Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Có Một Tình Yêu


Có Một Tình Yêu


                                               
Tác Giả : Khai Tâm QUÁCH MINH CHƯƠNG

C
ó một dòng suối chảy ra biển cả mang theo một tình yêu, một tình người, tình nhân loại bất tận. Dòng suối ấy róc rách chảy êm đềm theo nhịp đập con tim mà tạo hoá chí công mặc khải, đã nhỏ những giọt nước cam lồ yêu thương ươm mầm sống giúp phục sinh những Chủng Tử Bồ Đề tưởng chừng khô héo chết giữa dòng đời khắc nghiệt. 
Vâng! Đó là hai bông hoa ông Cao Văn Biển và bà Phan Thị Hồng Phượng. Hai bông hoa kết thành một dòng suối yêu thương chan chứa lung linh, đượm thánh chất cội nguồn dân tộc, đượm một tấm lòng quảng đại, mênh mông như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi lớn đời con, đượm tấm lòng hy sinh xả thân quên mình vì người, vì sự sống và vì nước mắt của  những người xa lạ. Ông Bà nghe theo tiếng gọi của con tim mà làm, mà thi ơn bố hoá, mà đem nước tưới những bông hoa rũ rượi dần chết. Ông Bà được người đạo Cao Đài kính quý và thường gọi là “Ông Tư, Bà Tư”. Ông Bà đã có con và nuôi lớn trưởng thành, lập gia thất an ổn. Tình cha, Tình mẹ đã ôm ấp che chở đủ để đàn con khôn ấm trưởng thành, ấy thế mà tình người không dừng ở nơi ấy, mỗi khi đi làm công quả và gặp những người bị bệnh tâm thần, những người vô gia cư không cơm, không áo quần lang thang, rách rưới nơi đầu đường xó chợ thì hai Ông Bà cố nén dòng nước mắt thương tâm. Nhưng rồi, bông hoa cũng nở, những giọt nước mắt cứ hiển nhiên chảy dài trên má Ông Bà. Vì sao? Có phải vì hai bông hoa ấy là hai bông hoa tượng trưng cho Từ Bi, cho Bác Ái mà đấng Cao Đài Chí Tôn đã dạy chăng? Và rồi những giọt nước mắt ấy cứ tuông và tuông, tuông mãi ra biển cả mênh mông như được hoà về đại dương rộng lớn khôn cùng.


hình ảnh vợ chồng ông tư
bài báo viết về vợ chồng ông ; http://baotayninh.vn/newsdetails.aspx?id=160&newsid=35613


          Ông Bà đã thao thức, trăn trở và luôn chiêm nghiệm lời thánh huấn của Đức Chí Tôn “sự thương yêu là chìa khoá mở cửa Bát Quái Đài”. Không phải là màu sắc của sự thương yêu, chẳng phải vì danh vọng, chẳng vì lời khen mà là vì tấm lòng cao khiết, tận hiếu với hai đấng chí linh Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, hai Ông Bà đi trong sự dìu dắt của hai đấng siêu hình mà dang đôi tay gầy guột ôm “đàn chiên” về chuồng, bảo bọc đỡ lấy khổ sầu của bao kiếp người đau thương khổ xót.  
Có câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” mấy ai làm được. Buông bỏ như tứ đại giai không, xa lìa vật chất tìm về cái bần hàn mà đi trong tình yêu đạo pháp. Cầu đạo ở đây không phải chỉ ở việc bận áo dài, quỳ lạy trời phật tiên thánh thần mà “cầu đạo” ở đây phải là tất cả, cầu đạo phải thực hiện một tình yêu không biên giới cao khiết thanh minh trong xanh như vầng nhựt nguyệt làu làu chiếu soi vạn nẻo. Tình yêu ấy là tình yêu đạo pháp rạng ngời tinh tuý của nguyên lý tạo lập càn khôn vũ trụ vì có câu “Thầy là cha của sự thương yêu”. Chính tại điểm ấy mà hai Ông Bà từ bỏ tất cả của cải thế gian. Đất thì chia từng khoảnh cho bà con láng giềng dòng tộc, thậm chí ai nghèo thiếu Ông Bà đều cho luôn, cho tất cả đến cả những vật dụng cần thiết nhất để rồi hai Ông Bà còn lại hai bàn tay trắng và ở đậu người ta, Ông Bà chỉ biết công quả và công quả hầu thực hiện đúng phương châm giác thế của cánh cửa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đó là “tam lập”: lập công, lập đức, lập ngôn hay công phu, công quả, công trình.


Một Buổi ăn chiều của người bệnh tâm thần

          Ngỡ rằng trắng là hết, nhưng không! Hai Ông Bà còn lại hai trái tim sắt thép và ngọt mịn. Đến nỗi, chỉ còn hai tấm thân cơ hàn ngày đi làm công quả với tứ thời nhật tụng, đêm về lại ôm nỗi nhớ, mang niềm thương đối với những người bạc phận lang thang cơ nhở. Hai trái tim sắt thép ấy đã rung chuông, sưởi ấm cho đời. Và thế là hai Ông Bà đã đem về nhà tạm bợ mà chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, từ cái áo, cái quần cho những người như tượng gỗ nhưng hung tợn táo bạo. Bàn tay trắng, trái tim mịn nhưng quả thật sắt thép. Sắt thép để bảo bọc cưu mang, nuôi nấng thể hiện tình người mềm dịu đáng kính làm sao! Chỉ có sắt thép như thế mới đủ đối diện với cái khốn khó, cực hàn vô thế mới làm được vì họ là những người bệnh tâm thần nhiều năm, có người vài mươi năm. Họ chỉ biết cười, biết hung dữ, biết tiểu và đại tiện tự do. Và vì tình yêu dịu ngọt nhất mang tính người nhất đem lại hạnh phúc cho những người bệnh, cho người thân, cho xã hội. Họ được ba bữa cơm trường chay, được bộ áo bà ba trắng tươm tất, được cúng kiếng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, được chăm sóc sức khoẻ, được sưởi âm trong hơi ấm một ông cha, một bà mẹ thánh thiện. Quả thật chỉ có trái tim sắt thép hoà với cái tính nhũn mềm mới làm được như hai Ông Bà Tư. Một sự ngưỡng vọng kính mến đầy lòng thán phục đối với những ai chứng kiến cái hành trình nuôi nấng, chăm sóc “con cái” của ông Tư, bà Tư.
 Những người bệnh thì hung bạo như vô tri, vô giác, hành xử không biết gì, có thể đánh chém bất cứ ai không kể người thân kẻ lạ, có những người vì quá nặng bị gông xiềng ghớm ghiết, có những người không phương thuốc chữa từ những bệnh viện tâm thần trong khi Ông Bà Tư thì chất phát đôn hậu, đôi mắt ánh lên tình yêu ngọt ngào. Ông Bà Tư chỉ có hai bàn tay trắng, không nói nhiều nhưng hành cái tình đạo pháp một cách đúng đắn như khuôn thước định vị mà tôn giáo Cao Đài đã khởi sướng một chủ nghĩa tối cao, tối trọng vinh danh sự hiện hữu của đấng chí linh bảo tồn sự sống cho nhơn loại. Và Ông Bà Tư đã làm như thế, vinh danh sự hiện diện của đấng chí tôn cứu sinh cho bao kiếp người để tô vẽ nét đời, vun cội Đại Đạo cho nhuần thấm sum suê tính bác ái hiện sinh. Với những phương thức điều trị tại các bệnh viện tâm thần mà bệnh nhân không thuyên giảm, bệnh lại càng nặng thêm, triền miên năm này qua năm nọ, thân nhân túng nghèo, vô phương giải khổ. Ông Bà Tư chỉ với đôi bàn tay , và đôi mắt yêu thương, cảm thông nỗi khổ vô hạn của người bệnh. Người bệnh từ điên thành bình thường và nhiều trường hợp hoàn toàn bình phục trở về với gia đình trong niềm hạnh phúc tột bực, có người thì do bệnh quá lâu nên quá trình khôi phục lại chậm hơn, mất thời gian hơn. Nhưng đối diện với sự cưu mang của Ông Bà Tư, cùng những biểu hiện bình phục ngày qua ngày của chính con mình, những người thân kia phải rơi lệ. người ta đặt một câu hỏi rằng vì sao Ông Bà Tư lại trị hết bệnh trong khi bệnh viện thì trả về? Cách thức nuôi nấng và chữa trị của Ông Bà Tư chỉ vọn vẹn là ăn chay trường và cúng tứ thời theo như Tân Pháp Cao Đài Đại Đạo ân xá kỳ ba. Phải chăng vì tình yêu mà hoá giải những căn bệnh hiểm nghèo, mà cảm hoá những tâm hn khô lạnh chết héo bao nhiêu năm? Phải chăng vì tình yêu Đại Đạo đã hoá biến từ ác sang lành? Câu trả lời đích thực để cho người đọc tự suy ngẫm.
          Và rồi tình yêu ban rãi khắp nơi như chan chứa hạnh phúc cho bao gia đình có con nay đã khỏi cơn bệnh tưởng chừng thần chết đã rước đứa con yêu quý của họ. Tiếng lành đồn xa cùng với tình yêu vô hạn của ông Tư, bà Tư, số bệnh nhân nhờ cứu giúp vô cùng lớn, lên đến con số 70, 80 người. có những người cha, người mẹ vì nhà nghèo mà con lại bệnh như thế vô cách chữa trị đành đến nhờ Ông Bà Tư chữa trị, họ chở đến rồi trốn mất. Thế là Ông Bà cũng vẫn vui vẻ chăm lo điều trị nuôi nấng. Với số lượng người quá nhiều, Ông Bà Tư đành nhờ tạm tại Thiên Phong Đường mà tiếp tục dang tay bao dung, ban vui, cứu khổ. Lần hồi sự bình phục nhanh chóng theo thời gian, rồi hết lớp bệnh này đến lớp khác thay phiên nhau. Ông Bà Tư chỉ có hai bàn tay trắng mà chế ngự được cái thần chết hung tợn. Cùng với Ông Bà Tư là những mạnh thường quân, người một ít tiền, người một ít cơm, rau cháo. Cứ thế cơm rau, cháo đạm chay lạt qua ngày mà bịnh ngày khôi phục không ngờ.
          Có ngờ đâu, một “bệnh viện” bị giải thể vì nhiều lý do. có phải chăng vì Ông Bà Tư thương tha nhân nhiêu quá nên bị cấm đoán? Người ta đặt câu hỏi nhưng cũng không biết câu trả lời. Ông Bà Tư cất một căn nhà rộng để nuôi bệnh nhờ vào những tấm lòng hảo tâm, thi ân , bố đức của những tín hữu Cao Đài thấm nhuần chơn lý đạo pháp. Đất mua, nhà cất xong khang khang nhưng vẫn không được nuôi bệnh. Một yêu cầu mới là nhà phải được xây cất đúng mô hình với diện tích và cơ cấu nuôi dưỡng đúng theo tiêu chí của một cơ quan nuôi dưỡng.
          Thế rồi, những người bệnh trả về thân nhân với “sự tự do” đó là đi lang thang ngoài đường, gặp ai đánh đó gây hiểm nguy cho bao nhiêu người khác xung quanh. Ông Bà Tư thì đành nhớ về quá khứ mà nước mắt cứ tuông rơi theo từng bước chân của người bệnh. Ánh mắt Ông Bà Tư làm người viết cũng rung cảm hoà cùng trái tim nhân ái yêu người khôn xiết của Ông Bà Tư.
          Ông Bà Tư đã làm được một việc mà ít ai có thể làm được, thương người mà ít có ai có thể thương được. Chính cái ấy làm giảm gánh nặng cho xã hội. Thiết nghĩ rằng, các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho Ông Bà Tư có thể làm những việc mà người ta không thể làm. Người viết xin nguyện cầu các bậc mạnh thường quân dang tay rũ lòng cứu lấy sự sống đang dần rụi trước nghịch cảnh của kiếp người trong việc xây dựng một ngôi nhà cho người bệnh.
          Và dòng sông kia sẽ vẫn chảy mãi không ngừng, lăn trôi theo biến duyên của định luật trời đất. Hai bông hoa kia sẽ luôn hé nở để ôm chặt vào lòng những gương mặt bịnh tâm thần trong Tứ Thời Nhật Tụng bằng lời thánh nguyện: “Cầu Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và Thần, Thánh, Tiên, Phật mười phương hoá giải nghiệp căn của họ, để họ phản tỉnh tu tâm dưỡng tánh để hườn nguyên phản bổn”.
          Hai bông hoa kia sẽ mãi nở cùng mùa xuân đạo đức, một mùa xuân của Đại Đạo với biết bao nhiêu bông hoa nhân ái tạo dựng thành nhành sông chảy về đại dương đúng như chánh thể của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đó là “tận độ” và “cứu sinh”.
Kỷ niệm Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung 2012
Khai Tâm Quách Minh Chương

1 nhận xét:

Ông Tư và Bà Tư thật đáng để cho người khác noi theo!

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More