điện Bà: 1.000m
Phía trái có Am Kim Cang, lên tiếp 50m có Thảo Thử Tạ Giác Hạnh.
10.1- Hình thể ngọn núi phân ba:
Núi Bà: “Núi Bà một ngọn phô hùng vĩ,
Rừng rậm Bắc phương áng mặt cao (884m)”.
Núi Heo: “Cận Bắc Bà Đen có Núi Heo,
Sáu trăm thước đứng kết nên đèo (600m).”
Núi Phụng: “Bốn trăm ba thước là Hòn Phụng (403m),
Nằm ở hướng Tây rất dễ trèo”.
10.2- Ngọn núi Tây Ninh hình thành:
Vào thế kỷ thứ 11, nơi Phủ Tây An (Tây Ninh) ngọn núi Tây Ninh hình thành
vào đời nhà Lý (1010–1224) Lý Công Quẩn tức là thời nhà Tống bên Tàu.
Tây Ninh xưa kia dân cư là người Miên có tên gọi Rơm Dum Ray có nghĩa là
Chuồng Voi. Thời Nam Triều gọi Phủ Tây An gồm có hai huyện Tân Ninh và Quang
Hóa. Hai chữ Chuồng Voi đã nói lên trong thế kỷ 16, nơi đây là rừng thiêng nước
độc, hầu hết chỉ là rừng và muôn thú, cho nên sự sanh hoạt của Thổ dân nầy đầy
gian lao khổ cực…
Đến thế kỷ 17 mới có sự di dân từ các vùng Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình
Thuận nam tiến vào Gia Định Thành…
10.3- Di tích lịch sử:
Từ năm 1778 Nguyễn Vương và Tây Sơn đánh nhau, khi thất thủ Phiên Trấn
Thành Gia Định, Nguyễn Vương chạy lên Quang Hóa, Trảng Bàng, Gò Dầu, núi Tây
Ninh, dựa vào thế hiểm trở của rừng núi… Thời gian ẩn trú rừng núi Tây Ninh,
Nguyễn Vương thường họp Quần Thần nơi một sân cỏ hoang vắng để mưu định cơ đồ
phục nghiệp, từ sự tích nầy nhân dân địa phương gọi là Sân Chầu…
Một hôm, nhà Vua đến chân núi ngủ đêm, được nữ Thần bảo rằng: “Muốn khôi
phục giang sơn phải tá binh Xiêm Quốc”. Nhờ sự linh ứng nên đầu thu năm
Đinh Mùi 1787 trở về nước chiếm lại Phiên Trấn Dinh rồi cải tên Gia Định Tỉnh.
Đến năm 1789, nhờ có viện binh của Pháp dẹp xong Tây Sơn, lên ngôi Cửu ngũ
vào năm 1802, lấy hiệu Gia Long và xưng là Đại Nam Quốc.
Được phục nghiệp, nhớ ơn Nữ Thần núi Tây Ninh hộ trì linh ứng, nhà vua liền
phái Tả Quân Lê Văn Duyệt mang sắc chỉ lên núi phong tặng “Lê Sơn Thánh Mẫu
Tiên Thạch Động cho Nữ Thần Lý Thị Thiên Hương và dạy Quan địa phương dùng đồng
đen đúc tượng Bà tôn thờ để tạ ơn”.
10.4- Sự tích Bà Đen: Lý Thị Thiên Hương.
Đã qua nhiều thế kỷ, có nhiều sự tích khác nhau, nhưng trên thực tế sự tích
Lý thị Thiên Hương có Sắc Phong là chính xác; tường thuật lại chuyện của hai
thế kỷ về trước, ắt có nhiều sai lầm và thiếu sót… Vào thế kỷ 17, tỉnh Bình
Định gặp thiên tai hạn hán mất mùa, dân tình đói khổ, có bốn người bạn thâm
giao cùng đưa gia đình vào Nam lập nghiệp theo danh tánh:
1.
Ông Lý Thiên và vợ là Đặng ngọc Phụng.
2.
Ông Đặng Nhượn.
3.
Ông Ba Sánh và Ông Chín Thép.
Vào cư trú vùng đất Quang Hóa, nay là Huyện Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh.
Quan Huyện đương quyền là Hà Đảnh, một tham quan dâm loạn, từng hãm hiếp nhiều
gái đẹp dù cho đã có chồng con (bà mẹ Lê Sĩ Triệt).
Nay thấy bà Đặng ngọc Phụng trẻ đẹp, muốn chiếm đoạt làm hầu thiếp, nên tìm
cách mưu hại chồng bà là Lý Thiên để bắt ép bà; trong khi đó bà Đặng ngọc Phụng
đã mang thai cùng chồng, phải cố sống qua ngày, chờ giờ sinh con, hầu sau tìm
cách báo thù chồng.
Lần lựa ngày tháng qua nhanh, bà sanh được một gái xinh đẹp, đặt tên Lý thị
Thiên Hương, vừa đẹp nết, đẹp người lại có lòng mộ Đạo, thường lên non hành
hương lễ Phật. Một hôm bị bọn cướp vây bắt bà, may nhờ một tráng sĩ giải nạn,
đó là Lê Sĩ Triệt, môn đồ của nhà sư Trí Tân mà cũng là dưỡng phụ nhơn chuyến
đi hóa trai, về giữa đường gặp hai tử thi và một đứa bé còn sống (ấy là Lê Sĩ
Triệt). Nhà sư cứu mạng đem đứa bé lên núi để nuôi và truyền kiếm thuật để cứu
nhơn độ thế.
10.5- Gia nhập nghĩa quân trả thù cho
cha mẹ
Năm 1780, anh em Nguyễn Huệ nổi dậy đánh đuổi Nguyễn Ánh ở Qui Nhơn Bình
Định, Lê sĩ Triệt theo nghĩa quân Tây Sơn giết được quan huyện Hà Đảnh, trả mối
hận thù giết hại cha mẹ chàng, đồng thời cũng trả thù cho thân phụ Thiên Hương.
Từ ân nghĩa cứu mạng và trả thù cha, sau đó Lê sĩ Triệt và Thiên Hương kết
thành chồng vợ. Nhà sư Trí Tân vốn là ân sư của Lê sĩ Triệt, nên vợ chồng Lê sĩ
Triệt và Thiên Hương tôn kính nhà sư còn hơn cha mẹ sanh thành và thường lên
núi Lễ Phật, thăm viếng ân sư.
10.6 - Bà Lý Thị Thiên Hương hiển Thánh:
Nhân ngày lễ dâng hương kính Phật và thăm viếng Sư Phụ, Bà Thiên Hương
viếng mộ phần cha mẹ chồng do nhà sư chôn vựa triền núi phía nam; chẳng may gặp
bọn cướp, trong đó có Châu Thiện trước kia là bộ hạ của Hà Đảnh, thấy Thiên
Hương đi một mình, thừa dịp định sát hại bà.
Trong thế nhứt nhơn nan dịch quần hồ, bọn Châu Thiện quá đông, dồn bà
vào một khe núi. Thấy khó thoát thân, Bà Thiên Hương liền nhảy xuống khe núi tử
tiết…
Sau đó Bà về báo mộng cho Sư Phụ Trí Tân đến nơi Bà tử tiết đem xác về hỏa
táng. Khi làm lễ hỏa táng cho Bà có số người hại Bà đến xem bị hộc máu chết
liền tại chỗ.
Từ đó oai linh hiển Thánh của Bà được thế nhân tôn sùng là bậc Nữ Thần Linh
Sơn. Vua Gia Long sắc phong là Lê Sơn Thánh Mẫu.
10.7- Sự tích đá nứt hai:
Một tấm lòng thành, viên đá nứt hai.
Ngôi Linh sơn Tự đã được các nhà sư dày công tu tạo từ thế kỷ 18 và trụ trì
như các sư: Thiệt Diệu, Tế Giác, Đại Cơ, Đạo Trung, Tánh Thiền (Đạo Nhỏ), Hải
Hiệp… Đến thế kỷ 19 thời Pháp thuộc từ năm Tân Mùi 1871 đến 1880 có các sư kế
thừa: Thanh Thọ, Phước Chi (1872–1875), Trùng Tùng Chơn Thoại (1880–1930), Tam
Tòa Chánh Khâm (1910–1937), Nguyễn Cơ – Giác Phú (11 tháng), Nguyễn Cần – Giác
Hạnh (1938–1945).
Trong thế kỷ 18 khai sơn phá thạch có 6 vị thiền Sư, vị đứng vào hàng thứ
năm Pháp danh Tánh Thiền (thường gọi Ông Đạo Nhỏ) thật hiện hạnh Bồ Tát, muốn
dời tảng đá cản đường từ Chùa Bà qua Chùa Hang. Ngày xưa khách hành hương lên
núi Điện Bà, muốn qua chùa Hang phải đi vòng xuống suối rất cực khổ, khó khăn
vì bị một tảng đá lớn chận lối đi. Hòa Thượng Tánh Thiện lấy làm xốn xang
thương cảm cảnh khách hành hương phải chịu vất vả đi vòng như vậy. Nhà sư muốn
rút ngắn đường đi. Ngài phát tâm đại nguyện, đêm đêm đến nơi tảng đá đó tụng
kinh Kim Cang, khấn vái cầu xin một trong hai điều: “Hoặc có thể dời tảng đá
đó đi nơi khác, hoặc là tảng đá nứt ra làm đôi để có lối đi cho chư Thiện tín
du sơn Lễ Phật”.
Ngài là bậc Đại Đức linh căn, nên tụng kinh đến 100 ngày, thì vào ngày
chót, một hiện tượng lạ xảy ra; Tảng đá to lớn ấy nứt làm đôi, dang ra chừa lối
đi bề ngang 1,50m như hiện nay đó.
Sự việc đá nứt hai cách nay hơn hai thế kỷ được lưu truyền trong nhơn gian,
nhất là dân địa phương Tây Ninh mọi người nghe biết. Nhắc đến tảng đá nứt hai,
người người nhớ đến công đức cao dày của nhà sư Tánh Thiền, đều cúi đầu bái
phục trước huyền diệu Đấng Hóa Công.
11.- Huệ Mạng Kim Tiên đắc Đạo: (Linh Sơn Động).
Đạo Cao Đài Đức Thượng Đế giáng cơ cho biết:
“Buổi Đạo bị bế, tuy chánh pháp ra cũ, chớ kỳ trung thọ đắc kỳ truyền, luật
lệ tuy cũ chớ Đạo vẫn như nhiên, do công đức mà đắc Đạo. Nhưng có một điều là
Ngọc Hư Cung bác Luật, Lôi Âm Tự phá Cổ, nên tu nhiều mà thành ít.
Vì vậy, các con coi thử lại, từ hai ngàn năm nay bên Á Đông nầy đã đặng bao
nhiêu Tiên Phật? Các con duy biết có một mình Huệ Mạng Kim Tiên mà thôi”.
Huệ Mạng Kim Tiên hay Huệ Mạng Trường Phan là Ngài vậy. Ngài tu ở Linh Sơn
Động, thường gọi Ông Đạo Nhỏ pháp danh Tánh Thiền, kiếp tu nầy Ngài được chứng
quả vị trở lại cõi vô hình như Thánh Ngôn đã dạy. Năm Ất Sửu 1925 (15–12 Ất
Sửu), Ngài giáng cơ cho bài thi:
“Tây Ninh tu luyện Động Linh Sơn,
Chẳng quản mùi trần thiệt với hơn.
Trăm đắng ngàn cay đành một kiếp,
Công hầu vương bá dám đâu hơn.
Trước ước cùng nhau sẽ hiệp vầy,
Nào dè có đặng buổi hôm nay.
Gìn lòng tu niệm cho bền chí,
Bồng Đảo ngày sau đặng hiệp vầy”.
12.- Sự tích suối Vàng
Sao gọi suối Vàng?.
Núi Điện Bà có biết bao nhiêu chuyện linh thiêng huyền bí được truyền tụng,
là nơi Linh Sơn thắng cảnh, non thiêng phước địa nằm trong bản đồ Châu Thành
Thượng Tây Vức Đồ.
Trong các điều lạ ở Núi Bà, có câu chuyện Suối Vàng đáng cho mọi người quan
tâm hơn hết, vì nó là mỏ vàng rất khoa học thực tế. Cách nay 30 năm, có một nhà
Bác học người Nhật tìm lên Núi Bà khảo cứu, nghiệm xét chất nước suối Vàng, Ông
vui mừng tuyên bố: “Quả thật có vàng”, nên đặt tên dòng nước suối Vàng
là đúng. Ông nói đây là mỏ vàng còn non. Nước Việt Nam quả là đất phước địa
linh, trong tương lai sẽ có mỏ vàng vô tận…
Hiện nay 1979 các mảng vàng từ khe núi phía Bắc Khai Đon chảy ra thành
miếng vàng óng ánh, vớt lên không còn tan rã như trước nữa, chứng tỏ mỏ vàng
sắp đúng tuổi. Ngày nào đó mỏ vàng được khai thác thì đất nước Việt Nam giàu
mạnh.
13.- Đại lộ sáu mươi thước: kỳ quan Cực Lạc Cảnh
Chung quanh núi sau nầy có Đại Lộ 60m, vì cảnh giới Cực Lạc tại trần nơi
Núi Bà nầy: Trên đảnh thượng có kim Tự Tháp thể Lôi Âm Tự, lẽ dĩ nhiên xung
quanh núi có nhiều Am Vân, Tịnh Cốc các đạo giáo Tu Chơn Thiền Định.
Dưới chân núi phía Nam là dinh thự Tịnh Thất Nam Phái, Văn Phòng Ban Kỳ Lão
Phạm Môn, Trại mát thiếu nhi, Nhà Thờ Tông Đường…
Theo lời Đức Tôn Sư Hộ Pháp dạy Cửa Tu Chơn Nam phái khi nhà Tịnh Thất đã
hoàn thành thì các Nguơn Linh về đây trên ba ngàn người, chưa kể các nhà Sư
khác giáo. Ấy là Kinh Đô Tôn Giáo nơi hội tụ các Linh Căn… (Vùng nầy sau thay
cho Gia Định Thành về kinh tế, tôn giáo).
14. - Kết luận phía Bắc.
Cách Tòa Thánh 1.000m có Đền Thờ Phật Mẫu Bát Cảnh Cung, có thờ Nam Bình
Vương Phật. Cách 3.000m có chợ Vườn Điều làm nơi sinh sống cho bổn đạo. Cách
11km nơi vùng đất Núi Phụng có chợ Linh Sơn, phía Đông Nam tại chân núi Ông Văn
có nhà Tịnh Thất Nam Phái, vị trí Vạn Pháp Cung Nhơn Hòa Động theo bài thi:
“Phạm Môn cảnh tịnh đón hiền nhân,
Công đức Huệ Cung nhựt rạng ngần.
Tắc Trí Giác nguyên linh nguyệt rạng,
Nhơn Hòa Vạn Pháp mở Tân Dân.”
Văn Phòng Ban Kỳ Lão Phạm Môn sau đặt ở Vạn Pháp Cung Nhơn Hòa Động sẽ hiệp
đủ THIÊN – ĐỊA – NHƠN (Tam Tài) và Tam Động: Nhơn Hòa Động – Địa Linh Động và
Thiên Hỉ Động. Trên đảnh phần trên núi là Cực Lạc Cảnh, có Kim Tự Tháp thể hiện
Lôi Âm Tự tại trần… một cảnh trí Thiêng Liêng an nhàn tự tại, không không vướng
bận lòng phàm tục.
15.-
Bản đồ Châu Thành
Thượng.
Lấy Núi Bà làm trung tâm:
·
Đo từ chân núi về hướng Đông: 28km
·
Đo từ chân núi về hướng Tây: 12km
·
Đo từ chân núi về hướng Nam: 24km
·
Đo từ chân núi về hướng Bắc: 16km.
Bản đồ lấy trùm Tòa Thánh:
·
Đông Tây: (28+12= 40 )
·
Nam Bắc: (24+16= 40 ).
16. - Hướng nam Châu Thành Thánh Địa:
16.1- Long Hoa thị:
Long Hoa thị hay chợ Long Hoa được khởi công đào móng nền chợ ngày
12–11–Nhâm Thìn (1952). Cũng trong dịp nầy, Đức Hộ Pháp dẫn khách đến xem địa
cuộc Long Hoa Thị, gồm có:
Bác Vật Lưu Văn Lang,
Ngài Trần Khai Pháp, Cao Tiếp Đạo,
Ông Thừa Sử Phan Hữu Phước, Ông Chơn Nhơn Trịnh Phong Cương, Ông Trưởng Tộc
Phạm Môn Phạm Văn Út, Ông Tổng Giám Võ Văn Khuê Ban Kiến Trúc, Trần Phong Lưu
Ban Nhiếp Ảnh.
Đức Hộ Pháp nói:
“Bần Đạo dời chợ cũ lại chỗ nầy để cất Long Hoa Thị, nhờ Bác học xem địa
cuộc sanh khí thế nào?”
Bác Vật Lưu Văn Lang nói:
“Ngài định chỗ thật tốt, có lẽ Ngài biết trước nên mới định trúng ngay mạch
nước “bát long dẫn thủy” lại có “tứ hổ phục triều”, địa thế có
nhiều nguồn sanh khí, sau nầy Long Hoa Thị sung túc trở nên một kỳ quan ở đất
Thánh, nếu giữa nhà lòng chợ được lấy nước fontain thì đủ xài vì mạch nước lớn
và tốt”.
Đức Hộ Pháp nói;
“Nếu có Bát Long dẫn thủy thì mở thêm tám con lộ Bát Quái, còn trong nhà
lòng xây một bồn nước thật cao, lấy nước giếng giữa chợ cho các tiệm phố đủ
xài. Nhà lòng định cất bốn cánh, có 2 tầng lầu, tầng dưới cho bán thực phẩm,
tầng trên cho bán đồ mỹ trang, hàng len, vải bô, các món chơi tiêu khiển…
Trên bồn nước giữa chợ cất một nhà nóc bằng để cho Thánh vệ ở, luân phiên
gìn giữ chợ, ăn ở luôn trên nhà gát. Còn bốn phía chợ đúc cột làm hàng rào bằng
sắt bông thật đẹp, để trống cho bốn bên trông vào chợ thấy thong dong mát mẻ,
mỗi phía rào có một cổng, bốn mặt y nhau.
Mỗi cửa đề chữ theo mỗi hướng như: Đông Môn, Tây Môn, Nam Môn, Bắc Môn.
Đừng để mấy quán cốc um tùm che lắp vẻ đẹp cái chợ. Còn các xép theo góc Bát
Quái nữa, cho Ban Kiến trúc cũng đúc cột lên mấy từng làm như phố vậy để làm
nhà hàng hoặc bán các loại máy móc, radio, từng dưới chừa 2 thước tây vuông để
làm Trạm y tế cứu thương hoặc bệnh hoạn sẵn có thuốc…”
17. - Đường, lề lộ.
Đức Hộ Pháp cầm dây đo ngang 40m, ở giữa lộ lớn có hai cái lề, bên trong
sát mặt phố có hai con lộ nhỏ xe hơi chạy được. Dài trên lộ cũng cất 20 cái bar
để trọn trên lề đường, bar ấy cất cũng hai tầng, cách 40m một cái. Phần hành
nầy giao cho Trưởng Tộc Phạm Môn và Chưởng Quản Phước Thiện.
17.1- Lễ Trấn Thần:
Vùng đất Long Hoa Thị được Đức Hộ Pháp trấn thần vào ngày 2-5- Tân Mão
(1951).
Sau lễ Ban Phép Lành, Đức Hộ Pháp nói: “Chợ chuyển thế đã đến ngày
hiệp nhứt Đạo giáo, nên khiến toàn thể con cái Đức Chí Tôn lo quay về một mối
sống dưới cờ nhơn nghĩa của Đạo. Nhơn sanh qui tụ ngày càng đông, nên Bần Đạo
lập cái chợ nầy để tạo nguồn sống cho Nhơn sanh. Đây là chợ chuyển thế và huyền
diệu Thiêng liêng Đức Chí Tôn đã định, cái chợ không người”.
Tại sao gọi chợ chuyển thế? Rồi đây Nhơn sanh, con cái Đức Chí Tôn muốn cái
gì nó biến ra cái nấy, Nhơn sanh muốn còn tồn tại hay đi đến chỗ diệt vong thì
cũng do ý muốn của Nhơn sanh.
Đó là Bát Quái Đồ Thiên của Thầy tạo lập mà không thành thì cơ tận diệt của
Nhơn sanh không tránh khỏi! Long Hoa thị biến chuyển, muốn chánh thì nó chánh,
muốn tà thì nó tà, muốn tiêu diệt thì nó cũng đi đến tiêu diệt, muốn sanh tồn nó
cũng đem sự sanh tồn.
Các con lưu ý nhìn cái Long Hoa thị nó biến chuyển ra sao thì các con biết
trước được mọi việc! “Thôi việc Thiên cơ Thầy không nói nữa, các con tìm
hiểu...”.
Long Hoa thị biểu hiện Đạo Cao Đài có Long Hoa Đại Hội tại thế để điểm Đạo
cho các bậc tu hành dày công khổ hạnh trong quả Địa cầu 68 (sáu mươi tám) nầy,
tùy theo công quả, tâm đức mà đoạt thủ địa vị từ Hiền vị đến Phật vị đều do
Chưởng Giáo Di Lạc Vương Phật chủ khảo.
Ngày vinh diệu ấy toàn Nhơn loại trên mặt Địa cầu nầy sẽ được Hồng Ân Đức
Chí Tôn giáng lâm mừng cho con cái thương yêu của Ngài đã đạt vị, có vàn vàn
Thần, Thánh, Tiên, Phật chầu hầu hộ giá. Lẽ dĩ nhiên Bát Quái Đồ Thiên sẽ là Lư
Bồng của các Đấng Thiêng Liêng giáng ngự dự Long Hoa Đại Hội, là nơi hội hiệp
các Đạo giáo qui nhứt, ấy là ngày Tam Giáo Ngũ Chi hội Long Hoa Đại Hội. Đó là
huyền diệu của cái chợ không người.
Long Hoa chuyển tức là Bát Quái chuyển, đến một lúc nào đó thì nơi đây
không còn người bán buôn mà là nơi hội hiệp các Ngươn Linh Đạo giáo để định pháp
lập vị. Ấy là chương trình Đại Hội Long Hoa.
17.2- Địa thế Bát Long Dẫn Thủy – Tứ Hổ
Phục Triều
Theo địa thế sanh khí nguồn đất, nơi giữa chợ, Đức Hộ Pháp cho xây bồn nước
vì tại đó có mạch nước lớn đủ cung cấp cho vùng chợ 47 Ha, nên gọi mạch nước ấy
là Bát Long Dẫn Thủy, Tứ Hổ Phục Triều, nghĩa là tám nguồn nước gom lại thành
một mạch lớn.
Nguồn nước nầy là chi nhánh của Lục Long Phò Ấn: “Bởi trung tim đất giáp
lại trúng giữa sáu nguồn nước làm như sáu Rồng đoanh nhau, nguồn nước ấy chảy
trúng đãnh núi nên gọi “Lục Long Phò Ấn, nghĩa là con sông sâu ba trăm thước
gồm sáu nguồn nước.
Mạch nước lớn tại chợ Long Hoa do tám mạch nhỏ gom lại. Chính Đức Hộ Pháp
đã công nhận khoa học nầy, nên mở chợ Long Hoa trong công thức Tứ Tượng là Tứ
Hổ Phục Triều và khai thông tám con lộ Bát Quái là Bát Long Dẫn Thủy.
Lịch sử của Chợ là Bát Quái Đồ Thiên có Bát Long Dẫn Thủy – Tứ Hổ Phục
Triều trong vòng 470.000m2, ắt uy liệt gắp trăm ngàn lần hơn Bát
Quái Đồ Trận của Khổng Minh giữ chân Lục Tốn trong thời Tam Quốc phân tranh!”
18.- Long Hoa thị chuyển
Đức Hộ Pháp nói: “Cái chợ nầy Đạo lập dùm cho Đời, sau nầy kiến thiết do
Đời làm cho cái chợ tốt đẹp hơn”.
Quả không sai, vào năm Bính Thân (1956), chế độ đệ I Cộng Hòa họ Ngô buộc
Đạo phải bán cái chợ cho Chính Phủ với giá rất cao là một đồng bạc danh dự (1
đồng) tượng trưng cho việc mua bán bất đắc dĩ. Phần kiến thiết của Chính Quyền
lợp tole xi–măng bốn cánh (sườn mái, Đạo đổ bê–tông xong) hàng rào kẽm gai bao
xung quanh chợ (thỏa ước Bính Thân 1956).
18.1- Đệ II chuyển
Qua chế độ đệ II Cộng Hòa Việt Nam do Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (Thiệu Kỳ)
ban Pháp Nhân cho Đại Đạo sở hữu động sản và bất động sản, vùng Thánh Địa Tòa
Thánh Tây Ninh bất khả xâm phạm, Chợ Long Hoa được hoàn trả lại cho Đạo làm chủ
như trước. (Chế độ độc tài họ Ngô bị tiêu diệt ngày 1–11–1963).
Tứ tượng chuyển: cánh chợ phía Bắc phát hỏa.
Ngày 18–3–Tân Hợi (DL. 13–4–1971) lúc 14 giờ, cánh chợ phía Bắc (hướng núi)
phát hỏa đến 21 giờ đêm mới dập tắt được. Cánh chợ nầy bán hàng vải, mỹ phẩm.
Lúc bấy giờ chiến tranh phía Bắc là một biển lửa bom đạn vô cùng ác liệt, Mỹ
dội bom phải điều chỉnh qua Tivi sợ chạm đê điều.
Đấy cũng là thời kỳ Đệ II chuyển, các bar xung quanh chợ cũng bị cháy tổng
số hao tổn chung tính hơn hai trăm triệu bạc, vào thời điểm đó số tiền khá lớn.
Trong năm 1966, Ban Quản Trị chợ Long Hoa tự động phá hàng rào kẽm gai chợ,
cất bar bằng vật liệu nhẹ cây + tôn. Sau có sự chống đối, các bar nầy được giải
tỏa, làm hàng rào kẽm gai lại lần nữa.
18.2- Đệ tam chuyển
Ngày 17–2–Đinh Dậu (1957), lúc 8 giờ sáng, một con Mễnh chạy vào chợ Long
Hoa bị đập chết! Sau đó, thương phế binh biểu tình dẹp các bar cất trái phép và
đòi đập phá 2 căn phố của Ông Nguyễn Hữu Lương xây cất trên chéo đất góc đường
Bát Quái khuôn số 6. (Tám xép còn dư theo góc lộ Bát Quái, Đức Hộ Pháp định
dành cho Ban Kiến Trúc có công cất chợ Long Hoa, chớ không phải cho tư nhân).
Tiếp theo đến ngày 30–4–1975, sau khi đất nước thống nhất theo CNXH, nhà
nước Cách Mạng quản lý chợ thay tên là chợ Hòa Thành, lấy tên Huyện đặt tên
chợ. Phần kiến thiết khang trang hơn trước, xây mặt dựng đá rửa bốn mặt chợ:
Đông – Tây – Nam – Bắc và cho cất 180 cái bar bằng vật liệu nặng tường gạch hai
mặt giáp vòng thay cho hàng rào trông có vẻ thẩm mỹ. Khai thông 12 cửa: 4 cửa
chánh Tứ Tượng và 8 cửa phụ Bát Quái. (Cửa Bắc chưa).
Số 12 cộng thành ba chuyển, Đạo quyền giải thể vào ngày 4–2–Kỷ Mùi (DL.
1–3–1979) thành lập HĐCQ nhân số 12 vị.
Phát hỏa kỳ hai. Ngoài tứ tượng bát quái, cung càn.
Năm Quí Dậu ngày 29–1– (DL. 22–2–1993), lúc 8 giờ 30 phút các bar ngoài tứ
tượng thuộc cánh Đông Bắc phát hỏa thiêu rụi số bar bán hàng mỹ phẩm, tổn hại
giống y kỳ trước của năm Tân Hợi (1973) đúng vào số hai trăm triệu bạc. Kể cũng
lạ thật!.
18.3- Thay bảng Hòa Thành.Đổi lại chợ
Long Hoa.
Ngày 2–10–Quí Dậu (1993) bảng chợ Hòa Thành đổi thay Chợ Long Hoa, tức Long
Hoa Thị được phục hồi. Hội Đồng Chưởng Quản (do Phối sư Thượng Thơ Thanh làm
Chưởng Quản) được tăng số Hội viên lên 36, gọi là cải tổ tăng nhân số từ 12 lên
36; Ấy là tam thập lục nhơn, do Đạo Lịnh ngày 9–10–Quí Dậu (DL. 22–11–1993) ghi
rằng: Kể từ nay nơi Điều II Đạo Lịnh số 01/ĐL ngày 01–03–1979) của Hội Thánh
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được bổ sung như sau:
“1. HĐCQ của Hội Thánh ĐĐTKPĐ gồm có 12 đến 36 thành viên.
2. Điều III: Các điều khác của Đạo Lịnh 01/03/1979 vẫn còn hiệu lực”.
Cũng do PS Thượng Thơ Thanh ký tên.
19.- Hồ tắm, Bịnh viện, Bến xe.
Cách 1.000m từ Chợ Long Hoa xuống Trảng Mây, nằm cập lộ trung tim giữa
đường Báo Quốc Từ và Cao Thượng Phẩm có một hồ nước lớn tại lòng sâu Trảng Mây.
Phía tay mặt đường Ca Bảo Đạo đối diện với hồ tắm có một bệnh viện cấp Châu
Thành và một bến xe tại khu đất nầy. Đây là Thánh ý Đức Hộ Pháp đã định, có sơ
đồ của Đạo.
Xuống Long Hải, Chợ nầy nằm giữa hai lộ trung tim Báo Quốc Từ và Cao Thượng
Phẩm tại đám cao su hiện giờ. Địa đỉểm nầy có Đức Hộ Pháp xuống chỉ chỗ, cất
giữa hai con đường cốt yếu làm cho cái chợ được phồn thịnh…
Còn Chợ Long Hải hiện tại do Quận Trưởng Nguyễn Văn Mới, vì chủ trương lập
Ấp Đời Mới nên đem xuống đất ruộng cất chợ, đó là việc làm không đúng theo bản
đồ của Đạo đã định, nên chợ Long Hải không sung túc.
Xa hơn nữa là Giang Tân Bến Kéo, vùng đất nầy cũng là Thánh Địa, nhưng địa
thế hẹp nên không cất Tòa Thánh theo Thánh Giáo của Ðức Chí Tôn.
Sông Giang Tân, Cẩm Giang sau nầy thành Thánh Giang như sông Hằng ở Ấn Độ
nơi Đức Phật Thích Ca tẩy trần đạt Đạo. Nhân ngày lễ thiêu cốt các Thánh Tông
Đồ năm Ất Mùi, (1955), Đức Hộ Pháp dâng sớ trình tấu việc hỏa táng Chư Liệt
Thánh, Xá Lợi thờ tại Bát Quái Đài, tro đem đổ xuống dòng sông Vàm Cỏ Đông; cầu
xin Đức Chí Tôn ban Hồng Ân cho dân tộc Việt Nam để sông Giang Tân biến thành
Thánh Giang như sông Hằng (Gange) Ấn Độ.
Xem Tiếp
Thiện Tâm Cao Đài - wedside chia sẽ miễn phí tài liệu Đạo Cao Đài !!! Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Thiện Tâm - Cao Đài Tây Ninh - Việt Nam mọi chi tiết về wedside xin chư quý hiền liên lạc theo Gmail : Thientamcaodai@gmail.com Yahoo : thientamcaodai Facebook : www.facebook.com/thientamcaodai Wedside được Phát triển bởi Anh Tuấn Cập Nhật lần cuối 2013 Copyright © Anh Tuấn 2011: 2012 : 2013 by www.thientamcaodai.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét