Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Khai Pháp Trần Duy Nghĩa


Khai Pháp
TRẦN DUY NGHĨA
(1888-1954)


         Ngài Trần duy Nghĩa, sanh năm Mậu Tý (1888) tại làng Thành Phô, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công.
         Thân phụ là Ông Trần duy Quyền và Thân mẫu là Bà Đặng thị Lâu, đều ở Gò Công.
         Hiền nội của Ngài Trần duy Nghĩa là Bà Hồng thị Đỏ (Cô ruột của Cựu Đại Tá Hồng Sơn Đông). Hai Ông Bà chỉ sanh được một người con trai, đặt tên là Tháp, nhưng chẳng may mất sớm lúc mười mấy tuổi. Hai Ông Bà không sanh con thêm, nên xin 2 người con gái để làm con nuôi :
         - Một người tên Nguyễn thị Lụa, là cháu ruột kêu bằng Dì của Bà Hồng thị Đỏ.
         - Một người tên là Trần thị Huê, là cháu ruột của Ngài Trần duy Nghĩa.
         Ngài Trần duy Nghĩa làm công chức Sở Hỏa Xa thời Pháp thuộc.
         Năm Bính Dần (1926), Đức Phạm Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn đi xuống Gò Công gọi Ngài Trần duy Nghĩa. Vì Ngài là một nguyên nhân giáng phàm có nhiệm vụ tiền định, nên Ngài liền vâng chịu đi theo Đức Phạm Hộ Pháp, nhập môn làm môn đệ của Đức Chí Tôn, và kể từ đó, Ngài luôn luôn theo sát Đức Phạm Hộ Pháp để hành đạo.
         Ngài Trần duy Nghĩa được Thiên phong Khai Pháp, cùng một lượt với chư vị Thời Quân khác khi Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTĐ ngày 12-Giêng-Đinh Mão (dl 13-2-1927).
         Ngài hợp cùng Ngài Tiếp Pháp Trương văn Tràng thành cặp Phò loan truyền đạo lúc ban sơ, và sau đó trở thành cặp Phò loan chuyên về Bí Pháp.
         Ngày 11-2-1933 (âl 17-Giêng-Quí Dậu), Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung hiệp cùng với Đức Phạm Hộ Pháp đồng ký tên ra một Thông Tri thăng phẩm Quyền Đầu Sư cho 3 vị Chánh Phối Sư là : Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh.
         Như vậy, 3 phẩm Chánh Phối Sư bị khuyết, nên tạm cử 3 vị Thời Quân HTĐ qua CTĐ đảm nhiệm 3 chức vụ kể trên.
         Thông Tri ấy có đoạn như sau :
         " Việc giao quyền hành Chánh Phối Sư cho 3 Chức sắc HTĐ là việc của Hội Thánh mới định hôm kỳ nhóm ngày mùng 9 tháng Giêng rồi đây, nhằm bữa 4-3-1933.      Đạo Nghị Định của Đức Phạm Hộ Pháp số 56 ngày 23-9-Ất Hợi (dl 20-10-1935), Ngài Khai Pháp Trần duy Nghĩa trở về HTĐ.
         Đạo Nghị Định của Đức Phạm Hộ Pháp số 46 ngày 21-8-Bính Tý (dl 6-10-1936), Ngài Khai Pháp được giao nhiệm vụ Thẩm Án Tòa Đạo, và tạm quyền Chưởng quản Cơ Quan Phước Thiện cho tới ngày có một vị Thời Quân Chi Đạo thay thế.
         Ngày 17-6-Tân Tỵ (dl 11-7-1941), lính Mật Thám Pháp vào Tòa Thánh bắt 4 vị Chức sắc : Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Giáo Sư Thái Phấn Thanh, và Sĩ Tải Đỗ quang Hiển, đồng thời ở Sài gòn, chúng đến bắt Ngài Khai Pháp tại tư gia của Ngài. Lúc đó, Đức Phạm Hộ Pháp đã bị chúng bắt trước đó gần nửa tháng, tức là ngày 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941).
         Ngày 4-6 nhuần-Tân Tỵ (dl 27-7-1941), Chánh quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp và 4 vị Chức sắc lưu đày ở hải đảo Madagascar (Mã đảo) bên Phi Châu, trên chiếc tàu Compiège.
         Trong thời gian bị lưu đày nơi Mã đảo, Ngài Khai Pháp và Sĩ Tải Đỗ quang Hiển luôn luôn kề cận bên Đức Phạm Hộ Pháp để giúp đỡ và cùng chia xẻ những nỗi đau buồn khổ cực. Sĩ Tải Đỗ quang Hiển và Giáo Sư Thái Gấm Thanh đã chết tại đảo, và Sĩ Tải Đỗ quang Hiển đắc Thánh vị.
         Ngày 25-7-Bính Tuất (dl 21-8-1946), Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp và 2 vị Chức sắc còn lại là Phối Sư Ngọc Trọng Thanh và Giáo Sư Thái Phấn Thanh, sau hơn 5 năm bị lưu đày, được Chánh quyền Pháp đưa trở về VN trả tự do, đi trên chiếc tàu Ile de France, cặp bến Vũng Tàu.
         Ngày mùng 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946), Chánh quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp, Phối Sư Ngọc Trong Thanh và Giáo Sư Thái Phấn Thanh từ Sài gòn về Tòa Thánh. Hội Thánh và rất đông đảo tín đồ tổ chức Lễ Nghinh Tiếp vô cùng long trọng và cảm động.
         Ngài Khai Pháp Trần duy Nghĩa tiếp tục hành đạo sát cánh Đức Phạm Hộ Pháp, được Đức Phạm Hộ Pháp giao cho nhiệm vụ Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, và Ngài ở nhiệm vụ nầy cho đến lúc đăng Tiên.
         Ngài Khai Pháp Trần duy Nghĩa đăng Tiên lúc 5 giờ sáng ngày 22-Giêng-Giáp Ngọ (dl 24-2-1954) tại Văn phòng HTĐ Tòa Thánh, hưởng thọ 67 tuổi.
         Sau khi đăng Tiên, Ngài giáng cơ cho Bài Thài hiến lễ Ngài :

         Ba Chức sắc ấy là :
         - Khai Thế Thái văn Thâu, lãnh phận sự Thượng Chánh Phối Sư.
         - Khai Pháp Trần duy Nghĩa, lãnh phận sự Ngọc Chánh Phối Sư.
         - Khai Đạo Phạm tấn Đãi, lãnh phận sự Thái Chánh Phối Sư. "

          Đã chán công danh dưới phép người,
          Đem thân cửa Phạm để nên nơi.
          Lóng chuông Bạch Ngọc hồi hồn tục,
          Nghe trống Lôi Âm tỉnh mộng đời.
          Nắm pháp thiêng liêng dìu Thánh vị,
          Cầm cân công lý giữ ngôi Trời.
          Dầu chưa trọn nghĩa Thiên Thơ định,
          Giác ngộ vui theo cũng kịp thời.
                Khai Pháp Chơn Quân
    Ngày 28-Giêng-Giáp Ngọ (dl 2-3-1954), trong buổi Lễ Di Liên đài của Ngài Khai Pháp nhập bửu tháp. Đức Hộ Pháp có phát biểu để tưởng niệm và cũng để tuyên dương công nghiệp của Ngài Khai Pháp, xin trích ra một đoạn sau đây :
         " Đức Khai Pháp Chơn Quân, cả toàn Thánh Thể và con cái Đức Chí Tôn đều hiểu là ai ?
         Trong 12 vị Chơn Quân của 12 con Giáp là cơ huyền bí tạo CKVT thế nào, có lẽ cả tinh thần của toàn thể con cái Đức Chí Tôn hiểu thấu.
         Bần đạo lại thêm một điều trọng hệ hơn hết, người không phải xa lạ với nhơn loại nơi mặt Địa cầu nầy, người đã cùng làm bạn với nhơn loại và chịu khổ cùng nhơn loại. Ngài là một bậc yếu nhân đã giúp Đức Chí Tôn tạo dựng một nền văn minh hiện tại.
         Bần đạo nói quả quyết rằng : Ngài là một vị yếu nhân đã cầm quyền về tinh thần của nền văn minh.
         Ngài tái kiếp, sứ mạng của Ngài là không chi khác hơn là làm thế nào cho nền văn minh ấy chung hiệp các nền văn minh tối cổ trên mặt Địa cầu nầy, làm cho thiên hạ thống nhứt về tâm hồn, thống nhứt về đạo đức. . . .
         Thật sự hôm nay, Đức Khai Pháp Chơn Quân đã hưởng trọn hạnh phúc mà Bần đạo đã tỏ ra khi nảy đó, cái hạnh phúc chơn thật của Ngài hôm nay được hưởng, trái lụng lại, chúng ta buồn thảm chia ly về phần xác, mà Bần đạo lấy làm hân hạnh vui hứng thấy Ngài đã đoạt Đạo. Đức Khai Pháp Chơn Quân đã đoạt đạo tại thế nầy đó vậy.
         Bần đạo làm chứng cho toàn thể con cái Đức Chí Tôn điều ấy."
         Theo lời Đức Phạm Hộ Pháp, chúng ta hiểu rằng, Ngài Trần duy Nghĩa là Thánh Pierre (Phê-rô) chiết chơn linh giáng phàm để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai Đạo.
         Thánh Pierre là một trong số 12 môn đồ của Đức Chúa Jésus, là người mà Đức Chúa Jésus tin cậy, đặt nền tảng của Hội Thánh truyền giáo của Ngài.
         Ông Chơn Nhơn Phạm duy Hoai có thuật chuyện Ngài Khai Pháp như sau :
         "" Một hôm nọ, Đức Phạm Hộ Pháp lập đàn, có các vị Chức sắc Thiên phong dự chứng. Đức Phạm Hộ Pháp cầm cây Kim Tiên đưa ra bên trên và trước mặt Ngài Khai Pháp đang quì. Đức Phạm Hộ Pháp nói : "Nầy Pierre, ngày trước nguơi đã chối ta 3 lần, lần nầy ta tha cho đó." Đoạn Ngài Khai Pháp lạy. Đàn mãn.""
         Theo Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu, quyển I trang 35, Thánh Pierre có giáng cơ cho 4 câu thi :

          SAINT PIERRE
          Thiên Đàng giữ cửa góc Trời Tây,
          Truyền đạo cho dân biết mặt Thầy.
          Cứu chuộc đã gần đôi ngàn tuổi,
          Cao Đài phú thác dắt dìu bây.
            31 Décembre 1925.
         Trong dịp Lễ Đại Tường của Ngài Khai Pháp Trần duy Nghĩa, tại Bửu tháp, Đức Phạm Hộ Pháp nhắc lại công nghiệp khổ hạnh của Ngài Trần Khai Pháp như sau:
          " Thưa cùng chư Viên quan, chư Chức sắc, cùng mấy em Nam Nữ,
         Hôm nay là ngày Lễ Đại Tường của Đức Khai Pháp Chơn Quân, Bần đạo không cần minh tả, tưởng toàn thể con cái Đức Chí Tôn mến tiếc Ngài là một vị Chơn linh nguyên nhân của Đức Chí Tôn đã định.
         Nhắc lại công nghiệp của Ngài, Bần đạo cảm giác vô cùng. Sự cảm giác của Bần đạo đối với Ngài, không giờ phút nào Bần đạo quên được cái công cực khổ đáo để của Ngài đối với Bần đạo. Bần đạo chắc chắn rằng, trong Chức sắc HTĐ, Bần đạo chỉ nhờ Đức Khai Pháp nhiều hơn hết. Đó là bằng chứng hiển nhiên.
         Ngày nay, Ngài đã qui Thiên, thì nền Đạo đã bớt hết một cánh tay gánh vác sự nghiệp thiêng liêng vĩ đại của Đức Chí Tôn tại mặt thế nầy.
         Bần đạo thấy cái sống ở đời của Đức Trần Khai Pháp trong buổi sanh tiền chưa có hưởng hạnh phúc hay thú vị gì cả. Sự nghiệp giàu sang, vinh hiển cũng không màng, chỉ nguyện đem cái xác thân nầy hiến trọn vẹn nơi cửa Đạo.
         Đức Chí Tôn đã lựa sắm hồi nào mà chính mình Đức Chí Tôn lựa sắm thật là xứng đáng.
         Trong buổi đầu, Đức Chí Tôn dạy :
          " Con muốn ra gánh vác sự nghiệp thiêng liêng , lập nền Quốc Đạo, trước hết con phải lập Pháp cho xong thì Đạo mới vững bền được."
         Buổi nọ, Bần đạo để trọn vẹn cho Đức Chí Tôn lựa, chớ không phải phàm lựa.
         Khi được cơ bút dạy đi tìm Khai Pháp tại tỉnh Gò Công, Bần đạo chưa từng đến, mà cũng không làm bạn với một người nào nơi tỉnh ấy, nhưng cũng vâng lịnh đến tìm, hỏi thăm , thì đã trúng ngay nhà Ông Trần duy Nghĩa.
         Vừa gặp người đứng trước thềm nhà, hỏi thăm thì người nói : "Tôi là Trần duy Nghĩa". Nói rồi, mời Bần đạo vào nhà.
         Bần đạo không ngần ngại và để đức tin nơi quyền thiêng liêng, bèn tả hết công việc, thì Ngài hứa tình nguyện. Một điều là hủy cái đời giàu sang vinh hiển để nạp mình vào nơi cửa Đạo.
         Bần đạo chưa tin, còn hồ nghi bị chúng gạt. Khi về đến Sài gòn, Ngài chỉ xách theo một gói đồ trên tay và không trở về gia đình lần nào.
         Bần đạo đưa bài Thánh giáo của Đức Chí Tôn bảo đi tìm Ngài, thì Ngài nói với Bần đạo 2 câu làm cho Bần đạo kính phục và cảm tưởng mãi nơi tâm, biết rằng ông nầy có thể chung sức với mình gánh vác nổi sự nghiệp của Đức Chí Tôn giao phó.
         Ngài nói rằng : "Tôi tưởng dòng dõi dân tộc VN bốn ngàn năm đã chết, nào dè ngày nay Đức Chí Tôn định lập Quốc Đạo, thì chắc chắn rằng, đất nước VN sẽ sống lại được mà cứu Tổ quốc và giống nòi VN cổi ách nô lệ giữa thời Pháp thuộc bạo hành."
         Kể từ đó, Ngài vẫn cương quyết lo giúp Bần đạo với một sự kính nể đáo để, không giờ phút nào Ngài xa Bần đạo. Không nhắc đến thì thôi, mà nhắc đến làm cho giọt lệ của Bần đạo tuôn chảy không ngừng.
         Chẳng phải riêng Bần đạo mất một người ân trọng nghĩa thâm, mà toàn đạo Nam Nữ thảy đều mất một người bạn yêu mến thiêng liêng đó vậy.
         Nhớ lại lúc chánh quyền Pháp đày ra hải đảo Madagascar, trong đó có nhiều Chức sắc Thiên phong cùng chung chịu ảnh hưởng, Bần đạo chỉ thấy một Đức Ngài và em Thánh Hiển hết lòng phụng sự Bần đạo, còn bao nhiêu vì quyền lợi mà xua đuổi hành phạt Bần đạo đáo để. Có người dựa quyền lợi theo thuyết Cộng sản, dùng sức mạnh trở lại khổ khắc Bần đạo mà chưa vừa lòng. Họ còn xúi giục chánh quyền đày Bần đạo lên nguồn cao nước độc để giết Bần đạo một cách gián tiếp. Nếu chẳng nhờ quyền năng thiêng liêng giúp sức thì Bần đạo không thể trở về Tổ quốc Thánh địa nước VN ngày nay.
         Tội nghiệp em Thánh Hiển với Ngài Khai Pháp, thấy vậy cũng xin đi theo, đã bị chúng đuổi đánh, cũng tính kế đi theo nuôi dưỡng Bần đạo cho được.
         Thánh Hiển, vì đi theo Bần đạo uống nước độc mà bỏ mình nơi rừng sâu núi thẳm, chỉ còn Bần đạo và Ngài.
         Ngài ôm Bần đạo mà khóc, chỉ van vái một điều là cầu xin Đức Chí Tôn đem về đất Thánh cổi xác mà thôi. Thật quả nhiên như lời nguyện không sai.
         Khi trở về Thánh địa, Bần đạo gượng làm vui, chớ kỳ thật riêng Ngài Khai Pháp và Bần đạo, không giờ phút nào quên cảnh tù đày lao khổ. Bần đạo thấy con cái Đức Chí Tôn rất chú ý về việc đó, nhưng Bần đạo ôm lòng nín chịu, căn dặn Ngài không thốt ra lời nói gì cả. Bần đạo sợ nói ra đây, gây oán chuốt hờn thêm cho Đạo. Nếu Bần đạo nói ra, chắc không bút mực nào tả hết, lại gây thêm xung đột.
         Kể từ ngày về Thánh địa, Ngài Khai Pháp thường than thở với Bần đạo, vì sợ e gây cảnh nồi da xáo thịt, bên ngoài thì Pháp, bên trong thì VN, ở giữa thì Quân đội Cao Đài. Ai vui hưởng, chớ riêng Ngài không có ngày nào không lo sợ, sợ đổ máu giết chóc lẫn nhau, lần đến tương tàn cốt nhục của nòi giống VN ta nữa mà chớ.
         Sau ngày Trung Tá Trấn (Truyền Trạng Phạm ngọc Trấn) Thánh Vêï Trưởng bị quân đội Thành ám sát , Ngài thường đến Trí Huệ Cung ôm Bần đạo vào lòng, khóc và than rằng : " Thầy ôi ! Cái sợ của tôi ngày nay đã đến rồi. Tôi hằng than thở với Thầy từ nơi hải đảo, là nơi chúng đày khổ thân, Thầy trò mình tưởng về đất Thánh địa được yên vui, nào dè có quân đội, cho nên mới ra nỗi nầy,"
         Than rồi khóc, rồi Ngài vịn níu lấy Bần đạo mà nói :
          " Thầy ôi ! Vì lời khuyên xưa kia, Thầy trò mình mới về dìu dắt con cái Đức Chí Tôn mà họ đâu thấu đáo tâm trạng, nay Trấn đã chết rồi thì tôi thấy còn nhiều thảm họa dẫy đầy, tự gây phản bội mà làm ly tán, thì bầy con dại của Đức Chí Tôn phải sống nơi nào cho an phận.
         Thưa Thầy ! Thà Thầy trò mình ở lại vùi thân nơi chốn tù đày hải đảo rừng xanh nước độc, còn thú vị hơn về đây thấy cảnh đổ máu không lịch sử, dòng dõi chủng tộc VN phải ly tán, tiền đồ Tổ quốc không dựng lại, mà nhơn loại phải chịu cảnh sắp điêu tàn, nền Đạo chinh nghiêng bởi cảnh đó."
         Nghe qua những tiếng nói thảm thiết, làm cho giọt lệ Bần đạo đã chảy theo không ngừng, nhưng Bần đạo cố gượng cho khuây khỏa. Hồi nghĩ lại, Bần đạo gượng làm vui, mượn cớ cho Ngài bớt buồn rầu đau thảm.
          "Không anh à ! Mấy em nó vì đầu óc thanh niên, không phải như mấy anh lão thành vậy đâu. Vì máu nóng còn đua tài, chác lợi, quyền trọng tham danh, chớ buộc cả thảy như quí anh sao được."
         Bần đạo thấy Ngài buồn, kiếm chước cho vui đỡ, và lần lượt kiến tạo Trí Giác Cung, đặng khuyên Ngài vào ở đó cho yên tịnh, cho bớt thấy cảnh thảm họa trêu diễn trước mắt hằng ngày."
         Trong thời gian Ngài Khai Pháp Trần duy Nghĩa cầm quyền Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, Ngài có biên soạn những bài giảng về Chánh Trị Đạo để dạy Hạnh đường, sau cùng Ngài tập hợp các bài giảng ấy, lập thành quyển sách tựa đề : "CHÁNH TRỊ ĐẠO", giải thích rõ ràng nền Chánh Trị Đạo của Đạo Cao Đài, để người đời khỏi lầm tưởng Đạo Cao Đài là một tổ chức chánh trị, như các đảng phái chánh trị ngoài đời.
         Danh từ PHÁP CHÁNH cũng do Ngài Khai Pháp đặt ra để thay thế danh từ Tòa Đạo đã dùng khi trước.
         Quyển sách nầy gồm 5 Phần chính :
         * Phần I nói về nền tảng Chánh Trị Đạo của Đạo Cao Đài gồm 4 cơ quan :
         - Hành Chánh, thuộc CTĐ.
         - Phổ Tế, thuộc CTĐ.
         - Pháp Chánh, thuộc HTĐ.
         - Phước Thiện, thuộc HTĐ.
         * Phần II nói về Quyền Lập Pháp của Đạo thuộc về 3 Hội : Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội.
         * Phần III nói về Quyền Hành Pháp, thuộc về CTĐ.
         * Phần IV nói về Quyền Tư Pháp, thuộc về HTĐ.
         * Phần V, so sánh Chánh Trị Đạo và Chánh Trị Đời.
         Sau đây, xin chép lại một bài giáng cơ của Ngài Trần Khai Pháp, nói chuyện cùng Ngài Bảo Thế Lê thiện Phước.
    Phò loan : Giám Đạo Nguyễn văn Hợi, Thừa Sử Nguyễn văn Kiết
    Hầu đàn : Chư Chức sắc HTĐ.
    Đàn cơ đêm mùng 2-12-Giáp Thìn, (dl 4-1-1965)
    tại Giáo Tông Đường, hồi 8 giờ 40.


    KHAI PHÁP
         Chào Hiền huynh Bảo Thế và các em.
         Tiện đây, Bần tăng đàm đạo cùng Bảo Thế.
         Ngày Bần tăng về Chí Tôn mới rõ quyền năng Thiên Triều vô biên. Chính Bần tăng rón rén bước vào Bạch Ngọc Kinh, phải nhờ Chơn Linh VI HỘ dẫn tấn. Từ đây mới biết Chí Tôn phần nào và được thấu đáo nhiệm vụ của Thời Quân, chẳng những nơi thế gian nầy mà còn nơi cõi Thiên nữa. Như thế mới khiếp sợ với trách vụ mình.
         Nếu quí bạn được thấy thì tưởng không còn muốn ở cõi trần nữa làm gì. Vậy Bần tăng ước mong quí bạn Thời Quân tìm cách dòm về hướng Chí Tôn để rộng quyền làm tròn Thiên Soái mạng.
         Hổm rày, Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng quản HTĐ có nhóm Hội Thánh HTĐ nhiều lần để quyết định tương lai của nền Chánh giáo. Vì thế mà Bần tăng được chỉ định gần gũi Hiền huynh để ủng hộ và trao lời của Đức Phạm Hộ Pháp dạy.
         Hiền huynh nhớ Đạo Cao Đài có Chánh Trị Đạo, thì tưởng cũng không đụng chạm ai, Đời họ lo lấy, Đạo mình mình trị, trong vòng tự do tín ngưỡng, miễn đừng lấn quyền Đời thì thôi.
         Hộ Pháp có than lúc nầy không người kế chí, nhưng Đức Ngài còn tin nơi Hiền huynh, nên chính Đức Ngài dục tấn Hiền huynh về. Khi còn ở đô thành, có lẽ Hiền huynh còn nhớ Ngài kêu hôm nào đó. Hiền huynh cứ tiến tới nhiệm vụ của Đức Phạm Hộ Pháp đã giao, tức bên cạnh có Đức Ngài và chư Thời Quân ám trợ, đừng lo ma hồn quỉ xác gì nữa, bất quá chúng nó thêm công quả để Hiền huynh đạt đạo cho mau vậy thôi. Hiền huynh vững đức tin, cuộc thế đã đến kỳ kết thúc, nên Thần Tiên đã lâm phàm, đồng ngưỡng về Cao Đài Thánh địa, là Tòa Bạch Ngọc Kinh tại thế.
         Buổi Phật Di-Lạc Vương trị vì thiên hạ, cứ tiến tới có ngày vui sắp đến.
         Bần tăng tưởng Hiền huynh đã từng gần Đức Phạm Hộ Pháp thì cũng còn nhớ cách phục nhơn tâm và thâu thiên hạ là dường nào rồi. Nhờ tâm đức ấy mà Ngài lập đại công, thì Hiền huynh nên đồ theo đường lối ấy thì ắt thành công trong sứ mạng đó.
         À ! Chỉnh giùm chỗ luyện Tam Bửu : Tay trái bắt Ấn Tý cầm chén bông, còn tay mặt bắt Ấn Hộ Pháp để lên trên chén. Hôm nọ viết sai.
         Xin chào Hiền huynh. Để kỳ tới sẽ tái ngộ.            THĂNG.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More