Nữ Đầu Sư
LÂM HƯƠNG THANH
(1874-1937)
LÂM HƯƠNG THANH
(1874-1937)
- Bà Lâm Hương Thanh, thế danh là Lâm ngọc Thanh, sanh năm Giáp Tuất (1874) tại làng Trung Tín, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Thân mẫu là Bà Trần thị Sanh.
Bà Lâm ngọc Thanh là vợ của Ông Huyện Huỳnh ngọc Xây, nên Bà thường được người ta gọi là Bà Huyện Xây, là một nghiệp chủ rất giàu có tại Vũng Liêm. Ông và Bà có một người con gái tên là Huỳnh thị Hồ.
Sau nầy Ông Huyện Xây chết, Bà gá nghĩa với Ông Huyện Hàm Nguyễn ngọc Thơ, một nghiệp chủ ở Tân Định Sài gòn. Hai Ông Bà đều hâm mộ Phật giáo, nên đều qui y theo Phật giáo, thọ giáo với Hòa Thượng Như Nhãn, trụ trì Chùa Giác Hải ở Phú Lâm, Chợ Lớn.
Bà Lâm ngọc Thanh rất sùng kính Đức Phật Thích Ca, nên kế bên biệt thự của Bà ở Vũng Liêm có lập một ngôi chùa Phật để gia đình Bà cùng với dân chúng xung quanh có nơi chiêm bái.
Bà Lâm ngọc Thanh được Đức Chí Tôn độ, nhập môn vào Đạo Cao Đài ngày mùng 6-6-Bính Dần (dl 16-7-1926).
Bà hiến dâng một phần sản nghiệp vĩ đại của Bà để giúp Đạo trong buổi sơ khai có được phương tiện hoằng hóa mối Đạo Trời. Bà biến ngôi chùa do Bà xây dựng ở bên cạnh nhà thành một Thánh Thất, thờ Đức Chí Tôn, để những người trong vùng đến đó nhập môn cầu Đạo. Ai thiếu kinh để tụng niệm thì Bà in kinh phát cho không, ai thiếu Đạo phục thì Bà giúp đỡ may sắm.
Với tình thầy trò giữa Hòa Thượng Như Nhãn và Ông Bà Nguyễn ngọc Thơ, Hòa Thượng Như Nhãn bằng lòng hiến ngôi chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén Tây Ninh cho Đạo Cao Đài dùng làm Thánh Thất tạm, tổ chức Lễ Khai Đạo, vả lại khi cất ngôi chùa nầy, Ông Bà Thơ đã đóng góp một số tiền lớn.
Trong ngày Đại Lễ Khai Đạo tại Thánh Thất tạm Từ Lâm Tự, ngày 15-10-Bính Dần (dl 19-11-1926), Bà Lâm ngọc Thanh thọ Thiên Ân Nữ Giáo Sư, Thánh danh là Lâm Hương Thanh. (TNHT. II. 13)
Từ ấy, Bà lo phổ độ nhơn sanh khắp các tỉnh, khi khai đàn, lúc thượng tượng, giảng đạo, đọc Thánh ngôn cho nhơn sanh thấu hiểu Đức Chí Tôn giáng trần lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là để chấn hưng Phật giáo lại cho hoàn toàn, qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi.
Trong kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ I ngày 14-1-Đinh Mão (dl 15-2-1927), Đức Chí Tôn thăng Bà lên phẩm Nữ Phối Sư, cầm đầu Nữ phái, và phong người con gái của Bà, Cô Huỳnh thị Hồ, vào phẩm Nữ Giáo Sư, Thánh danh Huỳnh Hương Hồ.
Nhờ có phương tiện xe hơi nhà của Bà giúp cho Đạo nên việc đi lại phổ độ nhơn sanh của quí Chức sắc lúc bấy giờ được mau lẹ dễ dàng.
Khai Đạo tại chùa Gò Kén được 3 tháng thì Hòa Thượng Như Nhãn đổi ý, đòi chùa Từ Lâm Tự lại, không hiến cho Đạo Cao Đài nữa, và bắt buộc Hội Thánh phải dời đi nơi khác hành đạo. Hội Thánh họp lại, lo đi tìm mua đất đặng cất Tòa Thánh.
Theo sự hướng dẫn của Đức Đại Tiên Lý Thái Bạch, Hội Thánh hỏi mua được một miếng đất của Ông Kiểm Lâm người Pháp, tại làng Long Thành tỉnh Tây Ninh. Ông Thái Thơ Thanh và Bà Lâm Hương Thanh cho Hội Thánh mượn số tiền 25.000 đồng để mua đất và khai phá rừng, cất Tòa Thánh tạm bằng cây ván, để dời cơ sở từ chùa Từ Lâm về đất mới.
Bà Lâm Hương Thanh lãnh lịnh của Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, lo việc giao thiệp với Chánh quyền Pháp, xin mở cửa những Thánh Thất nào bị chánh quyền áp chế đóng cửa trước đây. Bà làm đơn cam kết Đạo Cao Đài là Phật giáo chấn hưng, thuần túy tu hành, không làm điều gì sai luật của chánh phủ.
Bà Lâm Hương Thanh và Ngài Thái Thơ Thanh xuất tiền riêng ra mua thêm một miếng đất rừng nữa, từ ngã ba Ao Hồ vào giáp với miếng đất đã mua cất Tòa Thánh, để tạo cảnh Cực Lạc Thế giới, gọi là Cực Lạc Cảnh. (Xem lại Tiểu sử của Ngài Thái Đầu Sư Thái Thơ Thanh)
Ngày mùng 9-3-Kỷ Tỵ (dl 16-4-1929), Bà Lâm Hương Thanh được thăng phẩm Nữ Chánh Phối Sư, chưởng quản các tín đồ Nữ phái.
Năm 1933, Tòa Thánh tạm cất bằng cây ván hư nát nhiều, Hội Thánh bàn tính việc xây cất Tòa Thánh bằng xi măng cốt sắt cho chắc chắn vĩnh viễn, theo họa đồ của Đức lý Giáo Tông chỉ vẽ, tổn phí giai đoạn đầu ước tính 20.000 đồng, mà Đạo lúc ấy còn nghèo, số tín đồ còn ít, nên không đủ tiền mua vật liệu. Ngài Thái Thơ Thanh và Bà giúp Hội Thánh một số tiền lớn để khởi công đào móng xây dựng.
Lúc ấy, nơi Tòa Thánh, các Chức sắc cao cấp trong Hội Thánh bị nội khảo, rồi ngoại khảo, nên việc xây cất Tòa Thánh phải đình trệ hoài, sự tiến triển chẳng có gì đáng kể.
Đến năm 1936, cơn khảo đảo đã lắng yên, Đức Phạm Hộ Pháp cầm quyền Hội Thánh, quyết tâm tiến hành xây dựng Tòa Thánh, bởi vì Tòa Thánh là thể diện của Đạo, nhưng lúc đó, nơi tủ của Hộ Viện cất tiền quỹ của Hội Thánh chỉ có vỏn vẹn 1 đồng rưỡi.
Đức Phạm Hộ Pháp liền đi Vũng Liêm gặp Bà Lâm Hương Thanh để thương lượng và sắp đặt. Bà chỉ cho Đức Hộ Pháp thấy lúa của Bà trong kho còn đầy ắp, chưa bán được vì kinh tế khủng hoảng, giá lúa quá thấp, chỉ có 2 cắc 1 giạ, nên Bà không có sẵn tiền mặt.
Sau đó, Bà vào tủ sắt lấy ra một cái hộp lớn đựng đầy vàng và hột xoàn, cẩm thạch, trao cho Đức Phạm Hộ Pháp. Bà bảo Đức Phạm Hộ Pháp đem về Sài gòn cầm thế nơi Nhà băng thì đặng lối 100.000 đồng bạc Đông Dương, để lo xây cất Tòa Thánh.
Đức Phạm Hộ Pháp suy nghĩ, mượn thì dễ, mà làm sao Hội Thánh sau nầy có đủ tiền chuộc lại số vàng và hột xoàn nầy để trả lại cho Bà, nên Đức Phạm Hộ Pháp không dám lấy. Bà mới nói với Đức Phạm Hộ Pháp trong tình thân mật như Chị với Em :
- Chị tin Em, Em cứ khởi công làm, làm thì được, từ cái không mà sẽ có tất cả.
Năm Đinh Sửu (1937), Đức Phạm Hộ Pháp cùng Hội Thánh đi Nam Vang lo Đạo sự nơi đó, giao cho Bà ở nhà lo ngoại giao với nhà cầm quyền Pháp ở những nơi nào Đạo bị làm khó dễ. Bà đi hầu Tòa, rồi trở về, kế đó lâm bịnh.
Bà qui vị vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Đinh Sửu (dl 17-5-1937) đúng vào ngày Lễ Thánh đản của Đức Phật Thích Ca, tại quê nhà ở Vũng Liêm, hưởng thọ 64 tuổi.
Đức Phạm Hộ Pháp lúc đó đang hành đạo ở Nam Vang, được tin điện, cấp tốc trở về để cùng Hội Thánh lo tang lễ cho Bà.
Một điều huyền diệu là khi Bà Lâm Hương Thanh còn sống thì Ba lo đi ngoại giao với chánh quyền Pháp về việc Đạo, rồi khi thoát xác đăng Tiên, Bà cũng lo y như vậy. Số là Đạo xin phép khai đàn, nhà cầm quyền Pháp lúc đầu thì cho, sau lại cấm. Hội Thánh chưa biết tính sao thì Bà liền giáng cơ nói : Để Bà lo việc đó cho và yêu cầu Hội Thánh cử người đến xin, kỳ sau thì được dễ dàng. Quả đúng y như vậy.
Sau khi Bà qui vị được 17 ngày, đến ngày 25-4-Đinh Sửu (dl 3-6-1937), Bà được Đức Chí Tôn ân tứ lên phẩm Nữ Đầu Sư, vì Bà là người có đại công với Đạo trong buổi sơ khai và là chị cả của Nữ phái, dìu dẫn đàn em Nữ phái.
Về sau, Hội Thánh đem hài cốt của Bà ở Vũng Liêm về Tòa Thánh, đặt vào Bửu tháp Nữ Đầu Sư, xây ở phía Tây Lang Tòa Thánh, và tượng của Bà được tạc ở mặt tiền Tòa Thánh, phía bên Nữ phái, trên Lôi Âm Cổ Đài, để nhơn sanh chiêm ngưỡng một bậc Chức sắc đại công của Đạo.
Bài thi để làm Bài Thài tế điện Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh :
- Đầy giỏ Hoa Lam chất ái tình,
Y theo mặt luật của khuôn linh.
Thử căn linh thể nơi phàm tục,
Mới hưởng hồng ân chốn ngọc đình.
Nam Hải là bờ ao Thất Bửu,
Tây Ninh nền tổ quán Tam Thanh.
Thuyền từ trở lái lìa sông lệ,
Nhớ bạn chơn mây gởi tấc thành.
" Đêm nay là Vía Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni mà cũng là ngày vía Chị Cả của chúng ta là Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh.
Chẳng biết ngẫu nhiên hay là tiền định mà Bà Nữ Đầu Sư qui liễu nhằm ngày Vía Đức Phật Thích Ca. Theo Bần đạo hiểu biết, tưởng những người ái mộ Đạo Phật nồng nàn hơn hết, chúng ta có thế nói rằng : Bà Nữ Đầu Sư cũng là người đứng đầu sổ của thiên hạ vậy.
Trước ngày Đức Chí Tôn mở Đạo, Bà Đầu Sư duy có biết Đạo Phật mà thôi, chính miệng Bà thuật lại với Bần đạo như vậy. Từ bé, Bà chỉ để tâm ham mộ Đạo Phật. Đức Chí Tôn đứng vào Phật vị, nên Bà thương lắm, thương một cách nồng nàn. Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài, tức nhiên là Đức Chí Tôn mở Phật giáo Chấn hưng đó vậy.
Ngày nay là Lễ của Đức Phật Thích Ca và của Chị chúng ta, chúng ta nên để tâm cầu nguyện Chơn linh của Ngài và của Bà, tức nhiên Long Nữ, cả thảy chúng ta đều biết cái bí mật ấy.
Bà Nữ Đầu Sư, Chơn linh là Long Nữ. Long Nữ là ai ? Thật ra, là người hầu của Đức Phật Quan Âm Bồ Tát đó vậy.
Bần đạo hiểu về cái thuyết bí mật của Đức Quan Âm Bồ Tát, đã lãnh trách nhiệm trọng yếu, vâng lịnh Đức Di-Lạc Vương Phật, chưởng quản điều khiển Bát Nhã Thuyền.
Vì cớ cho nên Đức Quan Âm Bồ Tát không thể giáng trần được, chính mình Long Nữ là người hầu của Đức Quan Âm tình nguyện giáng trần đặng hiệp với các Chơn linh khác, các Cung các Điện và Hộ Pháp, đặng mở nền Chánh giáo của Đức Chí Tôn, hầu tạo cơ giải thoát, tận độ vạn linh." Sau đây, xin chép lại một bài giáng cơ của Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh tại Hộ Pháp Đường, đêm 1-1-1946, phò loan: Khai Đạo và Sĩ Tải Lợi.
" Chào Trí Thanh, cùng mấy em.
- LÂM tuyền đã ẩn mấy thu sang,
HƯƠNG đượm nhuần trăng đã lố màn.
THANH thủy châu về huờn kiếm báu,
Đề danh đến buổi đất nhà an.
- Đây hết buổi phong ba, đến hồi an tịnh. Vậy mà không sao. Mình muốn cho yên, trước phải loạn, sau mới yên được. Muốn nước đang đục lóng trong thì phải quậy trộn cho dữ mới lóng bùn được.
Đạo có khảo mới cao. Chức sắc bị khảo mà chịu nổi mới có giá trị. Học trò chịu khảo thí mới lãnh cấp bằng. Nếu từ chối thì rớt. Thế thường học nhiều đậu ít.
Còn nơi đây là Trường Công Quả, vậy vị nào muốn xứng đáng môn đệ của Đức Chí Tôn thì chẳng bao giờ ngần ngại các việc công quả, cho chung Thánh Thể Đức Chí Tôn, cũng do nơi mấy em đào tạo về mặt ngoại giao.
Vậy có câu :
- Ái nhơn, nhơn hành ái chi,
Bất ái nhơn, nhơn hành bất ái chi.
Kỉnh nhơn, nhơn hành kỉnh chi,
Bất kỉnh nhơn, nhơn hành bất kỉnh chi.
Tâm vững, cầm lèo lái chạy qua bỉ ngạn. Tuy sóng to gió lớn, lượn sóng xuôi sẽ chạy, miễn rằng ngó phía trước thuyền, tránh cho lẹ những đồ vật ngăn cản.
Sĩ Tải Lợi bạch : . . . . . . . . . . . . .
- Sợ không quen sóng gió, buồn mữa. Nếu có mữa thì uống nước chanh . Mình ăn phủ bì chúng nó mà.
- Em Thái Khý Thanh, nhờ mới để bộ râu nên vuốt râu thả mồi câu chúng nó. Nó mảng nghĩ nhìn bộ râu, quên cả sự nghiệp, đành chịu phọt phe.
Ước mong sao mấy vị trong đám cầm cờ chỉ nẻo Cửu Trùng đồng phun râu, chúng nó mới kinh hãi.
Qua mừng và khen tặng Chú Khách nầy làm gương cho kẻ Việt.
- Nam Hải Prasey ấy vẫn gần,
Hai đàng buổi trước lại đồng thân.
Nhớ nhau khuyên nhủ đôi lời tặng,
Cùng bạn khi xưa lúc ở trần.
THĂNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét