Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Tìm Hiểu Châu Thành Thánh Địa ( phần tiếp theo ) 03


Tìm Hiểu Châu Thành Thánh Địa ( phần tiếp theo ) 03




20.-Trích đoạn: sớ chung niên (Ất mùi – 1955) –

nước sông Giang Tân sẽ thành Cam Lồ Thủy    
21.-Hướng Đông Châu Thành Thánh Địa.        
22.-Nguyên nhân nào Địa Linh Động có Đền Thờ Phật Mẫu     
23.-Nam Bình Vương Phật      
24.-Tổng kết Qui Thiện           
25.-Đền thờ và Lễ Hội Yến     
26.-Hồ Bảo Đạo thống quản Tam Cung           
27.-Khổ nạn của ông Giáo Thiện Đinh Công Trứ         
28.-Địa Linh Động Minh Thiện Đàn liên hệ
với Long Tuyền Kiếm         
29.-Sân bay đường Cổ Phong Lộ.       
30.-Trí Huệ Cung – Thiên Hỉ Động      
 31.-  Chợ Thiên Dương (thầy trò Tân Dân Tử cỡi hạc)   
 32.- Hướng Tây Châu Thành Thánh Địa:           
 33.- Thiết kế đô thị tôn giáo: Thánh Địa Tây Ninh.         
 34.- Phân lô – chia đất – phóng đường. 
  35.- Do đâu phân biệt màu sắc: 
  36.- Cai quản phận Đạo:           
37.- Quyền hạn của Hội Thánh Em:

20.- Trích đoạn: sớ chung niên (Ất mùi – 1955) – nước sông Giang Tân sẽ thành Cam Lồ Thủy

“Năm Ất Mùi là năm Đại Đạo trải qua nhiều trạng thái vui buồn lẫn lộn, lắm cảnh tượng hiệp tan pha màu, khiến cho Hội Thánh phải lắm công nhọc trí xoay trở thuận chiều, hầu trấn an toàn con cái Đức Chí Tôn luôn giữ vững quyền Đạo cho khỏi lung lay, nghiêng đổ!
Riêng về phần Đệ Tử, nghĩ để cho qua cơn giông gió bão bùng, đã nhập định một thời gian vô định kể từ ngày 28 tháng 8 năm nay, nhưng tâm não vẫn không lơi mọi hình thức biến chuyển để lách sóng đưa con thuyền từ nhẹ tách…
Nay nhơn Đại Hội Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật triều Thiên Đệ tử khép nép cúc cung thượng sớ, xin Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu đại từ, đại bi tha thứ như Đệ Tử đã thượng trình về sự vui mừng trong năm.
Vào thượng tuần tháng Giêng, lễ khánh Thành Đền Thờ Đức Chí Tôn và Đền Thờ Đức Phật Mẫu đã được cực kỳ mỹ mãn, danh Đạo bay khắp trời Nam, loán cả hoàn cầu; bởi có cả Sứ Thần ngoại quốc hưởng ứng dự lễ, Nền đạo vững chắc, Thánh Địa hoàn toàn trở thành Thánh Thị vô phòng thủ võ trang, thì Đại nghiệp Đạo từ đây là Đại nghiệp chung của cả nhơn loại.
Thừa dịp nầy, Đệ Tử có thiết lễ thiêu phàm thân của Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung), Đức Cao Thượng Phẩm (Cao Quỳnh Cư), Đức Nữ Đầu Sư (Lâm Hương Thanh) và Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang), Xá lợi đang thờ nơi Bát Quái Đài, tro tàn đã rải trên dòng sông Giang Tân tỉnh Tây Ninh.
Nhờ Hồng Ân Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu, Đệ Tử khấn nguyện nước sông Giang Tân sẽ là Cam Lồ Thủy tẩy trược cho kẻ hữu căn, người hữu phước, như dòng sông Hằng bên Ấn Độ Quốc, thì may mắn cho Chúng sanh có nơi gội rửa bụi trần, giải bớt oan khiêngGG nghiệp chướng hầu khử ám hồi minh, cải tà qui chánh!…”
Hải cảng Cam Lồ Thủy.
Nơi Thánh Cam Địa Ấn Độ Quốc có dòng sông Hằng để Thái Tử Sĩ Đạt Ta tẩy trần đạt thành Phật Tổ, thì Thánh Địa Tây Vức sẽ có dòng sông Cam Lồ Thủy để Chúng Sanh gội rửa bụi trần, giải bớt oan khiêng nghiệp chướng theo sự cầu xin của Thiên Tôn Hộ Pháp.
Ngày nào đó nhơn loại sẽ được thọ hưởng Hồng Ân Của Đức Đại Từ Phụ và Đại từ Mẫu ban cho, thì dòng sông Giang Tân trở thành Hải Cảng Cam Lồ Thủy dành cho các sắc dân con cái Đức Chí Tôn đến tắm mát linh hồn.
Quả là cảnh ồn ào náo nhiệt như du khách đến Suối Tiên ở Thủ Đức, Thủy Phủ ở Đầm Sen, Linh Sơn Động ở Núi Bà…
Còn đây là Cam Lồ Thủy tẩy trần đạt Đạo có lẽ hấp dẫn hơn, vì đó là món ăn tinh thần.

21.- Hướng Đông Châu Thành Thánh Địa.

Ngoại ô hướng Đông có:
·        Trí Giác Cung (Địa Linh Động).
·        Đền Thờ Phật Mẫu – Nhà Bảo Sanh Thuần Đức.
·        Sân Bay – Trí Huệ Cung (Thiên Hỉ Động).
·        Đoạn Trần Kiều (Thầy trò Tân Dân Tử).
·        Ao Thất Bửu.
·        Chợ Thiên Dương (An Nhàn Lộ).
Từ ngã tư đường Cao Thượng Phẩm Chợ Long Hoa, đường Trung Hòa Lộ chạy xuống Qui Thiện là vùng Địa Linh Động Trí Giác Cung, có các dinh thự thể hiện Diêu Trì Cung tại thế qua thể pháp sau đây:
Mặt tiền đường Trung Hòa Lộ có Cung Trí Giác là nhà tịnh của Thời Quân (Cung Trí Giác trụ tinh thần), nơi đây Ngài Thời Quân Khai Pháp đã nhập tịnh tháng 11 năm Nhâm Thìn (1952).
Đối diện Cung Trí Giác bên kia đường, có nhà Bảo Sanh “Thuần Đức”, kể như nằm sau hậu Đền Thờ Phật Mẫu. Cảnh giới Đức Hộ Pháp tạo Thể Pháp tượng trưng Bí Pháp, vì trên Diêu Trì Cung có: “Kim Bồn vàn vàn Nguơn chất, tạo hình hài các bậc nguyên nhân, Cung Trí Giác trụ tinh thần”. Đây là mặt hậu của Trí Giác Cung.
Còn mặt tiền có đường Khải hoàn từ Tòa Thánh chạy xuống, có Đền Thờ Phật Mẫu, có Hộ Pháp Tịnh Đường, có các cơ sở Tứ Dân là nơi Tu chơn cho cả nam lẫn nữ giữ phận tín đồ, theo Thánh Lịnh 139/TL.

22.- Nguyên nhân nào Địa Linh Động có Đền Thờ Phật Mẫu

Đức Hộ Pháp thuyết minh:
“Đức Phật Mẫu vốn là Mẹ của toàn thể chúng sanh, Người là Mẹ sanh của toàn vạn loại, không có một vật chất nào hữu sanh sản xuất không do tay Phật Mẫu.
Ngày nay Đạo Cao Đài được cái đặc ân phi thường, chính Bà Mẹ của chúng sanh đến dìu dắt, độ dẫn cả phần hồn lẫn phần xác. Tánh đức của Phật Mẫu chẳng khác gì tánh đức của các bà mẹ phàm…
Đền Thờ nầy do tay chơn mấy người tạo ra, tại quyền Thiêng Liêng Phật Mẫu khiến vậy: Tòa Thánh cách đây ba ngàn thước, tại sao phải có Đền thờ nầy đây? Tại nó phải có, Đền thờ nầy làm đặng tự tay chơn mấy người, do lòng mấy bà mẹ muốn, mà muốn tức lãnh phần trách nhiệm thay cho Mẹ đặng thương yêu nhơn vật. Tại mình gánh vào lãnh trách nhiệm làm chị thay quyền cho Mẹ, đem sự thương yêu để trong lòng mỗi người Nữ phái em út của mình…”
Đức Hộ Pháp đã nói rõ tại sao có Đền Thờ và dạy sự thương yêu của nữ phái Trường Qui Thiện lãnh quyền làm chị thay Đức Mẹ dạy lại đàn em Nữ phái.


                                           
                                                     Đền Thờ Phật Mẫu ở Trí Giác Cung

22.1- Trường Qui Thiện do ông Đinh Công Trứ lập

Năm Tân Tỵ (1941), Đức Hộ Pháp bị lưu đày. Ở nhà Ông Đinh Công Trứ qui tụ số người Minh Thiện ở Phú Mỹ (Khổ Hiền Trang) Mỹ Tho về ở Tòa Thánh hiệp nhau lập ra Trường Qui Thiện, gọi là qui lương sanh lo tu hành chờ ngày Đức Hộ Pháp trở về cố quốc, một lòng giữ Đạo, không tham dự vào chánh trị đời theo nhóm người Trần Quang Vinh.
Trường Qui Thiện lập thành ngày 26–9–Quí Mùi (1943) tại vùng đất Bàu Sen, nay thuộc Đệ Bát Phận Đạo, lập ra cơ sở Tứ Dân. Đến ngày 15–10–Ất Dậu (1945) chiếu y luật Phước Thiện thành lập Bàn Cai Quản tùng lịnh Hội Thánh Phước Thiện. Đến năm Kỷ Sửu, Ông Giáo Thiện Đinh Công Trứ bị tử nạn (bị ám sát đêm 25/5/ KS).
Qua ba tháng sau (1949), Ông Chí Thiện Lê Văn Trung được Hội Thánh bổ đến Chưởng Quản Trường Qui Thiện thay thế cho Cố Giáo Thiện Đinh Công Trứ. Qua năm Giáp Ngọ nhằm ngày 11–11 (DL.05–12–1954) Ông Đạo Nhơn Dương Văn Khuê vâng lịnh Đức Thầy dạy Đại Hội toàn tín đồ Trường Qui Thiện công cử Chức Việc Ban Cai Quản lại; khi dâng lên Đức Thầy điều chỉnh lại danh từ “Bàn trị Sự Địa Linh Động” ban hành kể từ ngày 5–12– Giáp Ngọ (29–12–1954).

22.2- Thành phần Bàn Trị Sự Địa Linh Động:

Tổng Quản Ban Trị Sự do Hội Thánh bổ đến.
1.     Đầu Phòng Văn.
2.     Quản khố (Thủ Bổn).
3.     Cai Quản Giáo Huấn
4.     Cai Quản Công nghệ.
5.     Cai Quản Canh Nông.
6.     Cai Quản Thương Mãi.
7.     Quản y (Kiểm soát: 2 vị).
8.     Nhiều vị Trưởng Ban, Chủ Sở dưới quyền vị Cai Quản.
Chức Sắc Hội Thánh bổ đến:
1.     Chưởng Quản Qui Thiện: Chí Thiện Lê văn Trung (18–8–Kỷ Sửu 1949).
2.     Tổng Quản Ban Trị Sự: Đạo nhơn Dương Văn Khuê (11–9–Giáp Ngọ 1954).
3.     Tổng Quản Ban Trị Sự: Đạo Nhơn Văn Tấn Bảo (4–9–Tân Sửu đến 9–2–Giáp Thìn).
4.     Tổng Quản Ban Trị Sự: Đạo Nhơn Trần Văn Lợi (10–4–Tân Sửu).
5.     T.Q.B.T.S: Đạo Nhơn Phạm Duy Hoai (11–4 đến 25–5–Tân Sửu).
6.     T.Q.B.T.S: Đạo nhơn Nguyễn Văn Nhiêu (30–12–Đinh Dậu đến 12–4–Canh Tý).
7.     T.Q.B.T.S: Giáo Thiện Lê Văn Chưởng (29–6–Đinh Dậu, 27–12–Đinh Dậu).
8.     T.Q.B.T.S:Đạo nhơn Nguyễn Thành Lạc (11–9–Nhâm Tý 1972).
9.     T.Q.B.T.S: Chơn nhơn Nguyễn Văn Tấn (6–3–Ất Mão đến 01–6– Bính Thìn).
10. T.Q.B.T.S: Chí Thiện Lê Văn Chấp (2–3–Đinh Tỵ đến 25–5–Kỷ Mùi)
Mười vị Thánh Nhơn Hội Thánh thuyên bổ đến quản lý Địa Linh Động Trí Giác Cung cũng đủ thấy cơ quan Tu Chơn nầy để tạo Hiền nhơn là người hiền, giáo hóa chúng sanh cho tận thiện tận mỹ theo Thánh ý Đức Phật Mẫu là thương yêu vô tận mới đúng nghĩa của nó là Trường Qui Thiện. Trước mình phải thiện, chơn thật, sau mới dạy người làm lành lánh dữ được.

22.3- Nghi thức thờ Phật Mẫu tại Đền Thờ Địa Linh Động

Đền Thờ Phật Mẫu Địa Linh Động thờ đúng theo nghi tiết mà Đức Hộ Pháp đã dạy: phân ra ba ban:
1.     Giữa lập Thiên Bàn thờ Phật Mẫu bằng Linh Vị chữ Nho “DIÊU TRÌ KIM MẪU” nơi Chánh Điện. Phía ngoài ngó vô có Bàn Thờ Đức Nam Bình Vương Phật, cũng như ở Đền Thánh có Bàn thờ Hộ Pháp mặc Thiên Phục ngó vào Bát Quái Đài vậy.
2.     Căn bên tả thờ Bạch Vân Động Chư Thánh.
3.     Căn bên hữu nữ phái thờ Cửu VỊ Tiên Nương.
Theo bài giảng tại Báo Ân Từ Tòa Thánh:
Ngày 6 tháng giêng năm Đinh Hợi (1947) lễ di Quả Càn Khôn tại Báo Ân Từ về Tòa Thánh an vị, Đức Hộ Pháp dạy Lễ Viện Phước Thiện tạo Long Vị để thờ Đức Diêu Trì Kim Mẫu tại Điện Báo Ân Từ đề chữ: “Diêu Trì Kim Mẫu”, bên hữu “Cửu Vị Tiên Nương”, bên tả “Bạch Vân Động Chư Thánh”.
Khởi đầu thờ Phật Mẫu ngày mùng 9 tháng Giêng Đinh Hợi (1947), đúng 6 giờ chiều thiết Đại Lễ An Vị Phật Mẫu. Đức Ngài nói: “Nơi Triều Thiên ở Đền Thánh chầu lễ Đức Chí Tôn là đẳng cấp áo mão, còn về đây nơi cửa Phật là tình Mẹ với con mà thôi, hễ quan trường chịu luật nghiêm khắc, về Mẹ không làm oai quyền, như vậy mới thấy bà Mẹ thương yêu con vô ngần, dầu vinh hiển quyền quới thế nào, chung cuộc cũng về cùng Mẹ mà thôi.”
Đức Ngài sắp Chức Sắc Nữ quì Ban giữa, kế tiếp Đạo muội quì sau chót. Bên ban hữu toàn là Nữ phái quì cúng. Ban tả Chức Sắc Nam Phái quì trước, kế tiếp Đạo hữu.
Ngoại nghi có Bàn Hội Đồng, cũng hương, hoa, trà, quả để mời chư vị Hiệp Thiên Đài quá vãng cũng như Đại Thiên Phong Cửu Trùng Đài như Đức Quyền Giáo Tông… dự lễ bái Phật Mẫu. Sau ngoại nghi Đức Hộ Pháp cùng chư vị Thời Quân quì cúng, Chức Sắc, Chức việc Hiệp Thiên Đài quì tiếp theo.
Khi Lễ thành, Đức Hộ Pháp cho gọi Lễ Viện Phước Thiện và mấy em Giáo Nhi, Đồng Nhi đến đứng xung quanh Bàn Hội Đồng để nghe dạy:
“Khi cúng rồi phải day ra ngoài xá một xá cũng như ở Đền Thánh vậy, nên hiểu không xá Hộ Pháp mà là xá để kỉnh chào Khí Sanh Quang tức nguồn cội của Pháp biến sanh vạn vật, trước là Phật, Pháp, Tăng gọi là Tam Qui, trong Pháp ấy xuất hiện Phật Mẫu, kế tiếp Vạn Linh, vạn vật… Bởi cái Bí Pháp Diêu Trì Cung có liên quan mật thiết Hiệp Thiên Đài, một căn cội Pháp. Vận hành Nguơn khí nơi nào có Hiệp Thiên Đài thì có Tam Qui, Thượng Hạ Pháp Giới; mặc dầu nơi đây không có thờ chữ Khí, mà buộc mình phải xá ra, đó là lòng tin tưởng biết ơn và chào sanh mạng của chúng ta đó vậy.
Mấy em Lễ Sĩ nhớ: Khi cúng Phật Mẫu phải xướng câu: Nam Nữ Nhập Đàn, về với Mẹ ai cũng là con, không ai dám xưng Chức Sắc, dầu Hộ Pháp cũng là con. Lễ Sĩ mặc áo Vàng phái Thái, được phép đi giày hay vớ trắng.
Mấy em Giáo Nhi khi cúng Đàn nơi Đền Thờ Phật Mẫu, đọc bài Kinh Tạo Hóa Thiên Huyền Vi Thiên Hậu, rồi kế điện hoa…Khi cúng Tứ Thời mới đọc Bài Xưng Tụng Công Đức…, đến câu: “Cùng chung giáo hóa, chung cùng lo âu” sửa lại đọc: “Cùng chung giáo hóa ân cần lo âu”. Để rồi Qua cho lịnh Tiếp Lễ sửa lại chữ “Kinh trùng tự”.
Bài dâng hoa: đến câu “Cúi mong Thượng Đế…” phải thài: “Cúi mong Phật Mẫu rưới Ân Thiên”.
Kỳ Lễ nầy theo lẽ cúng giờ Ngọ ngày rằm, nhưng Qua định cúng thời Dậu cốt yếu thuộc Âm, lại là ngày Vía đức Chí Tôn. Buổi đầu Qua biết thế nào cũng bợ ngợ sơ sót, nên cúng để chỉ dạy đặng tới kỳ Sóc Vọng tới đây phải chấn chỉnh cho trang hoàng. Từ đây Lễ Viện Phước Thiện, Hành Chánh phải tuân y lịnh, đừng sửa đổi: Cúng Lễ Chí Tôn thời Tý, còn Phật Mẫu cúng thời Ngọ.
Từ đây về sau, nơi nào muốn lập Điện Thờ Phật Mẫu, phải đợi có Thánh Thất rồi mới lập Điện Thờ sau. Phải coi theo cách thức hành lễ ở Tòa Thánh và Báo Ân Từ, phải làm y một khuôn mẫu, chẳng nên canh cải sửa đổi là trái Pháp”.

23.- Nam Bình Vương Phật

Nơi Điện Thờ Phật Mẫu tại Địa Linh Động có thờ Nam Bình Phật Tổ hay Nam Bình Vương Phật cũng là Ngài. Nhơn chuyến đi Đài Loan của Đức Hộ Pháp có đem về hai tượng ảnh Nam Bình Vương Phật, dạy nơi Đền Thờ Địa Linh Động, thờ phía ngoài ngôi thờ ngó vào Chánh Điện Phật Mẫu, cũng như ở Đền Thánh có hình Hộ Pháp ngự trên Ngai ngó vào Bát Quái Đài vậy.
Đây là việc làm của Phật Hộ Pháp, nào ai hiểu được… mà luận thuyết thế nầy thế nọ… Duy chỉ biết rằng: Khi Đức Hộ Pháp cầm hai tấm Tượng Phật xuống Trí Giác Cung Địa Linh Động, xổ thẳng xuống mà bảo rằng: “Đây là Nam Bình Vương Phật, thờ ở đây là Phật Việt Nam, vì Ngài có công khai Đạo…”. Còn lại một tấm giao cho vị Đầu Phòng Trần Thái Lang để thờ tại Hộ Pháp Tịnh Đường Địa Linh Động…
Trong tượng hình có hai hàng chữ:
1. Hữu tế hóa nhân hữu tế hóa vật.
2. Thì vị kỳ trấn tả hữu ngã Phật.
Phật kỳ hữu linh kháng hương bái khất.
Nghĩa:
“Đức Nam Bình Vương Phật là Đấng Phật huyền linh thường lo tế độ loài người và loài vật,
Nếu thành tâm nguyện cầu sẽ được linh ứng”.
Để hiểu rõ cách thờ Nam Bình Phật Tổ, theo lời phê của Đức Hộ Pháp giải đáp tờ thỉnh giáo của Thợ Hồ về hình tượng Nam Bình Vương Phật. Đức Ngài nói:
“Chừng nào có Đền Thờ Phật Mẫu chính thức, thì Thầy cho biết không gì lạ! Đền Thánh tượng trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế, có hình Hộ Pháp mặc Thiên Phục Khôi Giáp, thì nơi Đền Thờ Phật Mẫu tượng trưng cho Lôi Âm Tự, lẽ dĩ nhiên đắp hình của Ngài, nhưng không mặc Thiên Phục, chỉ mặc áo Cà Sa nhà Phật mà thôi.
Nơi Trí Giác Cung Qui Thiện nầy, Thầy có dạy thờ Nam Bình Vương Phật trong Đền Thờ Phật Mẫu, cũng như hồi ban sơ Phật Mẫu giáng cơ tại Thánh Thất Khổ Hiền Trang, Ngài cho biết nơi đây là “Phước Địa Ngộ Tòng Hoa, Lục ức dư niên vũ trụ hòa” (Đất Phú Mỹ 600.000 năm, kém Thánh Địa Tây Ninh 100.000 năm”.
Đức Phật Mẫu dạy tạm lập Nhà Thờ Phật Mẫu tại Thảo Đường và cho biết sau nầy Tổ Đình Tòa Thánh hoàn thành rồi mới khởi tạo Đền Thờ Phật Mẫu lớn lao cũng như Đền Thánh vậy. Nhưng nạn vay trả quả nghiệp tiền khiên của dân tộc Việt Nam chưa dứt, khiến nạn biến cố mãi đến nên không tạo đặng Đền Thờ nơi Thảo Đường Khổ Hiền Trang (Mỹ Tho).
Hiện giờ đây, Thầy có dành 4 mẫu đất (4 Ha) trước cửa Hòa Viện Tòa Thánh để tạo Đền Thờ (Xóm Tà Mun cũ). Nhưng lòng từ bi của Phật Mẫu thấy con cái của Ngài đang chịu loạn lạc đồ khổ, và trong cửa Đạo con cái của Ngài cùng Hội Thánh chưa thống nhất, nên Ngài dạy tạm thờ Ngài nơi Báo Ân Từ là Nhà Thờ công nghiệp của con cái Ngài đặng thấy lòng thương yêu của Mẹ cưng con đáo để dường nào…
Chừng nào cả con cái Phật Mẫu xúm nhau sùng bái để gọi chút “Hiếu để” đền ơn với Đức Mẹ, thì ngày ấy sẽ có Đền Thờ Phật Mẫu chánh thức…”
Vì chiến tranh, khiến cho số người Minh Thiện Đàn về Tóa Thánh ở, không còn ở Phú Mỹ được nữa; do đó mà số người nầy hợp nhau cất Đền Thờ Phật Mẫu nơi Địa Linh Động thờ Đức Mẹ thay vì Thảo Đường Khổ Hiền Trang (Mỹ Tho), nên Đức Hộ Pháp gọi danh Đền Thờ Phật Mẫu và cho Cúng Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung hằng năm vào đêm 14, đặng đêm 15 về Đền Thờ Trung Ương dự lễ, Hội Thánh HTĐ cúng Lễ Hội Yến.



                                                 Nam Bình Vương Phật ở Trí Giác Cung 

24.- Tổng kết Qui Thiện

·        Trường Qui Thiện lập ngày 26–9–Quí mùi (1943).
·        Đức Hộ Pháp từ Madagascar về, dạy Ông Trứ lần đầu vào ngày 12–8–Đinh Hợi (1947).
·        Đến ngày 16–7–Mậu Tý (1948), dạy lần chót trước Hội Thánh CTĐ và Phước Thiện với đại ý: Nếu sau nầy Trường Qui Thiện không tùng theo luật pháp Đạo thì hai đài có quyền giải tán. (Đức Hộ Pháp dạy trong cuộc lễ khánh thành Đền Thờ Phật Mẫu Địa Linh Động.)
·        Ông Chí Thiện Lê Văn Trung thay Ông Đinh Công Trứ ngày 18–8 năm Tân Sửu (1949), kế tiếp 9 vị Tổng Quản do Hội Thánh bổ nhiệm. Điều đáng quan tâm là Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung từ năm 1948 đến năm 1972 tại Đền Thờ Phật Mẫu Địa Linh Động.

25.- Đền thờ và Lễ Hội Yến

Theo Đạo Pháp, Đền thờ chánh thức thì Cúng Lễ Hội Yến. Đền Thờ nầy thay vì ở Khổ Hiền Trang, Phú Mỹ (Mỹ Tho), nơi mà Đức Phật Mẫu dạy tạm thờ nơi Thảo Đường được tồn tại sáu trăm ngàn năm (Lục ức dư niên vũ trụ hòa), nhưng vì chiến tranh không thực hiện được phải dời về Thánh Địa Tây Ninh. Ông Đinh Công Trứ phối hợp Minh Thiện Đàn cất Đền Thờ Phật Mẫu tại Trường Qui Thiện, đúng câu Đức Lý Giáo Tông đã dạy: “Minh Thiện sau là Qui Thiện”.
Minh chứng Đền Thờ Địa Linh Động cúng Hội Yến.
Lần đầu tiên Đức Hộ Pháp bổ vị Nhạc Sư bộ Nhạc Trung Ương Ông Trần Văn Sai và Giáo Nhi ở Tòa Thánh đến dạy Đồng nhi ở Đền Thờ Địa Linh Động thài cúng Lể Hội Yến Diêu Trì Cung vào đêm 14–8 năm Mậu Tý. Ông Giám Đốc Trường là người ngoan Đạo, biết rằng Lễ Hội Yến là Lễ đặc biệt của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, nên quì bạch thỉnh giáo:
“Bạch Đức Thầy, chúng con biết lễ Hội Yến do Chức Sắc Hiệp Thiên Đài bồi tửu. Nay Đức Thầy cho Đền Thờ Phật Mẫu Địa Linh Động được cúng Lễ Hội Yến, vậy ai được phép bồi tửu? – Cầu xin Đức Thầy chỉ giáo”.
Đức Hộ Pháp dạy: “Mấy con…”.
Kế tiếp năm sau, Đền Thờ nầy cũng vẫn được phép cúng Hội Yến. Khi Đức Hộ Pháp đến Hộ Pháp Tịnh Đường Địa Linh Động, Ông Đinh Công Trứ quì bạch: “Bạch Thầy, mấy con được cúng Lễ Hội Yến năm nay nũa là hai lần, vậy đến chừng nào mới thôi cúng, cầu xin Đức Thầy chỉ giáo?”
Đức Hộ Pháp dạy: “Ngày nào Hiệp Thiên Đài đòi thì trả”.
Chuyện nầy ai cũng đều nghe biết, nếu Ông Đinh Công Trứ học trò ngoan của Đức Hộ Pháp còn tại trần thì không việc gì xảy ra. Song mọi việc đều tiền định. Việc đến nó phải đến thôi!

26.- Hồ Bảo Đạo thống quản Tam Cung

Câu chuyện ngộ nghĩnh nầy nên nhắc chuyện Tây Du, lúc Thầy trò Tam Tạng đã thành Phật đang bay trên không đem kinh về Đông Đô Trung Quốc, bổng nhiên bị rớt xuống dòng sông Thiên Hà, phải phơi Kinh…Tam Tạng ngạc nhiên hỏi: “đã thành Phật sao còn bị nạn?”. Đấu Chiến Phật đáp: “Việc gì cũng có định trước”. Đó là cửu cửu qui chơn theo Pháp Phật, đàng nầy bốn thầy trò mới có thọ 80 nạn, nên phải thọ thêm nạn thứ 81 tại dòng sông để phơi Kinh đặng Phật thâu lại bí pháp độ sanh trong Kinh.
Ở đây muốn nói cái nạn tiền định của Cung nầy phải chịu nạn giải thể, giải tán theo dự tri của Đức Thầy Hộ Pháp Di Đà. Đã định tức nhiên phải đúng nghĩa: “Khi nào Hiệp Thiên Đài đòi thì trả”.
Tại sao?
Theo Thánh Giáo đêm 12–9–Ất Tỵ (6–10–1965), Đức Hộ Pháp giáng dạy: “…Thầy đã nói với các con lớn nhỏ rằng: Thầy không buộc mỗi đứa phải ở lại cho đến ngày Thầy về với Liên Đài; chỉ trừ chú Đốc (Bảo Đạo) và Cao (Sĩ Tải), cùng đứa nào không bận bịu gia đình và hiếu đạo.”
Như thế đã rõ lắm rồi!
Nhưng đến năm Canh Tuất (1970), nước Miên có loạn, Ngài Hồ Bảo Đạo bỏ cuộc về nước Việt (tháng 5–1970). Thời điểm nầy Ông Nguyễn văn Thành Tổng Thanh tra đặc nhiệm chánh trị Đạo cho Ông là người chiêu hồi với Chánh Quyền Saigon…
Đến tháng 10–1970, Ngài được Đức Thượng Sanh giao cho việc Đạo. Qua năm Nhâm Tý (1972) Ngài được Ngài Hiến Pháp Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài giao quyền Thống Quản Tam Cung (Trí Huệ – Trí Giác – Vạn Pháp).
Đặc biệt là Địa Linh Động có Đền Thờ Phật Mẫu, đến Lễ Trung Thu tháng 8, nơi Đền Thờ đã tổ chức cúng Lễ Hội Yến Diêu trì Cung tính đến năm Nhâm Tý (1972) có hơn 20 năm rồi.
Lịnh Thống Quản: cấm Đền Thờ Phật Mẫu Địa Linh Động cúng Hội Yến.
Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung 14–8–Nhâm Tý (1972), Thống Quản Tam Cung ra lịnh cấm Bàn Trị Sự Địa Linh Động không được Cúng Hội Yến nữa.
Nghe qua cũng hơi đột ngột, vì nơi nầy đã được cúng Lễ Hội Yến hơn 20 năm rồi, không thấy có sự cản trở nào. Nay bỗng nhiên nhận lịnh của Thống Quản Tam Cung: Hồ Bảo Đạo không cho cúng! Ban Trị Sự nầy không tuân hành, viện cớ rằng: “Lễ nầy do Đức Hộ Pháp cho cúng, vì nơi đây là Đền Thờ Phật Mẫu, chớ không phải Điện Thờ như các địa phương.” Nghe vậy thấy cũng có lý về phần của Địa Linh Động.
Khi dùng quyền Thống Quản, không giải quyết được; buộc phải nhờ quyền Hội Thánh HTĐ, Ngài Hiến Pháp xuống lịnh cấm không cho cúng Hội Yến. Nơi nầy cũng chống luôn.
Về phía Hội Thánh dùng biện pháp mạnh:
Để củng cố uy quyền, Hội Thánh liền đưa Thánh vệ xuống canh giữ toàn diện Nội Ô Địa Linh Động, cô lập hẳn “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Đã như thế mà còn sợ bất thành, phòng sự chống đối mạnh của số người Địa Linh Động, nên phải dùng đến biện pháp mạnh bạo là: Yêu cầu lực lượng cảnh sát của Quận Phú Khương, luôn cả tỉnh, mở cuộc hành quân ráo riết, bắt giam 13 người ở Trí Giác Cung gọi là cầm đầu chống Hội Thánh, xuyên suốt thời hạn gần một tháng, gây náo động xôn xao, dư luận xa gần lên án: “Quyền Đạo bất thành, mượn quyền Đời trấn áp”.
Hành động như thế là “Diện phục, tâm bất phục”, nhưng rồi đâu cũng vào đấy, vì trên Hội Thánh dùng số 13 của Thời Quân trấn áp số 13 người ở Đất Địa Linh.
Sự việc nầy đúng vào dự tri của Đức Hộ Pháp đã nói trong cuộc Lễ Khánh Thành Đền Thờ Phật Mẫu Địa Linh Động vào năm Mậu Tý (1948): “Nếu cơ quan không tuân luật lệ Hội Thánh, thì hai Đài có quyền giải tán”. Ở đây chỉ mới dùng quyền Hiệp Thên Đài đã giải tán, giải nhiệm Ban Trị Sự Địa Linh Động vì thuộc hệ thống Hội Thánh Phước Thiện dưới quyền Thống Quản của Thời Quân HTĐ.
Nguyên nhân nào đòi không được:
Nếu như Ngài Hồ Bảo Đạo chịu khó tìm hiểu lý do mà Đức Hộ Pháp cho Đền Thờ nầy được cúng Lễ Hội Yến. Thứ đến Vị Giám Đốc Trường thỉnh giáo Đức Hộ Pháp dạy ra sao? Hoặc là… Cổ nhơn có nói: “Biết người, biết việc, biết mình, trăm trận, trăm thắng”.
Nếu biết rằng: “Ngày nào Hiệp Thiên Đài đòi thì phải trả” thì hay biết mấy. Dùng pháp lý nầy thì Ban Trị Sự không còn lý do diện dẫn chống chế được.
Trái lại, chỉ dùng quyền, mượn Thánh Giáo ở Kim Biên làm lịnh… Nên đi sâu vào sự việc để thấy ánh sáng nhơn tâm và Thiên ý:
Đức Hộ Pháp qui Thiên ngày mùng 10 tháng 4 năm Kỷ Hợi (DL.17–5–1959), đến 15–8–Kỹ Hợi, chỉ cách 4 tháng sau tới kỳ lễ Hội Yến. Ngài Hồ Bảo Đạo cầu cơ xin sửa đổi đôi điều về Lễ Hội Yến mà Đức Hộ Pháp cho thi hành khi còn tại thế.
Đức Hộ Pháp dạy: “Nghi lễ đã có sẵn, cứ do theo đó mà làm theo không nên sửa đổi mà sanh rắc rối…”
Do đó, mà Đức Hộ Pháp dạy thêm: “khi Bần Đạo còn tại thế, thì cúng Hội Yến tại nơi đây. Nay Bần Đạo đã về Thiêng Liêng, thì chỉ cúng năm nầy rồi thôi, nơi đây không được cúng Hội Yến nữa”.
Lời dạy trên đây quả là đúng, vì ở Kim Biên Tông Đạo có Báo Ân Đường do Ông Bà Đạo Nhơn Võ Hương Nhâm lập, coi như Điện Thờ địa phương, có Đức Hộ Pháp ngự ở đó nên cúng Lễ Hội Yến. Nay Đức Hộ Pháp đã về Thiêng Liêng vị, nên không cho cúng Lễ Hội yến nơi đó nữa là đúng Chơn Pháp, nơi nào có Hộ Pháp mới được cúng Hội Yến, bởi Ngài là chủ quyền của Hội Thánh HTĐ.
Vả lại, chỉ cách bốn tháng sau khi Đức Ngài đã vắng mặt, thì Ngài Bảo Đạo xin “sửa đổi”, nên Đức Hộ Pháp không cho Báo Ân Đường Kiêm Biên được cúng Lễ Hội Yến nữa là do nguyên nhân xin sửa đổi.
Còn nơi Địa Linh Động Trí Giác Cung, chính Đức Hộ Pháp cho biết đây là Đền Thờ Phật Mẫu đã định, nên Đức Ngài cho phép Đền Thờ nầy cúng Lễ Hội Yến đêm 14–8. Còn Hội Thánh HTĐ Cúng Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung chính thức vào đêm 15–8 là điều quá rõ; vì nó là gốc từ Thảo Đường Khổ Hiền Trang. Nên chi khi Hội Thánh tạo Long Vị Phật Mẫu thờ tại Báo Ân Từ, có thiết lễ xuống Đền Thờ Phật Mẫu Địa Linh Động rước tro Lư Hương về thờ tại Báo Ân Từ. Việc làm nầy có hai ý nghĩa: một là nhìn nhận công của Ông Đinh Công Trứ, hai là Đền Thờ tại Địa Linh Động thờ Phật Mẫu theo lịnh dạy tại Thảo Đường Phú Mỹ (Mỹ Tho).
Như vậy, nếu áp dụng lời dạy không được cúng Hội Yến ở Báo Ân Đường Kiêm Biên khi Đức Hộ Pháp qui thiên rồi, mà đem cấm ở Đền Thờ Phật Mẫu chánh thức đã được Đức Hộ Pháp công nhận dự lễ Khánh Thành vào năm Mậu Tý (1948) và đã cho thiết lễ Hội Yến vào đêm 14 tháng 8 hằng năm, là sai Thánh Ý đó.
Vì rằng: Hai nơi khác nhau cả thái cực ranh giới là: Báo Ân Đường của Tông Đạo và Đền Thờ Phật Mẫu Địa Linh Động thay vì Khổ Hiền Trang.
Dùng quyền Hội Thánh đủ lẽ thì được, nhưng người hành giả hành động sai Thiên Ý, từ cái ý định sửa sai ở Kiêm Biên dẫn đến cái sai ở Tòa Thánh, Đức Phật đã dự tri trạng huống, biết chắc rằng Tín Đồ Địa Linh Động bảo thủ sẽ phản ứng. Nhưng quyền Hội Thánh Thánh Thể Chí Tôn phải tuyệt đối bảo trọng, nên Đức Hộ Pháp đã dạy trước: “Hễ chống thì giải tán”. Thật không lầm vậy!.

27. - Khổ nạn của ông Giáo Thiện Đinh Công Trứ

Trong lúc nền Đạo chinh nghiêng (1941) không đủ người tài đức điều khiển con thuyền Đạo vì thực dân Pháp lưu đày Đức Hộ Pháp nơi Hải Đảo Madagascar…
Khiến nên một Chức Sắc Cửu Trùng Đài qui tụ tại hãng tàu Nitinan của Nhựt có mưu đồ lập cơ binh. Nhóm người nầy có sự hướng dẫn của các Đấng Thiêng Liêng kề cận, nhứt là Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt thường giáng dạy về cơ chuyển thế; nên sau cùng lập Quân Đội Cao Đài do Giáo Sư Đại Biểu Trần Quang Vinh lãnh đạo, dưới quyền có các Ông Giáo Sư Thượng Tước Thanh, Giáo Sư Tuy, Giáo Hữu Thái Đến Thanh, Lễ Sanh Ngọc Hoài Thanh, Lễ Sanh Thượng Tý Thanh.
 Nhóm nầy qui tụ được đa số Chức Sắc, nên xưng danh Hội Thánh Saigon.
Nhóm thứ hai có quí Ông Lễ Sanh Phái Thượng: Trườu – Trứ – Giải, có quan điểm bất hợp tác với nhóm Saigon.
Do vậy mà xảy ra sự bất đồng, rồi đi đến chống đối nhau, gây nên sự náo nhiệt không nhỏ, dẫn đến hận thù sâu đậm.

27.1- Hận thù xảy ra

Nhóm người hoạt động ở Saigon dựa vào thế lực quân đội Nhựt Hoàng, bắt ba vị “Trườu – Trứ – Giải” đem xuống Saigon khảo tra thậm tệ vào ngày 3–1–Quí Mão (1943), do Hiến binh Nhựt đến Tòa Thánh bắt ba vị đem về Sở Hiến Binh Nhựt ở đường Chambre de Commerce.
Quyển Lịch sử Trần Quang Vinh ghi rằng: “Căn cứ số 4 ở ngang đó dòm qua thấy rõ ràng sự khảo tra 3 vị Trườu – Trứ – Giải trong đêm cho tới sáng… Ông Giáo Sư Đại biểu thấy vậy cứ cầu nguyện…” (thật là vô lý –  bắt đánh chơi rồi cầu nguyện ai?)
“Đó là động lòng từ bi, chớ suy ra cho kỹ thì cũng đáng tội, tội tình nầy rất đáng, không còn ân hận gì. Bởi Hội Thánh đã thấy trước, điều đình một cách ổn thỏa không được, ngày nay mới ra nông nổi. Ông Giáo sư Đại biểu thấy đánh quá, Ông có qua xin giảm bớt đánh, Người có công dẹp loạn nầy là Đạo hữu Nguyễn Văn Thành”.
Sự việc như thế đó! Thành ra hận thù mâu thuẫn lớn xảy ra giữa hai nhóm Saigon và Tây Ninh. Sự bất đồng nầy không những có ba vị Trườu – Trứ – Giải, mà còn có Quí vị Giáo Sư Thái Khí Thanh, hai vị Sĩ Tải Huỳnh Hữu Lợi và Nguyễn Huợt Hải ở Kiêm Biên Tông Đạo (Nam Vang), còn ngoài Trung có Giáo Hữu Ngọc Thành Thanh và Bà Lễ Sanh Hương Lộc cũng chống đối cơ quan phục quốc của Nhóm Saigon do Trần Quang Vinh lãnh đạo.
Nếu tính nhân số, chống lại cơ quan Saigon, thì số người hai bên gần bằng nhau, song bị phân tán ra nhiều nơi và dựa vào thế lực quân đội Nhựt bắt giam đối phương.

27.2 - Khi được thả về, ông Trứ làm gì?
Còn mang phàm thể, nào ai tránh được hận thù đã khắc sâu trong đêm bị ngoại lai khảo tra tàn nhẫn do Đại biểu Trần Quang Vinh chủ trương mượn quân lực trấn áp…
Trước trạng huống đau lòng ấy xảy ra, Ông Đinh Công Trứ nghĩ rằng mình đâu kém gì hơn Trần Quang Vinh, nên có ý đồ lập đại nghiệp (nộ), cũng có thể lãnh đạo được như ai vậy.
Theo lời dạy sau đây của Đức Tôn Sư Hộ Pháp: Vào ngày 12–8–Đinh Hợi (1947), Đức Hộ Pháp đến Trường Qui Thiện nói chuyện với ông Đinh Công Trứ:
“Hôm nay, Qua đến nói chuyện để vạch rõ đường lối cho mấy em trở lại. Đây không phải thuyết Đạo, chỉ nói chuyện với Trứ và mấy em mà thôi.
Mấy em nên hiểu Đạo duy có một Hội Thánh, chỉ một, dầu rằng chia ra nhiều cơ quan to tướng, cũng vẫn có một quyền duy chủ của Hội Thánh là Thánh Thể Đức Chí Tôn mà thôi. Chí Tôn nói: “Hễ còn mê tín, tức phải chịu dưới phép của tà thần tinh quái”. Qua chỉ lấy tình Thầy trò mà nói chuyện với mấy em, Qua không biết Trứ nó mê hoặc các em cách lạ lùng.
Trứ, nếu em không nghe Qua, còn mê hoặc nữa thì đắc tội cùng Ngọc Hư Cung, Qua nói cho cả thảy đều thức tỉnh, việc hành động của mấy em đã nghịch hành tàng của Qua! Mấy em nên biết rằng nền Đạo của Chí Tôn là tín ngưỡng chung cho toàn nhơn loại trên mặt địa cầu nầy, chớ không riêng cho Việt Nam hay cho mấy em.
Ngược lại, hành động của Trứ chủ trương, hướng dẫn mấy em với một nhóm đi ngoài Thánh Thể Đức Chí Tôn. Trứ! Có lẽ em muốn làm Giáo Tông?
Ông Trứ bạch Thầy: “Con không dám làm điều chi nghịch ý Thầy, khi Thầy ở hải ngoại, con như gà lạc mẹ, nên mấy con qui tụ nơi đây mong Thầy về mà thôi”.

27.3- Treo bạch kỳ

“Qua nói cho mấy em biết cây cờ tang nó trọng hệ là dường nào! Nhan Hồi buổi nọ có thật hành lý thuyết bình đẳng, nhơn loại tránh nạn tương tàng, tương sát, chưng chưa làm kế chết! Em biết điều đó chớ?” (Nghĩa là bắt đầu trương cờ, ông Trứ sẽ chết).
“Qua hỏi mấy em: chủ trương thượng phướng Bạch Kỳ là ý nghĩa gì? Một điều làm trái Thiên Ý! Em có biết cây cờ Nhan Uyên dùng nó lúc nào, mà nay đem ra thực hành, điều ấy ai biểu?”
Trứ bạch Thầy: “Vâng Thánh Giáo của anh Ba”.
“Phải, Qua cũng nhờ Thánh Màng nó mét với Qua, Qua mới biết điều ấy, nó nói luôn sở hành của em đối với Qua, đối với Hội Thánh CTĐ thế nào khi đã hợp tác với chính phủ Nhựt…
Họ thương Qua, mà đòi Chánh phủ Pháp trả Qua, Qua không cần nói rõ ra đây, Qua nói rằng: Dầu cho Hộ Pháp cũng phải chịu dưới mạng lịnh Thánh Thể Chí Tôn, nếu việc chủ trương nào có phẩm vị Giáo Sư hay Giáo Hữu nhúng tay vào thì Qua cũng đồng ý chịu mạng lịnh… Qua đây còn phục Hội Thánh mà em chống thì tiêu hủy đa!”
Trứ bạch Thầy: “Khi Thầy về, con có dâng tờ thú tội rằng: Con không tùng Hội Thánh Saigon, vì lòng con nghi ngờ không tin…”
Đức Hộ Pháp hỏi: “Em biết cây cờ trắng của ai? Biểu hiệu ấy để cứu khổ nhơn loại phải không? – Chỉ một, khi Thượng Sanh ra đời là cây cờ cứu thế, còn Thượng Phẩm là cây cứu khổ… Qua chỉ dìu dắt mấy em trong đường cứu khổ, Qua thay cho Thượng Phẩm đã gầy dựng, đào tạo, Thầy trò chịu cực khổ, chung chịu từ khoảng rừng xanh ít người lai vãng, nay trở thành đô thị cho con cái Đức Chí Tôn chung sống.
Buổi Qua vắng mặt, ở nhà mấy em làm điều ấy là nghịch lại Thánh Ý của Qua…
Màng là người Qua đã lựa chọn, nhưng Màng đã thành Thánh vị về cõi Thiêng Liêng gởi Thánh Giáo cho mấy em học. Người nói: “trong phương pháp cứu khổ chỉ có cầm cờ trắng của Mạnh Tử đặng giải hòa, phòng duy trì cơ nghiệp nhà Châu nguy biến…”
Trứ! Việc của em làm cho Hội Thánh bất mãn, nhứt là Chức Sắc Cửu Trùng Đài, chính Qua cũng bất mãn… Qua đã nói: Ngày kia khi Giáo Tông ra đời, chừng đó Hành Chánh và Phước Thiện mới dung hòa thống nhứt lại một. Một bên giáo hóa, một bên thực hành cơ cứu khổ, bằng chẳng vậy, đến tận thế hành tàng cả hai đều phản trắc, nếu không dung hợp được thì Đạo của Chí Tôn làm sao sớm thành được…
 Vậy Qua nói một điều: Em phải tuân lịnh Hội Thánh, tức là tuân lịnh Qua! Nhớ đa nghe!
Nếu tánh đức, cử chỉ mấy em còn chống, thì Qua quyết định không nhìn và Qua sẽ cho ra mặt thế. Mấy em tự liệu… Từ đây phải phúc sự tùng lịnh y theo khuôn khổ của Hội Thánh Phước Thiện”.

27.4- Sự biết Đạo của ông Đinh Công Trứ

Lập trường Qui Thiện là cốt yếu đem lòng lành của toàn con cái Đức Chí Tôn hiệp nhứt cùng nhau làm một, đặng bảo thủ Chơn Truyền của Đạo, nên có đôi liễng: “Qui Thánh Đức, trụ Thiên Lương, kỉnh trọng Hiền nhơn thân cô độc. Thiện tùng tâm Hành chánh Đạo tảo trừ quái giáo giải oan khiêng”.
Rõ ràng hiện nay nơi Địa Linh Động đã nuôi dưỡng các bậc hiền nhơn thân cô độc (Dưỡng lão nam nữ Chức Sắc Hội Thánh đã dày công hành Đạo) đã đúng nghĩa câu thứ nhứt. Còn câu thứ hai: “Tảo trừ quái giáo giải oan khiên” là gì? Ai làm việc nầy?
Cơ quan nầy buổi đầu xuất hiện nơi Khổ Hiền Trang (Nơi Ngọc Hư có Cung Khổ Hiền) do Đức Phật Mẫu và Đức Lý Giáo Tông giáng cơ lập thành Trường Minh Thiện Đàn vào năm Mậu Thìn (1928). Đứng đầu Trường là Ông Đinh Công Trứ.
Khi Đức Hộ Pháp từ Thủ Đức xuống, Đức Lý Giáo Tông giao lại cho Đức Ngài và cho biết rằng: “Minh Thiện cũng là Qui Thiện”.
Nhờ Bậc Tôn Sư Hộ Pháp giáo hóa về nghĩa lý tối yếu, tối trọng của nền Chơn pháp Đức Chí Tôn và giao cho Ông để làm cho thiên hạ hết thống khổ về tinh thần lẫn vật chất.
“Sự biết Đạo của Ông Trứ là vậy”. (lời của Đức Hộ Pháp).

27.5- Cửa tu chơn, giữ phận tín đồ. Tạo hiền nhơn

Thánh lịnh số: 139/TL ngày 16–1–Kỷ Sữu (DL. 13–2–1949) của Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài ban cho Trường Qui Thiện như sau:
 “Nghĩ vì Trường Qui Thiện là nơi đào tạo Hiền nhơn để chung lo cùng cơ quan Phước Thiện về phương diện cứu trợ sanh linh khỏi cơ đồ thán.
Nghĩ vì công quả nầy thiên về phần âm chất vô vi hơn về mặt chính trị hữu hình”. Nên:
THÁNH LỊNH:
“Chư vị hảo tâm hiến công quả nơi Trường Qui Thiện, không nhận lảnh Phẩm tước. Cả thảy công quả Nam Phụ Lão Ấu chỉ giữ phận Tín Đồ tùng lịnh Hội Thánh mà thi hành chủ nghĩa cao khiết trên đây cho tới ngày về Thiêng Liêng vị mà thôi”.

27.6- Ông Đinh Công Trứ tử nạn

Đàn cơ tại Đền Thờ Phật Mẫu Qui Thiện ngày 26–10–Canh Dần (DL…12–1950), Ông Đinh Công Trứ giáng cơ tường trình về sự tử nạn của ông:
“Thưa Thân Mẫu,
Con rất đau lòng cảnh măng tàn mà tre vẫn còn tươi tốt! Nhưng biết sao được, Thiêng Liêng đã định, vậy cũng đừng oán trách kẻ vô lương. Sanh ly tử biệt cũng không ai thoát khỏi; chỉ khác nhau ở chỗ “Tử bịnh” hay “Tử nạn” mà thôi! Xin Thân Mẫu chớ vì con mà hao tổn tinh thần…
Các bạn hãy đặt trọn đức tin nơi Sư Phụ, thì ngày vẻ vang chẳng xa đâu.
Xin nhắn lời cùng bạn Trung rằng: bạn hãy gắng lưu tâm mà dìu dắt các bạn cho ra thiệt tướng”.
Do lời nhắn nhủ đó, mà Hội Thánh Phước Thiện thuyên bổ Ông Chí Thiện Lê văn Trung đến Qui Thiện làm Chưởng Quản thay thế cho cố Giáo Thiện Đinh Công Trứ tử nạn ngày 25–5–Kỷ Sửu lúc 10 giờ 30 phút tại bờ cá vùng Bàu Sen.

27.7- Tờ xin đái hiếu cư tang

Đền Thờ Phật Mẫu Địa Linh Động,
Bạch Sư Phụ,
Chúng con khờ đồng khép nép khẩn cầu Đức Sư Phụ ban hồng ân chỉ giáo cho các con nhờ.
Bạch Sư Phụ, Khi Sư Phụ bị đồ lưu hải ngoại, thì ở nhà Ông Đốc Trường của các con đã qui tụ anh em các con còn lại, có lập hồng thệ cho các con cộng chung nam nữ 148 vị dạy dỗ các con trong năm năm khi Sư Phụ vắng mặt, đầy đủ cảm tình thương yêu mật thiết, trù hoạch đủ phương châm trong cơn loạn động, đặng nâng đỡ tinh thần các con, nên tạo được cơ nghiệp vĩ đại.
Ngày nay bạc phận vì mũi súng vô lương thành ra người thiên cổ, vì sự đái hiếu cư tang, các con nhờ lượng khoan hồng Sư Phụ từ bi chỉ giáo cho các con nhờ phước.
                                         Trường Qui Thiện, ngày 24 tháng 5 Kỹ Sửu
                                                   Chưởng Vụ: VÕ CÔNG BỘ.

27.8-  Lời phê Đức Hộ Pháp

“Bần Đạo là thầy, nên muôn điều tha thứ, mà vẫn biết khi vắng mặt bị đồ lưu, ở nhà mấy em như gà mất mẹ, nên phải kiếm kế bảo thân. Khi về đã thấy hành vi sái Thiên Điều, phạm Chơn Pháp của Trứ đã làm, nên lật đật dìu dắt cho nó chỉnh đốn lại cho thuận Thiên Điếu. Ấy là phương giải kiết cho Trứ. Người muốn việc mà quyền Thiêng Liêng không định vậy, nên mới phạm pháp Ngũ Lôi.
Mấy em giữ nghĩa là phải. Qua cho phép mấy em đáp trọn nghĩa cho phải Đạo, nhưng Qua căn dặn đừng lấy làm lạ và đừng buồn”.
                                                                        (Hộ Pháp – Ấn ký ).

28.- Địa Linh Động Minh Thiện Đàn liên hệ với Long Tuyền Kiếm

28.1- Ai lấy Long Tuyền Kiếm?

Có người cho rằng Ông Đinh Công Trứ đã lấy Trấn Kiếm dâng cho Đức Hộ Pháp. Có phải vậy không? Do tài liệu nào?
Sự thật là Đức Hộ Pháp đã đi lấy Long Tuyền Kiếm, qua dẫn chứng sự thật sau đây:
Trạng Tàu đã thông Thiên văn thấu triệt địa lý, biết trước rằng Việt Nam sẽ xuất Trạng, xuất Tướng, nên dùng Kiếm Báu trấn ếm không cho xuất hiện nhơn tài để chúng dễ dàng đô hộ. Nên họ bí mật đưa thầy địa lý đột nhập vào Việt Nam để ếm Long Tuyền Kiếm vào năm 1914.

28.2- Sự tích lấy ếm Long Tuyền Kiếm:

Đêm 16–10–Mậu Thìn (DL.27–11–1928), Bát Nương Diêu Trì Cung giáng cơ mách bảo hướng dẫn Đức Phạm Hộ Pháp biết rõ nguyên nhân Trạng Tàu đưa thầy địa lý vào Việt Nam để ếm Long Tuyền kiếm:
Vào năm 1914, Trạng Tàu phái thầy địa lý người Triều Châu mang kiếm báu Long Tuyền bí mật đến địa điểm ngọn Tràm Sập Láng Cát, có ngọn núi “Lan” sắp thành hình tại làng Phú Mỹ, Quận Châu Thành, Mỹ Tho, nằm về hướng đông, cách Thánh Thất Khổ Hiền Trang 11 cây số ngàn.
Phép ếm Long Tuyền Kiếm giữa ngọn núi Lan, làm cho nhân tài Việt Nam không xuất hiện được, mỗi lần có nhơn tài xuất hiện đều bị kiếm báu vớt dứt, không cho Việt Nam xuất Tướng, xuất Trạng.
May nhờ có Đạo khai trong nước, thì nạn ách sắp mãn, giải thoát nô lệ ngoại bang. Nên được Hồng Ân Đức Chí Tôn cho hướng dẫn lấy phép ếm của Trung Quốc.
Vào ngày 27–2–Kỷ Tỵ (14–4–1929), Đức Hộ Pháp hướng dẫn phái đoàn Chức Sắc Đại Thiên Phong xuống Phú Mỹ viếng thăm Thánh Thất Khổ Hiền Trang, mới họp toàn Đạo, Chức Sắc, Chức Việc và Minh Thiện Đàn để lập một Phái Đoàn đi tìm Long Tuyền Kiếm.
Do Hiền Huynh Giáo Hữu Thượng Minh Thanh Cai Quản Thánh Thất Khổ Hiền Trang mời Toàn Đạo trong các làng: Tân Hòa Thành, Tân Hội Đông, Hưng Thạnh Mỹ, Phú Mỹ đến dự buổi họp do Đức Hộ Pháp chủ tọa, thành lập một phái đoàn đi tìm Long Tuyền Kiếm.
Phái Đoàn gồm 36 vị, do 12 vị làm đầu hướng dẫn từng toán trên 12 chiếc xuồng, có một chiếc ghe để đưa Đức Hộ Pháp và Chức Sắc tùy tùng. Thành phần phái đoàn có 12 vị hướng dẫn 12 chiếc xuồng sau đây:
1.     Hàm Sung Lễ Sanh
2.     Lê Văn Trang Minh Thiện Đàn
3.     Nguyễn Văn Chưởng
4.     Đỗ Văn Phò
5.     Huỳnh Văn Phuông
6.     Nguyễn Văn Chánh
7.     Lê Văn Tiết
8.     Phạm Văn Đương
9.     Trần Thạnh Mậu
10. Cao Văn Phúc
11. Triệu Văn Kỳ
12. Lê Văn Phước.
Đúng 6 giờ sáng ngày 28–2–Kỷ Tỵ (5–4–1929,vào thời Ngọ, Đức Hộ Pháp hướng dẫn Chức Sắc, Chức Việc, bổn Đạo Nam nữ và Phái Đoàn vào Thánh Thất nguyện cầu Đức Chí Tôn cho việc đi tìm Long Tuyền Kiếm đạt được kết quả.
Phái đoàn xuống 12 chiếc xuồng bơi, còn một ghe chèo chở Đức Hộ Pháp cùng 2 Chức Sắc hầu cận, trực chỉ dọc theo con sông thẳng đến chợ Thầy Yến, rồi đi thẳng vào Láng Cát độ 5 cây số thì phái đoàn phải dừng lại một rạch nhỏ. Lên bờ đi bộ thẳng vào một cánh đồng hoang, toàn là cây sậy, bàng, năng, đứng mọc cao khỏi đầu. Người hướng dẫn đi trước, tay cầm một sơi dây dài cho người đi sau nắm lấy dây để không bị lạc đường.
Đi độ 700 thước tới một gò đất cao ráo đúng như ngọn núi hình thành, Phái đoàn tạm dừng chơn độ 15 phút. Đức Hộ Pháp liền chấp bút, có Thần Lỗ Bang Sư Trưởng về chỉ dẫn Phái Đoàn: đi thẳng lên gò đất cao nhất ngọn núi Lan vừa mới hình thành, đào sâu xuống sẽ gặp Long Tuyền Kiếm.
Theo lời hướng dẫn của Thần Lỗ Bang, phái đoàn tiến hành tận chỗ cao nhất ngọn núi, bề dài độ 700m, ngang 500m vừa nhô lên khỏi mặt đất.
Từ đây Phái đoàn tuân theo sự chỉ dẫn của Đức Hộ Pháp, đào sâu xuống lòng đất đụng đá cứng, rồi đào xuyên qua lớp đá cứng đó, liền gặp:
·        Một cái ghè ăn trầu (bình vôi).
·        Một lưỡi dao phai rỉ sét
·        6 con cờ tướng chạm trổ bằng ngà.
·        6 đồng tiền kẽm thuộc đời Vua Minh Mạng.
Tiếp đào đất sâu hơn, đụng một cái hộp bao chì, bề dài 9 tấc. Toàn thể đồng reo mừng. Đức Hộ Pháp dạy: “Phải thận trọng đem bao chì lên cho nguyên vẹn, lau chùi sạch sẽ, Long Tuyền Kiếm ở trong đó”.
Khi lấy lên xong, bao chì dài 9 tấc được gói kỹ lại bằng vải đỏ mang về Tòa Thánh Tây Ninh. Đến đây, Đức Hộ Pháp dạy thêm:
“Nay là ngày Kỷ niệm nước Việt Nam dòng giống Lạc Hồng, được hữu phước nhờ Đạo Trời Khai mở, gỡ ách nạn cho nhơn loại và từ từ gỡ được ách nô lệ cho dân tộc, dòng giỏi Tổ phụ ta sẽ được phục nghiệp, dân Việt Thường sẽ xuất hiện nhân tài phá tan xiềng xích, chẳng còn bị lệ thuộc nữa…”
Đức Hộ Pháp liền ra lịnh phải đào một con kinh nhỏ bắt đầu từ ngọn Tràm Sập băng ngang qua chót mũi Long Tuyền Kiếm cho bứt, hầu trừ tuyệt sự sát hại của phép ếm.
Như thế, từ sự hướng dẫn của Các Đấng Thiêng Liêng, từ nhân số 39, từ đường xa phải có dây dắt dẫn, cách thức đào lớp lang thế ấy; hỏi người phàm xác tục có làm được điều quan trọng nầy chăng?
Chắc hẳn phải là Thiên Mạng, mới làm được việc trọng đại nầy. Cho đến nay không một ai thấy được Long Tuyền Kiếm ở đâu.

28.3- Sự tích Long Tuyền Kiếm

Lược sử Long Tuyền Kiếm và Thái A Kiếm, tức hai thanh kiếm báu do vợ chồng Can Tương và Mạc Da người nước Ngô có biệt tài rèn Kiếm báu.
Sách Ngô Việt Xuân Thu chép rằng: Can Tương và vợ là Mạc Da muốn thật hiện cho được thanh kiếm báu dâng cho Ngô Vương. Muốn hoàn thành phải hợp hai quẻ Càn Khôn, Âm Dương hợp nhứt mới rèn được kiếm báu. Âm Dương hòa hợp là huyền vi mầu nhiệm của cơ Tạo Hóa, nên hai vợ chồng Can Tương và Mạc Da cố gắng đem hết sức tài rèn cho được kiếm dâng cho Ngô Vương để đền đáp công ơn ngọn rau tấc đất.
Mạc Da tuyệt đối hy sinh, can đảm cắt tóc, móng tay; rồi cuối cùng nhảy vào Lò Rèn hy sinh cả thân xác làm cho thép chảy ra, giúp cho chồng là Can Tương hoàn thành được đôi kiếm báu bằng một hành động phi thường.
Nhờ vào đức tin tuyệt đối của Mạc Da đã giúp cho Can Tương rèn được thanh kiếm sáng chói như mặt nguyệt, mũi kiếm trong sáng như băng giá. Ban ngày mang thanh kiếm nầy thì mặt trời mờ ánh sáng, ban đêm đem cất thì vầng trăng lóe màu vàng, sau chổi vì nó mà phải lùi xa, yêu ma vì nó mà phải ẩn náu, lưỡi kiếm vô cùng sắc bén, chém đá như chém bùn.
Khi dâng lên Vua biết rõ tấm lòng hy sinh của Mạc Da đã giúp cho chồng rèn được kiếm báu, nhà Vua vô cùng cảm động; để tưởng thưởng công lao hy hữu đó, nhà Vua bèn ra lịnh gọi thanh kiếm dương là Can Tương, thanh kiếm âm gọi là Mạc Da, đồng thời khắc chữ Long Tuyền kiếm vào thanh Dương Kiếm, chữ Mạc Da vào thanh Âm Kiếm, gọi chung là: “Long Tuyền Kiếm và Thái A Kiếm” là một cặp song kiếm hay còn gọi là Âm Dương Kiếm.
Về sau, trải qua nhiều thế hệ đổi thay… Mãi đến đời Tấn Huệ Đế có Quảng Võ Hầu là Trương Hoa nhìn lên trời thấy giữa Sao Ngưu và sao Đẩu có xung khí màu tím, chói sáng cả góc trời, dân chúng quanh vùng đều thấy rõ, bàn tán về điềm lành, dữ…
Để trấn an dân chúng, Trương Hoa xuống lịnh cho Quần Thần đi mời nhà Thiên văn là Lôi Hoán nổi tiếng ở Dự Chương đến xem màu sắc ứng hiện cả một góc trời ứng về việc chi?
Nhà Thiên văn Lôi Hoán dẫn giải: Đó là ánh sáng của kiếm báu ở huyện Phong Thành có chôn giấu Kiếm báu, nên màu sắc tím chiếu lên giữa Sao Ngưu và Sao Đẩu chớ chẳng có chi lạ cả.
Vì ngưỡng mộ kiếm quý, Trương Hoa liền phong chức Huyện Phong Thành thuộc tỉnh Chiết Giang cho Lôi Hoán đến trấn nhậm tìm cho được Kiếm báu.
Tân quan huyện Phong Thành liền tuyển chọn một số bổn bộ tâm phúc, bí mật đến tận chân thềm nhà ngục nơi chôn giấu kiếm báu. Đúng theo sự chỉ dẫn của Lôi Hoán, đoàn tùy tùng đào trúng cái hòm đá đựng song kiếm báu.
Tìm được song kiếm báu vô giá, Lôi Hoán động lòng tham của quý, chỉ dâng lên Vũ Hầu Vương một thanh Long Tuyền Kiếm có khắc chữ Can Tương, còn giữ lại thanh Thái A Kiếm, tức là Âm kiếm của Mạc Da.
Sau con trai của Lôi Hoán mang Thái A Kiếm đi qua sông “Diên Bình Tân”, thuyền vừa ra khỏi bến bỗng có cơn gió mạnh ập đến, thuyền lắc lư, cây Thái A Kiếm xuống dòng sông, khi đó có hai con Rồng hiện lên mặt nước cuộn sóng ầm ầm, thu Thái A Kiếm cuốn theo dòng nước mất dạng.
Người đương thời cho rằng: Hai con Rồng vừa hiện lên giữa dòng sông Diên Bình Tân là hiện thân của hai thanh kiếm Can Tương và Mạc Da thuộc tỉnh Chiết Giang –Trung Quốc.

29. - Sân bay đường Cổ Phong Lộ.

Từ Qui Thiện qua Giải Khổ Kiều, đến đầu đường Cảm Ứng gặp Sân Bay, Đức Hộ Pháp khởi tạo từ năm Tân Mão – Nhâm Thìn. Nếu gọi Sân Bay ấy cũng là chọn địa điểm làm dùm cho đời như việc tạo dựng Chợ Long Hoa vậy. Mô hình đã sẵn có, ngày nào Đời cần đến thì cho kiến thiết để sử dụng… Về mặt Đạo, Đức Hộ Pháp tạo chung cho toàn cầu, sau nầy khi tìm Đạo Trời hoặc đi tàu thủy, xe du lịch hoặc phi cơ, ấy là phương tiện vận chuyển giao thông sẽ được nhanh chóng dễ dàng hơn.
Đến ngày ấy, Sân Bay vùng Trí Huệ trở thành phi trường Quốc Tế thương trường mậu dịch kinh doanh rất phồn thịnh, mà cũng là ngày hợp nhất tín ngưỡng đại đồng thiên hạ…





    30.- Trí Huệ Cung – Thiên Hỉ Động
Theo lộ Thiên Can đi xuống hướng Đông Nam, gặp một cảnh lạ mắt: đó là ngôi nhà vuông vức cao 12m, ngang 12m, hình dáng như một cái hộp vuông, bao quanh là 4 mặt đường có tên “Pháp Luân Lộ”.

30.1 - Hình tượng Trí Huệ Cung:

Cơ mầu nhiệm mang số 12, cao 12m chia làm ba tầng mỗi tầng 4m, bốn mặt, mỗi mặt 12m vuông vức thể hiện Âm (Trời tròn, đất vuông), ở giữa trung tâm có một cây cột đội luôn ba tầng lầu đến nóc gọi là “Nhứt trụ xang Thiên” thể hiện Dương. Số 12 là số riêng của Thượng Đế cũng thể thập nhị Địa Chi; là nhà Tịnh của Nữ Phái.
Mặt tiền đi vào là An nhàn Lộ, qua Đoạn Trần Kiều lộ phân hai chiều theo phương hướng sau đây:




30.2- Nghi tiết thờ cúng nơi Thiên Hỉ Động

Cách thờ cúng vô vi, đúng bốn thời công phu: “Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu” đổ ba hồi chuông, mỗi hồi 36 tiếng, tính chung 108 tiếng gồm đủ dịch lý Âm Dương.
Nơi vùng nầy khi đổ chuông, Tín Hữu đứng dậy thành tâm tưởng niệm Thánh Danh: “Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”“Nam  Mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn”.
Bên trong cúng Tứ Thời được đọc bốn bài kinh: Niệm Hương (Đạo gốc…). Khai Kinh (Biển trần khổ…). Ngọc Hoàng Kinh. Phật Mẫu Chơn Kinh. Tưởng niệm hai Đấng chủ quyền Tạo Hóa Âm và Dương Quang. Dâng Tam Bửu, kế tiếp Ngũ Nguyện là chấm dứt. Không đèn nhang. Đạo Vô Vi, thờ cũng Vô Vi.

30.3- Trấn pháp Thiên Hỉ Động 15 – 12 – Canh Dần (1950)

Đức Hộ Pháp thuyết minh: “Hộ Pháp đến kỳ Long Hoa Đại Hội nầy, cốt yếu để rước Cửu Nhị Ức Nguyên Nhân là bạn chí thân của Người đã bị đọa lạc nơi hồng trần không phương giải thoát.
Muốn rước các bạn chí thân của Bần Đạo, Đức Chí Tôn buộc phải lấy Pháp Giới độ tận chúng sanh. Hôm nay là ngày mở cửa Thiêng Liêng và đưa nơi tay các Đấng Nguyên Nhân ấy một quyền năng tự giải thoát lấy mình bằng hai món Bí Pháp: Long Tu Phiến của Đức Cao Thượng Phẩm để lại và Kim Tiên của Hộ Pháp, hiệp với ba vòng Vô Vi là Diệu Quang của Tam Giáo hay là hình trạng của Càn Khôn Vũ Trụ, tượng ảnh cho Huệ Quang Khiếu.
Kim Tiên là gì? – Là tượng ảnh của điển lực điều khiển Càn Khôn Vũ Trụ, tức là sanh lực vạn vật, nhờ nó mà mở Đệ Bát Khiếu. (trong thân thể con người có bảy khiếu, còn có một khiếu vô hình là Huệ Quang Khiếu).
Long Tu Phiến: Là Nguơn khí, đào lộn vận chuyển Ngươn khí để tăng sinh lực, nhờ nó mà con người mới có thể luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần được.
Ấy là bí pháp trấn tại Thiên Hỉ Động. Kể từ ngày Trấn Pháp nầy, bên trong là Quyền Pháp vô biên, vô giới, là bến giải thoát cho Vạn Linh.”

30.4- Bến giải thoát cho nhơn loại

“Kề từ ngày Trấn Pháp Thiên Hỉ Động là cửa Thiêng Liêng đã mở rộng. Bần Đạo xin toàn cả con cái Đức Chí Tôn, ai hiểu biết mình đứng trong hàng Nguyên Nhân hãy tỉnh mộng đặng về với Đức Chí Tôn. Cửa nầy là cửa các Nguyên Nhân đến đạt Pháp đặng giải thoát lấy mình. Nếu không tự đến trong lòng Đức Chí Tôn, vì Đức Chí Tôn đã đưa tay ra nâng đỡ, mà chúng ta không đến, thì sau nầy ắt sẽ bị đọa lạc nơi cõi Phong Đô.
Trí Huệ Cung là cơ quan tận độ chúng sanh, Cửa Thiên Hỉ Động là cửa Thiêng Liêng Hằng Sống của toàn thể các Đấng Chơn Linh, nó không chịu thúc phược hay chịu làm nô lệ cho một tư tưởng nào hơn là tượng trưng cái quyền vô lượng vô đối mà các Đấng Chí Linh hằng tạo dựng Đại Nghiệp cho toàn thể Nhơn loại đó vậy”.

30.5 - Đoạn Trần Kiều diễn tả:

“ĐOẠN thể hài thất tình lục dục,
TRẦN ai toan lánh tục tầm Tiên.
KIỀU ngân lố dạng Chùa Chiền,
AN tâm để bước cửa Thiền bày khai,
NHÀN tự toại gót giày bạch bích,
LỘ Khải Hoàn xúm xích vầy vui,
THIÊN môn mở cửa bày khai,
HỈ Thần chực rướcThiên đài thuận căn.
ĐỘNG Quân tử Tân Dân tỏ rạng,
TRÍ Hộ Cung sáng lạn chói ngời,
HUỆ thông Đạo Pháp tánh Trời.
CUNG Thần Phật tự độ đời khỏi nguy.”

30.6- Vãng cảnh Trí Huệ Cung.

(nói rõ Cầu Đường Phong Cảnh).
“Hứng cảnh phong quang khởi sắc,
 Ngát trời cảnh vật đưa hương
Nọ trước mắt Tòa Lầu Cung Trí Huệ,
Nhìn Đoạn Trần Kiều dòng suối uốn mình bao thế hệ,
Trông An Nhàn Lộ vườn cây lã ngọn mấy tinh sương
Gió nhẹ lâng chào đón khách thập phương,
Nắng chói rỡ khơi tràn Ao Thất Bửu.
Động Thiên Hỉ một vùng thế gian danh hi hữu,
Lộ Pháp Luân bốn mặt Đạo Pháp lý siêu nhiên,
Kỳ hoa hớn hở bốn cửa đượm màu Thiền,
Dị thảo diềm dà ngàn trùng chen cội đức.
Vào kỉnh lễ, trước một ghế chạm nổi hình Sen Tây Vức,
Ngửa thành tâm, bên mấy Nghi Thờ soi dấu Phật Nam Bang.
Nhớ Tôn Sư từ ngày sống lại cõi Niết Bàn,
Giúp Đệ Tử vững chí chung xây nền Đại Đạo
Cơ nghiệp đó chính tay Người đào tạo,
Hạnh phúc nầy đỡ bước kẻ tu hành,
Tầng địa lầu dưới đã thấy đành rành,
Tiếng Thần Hạc ngoài như nghe văng vẳng.
Dạo gót Hiên Lan ngòi sương tay vẫy thẳng,
Lóng chuông cửa Tịnh hồn bướm giấc mơ nhành,
Nhác trông ra quang cảnh Đạo yên lành,
Hồi tưởng lại Sơ Đồ Thầy vững chắc
Ngang dọc hình Phi Trường chừng tái thiết khách trông vui tầm mắt.
Trước sau chòm cổ thụ tiêu dao chim hót đẹp nguồn thơ.
Viện Bảo Cô kế đó mới khai cơ,
Ban Kỳ Lão bên nầy chưa thượng bảng.
Đẹp đẽ trời trưa vui cảnh rạng,
Êm đềm gió mát tận lầu cao,
Vòng vô vi treo trước ba cái vẫn ba màu,
Vật kỷ niệm để phía sau hai xe cùng hai loại
Dãy nhà khách kế nhà lầu lộng lẫy,
Ấp Trường Xuân đưa mắt cảnh khang trang.
Cửa hậu Trí Huệ Cung, ngay phắc Lộ Thiên Can,
Mặt tiền Ban Kỳ Lão đẹp thay dường thanh tịnh.
Giải Oan Kiều nằm mút đường nầy suối gợi khách trì trai thiền định,
Văn Hiến Lộ mở ngang rẫy đó, người vui câu kích ngưỡng vui ca
Kìa Ấp Cây Chò Ngũ Luân Lộ xuyên qua,
Nọ cửa Trường học Tam Cang Lộ chạy xuống.
Sở cao su mắt nhìn có luống,
Nhà Phái Nữ ngói lợp xây tường.
Lộ Cổ Phong xổ thẳng đến Phi Trường
Cầu Giải Tục nối liền về Trí Giác
Ngắm cảnh đồ thơ duyên bát ngát,
Cho cành động ngọc sắc long lanh.
 THI
Vùng Thiên Hỉ Động đẹp như tranh,
Quang cảnh nơi đây đượm sắc lành,
Bên đoạn Trần Kiều Ao Thất Bửu,
Trước Cung Trí Huệ bóng Tam Thanh,
Vườn hoa nhân ái thêm nhàn nhã,
Cánh cửa từ bi vẫn vận hành,
Trải mấy tang thương còn vững đó,
Làm cơ hoằng –pháp độ nhơn sanh”.
                                      HUỆ PHONG.

30.7- Đoạn Trần Kiều: thầy trò Tân Dân Tử cỡi hạc vân du.

Ngày 4–10–Giáp Ngọ (20–10–1954), sau khi Đông Du rước tro của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để Điện Hạ từ Đông Kinh về Tòa Thánh, Đức Hộ Pháp đến Trí Huệ Cung kêu Tá Lý Trần Văn Lành và anh em thợ hồ về hỏi về con Hạc đứng trên nóc nhà mát Đoạn Trần Kiều, tại sao đắp sai?
Đức Hộ Pháp nói: “Khi Thầy đi, dặn mấy con ở nhà đắp con Hạc ngó vô Trí Huệ Cung, trên lưng có hai người cỡi là Tân Dân Tử và Tôn Võ Tử, ấy là thể pháp tượng trưng rước Phàm nhập Thánh, mấy con lại để day đầu trở ra, như vậy là cốt yếu chở Thánh Lâm Phàm”.
Tá Lý Lành bạch; “Bạch Thầy, để mấy con sửa lại. Thầy dạy mà mấy con quên, vì cố lo làm cho rồi.”
Đức Hộ Pháp nói: “Mấy con làm lỡ rồi thôi để y vậy, dầu có sửa lại cũng không được vì đã làm xong rồi, việc nầy Thiêng Liêng khiến vậy, cũng là phương pháp tượng trưng cho bậc Tu Chơn, dầu có lâm phàm mà thắng nổi cái phàm mới là Thánh, bằng chẳng được, phàm vẫn là phàm”.

30.8- Ao Thất Bửu

Ao Thất Bửu để cho khách nhàn du khi đến tắm mát rồi vào Trí Huệ Cung, hoặc quan khách, dân chúng ai muốn giải trí sẵn có nước tắm cho mát.
Thuở xưa Tây Bá Hầu lập Linh Đài, Linh Chiểu. Linh Đài để chiêu mộ Hiền tài, Linh Chiểu là ao chứa nước bố thí cho dân khỏi bị khát. Lúc đào ao thí nước, gặp đốt xương khô, quân lính hốt liệng lên bờ. Ngài thấy vậy cởi áo Cẩm Bào mà bọc đốt xương ấy, thể hiện câu: “Trạch cập khố cốt, Tây Bá như thần nhơn. Hễ nhứt quốc chi vương, mẫu nghi thiên hạ chi dân; Quả nhân nhứt quốc chi quân, Quả nhân vi chủ”. Một ngày làm vua thì ta là cha mẹ của dân, một ngày làm chúa chỗ nầy, ta là chủ; thì đốt xương nầy, ta là chủ, vậy các ngươi thiết lễ mai táng cho trang hoàng”.
Còn phương tiện cứu khổ của Đạo ngày nay là thật hành nhơn nghĩa với sứ mạng Thiêng Liêng; nên chi hai chữ Nhơn Nghĩa đã nêu trước Đền Thánh. Mỗi việc chi đều có thể pháp tượng trưng bí pháp, từ vật chất lẫn tinh thần; lại nữa nhiệm vụ Thiêng Liêng là cơ tận độ siêu thăng cho các Chơn Hồn, như việc lấy tro Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.

31.- Chợ Thiên Dương (thầy trò Tân Dân Tử cỡi hạc)

Lập chợ Thiên Dương lấy tích Thầy trò Tân Dân Tử và Tôn Võ Tử tu hành đắc Đạo cỡi Hạc về Tiên. Khi Hạc bay ngang qua chợ, thầy Tân Dân Tử dặn học trò là Tôn Võ Tử phải giữ lòng không tưởng mới về Tiên bang động phủ được, bằng còn lòng vọng tưởng chuyện phàm trần, thì con Hạc bay không nổi, rồi con phải ở lại phàm.
Tuy Tôn Võ Tử đạt phẩm Nhơn Tiên mà tránh không nổi bợn trần, nên khi con Hạc bay ngang chợ Thiên Dương, Tôn Võ Tử thấy những tàn tích xưa nên động lòng bùi ngùi, làm cho con Hạc đáp xuống. Tân Dân Tử biết học trò mình còn nhiễm trần thế, Ngài liền đằng vân về động, còn Tôn Võ Tử ở lại chợ Thiên Dương.
Buồn lòng đi tìm quê xưa, thì vợ đã già quá 70, còn Ông thì tuổi trẻ 40, muốn tạo sự nghiệp đời thì đã muộn, muốn tái lập đạo nhơn luân thì vợ đã già.
Đã theo Thầy học Đạo 30 năm, nếu ở lại đây thì tiếc công phu tu luyện, muốn về theo Thầy ngặt con Hạc không chịu cất cánh. Thôi đành cam chịu lỡ Đạo, lỡ Đời.
“Ngày nay các con quên, làm Hạc bay về chợ Thiên Dương là một duyên cớ nêu gương cho các bậc Tu Chơn phải gắng giữ lòng thanh bạch, dầu có lẫn lộn nơi phàm thế, mà không nhiễm phàm mới đạt Đạo được, đó cũng là phương chọn Thánh lọc Phàm”. (Lời Đức Hộ Pháp).
Việc chỉ định là Hạc bay lên Cung Trí Huệ, khiến quên là duyên cớ thể pháp tượng bí pháp; đắp Hạc bay xuống chợ Thiên Dương là chở Thánh lâm Phàm, coi chừng gương Thầy Tôn Võ Tử lỡ Đạo, lỡ Đời đó.

32.- Hướng Tây Châu Thành Thánh Địa:

Ngoại Ô Thánh Địa có các phần ở Hướng Tây:
·        Đại lộ 60m (Lộ Đại Đồng).
·        Động Đình Hồ – Vườn Hoa Kiểng (Bá Huê Viên).
·        Cực Lạc do Ông Thái Thơ Thanh lập.
·        Vùng đất xây Tháp Thời Quân. (6 Ha).

32.1- Đại lộ 60 thước:

Nền Đại Đạo là của toàn vạn loại khắp Ngũ Châu, nên Đức Hộ Pháp khai thông Đại lộ từ Đền Thánh nước Việt Nam giáp Đại lộ các nước ngoại bang, hầu sau đây Đạo xuất dương, dân tộc các nước tầm Đạo được dễ dàng trên lộ, dưới thuyền qua bài thi của Đức Hộ Pháp diễn tả cảnh trí Thánh Địa Tây Ninh như sau:
“Đại đồng thiên hạ đó đi đây,
Tiện mối giao thông mở lộ nầy,
Trước mặt Cao Đài xuyên đất Việt,
Sau lưng Tháp ngọc tận trời Tây.
Ngang bằng mặt rộng hai bên rãnh,
Lưng thẳng thân to một lấy ngay
Trên lộ dưới thuyền Du khách ngoạn
Đường về tầm Đạo Động Thiên Thai.”
Trong tương lai, Đạo sẽ qui nhứt về một Tôn Giáo, một tín ngưỡng, tất cả Quần Linh đều tôn thờ Đấng Cha là Thượng Đế, thì đường về tầm Đạo nơi Thánh Tòa Tây Vức, đường rộng thênh thang sáng đẹp như đường về Động Thiên Thai, có Động Đình Hồ phía bên tay phải từ ngoài đi vào, bên trái có Bá Huê Viên, thật là một Thánh Địa đạo đức, nơi Hội tụ các Đạo giáo, du khách tạm dừng chân nơi Động Đình Hồ du ngoạn rồi mới vào Thiên Thai Tổ Đình tầm Đạo Trời.

32.2- Động Đình Hồ:

Thánh Giáo của Đức Lý Giáo Tông dạy lập Động Đình Hồ tại Bàu Cà Na…
Động Đình Hồ bên Trung Quốc là nơi “thi rượu đong muôn đấu”, nơi hội tụ của khách tao nhân. Động Đình trước Cổng Chánh Môn của Đạo Cao Đài là nơi dừng chân tắm mát linh hồn để khách thập phương vào Thiên Thai Tổ Đình tầm Đạo.

32.3- Cực Lạc Cảnh.

Cách Động Đình Hồ 1.000 thước là Cảnh Giới Cực Lạc do Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh tạo lập phỏng theo Cực Lạc Thế Giới, gốm có các Cung, cảnh như: Quan Âm Các – Phổ Đà Sơn – Long Nữ Điện – Cực Lạc Quốc – Bồ Đề Ốc – Bá Huê Viên – trường Huệ Viên…
Phần hành nầy, Đức Hộ Pháp đã nói: “Anh Thái Thơ Thanh chỉ về Cực Lạc Thế Giới có một lần, mà Anh muốn đem cả cảnh giới Thiêng Liêng xuống trần thế, không hoàn thành được.đâu vì sái Thiên Thơ. Cực Lạc Thế Giới nó ở trên Núi Bà, trên đảnh thượng có Kim Tự Tháp thể hiện Lôi Âm Tự tại thế”. Đó là việc sau nầy.
Dưới chân núi Ông Văn là Dinh Thự Vạn Pháp Cung, nhà Tịnh Thất Nam Phái, cơ sở văn phòng Ban Kỳ Lão Phạm Môn…

a)    Dự định của Ông Thái Thơ Thanh:

Ông Đầu Sư Thái Thơ Thanh có một hoài bão rất lớn, song ngoài Thiên Ý; nào là dự định mở Hội Trường Hương mời các Tôn Giáo về tham dự Đại hội do Ông tự động tổ chức, rồi tiến hành luôn Hội Long Hoa mà không báo trình lên Đức Hộ Pháp và Hội Thánh.
Vì cớ, mà sau đó, Đức Hộ Pháp, Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh hiệp cùng ba Chánh Phối Sư Nam Phái đến Cực Lạc ngăn chận việc Đại Hội và giải thích việc Thiên Cơ cho Ông biết… nghĩa là sự việc chưa đúng lúc.

b)    Pho tượng không trấn thần – một hồn hai xác nhập xuất

Một trở ngại lớn về pho tượng của Ngài Quyền Đầu Sư Thái Thơ Thanh, Ngài đi Đài Loan mướn người đúc pho tượng Ngài bằng cẩm thạch rất đẹp, tượng có thần như người sống thật vậy.
Thời gian nầy, một hồn hai xác, khi hồn Ngài nhập vào pho tượng thì xác thân bất định (điên loạn), nguy cơ ấy kéo dài một thời gian ngắn…

c)    Biện pháp cứu vãn, chôn pho tượng

Đức Hộ Pháp thấy tình trạng “một hồn hai xác”, không để kéo dài được nữa, nên sai người bí mật đến Cực Lạc dời pho tượng cẩm thạch ấy về Nội Ô Tòa Thánh chôn giấu rất kỹ trong khu đất Giáo Tông Đường hiện nay.
Nhờ giải quyết như vậy mà giải thoát được sự điên loạn hồn xác bất định. Cũng may cho Bà Nữ Đầu Sư thấy hình tượng cẩm thạch đẹp, Bà cũng muốn tạc tượng cho Bà, nhưng nhờ tai nạn xảy ra cho Ngài Thái Đầu Sư, thành ra việc định mướn làm tượng cho Bà phải ngưng lại. Tai hại thay cho việc tượng không trấn thần!

d)    Từ Nguyên Nhân

Đức Hộ Pháp đã có giải pháp cứu vãn tình thế kể trên, nhưng việc pho tượng xảy ra làm cho Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh buồn bỏ về Saigon an dưỡng nơi tư thất, không định về Tòa Thánh nữa. Do đó, Đức Chí Tôn hành pháp thức tỉnh Ngài qua hình thể Phạm Hộ Pháp như sau:
Một đêm, Ông Nguyễn Ngọc Thơ nằm ngủ, độ nửa đêm nghe tiếng kêu rất rõ: “Từ nguyên nhân, Từ nguyên nhân!”. Ông thức giấc dòm thấy Đức Hộ Pháp đứng trên đầu giường, Ngài tưởng Đức Hộ Pháp phá giấc ngủ của Ngài, nên nhắm mắt lại ngủ nữa.
Nhưng lạ thay! Vừa yên giấc thì tiếng kêu lại vang lên: “Từ nguyên nhân, Từ nguyên nhân!” Ngài vẫn còn ý tưởng là Đức Hộ Pháp phá giấc ngủ, nên không chịu thức dậy! Rồi tiếp tục ngủ nữa. Đến lần thứ ba, khi tiếng kêu phát ra có mãnh lực hấp dẫn, nghe như có luồng điện chạy vào xương sống làm đau buốc, buộc Ngài phải ngồi dậy, dòm lên cũng thấy hình Đức Hộ Pháp y như lần đầu vậy. Ngài nghĩ rằng: “Xa vắng lâu ngày, chắc Đức Hộ Pháp nhớ nhau nên làm vậy”. Thôi để biểu thơ lại đánh dây thép mời Đức Hộ Pháp xuống gặp mặt.
Nghĩ thế, Ngài kêu vị thơ lại lên bảo: “Sáng nay ngươi đi đánh dây thép mời Ông Hộ Pháp xuống có việc bàn nghe”. Nói xong, Ngài không còn ngủ thêm được nữa, Ngài nằm suy nghĩ chuyện lạ vừa xảy ra…Cánh cửa phòng nửa khép, nửa mở dường như để chờ đón bạn thân.
Đêm nầy, ở Tòa Thánh, Đức Hộ Pháp bỗng nhiên nhớ Ngài Quyền Đầu Sư Thái Thơ Thanh một cách nồng nhiệt, tâm thần thôi thúc Ngài phải đi thăm bạn. Nhờ sự thúc giục đó, Đức Hộ Pháp quá giang xe Cam nhông Saigon – Tây Ninh, lúc nầy chưa có xe chở hành khách lưu thông, nhờ xe hàng chạy sớm nên đã đến Saigon lúc 5 giờ sáng. Khi đến phòng nghỉ, thấy cửa không đóng, Đức Hộ Pháp liền bước vào và nhìn thấy Ông Thái Thơ Thanh đang trầm ngâm suy nghĩ…
Gặp nhau, Ngài Thái Thơ Thanh quá vui mừng và hỏi rằng: “Được dây thép hồi nào mà đến sớm quá vậy?” Đức Hộ Pháp đáp: “Đâu có được dây thép gì, tôi nhớ anh quá, nên theo xe cam nhông chở hàng xuống thăm anh, bây giờ mới 5 giờ sáng thôi”.
Nghe nói vậy, Ngài Thái Thơ Thanh kêu thơ lại đến hỏi có đi đánh điện tín chưa? Người thơ lại đáp: “Thưa chưa đi vì 7 giờ nhà dây thép mới làm việc”.
Đức Hộ Pháp hỏi: “Có việc gì quan trọng hay sao mà anh sai đi đánh điện tín”. Ngài Thái Thơ Thanh đáp: “Đêm nay có chuyện lạ xảy ra”. Rồi Ngài tường thuật câu chuyện với tiếng kêu: “Từ nguyên nhân” và hình ảnh Hộ Pháp mặc Thiên Phục…
Nghe thuật xong, Đức Hộ Pháp nói: “Không phải tôi làm vậy, mà tự nhiên khiến tôi nhớ anh nên vội vã đến đây. Việc nầy chắc có ý nhiệm chi đây, vậy sáng nay cúng thời Ngọ xong, cầu Đức Chí Tôn để thỉnh giáo”.
Khi cầu cơ, Đức Chí Tôn giáng dạy: “Đó là Thầy. Các con biết “Từ nguyên nhân” là “Từ Hàng Đạo Nhơn” xuống trần là con đó Thơ, vì đã biết nguyên căn ráng lo tròn bổn phận để trở về ngôi xưa vị cũ”.

e)    Tại sao Đức Chí Tôn không hiện pháp thân, mà hiện hình Hộ Pháp.

Lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn định đến để qui Tam Giáo, hiệp Ngũ chi. Nhưng Ngự Mã Quân của Ngài sợ thọ khổ khi lâm phàm; nên tình nguyện Hộ Pháp xuống trần mượn xác thể Phạm Công Tắc lập Đạo thay cho Đức Chí Tôn.
Vì cớ mà Đức Chí Tôn buộc phải lập Hội Thánh đặng Ngài có hình thể trong Tam Kỳ Phổ Độ, nên gọi Thánh Thể. Lãnh sứ mạng trọng đại đó, Hộ Pháp phải đi mời Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật xuống trần làm Thánh thể hữu hình. Ngài Đầu sư Thái Thơ Thanh nguyên là Từ Hàng Đạo Nhơn cũng ở trong số Thiên Mạng đến tiếp tay giúp cho Hộ Pháp lập Đạo, lập Hội Thánh, nên có sự thân thiết nhau.
Có lẽ Đức Chí Tôn hiện hình Hộ Pháp vì lý do đó, thay Trời lập giáo tức là Trời. Đức Lý Giáo Tông cũng nói: “Từ đây Hiền Hữu là Thiên Điều, Thiên Điều là Hiền Hữu, nếu Hiền Hữu không trị, Thiên Điều mới trị”.

32.4 - Tháp Thời Quân ở đâu? (Hàm Rồng hay Hầm Thạch Quang).

Đây là thể pháp biến bí pháp. Tìm xem ngôi vị nơi Đền Thánh thấy bảy Ngai: Giáo Tông, Chưởng Pháp, Đầu Sư lập vị thế ngôi giáo chủ Nhơn loại (Giáo Tông). Sau khi liễu Đạo, những vị nầy đều được xây tháp sau hậu Bát Quái Đài (Giáo Tông) và hai bên Đông – Tây Lang (Đầu Sư)… Hình thức lập vị cũng như lúc sanh tiền; đó là Cửu Trùng Đài.
Còn Hiệp Thiên Đài, là Chơn Thần Đoàn Ngự Mã Quân của Đức Chí Tôn, vâng lịnh Chí Tôn xuống thế ba ngôi “Pháp Đạo Thế”. Hộ Pháp có Liên Đài trước chữ Khí, Liên Đài Thượng Phẩm trên mình rắn Thất Đầu Xà, Liên Đài Thượng Sanh trên đuôi Thất Đầu Xà.
Ba phẩm vị: nhứt Phật, nhị Tiên nơi Hiệp Thiên Đài tọa vị khi chầu Lễ Chí Tôn, lúc qui Thiên có xây Tháp nơi mặt tiền Đền Thánh ngó vô cũng y như ngôi vị ở Đền Thánh trước chữ Khí, đó là Tháp: Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh.
Còn Thời Quân không được xây Tháp trong nội ô, tại sao lạ vậy?– Điều nầy ngoài sức hiểu biết của con người. Theo Thánh Giáo thì ngôi vị Hiệp Thiên Đài có ba ngôi Tháp: Thượng Phẩm – Hộ Pháp – Thượng Sanh mà thôi; thế thì ăn khớp y theo bảy cái Ngai của Cửu Trùng Đài như Giáo Tông, Đầu Sư đều có xây Tháp (Riêng Tháp Chưởng Pháp chưa có?).
Vậy Tháp Thời Quân ở đâu?
Điều nầy Đức Hộ Pháp đã thuyết minh:
“Bần Đạo đã nói: Thập Nhị Thời Quân, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Hộ Pháp gọi là Ngự Mã Quân của Đức Chí Tôn.
Phật Mẫu sợ Chí Tôn tạo Đạo không xong phải tái kiếp, nên Bà cho theo xuống “Thập Nhị Thời Quân” phẩm tước cao trọng thay, nhưng không có gì trước mắt Phật Mẫu.
Cả con cái Người vinh hiển sang trọng đến đâu, Người càng rầu, càng lo, e rằng sang trọng ắt tự kiêu, biết đâu không hại cho tương lai vô biên của họ vì quyền tước? Do vậy mà Đức Chí Tôn nói trọng quyền ắt trọng phạt.
Phật Mẫu vì lo sợ cho Hộ Pháp một mình cô thế nên xin Đức Chí Tôn cho 12 Thời Quân xuống tiếp tay lập thành nền Đạo; đó là một danh dự lớn lao của Đức Chí Tôn đối với Thiên Điều, bằng chẳng Chí Tôn phải tái kiếp lập Đạo, phải mang xác thân phàm tục. Điều quan trọng đó chính Ngự Mã Quân của Ngài đã làm thay”.
Để xác minh Thánh ý đó qua bài Thánh Giáo của Đức Phật Mẫu giáng cơ ngày 20–1–1929 (Kỷ Tỵ):
“…Diêu Trì Cung đã dâng sớ cho Chí Tôn và Bảo Đạo Chơn Quân đã kiện nơi Ngọc Hư Cung. Thiếp còn nhớ khi đến dìu dắt chư Đạo Hữu vào đường Đạo phải mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thì Thiếp đã nói: Bởi vì tình riêng của mấy Đấng Chơn Quân đến lo cứu độ, chớ không phận chi trong lúc nầy và cũng bởi lịnh Chí Tôn sai khiến….
Chức rằng, nếu không phải Thiếp mở Đạo thì không phương chi thành Đạo cho đặng…
Khi Thiếp mở Đạo độ ai, có phải cả Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, các Chơn Quân thiệt tình của Thiếp là ai chăng? Cũng bởi Thiếp xin mà chư Hiền hữu phải hành hạ phàm xác khổ não muôn phần.
Chí Tôn có hứa với Thiếp rằng thế nào cũng nâng đỡ chư Hiền hữu mà chẳng cho ai ỷ thế lộng quyền lấn hiếp, Thiếp mới đến khai Đạo cho chúng sanh đặng Phụ mẫu song toàn.
Nào dè, vì lòng đại từ đại bi, quá thương nhơn loại đành để cho chư Hiền hữu chịu hành hạ đến nỗi. Thiếp đã dâng sớ cầu xin Đức Chí Tôn lượng xét, còn Bảo Đạo kiện cùng Ngọc Hư Cung về những lời kẻ vô Đạo của Ca, Trang, Tương.”
Chỉ vì phận sự phụ tá trợ thủ Thiên Tôn Hộ Pháp, nên trong Nội ô Tòa Thánh không xây Tháp Thập Nhị Thời Quân như Đầu Sư; cũng như Đại Hội của Thượng Hội có Đầu Sư Nam Nữ mà không có Thời Quân là điều thấy rõ.
Vì nghĩa tình trợ thủ xây dựng Đạo nghiệp, nên Đức Thiên Tôn Hộ Pháp phải chọn địa huyệt Hàm Rồng cấp cho mỗi Chơn Quân nửa mẫu (0,5 ha) đất để xây Tháp và con cháu lập nghiệp.
Một chứng minh, Tháp Cao Tiếp Đạo xây trong Nội Ô phạm mạng lịnh Chí Tôn, khi Đức Thượng Sanh biết rõ liền cho dời ra phần đất của Thời Quân.
Vậy vùng đất sáu mẫu dành để xây Tháp Thời Quân là Huyệt Rồng theo Thánh Giáo Đức Lý Giáo Tông: “Có một đầu Rồng day ra Giếng Mạch Ao Hồ”.
Đặc điểm vùng đất nầy là hầm sạn trắng, có những hạt sạn màu nâu, xanh lợt, vàng, đỏ, tím có thể là trứng đá, sau hóa thành ngọc thạch. Đá sạn hóa thành ngọc thạch hoặc ngọc trong đá vẫn là chuyện thường đối với khoa học và những nhà Bác Học cũng không chi là lạ, nó vẫn nằm trong luật tấn hóa mà thôi (Kim Thạch Hồn).
Ở đây ta nhận chân lý thật tế dầu khoa học hay Đạo học thảy đều chấp nhận được: Hễ thân xác của thân nhân được chôn vào Địa Huyệt Hàm Rồng thì con cháu được giàu sang bổng lộc, đó là điều dễ chấp nhận và thực tế hơn hết; có nghĩa là Hàm Rồng chớ không phải Hầm Thạch Quang.

32.5 - Chư vị Thời Quân đã nói gì?

Dầu cho thời gian ấm lạnh, không gian biến thiên xây chuyển Đạo quyền như thế nào chăng nữa, vẫn có tiếng nói trung thực của bậc Chơn Quân đáng ghi nhận để hậu sanh học hỏi:
Ngài Chơn Quân Trần Khai Pháp nói: “Thầy ơi, nếu biết về đây để chứng kiến cảnh sát hại thế nầy, thà ở Hải Đảo mà còn hạnh phúc hơn. (Cái chết của Thừa Sử Phạm Ngọc Trấn).”
Chơn Linh của Cao Tiếp Đạo đã về cơ cho Đức Thượng Sanh rằng: “Em, Những chi của Thiên Quân (Ngự Mã Quân) để lại cố gìn giữ, đừng sửa cải mà phạm Thiên Điều như tội của Qua đã làm”. (Truất phế Đạo quyền Đức Hộ Pháp, bị thâu).
Ngài Bảo Thế đã nói: “trong dịp Đức Hộ Pháp vui, Qua có hỏi: “Sau nầy Đức Hộ Pháp về Thiêng Liêng thì ai thay thế?” Đức Hộ Pháp cười…và trả lời: “Ba Ông Bảo”” (Bảo Pháp, Bảo Đạo, Bảo Thế).
Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu đã nói: “Trước đây tôi không về Tòa Thánh để giúp đỡ cho Đức Hộ Pháp… Nay về đây thì tất cả việc Đạo từ nhỏ đến lớn đều do Đức Hộ Pháp tạo dựng…”
Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi đã nói: “Đức Hộ Pháp dặn chư vị Thời Quân còn tại thế cố gắng bảo thủ Luật Pháp Chơn Truyền”.
Ngài Hồ Bảo Đạo nói: “Nếu thi hành Nghị Quyết thì không còn Hội Thánh…”
Để kết thúc phần Hướng Tây Châu Thành Thánh Địa, xin trích ra đây lời nói của Ngài Trần Khai Pháp Chưởng Quản cơ quan Phước Thiện nói với Phạm Môn: “Bần Tăng mong sao Hiền Hữu hiểu rõ phận sự mình, rồi sau nầy sẽ thấy ánh sáng huệ quang soi đường cho Hiền Hữu lần bước trên con đường Chí Thiện”. (Nói với Ông Đợi).

33.- Thiết kế đô thị tôn giáo: Thánh Địa Tây Ninh.

Từ khoản rừng xanh năm 1926, nay trở thành một đô thị tôn giáo, phải là bậc vĩ nhân thế kỷ mới sáng lập được. Cơ lập Đạo tạo nghiệp tinh thần cho toàn nhơn loại chung hưởng hiện tại cũng như tương lai, đó là công ơn vĩ đại, cao dầy của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là Đấng thay Trời lập Đạo Cao Đài.
Nếu không có Đức Ngài thì nơi đây còn là rừng rậm sầm uất, một nơi sơn lâm chướng khí, bệnh tật, thú dữ cọp beo luôn luôn rình rập mà thuở xưa có nhiều giai thoại ở Tây Ninh cọp ăn thịt người…
Nếu không có Đức Ngài là bậc kiên tâm trì chí, đặc biệt hơn hết là nắm về mặt Bí Pháp Chơn Truyền khéo lèo lái con thuyền Đại Đạo đến bến bờ, từng chịu bao thử thách đắng cay, tù đày nơi Hải đảo Madagascar trên năm năm chịu nhiều khổ hạnh, thì ngày nay chưa có được một Châu Thành Thánh Địa ẩn tàng nhiều Bí Pháp Thiêng Liêng.
Đức Ngài quyết tâm hiệp cùng Đức Thượng Phẩm, Đức Quyền Giáo Tông một lòng sắt đinh không sợ thế lực Pháp quyền, cố làm cho thành Đạo đặng vừa lòng Đức Chí Tôn, Phật Mẫu kỳ vọng; nên đã nêu danh ba người gan dạ nhứt trong sứ mạng hoằng dương Đạo Pháp trong những năm gian truân nhứt từ năm 1926 đến năm 1934 (Bính Dần – Giáp Tuất) và điều quan yếu là Đạo Sử không quên được đại công khai sáng nền Đạo của Quí Ngài.

34.- Phân lô – chia đất – phóng đường.

Song hành hễ định phận tất phải có nơi an cư lạc nghiệp sinh cơ. Hội Thánh lập Châu Thành Thánh Địa trước hết là việc phá rừng, phóng đường phân lô chia đất cho mỗi hộ gia cư.
Trong Châu Thành Thánh Địa Đức Ngài phân ra Châu Thành Thượng và Châu Thành hạ, tổng diện tích là 160Ha, phân ra 21 Phận Đạo, mỗi Phận Đạo có nhiều Hương Đạo, mỗi Hương Đạo có nhiều Ấp Đạo và trong Ấp Đạo có nhiều liên gia. Đó là “Cố nhân ái, đôn hồ nhân an thổ địa” theo thuyết Nho Tông chuyển thế, rõ ràng là một hệ thống dịch lý.
Mỗi phần đất thổ cư 25m x 30m. Ẩn tàng dịch lý theo màu sắc: số 2 màu đỏ, số 5 màu vàng, số 3 màu xanh. Số 0 thể Hư Vô Thái Cực.
Ba sắc: Vàng – xanh – đỏ biểu hiện cho Tam Thanh tượng trưng Tam Giáo: Phật – Tiên – Thánh.
Số 0 là Hư Vô Thái Cực tức là mô cầu đi vào cõi tâm linh. Vòng tròn biểu thị trọn hão nhứt là truyền thống di sản của nhơn loại, đó là câu: “Nhơn vật hữu các Thái Cực”.

35.- Do đâu phân biệt màu sắc:

Về Ngũ hành, triết lý định vị mỗi Hành theo thứ tự màu sắc như:
1.     Thủy viết nhuận hạ, nước sắc đen.
2.     Hỏa viết viêm thượng, lửa sắc đỏ
3.     Mộc viết Khúc trực, cây sắc xanh
4.     Kim viết tùng cách, kim sắc trắng.
Nhứt viết Thủy hướng Bắc (Sắc đen)
Nhị viết Hỏa hướng Nam (sắc đỏ)
Tam viết Mộc hướng Đông (Sắc xanh)              
Tứ viết Kim hướng Tây (Sắc trắng)
Ngũ viết Thổ trung ương (Sắc vàng).
Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ đã tàng ẩn trong vũ trụ trời đất. Thổ số 5 chiếm địa vị trung ương, chỉ Thiên Địa. Số 5 là số thành của 3+2 tức là tam Thiên, lưỡng địa.

Số 5 ở trung tâm bao hàm ý nghĩa lò cấu tạo uyên nguyên tức Tạo Hóa. Sự cấu tạo nầy đúng theo luật Âm Dương của Vũ trụ.




36.- Cai quản phận Đạo:

Mỗi Phận Đạo có 1 vị Cai Quản là Đầu Phận Đạo Hành Chánh và Phước Thiện (Chánh, Phó), trong Phận Đạo có nhiều Hương Đạo.
Hương Đạo: Mỗi Hương Đạo có 108 nóc gia (cộng lại thành số 9) có Chức Việc Ban Trị Sự: Chánh, Phó và Thông Sự. Mỗi Hương Đạo có 3 Ấp Đạo (3 x 36 = 108 nóc gia).
Ấp Đạo: Mỗi Ấp Đạo có 36 nóc gia.
Chủ quyền trong Hương Đạo là Chức Đầu Hương Đạo do vị Chánh Trị Sự (Đầu Sư em) đảm trách, Ấp Đạo có Phó Trị Sự (Giáo Tông em) giáo hóa về chánh trị Đạo và Thông Sự (Hộ Pháp em) phụ trách về luật pháp.
Trong mỗi Ấp Đạo có 3 Liên Gia, mỗi Liên Gia có 12 hộ có 1 vị Liên Gia Trưởng, gọi chung là Thập – Nhị Liên Gia Bảo. Đó là cách tổ chức của Đạo phục vụ cho nhơn sanh, nơi nào cũng có Chức Sắc, Chức việc chăm sóc, bảo vệ và giáo hóa nhơn sanh; nên gọi là Hội Thánh Em.

37.- Quyền hạn của Hội Thánh Em:

Chức Việc Ban Trị Sự
Trên có Hội Thánh hình thể Đức Chí Tôn, gồm có: Giáo Tông, Hộ Pháp, Đầu Sư hiệp một là Hội Thánh Anh. Từ phẩm Giáo Hữu đến phẩm Phối Sư là thành phần Hội Thánh cầm quyền Chánh Trị Đạo, trong 36 Phối Sư có 3 Chánh Phối Sư: Thái Chánh Phối Sư chủ tọa Hội Thánh, Thượng Chánh Phối Sư chủ tọa Hội Nhơn Sanh. Ngọc Chánh Phối Sư chủ trưởng Chức Sắc Cửu Trùng Đài.
Dưới có Chức Việc Ban Trị Sự cầm quyền hành chánh Đạo trong một Hương Đạo do Đức Lý Giáo Tông lập thành, Ngài đã lập chức Chánh Trị Sự và Phó Trị Sự, rồi dạy Hộ Pháp lập chức Thông Sự cho đủ ba vị cầm quyền Thế Đạo.
Đức Lý Giáo Tông: “Phó Trị Sự là Giáo Tông em, Chánh Trị Sự là Đầu Sư em, mà nơi Làng Đạo có Giáo Tông em, Đầu Sư em thì phải có Hộ Pháp em là chức Thông Sự”.
Ngài đặt chức Chánh Trị Sự là Ông chủ đệ nhị quyền trong Hương lân về phần Đạo; đó là Đức Lý Giáo Tông có ý định lập qui cũ đệ nhị chủ quyền phục lại như trước. Ngài còn quyết định hơn nữa, để vị Chức Sắc ấy nắm quyền Hội Thánh tức là vào hàng Thánh Thể Đức Chí Tôn, nghĩa là dự định lên phẩm Lễ Sanh rồi lên Giáo Hữu tức nhiên vào Thánh Thể đó vậy. Ngài nói thêm: “Nền Đạo Đức Chí Tôn chỉ lập có Thiên Đạo, nay lập thêm Thế Đạo là Chức Việc Ban Trị Sự đó”. (Lời Đức Hộ Pháp).
Vị Liên Gia Trưởng đủ 5 năm công nghiệp được cầu phong Lễ sanh.


Xem Tiếp



Thiện Tâm Cao Đài - wedside chia sẽ miễn phí tài liệu Đạo Cao Đài !!! Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Thiện Tâm - Cao Đài Tây Ninh - Việt Nam mọi chi tiết về wedside xin chư quý hiền liên lạc theo Gmail : Thientamcaodai@gmail.com Yahoo : thientamcaodai Facebook : www.facebook.com/thientamcaodai Wedside được Phát triển bởi Anh Tuấn Cập Nhật lần cuối 2013 Copyright © Anh Tuấn 2011: 2012 : 2013 by www.thientamcaodai.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More