Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Thái Đầu Sư - Thái Thơ Thanh


Thái Đầu Sư
THÁI THƠ THANH
(1873-1950)


         Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, thế danh là Nguyễn ngọc Thơ, tên thật là Nguyễn văn Tơ, sanh năm 1873 tại quận Bãi Xàu tỉnh Sóc Trăng, sau lên Sài gòn lập nghiệp ở Tân Định. Thân sinh là Ông Nguyễn hưng Học, cháu ruột của Trung Quân Nguyễn văn Thiền (kêu bằng Chú ruột), vốn dòng trâm anh thế phiệt, trung hưng công thần.
         Thuở thiếu thời, Ngài theo Nho học, sau theo Tây học, rất ái mộ Phật giáo, phụng thờ cha mẹ rất hiếu hạnh. Ngài có làm Thơ Ký tại phòng Phiên dịch được ít lâu, sau nghỉ ở nhà, noi theo nghiệp làm thầy hốt thuốc Bắc của ông thân, rồi ra làm thầy hốt thuốc, lại cũng có phụ dịch nhựt trình cho Nhựt báo tỉnh.
         Sau đó, Ngài bước qua đường buôn bán, mở mang trước nhỏ, sau to, trở nên giàu có, mua được một sở Đại Thương Cuộc tại Sàigòn.
         Nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ cử Ngài làm Hội Đồng Thẩm Án tại Tam Tòa Sài gòn, tất cả trước sau được thưởng 7 Huân chương với 2 tấm Kim Khánh, Kim Tiền.
         Chánh thất của Ngài là Bà Bùi thị Đông, một phụ nữ khôn khéo bề tề gia nội trợ, thuận tùng theo chồng, tạo lập nhà cửa, phố xá tại Tân Định, sự nghiệp càng ngày càng thạnh lợi, bề thế lớn lao.
         Về sau, Ngài được ban cho phẩm Hàm Tri Huyện, nên người đời thường gọi Ngài là Ông Huyện Thơ.
         Ông Nguyễn Liên Phong, trong tập Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập, có làm bài thơ khen tặng Ngài Nguyễn ngọc Thơ :

          Làm trai chí khí trước sau bền,
          Án viện luận bàn hiển họ tên.
          Nề nếp ông thân khuôn những tạc,
          Phụng thờ từ mẫu thảo tâm đền.
          Dựng nền buôn bán ra đồ sộ,
          Cậy sức vợ hiền hiệp giúp nên.
          Nẻo lợi thâu vào thành nghiệp cả,
          Ơn nhờ che chở hộ hai bên.
         Con gái của Ngài Nguyễn ngọc Thơ là Nguyễn thị Hương, có chồng là Trương văn Tuấn, chủ nhà in Đức Lưu Phương ở Tân Định, sanh người con trai là Bác sĩ Trương văn Quýnh. Bà Nguyễn thị Hương cũng theo cha nhập môn vào Đạo Cao Đài, đắc phong phẩm Giáo Hữu ngày 14-Giêng-Đinh Mão (dl 15-2-1927) đàn cơ Phong Thánh Nữ phái kỳ I.
         Đầu năm Bính Dần (1926), Ông Phạm tấn Đãi, nhà ở Rạch Kiến, tỉnh Long An, thường chấp bút để học đạo. Ngày nọ, Ông chấp bút thì được lịnh Đức Chí Tôn dạy : "Con hiệp cùng Trung để đi độ Thơ."
          (Trung là Ngài Lê văn Trung, sau đắc phong Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, rồi Quyền Giáo Tông. Thơ là Ông Huyện Hàm Nguyễn ngọc Thơ, sau đắc phong Thái Đầu Sư).
         Ông Phạm tấn Đãi (sau đắc phong Khai Đạo HTĐ) vâng lịnh Đức Chí Tôn lên Sài gòn, tìm đến nhà Ông Cao quỳnh Cư để hỏi thăm nhà Ông Trung. Bà Cư đáp : " Ông Trung có ra đây, vừa mới đi lên nhà Ông Thơ."
         Ông Đãi hỏi thăm địa chỉ của Ông Thơ, liền đi lên Tân Định tìm nhà Ông Thơ, thì gặp Ông Trung tại đó.
         Ông Đãi liền trình bày Thánh giáo của Đức Chí Tôn dạy cho hai Ông xem. Ông Thơ xem xong nói : "Tôi muốn làm sao hai Ông cầu nguyện thế nào cho tôi chấp bút được thì tôi mới tin."
         Ông Trung liền chịu và bảo Ông Thơ phải trai giới 3 ngày, đồng thời hai Ông Trung và Đãi cũng ở đó hiệp nhau cầu nguyện.
         Ông Thơ chấp bút thông công được với các Đấng một cách tốt đẹp, nên Ông bằng lòng theo Đạo. Ông nói với Ông Trung và Ông Đãi làm thế nào để độ cho vợ của Ông là Bà Lâm ngọc Thanh đang ở Vũng Liêm theo Đạo luôn cho thuận chiều xuôi gió một đường.
         Ông cầu nguyện, Ơn Trên cho biết hiện giờ nầy Bà Lâm ngọc Thanh đang làm gì ở Vũng Liêm, cho biết từng chi tiết để Ông ghi chép, rồi hôm sau, Ông đánh điện kêu Bà lên Sài gòn. Khi Bà lên tới Sài gòn, Ông hỏi các hoạt động của Bà trong ngày vừa qua thế nào, thì Bà nói đúng như Ơn Trên đã mách bảo, không sai một mảy. Thế là 2 Ông Bà đều tin và theo Đạo.
         Hai Ông Bà Thơ bàn tính làm thế nào để độ thầy mình là Hòa Thượng Như Nhãn theo Đạo luôn. Ông Trung và Ông Thơ cậy Ông Đãi ra nhà Ông Cao quỳnh Cư để mời 3 Ông Cư, Tắc, Sang và Đạo hữu đến nhà Ông Thơ để lập đàn cầu cơ. Đàn cơ được kết quả, Đức Chí Tôn thâu phục được Hòa Thượng Như Nhãn.
         Tại nhà của Ngài Nguyễn ngọc Thơ ở Tân Định, Đức Chí Tôn cho phép mở một cái Đàn để thâu nhận những người mộ đạo, Ngài Thơ chứng đàn, phò loan là 2 Ngài : Cao quỳnh Cư và Phạm công Tắc.
         Ngày 2-7-Bính Dần (dl 9-8-1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Thơ làm Phối Sư phái Thái, cầm quyền Thái Chánh Phối Sư, Thánh danh là Thái Thơ Thanh.
         Ngày 17-2-Quí Dậu (dl 12-3-1933), Ngài Thái Thơ Thanh được thăng lên Quyền Thái Đầu Sư.
         Ngài Nguyễn ngọc Thơ có chấp nối thành vợ chồng với Bà Lâm ngọc Thanh ở Vũng Liêm, tục gọi là Bà Huyện Xây. Hai Ông Bà đều được Đức Chí Tôn độ theo Đạo, và về sau bà Lâm ngọc Thanh đắc phong Nữ Đầu Sư, Thánh danh là Lâm Hương Thanh. (Xem Tiểu sử của Bà nơi phần sau : Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh)
         Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh và Bà Lâm Hương Thanh, nhờ giàu có sẵn, và một lòng tin tưởng vào nền Chánh giáo của Đức Chí Tôn, nên đã đem nhiều tiền bạc ra hiến cho Đạo trong buổi sơ khai để xây dựng nền móng cho Đạo, kể ra như sau :
         - Khi Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm Tự tại Gò Kén (Tây Ninh) cho Đạo Cao Đài làm Thánh Thất để tổ chức Lễ Khai Đạo, Ngài Thái Thơ Thanh xuất tiền ra tu bổ, sơn phết, trang trí lại thành một Thánh Thất Cao Đài, làm đường thông ra quốc lộ cho rộng rãi, cất thêm nhà cho bổn đạo ở làm công quả, vv. . . Nhờ vậy mới có chỗ rộng rãi tốt đẹp để tổ chức long trọng Đại Lễ Khai Đạo Cao Đài ngày 15-10-Bính Dần (dl 19-11-1926).
         - Qua đầu năm 1927, Hòa Thượng Như Nhãn đổi ý, đòi chùa Từ Lâm lại, không hiến cho Đạo Cao Đài nữa, Đức Lý Giáo Tông dạy Ngài Thái Thơ Thanh hiệp cùng chư Chức sắc CTĐ và HTĐ đi coi mua 100 mẫu đất rừng tại làng Long Thành, với giá 25.000 đồng thuở đó để làm nơi xây dựng Tòa Thánh và các cơ quan Trung ương của Đạo, trả chùa Từ Lâm Tự lại cho Hòa Thượng Như Nhãn. Số tiền 25.000 đồng mua đất do Ngài Thái Thơ Thanh và Bà Lâm Hương Thanh xuất ra cho Hội Thánh mượn, sẽ từ từ hoàn lại sau.
         - Ngài Thái Thơ Thanh xuất tiền in 10.000 tấm Thánh Tượng Thiên Nhãn Ngũ Chi khổ lớm để phát không cho bổn đạo lập Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn tại tư gia.
         Riêng phần Ngài Thái Thơ Thanh và Bà Lâm Hương Thanh thì xuất tiền ra khai thác một sở rừng hoang để xây dựng Cực Lạc Cảnh, có ý muốn qui tụ các tăng ni Phật giáo qui hiệp về đây tu hành theo Tân pháp Đạo Cao Đài, nên lập ra nhiều cảnh tượng như : Quan Âm Các, Long Nữ Điện, Tây Vức Trì, đặt tên các con đường là : Phước Đức Cù, Di-Lạc Đạo. Tuy là cảnh tạm nơi cõi trần mà nghe qua như là cảnh Phật nơi cõi CLTG.
         Sau đây xin chép lại Sớ văn Phúc trình của Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh và Bà Lâm Hương Thanh (lúc đang cầm quyền Nữ Chánh Phối Sư) dâng lên Hội Thánh và Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ.

    Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
    (Đệ lục niên)
         Chánh ngoạt, sơ nhị nhựt, Tân Vị, Khâm Thiên Tổng quản Tài Chánh, phụng sắc Chưởng quản tài liệu, Tổng lý Công viện, Lương viện, Hộï viện, Nông viện, Phổ Độ viện.
         Quyền Thái Đầu Sư Chủ Tọa Hội Thánh, Quản lý tạo tác Tổ đình, Thái Thơ Thanh kỉnh bút,      Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đệ lục niên, Chánh ngoạt, sơ tam nhựt, Tân Vị, Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh đề bút,
         Tượng mãn Đại Đạo hoằng khai Tam Kỳ Phổ Độ lưu truyền thiên vạn cổ, bủa khắp Ngũ Châu, thì nền Chơn đạo phải to tát mới ra cảnh tượng thể thống Đạo cả.
         Vì vậy mà hai tôi nong nả đêm ngày lo mở mang cuộc Thánh địa, chế ra nền Tây Vức, bởi công trường cực nhọc, trên nhờ sức thiêng liêng Đại Từ Phụ ban bố, mới xui khiến mua thêm được 100 mẫu đất rừng, của tư bổn vợ chồng tôi xuất ra mua, liên tiếp Thánh địa, nối dài ra tới Ngã ba Mít Một (Boulevard d'Anglais), bề mặt tiền trên 2000 mét, giáp ranh Bá Huê Viên, nối liền Động Đình Hồ, 1000 mét Thánh địa nữa, cộng chung là 3000 mét.
         Cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn ngày sau Hội Thánh mở mang 3 phía là Đông, Nam, Bắc, mỗi phía 3000 mét, vuông vức cộng là 12.000 mét vuông, đặng xây vách thành cao lớn giáp 4 phía, dựng nên miền Tây Vức, đề hiệu là THÁI CỰC TOÀN ĐỒ.
         Trong chia ra 2 cuộc : Phía Chánh Bắc, xây cửa thành lớn, đắp nổi cao chữ "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ", lộ ra 4 chữ to tát là "ĐẾ THIÊN THƯỢNG HOÀNG"; còn phía Chánh Nam, cũng tại cửa thành y kiểu 3 mặt như nhau, đề hiệu là "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ", hiện ra 4 chữ "ĐẾ THÍCH PHẬT TỔ"; phía Chánh Tây, tạo một cuộc Ngũ Quang Môn, nghĩa là Đại Thành Môn, có 5 cửa Ngũ Chi Đại Đạo, hiện ra 4 chữ "THÁI CỰC TOÀN ĐỒ"; còn Chánh Đông Môn thì cửa thành y kiểu 3 phía đề hiệu là Tây Vức Cảnh.
         Trong Thái Cực Toàn Đồ chia ra làm 2 cuộc : Bên phía Bắc là BAÏCH NGỌC KINH, tạo tác Tổ Đình, có Bá Huê Viên, Động Đình Hồ, Đức Thế Tôn ngự mở cảnh thoát trần, Đức Di-Lạc giáng thế khai Long Hoa Hội. Hai bên là Rừng Thiên Nhiên, phía sau lập Cửu Viện, Thiên Phong đường, Đầu Sư đường, Chánh Phối Sư đường, Hộ Pháp đường, Thái Y viện, Dưỡng Lão Ấu, Tịnh Thất Sở, và Học đường, Dưỡng đường, với các xưởng Bá công kỹ nghệ.
         Còn các con đường : 1) Như Lai Đồ, 2) Di-Lạc Đạo, 3) Phước Đức Cù, 4) Oai Linh Tiên, 5) Bình Đặng Đồ, 6) Sử Quân Tử, 7) Thái Hòa Lộ, 8) Bình Dương Đạo.
         Còn bên phía Nam thì tạo CỰC LẠC VÔ VI CẢNH GIỚI là đắp con đường chữ Thập lớn dài từ Nam chí Bắc, từ Đông giáp Tây, gọi là TỨ TƯỢNG ĐỒ biến BÁT QUÁI, chính giữa Ngã Tư biến ra Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Giữa trung tim, un đúc một cảnh Nội Điện Đế Thích, giống in như cuộc cổ tích trên chốn Đế Thiên gần nước Xiêm La vậy.
         Phía bên hữu Tây Bắc thì tạo Quan Âm Các, phía bên tả Tây Bắc thì dựng Long Nữ Điện. Phía bên hữu Đông Bắc thì cất Tòa Kinh Viện 15 căn lầu 3 từng nóc. Phía bên tả Đông Nam thì xây nơi Tô Sơn, trên chót đỉnh có đảnh cốt Đức Thế Tôn nằm qui Niết Bàn, bề dài 12 thước tây, trên đảnh trung có thạch động Phổ Đà Sơn, Đức Từ Hàng Đạo Nhơn thành Phật, ấy là 5 cuộc to lớn.
         Còn các cuộc nhỏ khởi tạo trước là : tạo Thất Bửu Tháp, đào Tây Vức Trì, cất Thưởng Liên Đình, tạo Từ Thiền Lâm. Trong cuộc Từ Thiền có 3 con đường cái : 1) Bát Nhã Đạo, 2) Bồ Đề Lộ, 3) Như Ý Cảnh. Lựa những bậc chơn tu trường trai khổ hạnh, từ trung thừa sắp lên mới cho vào trong cuộc Từ Thiền Lâm nầy, vuông vức 500 công.
         Ấy là bên hướng Nam. Còn bên hướng Bắc thì Thái Bình Địa, cũng 500 công, cất Chợ Từ Bi, Nhà Thương, Nhà Thí, Nhà Mát, Nhà Nghỉ cho bực tín đồ nhập môn theo Hạ thừa sắp lên thì được phép ở.
         Ước mong ngày sau, Hội Thánh mở mang cuộc Thánh Địa nầy cho giáp hết khoảng núi Điện Bà đặng ra vẻ nền Chơn đạo.
         Trân trọng một bài kính cáo, nguyện cầu Đạo mạch hoàn toàn lưu truyền, trăm họ trước sau an nhàn.
         Thái Thơ Thanh, Lâm Hương Thanh kỉnh đề.
         Chuyển đạt Thiên Đình, ngưỡng vọng Đại Từ Phụ Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát chứng chiếu.
         Ngu đệ tử phục thủ bá bái.

         Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Ngài Thái Thơ Thanh :
         TNHT. II. 6 :
          " THƠ, nghe dạy :
         Thời kỳ Mạt pháp nầy khiến mới có Tam Kỳ Phổ Độ, các sự Hữu hình phải hủy phá tiêu diệt.
         Thầy đến chuyển Đạo, lập lại Vô Vi, các con coi thử bên nào Chánh lý : Hữu hình thì bị diệt đặng, chớ Vô Vi chẳng thế nào diệt đặng.
          Thơ ! Thầy đã khiến con đi Đế Thiên Đế Thích đặng xem cho tạng mặt Hữu hình, nội thế gian nầy ngày nay ai cũng nhìn nhận cho là tối đại, mà con đã thấy nó còn bền vững đặng chăng ? Lòng đạo đức của con, Thầy thấy rõ, nhưng thời giả dối đã qua, thời kỳ chân thật đã đến, Thầy không muốn cho con hao tài tốn của mà gìn giữ sự giả dối.
         Chẳng cần chi con lập Thánh Thất của Thầy và sùng tu Phật tượng chi hết. Con hiểu bổn nguyên Bảo Sanh là bổn nguyên Thánh chất Thầy.
         Thầy khuyên con để dạ lo cho nhơn sanh mà thôi, phần hồn về Thầy." . . . .
         Các Đấng thiêng liêng giao cho Lục Nương DTC giáng cơ trả lời Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh về Tờ Sớ xin làm Cực Lạc Cảnh và Thái Cực Đồ. Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng mở đầu, sau đó nhượng cơ cho Lục Nương.


          NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN
          Mặt nhựt rạng nhờ trời thanh bạch,
          Cõi trần may nhờ khách đức dày.
          Mùi hương sen Phật đã bay,
          Từ bên Đông Á phô bày Tây Âu.
          Nước hằng sống rửa bầu thế sự,
          Khiến nguyên nhân đổi dữ theo lành.
          Vạn bang dẹp cuộc chiến tranh,
          Lập cơ thoát khổ độ sanh muôn loài.
          Kẻ vì mị đoái hoài giả đạo,
          Kẻ hay tin quái giáo gây trò.
          Nguyên nhân lỡ bước ai lo,
          Đon đường Cực Lạc đưa đò mê tân.
          Khá hiểu nghĩa Thiền Lâm cho chóng,
          Các nguyên nhân trông ngóng bấy lâu.
          Biết thân lại đợi ai cầu,
          Tái cầu, Lục Nương tiếp :
          Cầm gươm thần huệ soi lầu nguyệt quang.
          Dục thế tục an nhàn lấy phận,
          Cửa Thiên cơ khỏi vấn vương oan.
          Để chân vào cõi Niết Bàn,
          Thoát vòng luân chuyển may đàng tầm duyên.
          Tu đặng phép nhà Thiền ít kẻ,
          Những đam mê theo lẽ dối đời.
          Sa môn chánh pháp đổi dời,
          Con buôn cửa Phạm gạt người thiện tâm.
          Khá hiểu nghĩa Thiền Lâm cho rõ,
          Các thinh âm chẳng có cửa Không.
          Bớt điều sắc tướng hoàn vong,
          Bớt điều hồ mị nhọc lòng phạn hương.
          Bớt những lẽ người đương mê tín,
          Nhập Tịnh gia cậy lịnh Thích Ca.
          Bớt điều làm sãi bó ma,
          Đưa linh lại mượn có nhà minh sanh.
          Bớt những lẽ giựt giành bái phước,
          Lấy Vu Lan đặng được ấm no,
          Bớt kinh bớt xá dâng thơ,
          Mã môn con hát giả đò giải khiên.
          Bớt cậy Phật lập quyền Địa Ngục,
          Bớt đồ mưu lấy phục Di-Đà.
          Bớt phương giải nạn tinh ma,
          Lập nên danh phận cho nhà quỉ tăng.
          THÁI THƠ THANH,
          Anh khá kiếm lời răn của Phật,
          Lấy từ bi dìu dắt sa môn.
          Phật tăng như xác không hồn,
          Lấy câu cứu khổ làm môn độ đời.
          Anh khá mở cho rồi Cực Lạc,
          Lập đường tu cho các chư sơn.
          Tùng theo Tân Pháp Chí Tôn,
          Đường tu cửa Phật may huờn như xưa.
          EM nói rõ cho vừa ANH hiểu,
          Bác Thiền Lâm, tùng kiểu Tam Kỳ.
          Phép mầu hai chữ Từ Bi.
          THĂNG
         Đức Chí Tôn giáng cơ tiết lộ cho biết, nguơn linh của Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh là Đức Từ Hàng Bồ Tát, còn của Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh là Long Nữ, đồ đệ của Đức Quan Âm Bồ Tát, và của Ngài Đầu Sư Thái Nương Tinh là Văn Thù Bồ Tát :
    " Thơ, con đừng lo lắng về Chơn Thần con lắm vậy, nghe . . . Nhiều phen Thầy nghe con vái, nhưng mà ngày giờ chưa đến, nên Thầy chưa nói, ngày nay Thầy tỏ thiệt cho con hiểu : Con là một chơn linh cùng Quan Âm Bồ Tát, con đã hiểu rồi, vậy từ đây, phải biết mình trân trọng mà trau giồi tánh hạnh nghe ! ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

         CHÚ THÍCH :
          (1) Nương : là tên của Ngài Đầu Sư Thái Nương Tinh.
         Chơn linh của Đức Quan Âm Bồ Tát là của Đức Từ Hàng Bồ Tát biến sanh. Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh có chơn linh cùng với Quan Âm Bồ Tát, tức là cùng có một gốc là Chơn linh của Đức Từ Hàng Bồ Tát.
    ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
         Sau đây xin chép lại Bài : Đức Phạm Hộ Pháp xuất vía về Bạch Ngọc Kinh và Cực Lạc Thế Giới, thấy Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, tức là Chơn linh của Đức Từ Hàng Bồ Tát giáng trần, vào năm Đạo thứ 2, tức là năm Đinh Mão (1927) :
          " Lúc mở Đạo ở Nam Vang (Tần quốc), Đức Phạm Hộ Pháp xuất Chơn thần về Thiên đình, qua Bạch Ngọc Kinh và CLTG, thấy Cửu phẩm Liên Hoa, nên thuật y câu chuyện lại cho Ngài Thái Thơ Thanh nghe như vầy :
         Đương lúc mơ màng, Chơn thần liền xuất đi thấy ngồi trên một cái xe ngựa, day qua thấy cảnh Thất thập nhị Địa, qua đến Tứ Đại Bộ Châu, nhìn thấy Đức Chí Tôn đứng trên Tòa Kim Khuyết, Đức Lý Giáo Tông cũng đứng trên bàn, kế Chức sắc Thiên phong, mấy vị Đạo tâm đứng hầu Ngài.
         Chừng sắp trận Đại chiến với Quỉ Vương trên Thiên đình, Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thắng trận, chúng Quỉ đều chạy tan vỡ, rồi kéo nhau qua CLTG, chừng đến cửa Niết Bàn thì thấy Ngài Thái Thơ Thanh cầm bửu kiếm ngồi trên lưng con Kim Mao Hẩu, trấn thủ CLTG.
         Lúc ấy Đức Hộ Pháp hỏi Ngài Thái Thơ Thanh rằng :
          - Anh về trên nầy hồi nào vậy ?
         Ngài Thái Thơ Thanh trả lời :
         - Tôi phải về trước để rước chư Hiền hữu.
         Đức Phạm Hộ Pháp ngó ra ngoài thấy các vị Đại Đức đứng lao nhao lố nhố, đoàn ba lũ bảy, đến yêu cầu Ngài Thái Thơ Thanh cho họ nhập vào CLTG.
         Ngài Thái Thơ Thanh không cho ai vào cửa hết, làm Đức Hộ Pháp động lòng, hỏi rằng :
          - Tại sao Anh không cho họ vào ?
         Ngài Thái Thơ Thanh trả lời :
          - Ngài không nhớ hồi đó chúng ta độ họ không đặng sao ? Nếu người nào không nhập môn làm môn đệ của Đức Chí Tôn thì không thể gì vào được, vì các đạo giáo đều bị bế, chỉ có Đại Đạo Chánh Truyền dưới quyền của Di-Lạc Vương tận độ, mà điều trọng yếu hơn hết là không có lịnh của Ngọc Hư Cung, tôi đâu dám cho họ vào. Nếu tôi cho họ vào, họ bị cây Giáng Ma Xử của Anh thì Anh nghĩ sao ? Không cho họ vào là cứu Linh hồn của họ vì họ có công tu. Nếu cượng lại mà cho vào thì họ sẽ bị lửa Thái Cực trong chữ VAÏN đốt cháy ra tro mạt, mình lại có tội nữa mà chớ. Tốt hơn hết là để họ trở lại Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mà đợi thời gian, rồi họ sẽ tái kiếp, sẽ tu, rồi về sau. Hữu duyên mới gặp Tam Kỳ độ.
          Đức Phạm Hộ Pháp ngó vào cửa CLTG thấy chữ VAÏN quay cuồng trông như cái chong chóng, hào quang chiếu diệu sáng ngời. Không có lịnh cho vào, mà chơn linh nào vào gần đó thì bị đốt tiêu ra tro mạt.
         Nên thảm thương thay cho các vị Đại Đức đã dày công tu luyện mà khi về đến cõi Tây phương, chẳng đặng nhập vào cõi CLTG.
         Nên họ phát ra nhiều tiếng rên siết rầm rĩ, họ xúm nhau, đoàn năm lũ bảy, kẻ thì tụng kinh, người thì đánh chuông cầu nguyện, kẻ đánh mõ vang dậy.
         Phần thì con Kim Mao Hẩu hả miệng nhăn răng le lưỡi rất dữ tợn, nên không vị nào dám đến gần cửa CLTG.
         Ấy là đúng theo Thánh giáo của Đức Chí Tôn đã tiên tri hồi mới Khai Đạo năm Bính Dần, các Đạo bị bế lại, thảm thương cho các con, tu có công mà thành chẳng đặng. Nếu không đi vào con đường Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì không thế gì nhập vào CLTG cho đặng.
         Chừng tới giờ Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ kéo cờ về tới cửa CLTG, thì Ngài Thái Thơ Thanh, ngồi trên lưng Kim Mao Hẩu, tay cầm bửu kiếm, chỉ ngay chữ VAÏN thì cửa CLTG hóa ra to lớn rộng rãi vì chữ VAÏN đã ngừng quay. Đức Hộ Pháp dẫn đầu đi vào trước, kế là những vị Đại Đạo Tam Kỳ và Đức Lý Giáo Tông tiến vào, sau mỗi vị đều có dấu hiệu cờ cùng sắc phục khác nhau.
         Lần lượt liên tiếp, Đức Lý Giáo Tông dẫn vào 9 ức nguyên nhân , chừng vào xong, kiểm soát lại, Đức Hộ Pháp nghe trong Niết Bàn hô lớn lên rằng : Còn thiếu một ức nữa.
         Đức Hộ Pháp vội vàng muốn trở lại trần gian đặng độ tiếp cho đủ, thì có lịnh của Đức Chí Tôn phán rằng :
         - Không hề chi đâu con, Cửu nhị ức Nguyên nhân mới độ về có 9 ức, thì lần lượt sau cũng độ hết đặng.
         Chừng nghe xong, Đức Hộ Pháp mới yên lòng.
         Nhưng còn nghe văng vẳng bên tai rằng : " Phương pháp độ rỗi chỉ khuyên lơn các Chơn linh, dầu Nguyên nhân hay Hóa nhân, đoạt được chữ HÒA với chữ NHẪN, mới về cửa nầy được. Dầu cho vạn kiếp sanh dày công tu luyện mà còn ganh ghét thì sẽ bị vào tay Chúa Quỉ, không trông mong gì về cùng Thầy được."
         Đến đây, Đức Hộ Pháp ghi nhớ tỉ mỉ, để rồi biên chép lại cho các Chức sắc Kim Biên xem và đem về Tòa Thánh Tây Ninh cho Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh biết rõ tự sự.
         Đức Ngài dạy sao ra nhiều bổn để lưu truyền đến ngày sau trau thân học Đạo."
         Năm 1950, Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh trở về nhà riêng ở Tân Định Sài gòn để dưỡng bịnh. Ngài bị một bọn cướp ăn mặc giả trang là người thân đến thăm, lọt được vào nhà, chúng ám hại Ngài để cướp bóc tiền của và vàng bạc.
         Ngài qui vị ngày 21-7-Canh Dần (dl 3-9-1950) hưởng thọ 77 tuổi.
         Hội Thánh hay tin, đem Liên đài xuống Sàigòn để tẫn liệm thi thể rồi rước về Tòa Thánh Tây Ninh làm lễ Đạo táng rất long trọng. Liên đài nhập Bửu tháp, xây tại Đông Lang Tòa Thánh, và đem bửu ảnh thờ nơi Báo Ân Từ.
         Bài thài hiến lễ Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh :

          Tu thân giáo hóa chỉnh đời thanh,
          Đồng chúc lê dân hưởng phước lành.
          Cõi tục cầu an kinh tụng niệm,
          Lời truyền nguyện thấu đến cao xanh.
          Mưa nhuần gió thuận NghiêuThang tịnh,
          Nắng tốt tuyết hòa Thuấn Võ thanh.
          Đồng hưởng đời đời câu thạnh trị,
          Tiêu diêu khoái lạc chí hùng anh.
         Bài thài nầy về sau được Hội Thánh dùng làm bài thài hiến lễ chung trong Lễ cúng kỷ niệm và tế lễ các vị Nam Nữ Đầu Sư quá vãng hằng năm.
         Ngày mùng 8-4-Nhâm Dần (dl 5-8-1962), tại Thánh Tịnh Huỳnh quang Sắc ở Bình Đông, Chợ Lớn, Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh có giáng cơ cho bài thi ngụ ý cho biết Ngài trở về cõi thiêng liêng được đắc phong là Từ Hàng Đạo Nhơn.

          THI :
          TỪ bi xây dựng lập ban vui,
          HÀN mặc viết tu bước thẳng xuôi.
          ĐẠO lý sáng soi dìu khách tục,
          NHƠN luân tô điểm tợ hoa tươi.
          NGUYỄN gia gội phước gìn nên một,
          NGỌC quí đượm màu giữ vẹn mười.
          THƠ phú Thần Tiên ngâm hiểu nghĩa,
          Giáng khuyên rán học đạo làm người.
         Khoán thủ 8 câu thơ trên là : Từ Hàn(g) Đạo Nhơn Nguyễn Ngọc Thơ giáng.      Tiếp theo, ngày 15-9-Nhâm Dần (dl 13-10-1962), cũng tại Thánh Tịnh Huỳnh quang Sắc, Ngài Thái Thơ Thanh giáng cơ ban cho Kinh Nhạc Đạo Hành Ca, giảng giải về Đạo lý :

          " Từ tâm cứu khổ độ quần sanh,
          Hàng uyển chỉnh tu tạo sống lành.
          Đạo lý gieo truyền gầy hạnh lạc,
          Nhơn luân bồi đắp tạc thinh danh.
          Nguyễn gia phước huệ nêu màu đẹp,
          Ngọc tốt tinh vi rạng sắc thanh.
          Thơ viện sáng soi gìn giác thế,
          Giáng phân lẽ phải gắng thi hành.
          " Đàn nay, Bần đạo thừa vâng sắc lịnh của Đức Chí Tôn giáng tả Kinh NHẠC ĐẠO HÀNH CA quyển nhứt trên đường khai thông chuyển hóa.

          TỰA KINH :
          NHẠC lòng hòa tấu bản Đường Tu,
          ĐẠO đức sáng soi vẹt ngút mù.
          HÀNH hóa cảm thông khai mạch sống,
          CA ngâm đúng điệu tỉnh phàm phu.
          " Nhạc Đạo Hành Ca là những điệu sóng đàn lành mạnh hòa nhịp bản ca đạo đức, là những giọng dịu hiền giác hóa khách trần đi trên khúc quanh mê lộ.
          NHẠC ĐẠO hồn quê gọi kêu người lạc lối,
          HÀNH CA lý tưởng khai triển bước quang vinh. "
         Câu đối :
          "Nhạc Đạo Tam Kỳ giác ngộ trần mê khai tâm chuyển hóa,
          Hành Ca nhứt lộ xiển dương chánh pháp bỉnh tánh hồi nguyên."

         Thầy chẳng nói ra căn cội của Nương (1) e con giận. Vậy Thầy cũng nói luôn thể để anh em nhìn nhau, thương yêu nhau. Nó là Văn Thù Bồ Tát tái thế, nghe à ! Nó lập ngôi vị cho con, nó đi một đường với con mà hành đạo cho tới ngày 2 con đến đắc quả đặng trở về cùng Thầy.
          Lâm thị Ái Nữ, như lời Thầy nói thì hai con phải thương yêu nhau hơn nữa, hầu sau khỏi thẹn với nhau, nghe con !" (ĐS. II. 177)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More