Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Luật Tam Thể - Thánh Giáo Của Đức Cao Thượng Phẩm


    Đêm 28 tháng 7 Canh-Dần ( 1950 ).
    Phò Loan: Luật-sự: Khoẻ, Hưỡng.
    Hầu Đàn: Truyền-Trạng Phước; Luật-sự Khen, Nhung.

    Cao Thượng - Phẩm


    Bần-Đạo đêm nay đến dạy các em về mặt tinh-thần Đạo-Đức. Bần-Đạo giải về Tam-thể con người cho các em nghe.
    Con người có ba thể:
    - Thể thứ nhứt là xác thân do cha mẹ sanh ra.
    - Thể thứ nhì gọi là Đệ-Nhị xác thân của Đức Phật-Mẫu ban cho. Còn thể thứ ba là Linh-hồn, do Đức Chí-Tôn ban cho. Trong ba thể ấy phải hiệp lại mới thành con người, nhưng bản-chất nó khác nhau.
    - Thể thứ nhứt là xác thân, có ngũ-quan, biết cảm-giác xúc động, do nơi khí bẫm của cha mẹ mà biến tướng ra. Nó cũng như con vật.
    - Thể thứ hai là Đệ-Nhị xác thân, tức nhiên là Chơn-Thần của con người. Người ta gọi là cái vía hay là hào-quang đó. Nó do theo cái thể thứ nhứt mà biến hình, cũng như đồ bắt kế con vật.
    - Thể thứ ba là linh-hồn, do Đức Chí-Tôn ban cho, tức nhiên là một điểm linh-quang của Chí-Tôn chiết xuống, để cho con người biết hiểu, và khôn ngoan hơn loài vật. Người ta gọi là " thiên-hạ " đó. Vậy thể thứ ba như người cầm cương con vật.
    Ba thể ấy khi nào được hiệp một, thì con người ấy mới thấu hiểu cả Thiên-Cơ của Đức Chí-Tôn,. Một khi con người đã thấu hiểu được Thiên-Cơ, thì người ấy đã đoạt Đạo. Bởi vậy, cho nên người tu phải tập luyện thế nào, cho Tam-Thể ấy được tương-liên với nhau, thì con người mới trở nên sáng suốt hơn kẻ thường tình.
    Phương luyện đặng tương hiệp Tam-Thể thì Đức Hộ-Pháp đã có dạy lâu rồi, các em quên sao?
    Truyền-Trạng Phước bạch: - Dạ phải bài nói về Phương Luyện-Kỷ để vào con đường thứ ba của Đại-Đạo không?
    - Phải. Bữa khác Bần-Đạo sẽ về tiếp thêm.
    Bần-Đạo kiếu.


    Đêm 5 tháng 8 Canh-Dần.
    Phò-Loan:Luật-sự: Khỏe, Khen

    Cao Thượng-Phẩm.

    Bần-Đạo chào các em nam nử.
    Hôm nay Bần- Đạo chỉ dạy các em về Tam-Thể xác thân con người. Đêm trước Bần-Đạo đã có giảng rồi, nhưng vì đến thời cúng mà Bần-Đạo phải ngưng bút, thành ra không hết ý nghĩa của nó. Vậy nay Bần-Đạo xin tiếp thêm cho các em hiểu rõ.
    Về Tam-Thể xác thân của con người, Bần-Đạo đã giãng riêng từ bãn chất của nó, cho các em hiểu rồi. Nay Bần-Đạo nói về sở dụng Thiêng- Liêng của nó.
    Đệ-Nhứt xác thân cũng như con vật, do khí bẫm của cha mẹ mà biến thành. Nó thuộc về hữu-hình, luôn luôn chịu ảnh-hưởng của ngoại vật, hơn là ảnh-hưởng của tinh-thần. Nếu nó chẳng chịu sự kềm thúc của linh-hồn, là Đệ-Tam xác thân thì cũng như con vật mà không có người cầm cương. Nếu con vật mà không có người cầm cương gìn-giữ nó thì các em tưởng coi con vật ấy nó phải thế nào?
    Luật-Sự Khen và Khỏe bạch: - Dạ, sẽ trở nên buông lung.
    - Phải đó, bởi lẽ ấy mà những người tu cần phải thắng những cái dục vọng của Đệ-Nhứt xác thân. Đệ nhứt xác thân rất có ích cho toàn thể con người. Nhưng nếu chẳng thắng đặng những điều dục vọng của nó, thì cũng rất có hại cho con người chẳng ít.
    Luật-Sự Hưỡng bạch: - Thưa Đức Ngài, thân thể con người do những tế-bào cấu tạo thành hình, nó là chất sanh. Một khi con người bỏ xác cho đất thì chất sanh ấy đi đâu? Chẳng lẽ mất luôn, hoặc nó đi theo Đệ- Nhị và Đệ-Tam xác thân?
    - Đó là một việc mà Bần-Đạo cần phải giải rõ cho các em được tận hiểu, để có dịp đi truyền Đạo sau nầy.
    Trong Đệ-Nhứt xác thân đã có ngũ-quan, biết xúc động; và các tế-bào để cho Đệ-Nhứt xác thân cử động, đi đứng, làm cho con người có cái sống thực-tế theo con mắt thấy hằng ngày của loài người đó. Nhưng đến khi mà người ta gọi là chết thì Đệ-Nhứt xác thân phải ra thế nào? Không lẽ nó bị tiêu diệt? Vì nó đã có cái sống sẵn trong bãn-thể của nó. Như vậy thì cái xác chết nó đi đâu, hay cũng bị tiêu tan dưới nắm mồ, mà người ta gọi là nơi an nghỉ ngàn thu của con người. Nó thuộc về Bí-Pháp, để Bần-Đạo nói rõ trong mấy câu hỏi đó.
    Đã nói rằng Đệ-Nhứt xác thân nó không chết mà tại sao con người chẳng còn cữ-động được, và phải để cho người khác chôn cái xác dưới nấm mồ. Ấy là nó phải chịu luật tiến hóa của Tạo-Đoan, thay cũ đổi mới, để cho Đệ-Nhứt xác thân trở nên đẹp-đẽ đặng phù hạp với Linh-Quang sáng-suốt của Đức Chí-Tôn ban cho nơi mặt thế nầy, để thay thế cho ngài đặng bảo-vệ cơ sanh-hóa của Ngài cho được tồn tại.
    Như trước kia, con người mới được sanh ra thì thân thể xấu xa, ăn lông ở lổ, chẳng khác chi hình tượng con vật. Với thân hình ấy, mặc dầu Đức Chí-Tôn đã ban cho một Chơn-Linh Thánh-Đức cũng khó mà tạo nên một xã-hội văn-minh hay cơ-khí được. Lúc đầu loài người có rất ít, có thể sống trong hang, hoặc ở kẹt đá được. Chớ như ngày nay, nhân-loại đã nhiều, cần phải lấp sông, phá rừng, trang bằng chơn núi mà ở chưa đủ thay, nên phải có sự thay đổi xác thân để cho con người học hỏi, cho tinh-vi, và đoạt được cơ sanh hoá của Tạo-Đoan, thì con người càng ngày mới khai thác những nơi hầm mỏ, và rừng rú mà tổ-chức một xã-hội văn-minh. Cách ăn, thói ở cũng đoan trang hơn khi xưa và nhơn-loại tìm được cơ bí-mật của Tạo-Đoan, mà làm nên những máy móc để thay thế cho sức người, sự giao-thông giữa xứ nầy đến xứ khác, từ xưa hẵn là không phương thế đi được. Ấy cũng nhờ khoa-học mà đặng như thế. Rồi lần hồi, loài người sẽ đoạt đặng cả sự bí-mật của Tạo-Đoan mà thay thế cho Đức Chí-Tôn làm chủ cơ sanh-hóa của Ngài.
    Đệ-Nhứt xác thân phải bị luật thay đổi, chớ không phải chết đâu. Khi xác thân nầy bị luật thay đổi của Tạo-Đoan thì nó không khi nào còn hườn hình lại được với Đệ-Nhị xác thân và Đệ-Tam xác thân theo em nói, mà nó phải lộn với đất để nuôi những chất sanh như là thảo mộc, rồi từ thảo-mộc sẽ nuôi đến thú cầm, rồi cũng từ thú cầm, nó lại nuôi cho loài người, cũng như người ta bón phân đó. Nó vẫn ở lộn cùng đất mà thôi, chớ không thể bay đi đâu được.
    Đã nói rằng xác thân nó lộn với đất, thì lẽ dĩ-nhiên đó là đất rồi. Cái xác nào cũng phải biến thành đất cả. Chỉ có lâu hay mau do sự chôn cất nó kín hay hở, hoặc chắc hay không chắc đó thôi.
    Đã nói rằng ở mặt thế nầy không chi là bền cả, vì nó do vật-chất biến sanh, thì phải chịu luật tiêu diệt hay là luật thay đổi của Tạo-Đoan. Đến như sắt hoặc đá, chắc là bao, nhưng nó còn có giới hạn thời gian mà tiêu mòn.
    Để kết-luận về Đệ-Nhứt xác thân, Bần-Đạo cho các em hiểu rằng mỗi sự gì ở thế, cũng không bền-bĩ cả. Nó phải chịu luật thay đổi, hay luật luân hồi tùy theo vật hay người. Luật thay đổi và luật luân hồi rất có ích cho cơ sanh hóa của Tạo-Đoan, vì mỗi lần thay đổi hoặc luân chuyển, là mỗi lần tiến-hóa cao lên.
    Nên luận về Bí-Pháp, thì không có gì là mất hay chết cả. Bởi trong cái chết nó có ảnh- hưởng cho cái sống; và trong cái mất, nó có ảnh-hưởng cho cái còn. Vậy cho nên Đệ-Nhứt xác thân phải chịu luật thay đổi mà người ta gọi là chết đó. Nó không phải là mất, mà nó còn mãi với vạn-vật.
    Bần-Đạo xin kiếu.

    ---------------------------------------------------------------------------------------

    Phần bổ-túc: Trong bài Thuyết-Đạo của Đức Hộ-Pháp đêm 14 tháng 3 năm Kỷ-Sửu ( 1949 ) về" Con Đường Thiêng-Liêng Hằng Sống" có đoạn:
    Đức Chí-Tôn ban cho mỗi kiếp sống chúng ta có một lần chết. Mỗi cái chết có cái tử-khí, tử-khí ấy là một khối đặng làm " Tòa sen " cho chúng ta, tức nhiên định-vị cho chúng ta đó vậy.


    Đêm 7 tháng 8 Canh-Dần. ( DL 18/9/1950 ).
    Phò-Loan: Luật-sự: Nhung, Khen.
    Hầu-Đàn: Thừa-Sử: Hải; Truyền-Trạng: Phước,
    Luật-sự: Khỏe, Ảnh, Hưỡng; Khoe.
    Cô Thư-Ký: Ngôn.


    Cao Thượng-Phẩm

    Bần-Đạo chào các em nam nữ.
    Hôm nay Bần-Đạo giải tiếp về Đệ-Nhị xác thân.
    Đệ-Nhị xác thân mà chúng ta thường gọi cái vía, tức là bãn-năng của chúng ta đó. Bãn-năng ấy là Chơn-Thần, mà chủ của nó tức nhiên là Phật-Mẫu.
    Chơn-Thần là một thể vô hình bất tiêu, bất diệt, luôn luôn tiến-hóa hay ngưng trệ, do mỗi lần tái kiếp được dày công hay đắc tội. Nói cho rõ hơn nữa, thì nó là lục-dục thất-tình đó. Vậy khi lục-dục thất-tình được điều-độ, là nhờ Đệ-Tam xác thân điều khiển nổi, bằng không, thì nó vì Đệ-Nhứt xác thân, tức là hình vật sai biểu theo bãn-chất của nó.
    Vậy Đệ-Nhị xác thân là hình bóng đi lập công, bồi đức. Thoảng như nó trọn nghe lời của Đệ-Tam xác thân thì được trọn lành mà về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, mà chúng ta gọi là đắc-quả. Còn nương theo thú chất hình vật là Đệ-Nhứt xác thân, là phải luân-hồi chuyển kiếp mãi mãi, chúng ta thường nói là bị đọa đó.
    Mỗi khi bị đọa thì tùy theo sở năng của kiếp vừa qua mà biến hình; hoặc giả lơ lững ở chốn không trung, nơi mà các điễn giao hợp, chờ cho đến đúng thời hay đúng hạn, để mà thăng lên hay giáng xuống. Vì thế người trần hay gặp nó hiện hình mà cho rằng ma hay quỉ. Những Chơn-Linh ấy hoặc do phạm thệ, hay trốn thệ mà phải bị như vậy. Đến lúc bị các điễn nổ tan mà biến mất, theo Tam-Kỳ Phổ-Độ gọi là bị Ngũ-Lôi tru diệt đó. Những Chơn-Linh đó nếu nhẹ tội thì được nhẹ-nhàng hơn một chút, nên khi các điển phối hợp thì bay lên cao một chút, đặng khỏi tan, nhưng cứ vơ-vẫn mãi ở đó đặng nhìn lại cuộc thế chuyển xây, mà chúng ta gọi là tận đọa tam đồ bất năng thoát tục.
    -Truyền-Trạng Phước bạch: ........................?
    Nó giống với nguyên-căn của nó là khi mà nó biết giữ sự trung-dung điều-hòa của nó- vì người ta, có đủ lục-dục thất-tình mới trọn hiểu biết sự thay đổi của càn-khôn vũ-trụ, mới lập được công-đức- bằng nó quá chìu theo Đệ-Nhứt xác thân, tức là lục-dục thất-tình đã đi quá hạn, làm cho chênh lệch lẽ yêu ái của Phật-Mẫu hằng có, thì nó phải bị chẳng đồng thể.
    -Truyền-Trạng Phước bạch: ........................?
    Khi thoát xác thì chơn-linh nào phạm tội lại càng đau đớn hơn nhiều, vì lằn âm điển của đất luôn luôn lôi kéo.
    -Truyền-Trạng Phước bạch: - Có phải vì loid' actraction không?
    - Phải đó, vì cớ mà bị luân hồi chuyển kiếp đó. Kỳ sau, Bần-Đạo giải tiếp thể thứ ba. Để Bần-Đạo cho một bài thi nói về thể thứ nhứt, và một bài thi nói về thể thứ hai, các em đọc đi đọc lại có ích lắm đó!

          Thi: Bãn-chất vốn sanh bởi địa-hoàn,
          Âm-dương nhờ đó mới thành căn.
          Nhựa nhành do bởi con vi tố,
          Máu huyết nảy sanh vật hữu sanh.
          Nhờ hưởng khí Trời nên được sống,
          Nương theo vị đất đặng hằng sanh.
          Kiếp căn bao thuở đà tiền-định,
          Vi-tố đến hồi trở lại căn.

          Nguyên lai bổn-chất vốn trung bình,
          Lục-dục thất-tình vẫn vẹn thinh.
          Phật-Mẫu ban cho nên đức tính,
          Chí-Tôn trau sửa được thành hình.
          Ruộng cày sáu mẫu (*)lo vun quén,
          Nhà ở bảy căn (*) gắng vẹn gìn.
          Trở lại ngôi xưa nhờ khéo dưỡng,
          Yêu thương Phật-Mẫu tạo nên hình.
    Đó, các em coi thì đủ rõ Đệ-Nhứt xác thân và Đệ-Nhị xác thân là gì rồi. Bần-Đạo thăng.
    ~~~~~~~~~~~~~~
    (*) Lục căn : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý
    Thất tình: hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ



    Đêm 6 tháng 8 năm Canh-Dần ( 19/9/50 ).
    Phò-Loan: Thừa-Sử Hải; Luật-Sự Khỏe.
    Hầu-Đàn: Truyền-Trạng Phước, Luật-Sự Hưỡng, Nên, Du, Ảnh;
    Lễ-Sanh Hương-Nương, và hai vị Nữ-Phái.


    Cao Thượng-Phẩm

    Bần-Đạo chào các em nam, nữ.
    Hôm nay Bần-Đạo xin giải tiếp về Đệ-Tam xác thân.
    Đệ-Tam xác thân là linh-hồn do Đức Chí-Tôn ban cho, để điều khiển Đệ-Nhứt và Đệ-Nhị xác thân, tức nhiên là người cầm cương. Ấy là nền tảng cho sự tiến-hóa của con người, thì lẽ dĩ nhiên nó phải chịu sự thay đổi theo thân sanh của con người, tùy theo sự sáng-suốt của nó. Cũng có khi một Chơn-Linh sáng-suốt mà lại ngự vào một Đệ-Nhứt xác thân xấu xa để giúp cho Đệ-Nhứt xác thân được lập công bồi đức trong một kiếp sanh- nhưng điều đó rất ít. Phần nhiều là một Chơn-Linh sáng suốt đều ngự trong một Đệ-Nhứt xác thân tốt đẹp. Nên về khoa bói toán của Thiên-lý học, người ta có thể đoán được người, khi người ta thấy cái thể bên ngoài của Đệ-Nhứt xác thân ( tướng tại tâm sanh ).
    Trong Tam-Thể xác thân chỉ có Đệ-Tam xác thân là có phận-sự quan trọng hơn cả, vì nó phải chịu trách-nhiệm đối với Chí-Tôn khi trở về ngôi vị của mình.
    Sứ mạng đặc-biệt của Đệ-Tam xác thân là phải chế ngự Đệ-Nhứt và Đệ-Nhị xác thân cho theo luật Thiên-nhiên của Đức Chí-Tôn. Nếu nó chẳng kềm thúc được tánh dục vọng phàm phu của Đệ-Nhứt xác thân thì nó phải bị thiên-khiển và thất phận nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng Sống. Sở hành của Đệ-Tam xác thân rất khó khăn. Vì nếu mang một xác thân xấu xa thì cũng khó lập công. Còn như mang một xác thân tốt đẹp thì cũng rất có hại cho phận sự của nó. Biết bao Chơn-linh xuống phàm để lập công cũng vì lẽ khó khăn ấy mà phải chịu nhiều trở ngại trong phận sự đến đổi phải bị đọa, vì nó không đủ phương thế kềm thúc Đệ-Nhứt xác thân, mà phải bị Đệ-Nhứt lôi cuốn vào đường tội lỗi. Đức Chí-Tôn là chủ của nó, theo lẽ thì phải giữ nó được trong sạch mới phải chớ, tại sao để cho nó bị vật thể hữu-vi nầy lôi kéo vào đường tội lỗi như vậy?
    Một điều thắc-mắc cho toàn-thể nhơn-loại trên mặt địa cầu nầy phải tự hỏi lấy mình. Nhưng nếu chẳng có tâm-linh sáng-suốt thì khó mà tìm hiểu cho đặng lẽ huyền-vi bí-mật ấy.
    Có hỏi tức nhiên Bần-Đạo phải trả lời để các em thấu rõ lẽ huyền-vi mầu nhiệm ấy, để sau nầy đi truyền-giáo cho nhơn-sanh.
    Đã nói rằng Đệ-Tam xác thân là nền tảng cho sự tiến-hóa của nhơn-loại, thì lẽ dĩ nhiên nó phải chịu sự khảo-thí trong trường thi của Đức Chí-Tôn lập nơi mặt thế nầy. Nếu một Chơn-Linh thắng được cái thể thứ nhứt và chế ngự được những dục vọng của nó, thì mới được thăng vị. Còn như thắng thể thứ nhứt không đặng thì phải chịu hình phạt. Đó là luật công-bình của Đức Chí-Tôn, có công thì thưởng, có tội thì trừng.
    Thoảng như, Đức Chí-Tôn không dùng phương-pháp ấy, để lọc lừa các hành động của chơn-linh, thì làm sao mà phân biệt được hàng phẩm cao hay thấp, tùy theo công-nghiệp của Đệ-Tam xác thân cho đặng.
    Thừa-Sử Hải bạch: ....................
    -Khi Đệ-Nhị xác thân bị ngũ-lôi tru-diệt thì Đệ-Tam xác thân phải bị đọa mãi mãi cho đến khi có cuộc ân-xá của Đức Chí-Tôn thì mới được tái kiếp lại mà lập công chuộc tội.
    Còn điều gì các em không hiểu cứ hỏi.
    Thừa-Sử Phước: - Xin giải về loài vật.
    -Đó là ngoài vấn-đề Tam-Thể xác thân của con người, khi khác Bần-Đạo sẽ giảng về loài vật.
    Để kết-luận về Đệ-Tam xác thân của con người, Bần-Đạo nói cho các em hiểu rõ thêm nữa để khỏi phải mờ hồ hay là thắc mắc.
    Đã nói rằng Đệ-Tam xác thân là kẽ cầm cương thì cũng hiểu rõ nó như thế nào rồi, vì sở hành và bản năng của nó giống như người cầm cương . Nếu nó sáng suốt mà chế ngự được Đệ-Nhứt xác thân theo luật thiên-nhiên của Đức Chí-Tôn, thì nó được phần khen thưởng của Đức Chí-Tôn, như kẽ cầm cương biết cẩn thận trong phận sự của chủ nảy giao điều khiển con vật, và cái xe thì được chủ hậu đãi. Còn nếu Đệ-Tam xác thân chẳng thắng đặng Đệ-Nhứt xác thân, mà còn bị lôi cuốn vào đường tội lỗi nữa, thì phải bị sa đọa cũng như kẽ cầm cương không biết cẩn-thận để điều khiển con vật, hầu làm lợi ích cho chủ, thì phải bị rầy và quỡ phạt, có khi bị chủ đuổi đi là khác.
    Đó, các em hiểu chưa?
    Bạch, đã hiểu rồi.
    Bần-Đạo khen đó chút.
    Thăng.

    Đêm 16 tháng 9 Canh-Dần.
    Phò-Loan: Thừa-Sử Hải, Luật-Sự Nhung.
    Hầu-Đàn: Thừa-Sử Hợi, Luật-Sự Khỏe, Khen, Hưỡng;
    Giáo-Hữu Thượng Giác Thanh.


    Cao Thượng-Phẩm

    Bần-Đạo chào mấy em.
    Hôm nay Bần-Đạo dạy cho mấy em hiểu rõ nguyên căn biến chuyển tuần-huờn của vạn- vật.
    Vạn vật trong vũ-trụ không vật nào hơn hay kém. Trước sau đều đồng một thể là Chơn- Linh lập đời, định thể đặng các phẩm Tiên Phật có nơi học hỏi, và thi dụng tài năng hầu tô điểm thêm phẫm giá Thiêng-Liêng vị. Do lẽ đó, các phẩm chưa đủ sức lo tròn địa-vị phải luân-hồi chuyển kiếp mà bồi-bỗ thêm. Lúc khai Thiên lập Địa thì các đẵng Chơn-Hồn ấy phải đi từ vật-chất lên thảo-mộc, thú cầm, rồi mới chuyển kiếp làm người được. Tính ra, mỗi phẩm đi từ đầu chí cuối mà không bị lầm lạc, thì phải đủ chín chục ngàn kiếp ( 90.000 ) mới trở về Thiêng-Liêng vị được. Vì cớ mà các đẵng Chơn-hồn lúc bị lầm lạc, sa đọa, phải luân-hồi chuyển kiếp mãi mãi, chưa về đặng nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng Sống.
    Các Chơn-hồn ấy, lúc mới là hóa-nhân, thì còn bãn-chất thật-thà, vì chưa bị sự cám dỗ của vật-chất cho mấy. Sự cám dỗ ấy lại cũng do các Chơn-hồn còn nhỏ phẩm kiếp, muốn cho các Đấng trên mình đồng về một lượt, mới bày cơ thử thách. Lần lần, các Chơn-hồn nhiểm vật-chất, rồi do vật-chất ấy, mà tạo thành hình thể hữu-vi đặng phô bày cho hết lẽ huyền-vi ra thiệt tướng. Vì vậy, chúng ta thấy sự biến chuyển của Tạo-Đoan càng ngày càng tăng tiến là lẽ đó.
    Khi loài người đã lột hết lẽ huyền-vi cho nhau đặng hiểu rồi thì cơ bí-mật chẳng còn nữa. Do đó mà sự qui cổ phải trở lại đạng cho các nguyên-nhân thấy rõ mọi đường học hỏi về sự biến chuyển là lẽ nào. Ngày nay các nguyên-nhân xuống thế mà hiện còn ở tại thế , đã chuyển kiếp mấy lần chín chục ngàn kiếp rồi. Bởi thế mà Chí-Tôn xây cơ chuyển thế cho các nguyên-nhân thấy rõ sự huyền-vi bất khả xâm phạm của Thiên-Điều , là dầu cho tay phàm kiếm đặng sự bí-mật của Tạo-Hoá mà họ có thể kiếm đặng sự sanh của Đức Chí-Tôn hằng dễ hay chăng?
    Ngày nay các nguyên-nhân đã thấy rõ sự tiến-hóa của họ về vật-chất là mầm tiêu-diệt, nên tự họ phải nhường bước trước hình phạt Thiêng-Liêng. Họ đã hiểu đặng huyền-vi bí-mật của vũ-trụ mà họ không hiểu lẽ sanh tồn do đâu mà có. Vì vậy mà lần hồi, họ chỉ nhờ học hỏi nơi đạo-đức mới hiểu lẽ ấy do đâu. Lần nầy, vì các Chơn-Linh xuống phàm quá lâu nên Đức Chí-Tôn muốn đem về hết một lượt, rồi cho trở xuống học lại lớp khác. Bỡi cớ, Tam-Ngươn tận mãn, thì nhứt ngươn kế tiếp là vậy.
    Còn quỷ-nhơn là những Chơn-hồn của Quỷ-Vương nơi Tam-Thập Lục-Động cho xuống đặng cho làm các bài vở cho các nguyên-nhân học hỏi. Vì cớ, cho nên các nguyên-nhân mà tội lỗi cũng phải đến cõi Phong-đô chịu sự giáo-hóa mà định trí, định thần, rồi chuyển kiếp nữa, chớ chẳng hề vì Quỷ-vương mà tiêu-diệt cho đặng.
    Mấy em đã rõ chưa. Để bữa khác, Bấn-Đạo dạy thêm nữa, bữa nay chừng đó cũng vừa đủ. Mấy em ráng học nghe! Bần-Đạo chào mấy em.
    Thăng.

    Đêm 23 tháng 9 Canh-Dần.
    Loài-vật.

    Cao Thượng-Phẩm

    Bần-Đạo chào các em.
    Đã hèn lâu, Bần-Đạo hứa với các em để giải về loài vật. Hôm trước, Bần-Đạo đã giải về Tam-Thể xác thân của con người cho các em hiểu rồi, nay Bần-Đạo giải luôn về loài vật cho các em hiểu rõ.
    Về sự tiến-hoá của Bát-Hồn, loài vật đứng vào phẩm thứ ba. Nó cũng biết cảm-xúc như loài người vậy, nó cũng biết thương, biết ghét; nhưng nó không được khôn ngoan như loài người.
    Loài vật chia làm hai loại: Loại Thượng-cầm, và loại hạ-thú.
    -Loại Thượng-cầm có tính chất giống như loài người, là có thứ chim biết nói, nó nhớ cũng như loài người. Ngày xưa, người ta dùng chim để đi thơ từ chỗ nầy sang chỗ khác.
    -Còn loại hạ-thú, có thú khôn ngoan như loài người, nó cũng biết nghe, và biết vâng lời sai biểu của loài người, lại cũng có thứ giống về bãn-chất loài người như con khỉ chẳng hạn.
    Về loài vật dầu cho Thượng-cầm hay Hạ-thú đều có thọ một điểm linh-quang của Đức Chí Tôn ban cho cũng như loài người vậy.
    Từ loài vật nó cũng thay đổi nhiều kiếp mới tiến hoá lên loài người được, và chính nó cũng do sự tiến-hoá mà biến hình. Cũng có nhiều khi loài người làm nên tội ác trong kiếp sanh, mà phải bị luật thiên-khiển trừng phạt, rồi cho đầu thai trở lại làm loài vật. Cái Bí-Pháp của các nền Đạo-Giáo đã khai mở từ xưa, cũng như Giáo-Lý của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đều dạy cho Môn-đồ về sự tiến-hoá của Bát-Hồn, và về sự luân-hồi chuyển kiếp, hoặc về sự bị giáng cấp của Bát-Hồn và do Luật Thiên-Điều phân định chí công.
    Vậy một khi bàn đến loài vật, thì người có Đạo ai cũng nhìn rằng là bậc thứ ba của Bát- Hồn. Nó cũng có thể tiến-hoá lên phẩm người, và cũng có thể biến trở lại thảo mộc, tùy theo sở hành gián-tiếp của nó, nên có thể được hai bãn-chất của loài người và của thảo-mộc.
    Thăng.


    Đêm 11 tháng giêng Tân-Mão.
    Phò-Loan: Luật-Sự Nhung, Khen.
    Hầu-Đàn: Chư vị Luật-Sự.

    Cao Thượng-Phẩm

    Bần-Đạo chào các em nam, nữ.
    Hôm nay Bần-Đạo dạy về sự phân biệt hữu-hình và vô-vi.
    Trong vũ-trụ, vạn-vật thảy đều là hữu-hình, nhưng trong cái hữu-hình lại là vô-vi biến tướng. Một hình thể lại là một sự cấu-tạo của những tế-bào. Những tế-bào ấy lại kết tụ bởi khí ngũ-hành, khí ngũ-hành biến chuyển bởi âm-dương; âm-dương ấy lại điều-động được là nhờ khí Hư-vô vận chuyển. Vì cớ, trong mỗi xác thân dù vật-chất, thảo-mộc, thú-cầm hay loài người, thảy đều do sự biến chuyển của khí Hư-vô.
    Vậy thì mỗi hình vật hữu-vi, đã phải chịu nơi quyền năng vô biên của khí Thái-Cực mà được trở nên hình tướng. Những tế-bào là những hột điển-quang của âm-dương chi khí. Trong mỗi tế-bào đều có hột điển âm và hột điển dương vận chuyển. Do sự khác nhau chỗ hột điển âm nhiều hay ít mà sự sáng-suốt của khối linh-quang được tỏ rõ cùng không. Hễ âm nhiều thì phải nặng trịu. Còn về mặt vô-hình, thì chỉ là Lưỡng-Nghi biến hoá mà thôi, vì cớ nên không phải là hình tướng hữu-vi của vũ-trụ được.
    Vậy thì, vô-vi là cơ biến-hoá, còn hữu-hình thì lại là sự biến chuyển. Hai đàng là hình với bóng, hễ hình đã mất tức là các tế-bào đã tan rã, thì khí Lưỡng-Nghi trở lại cõi Hư-vô, đó là thăng về Thượng-giới. Còn như những kẽ bị tội phải trầm luân khổ hải, hay là phải chuyễn kiếp tái sanh là do những tế-bào khi tan ra lại lẫn-lộn điển âm cùng với điển dương, nên chẳng thể rời nhau được, khiến cho khí Lưỡng-Nghi ở trong thể xác không hiệp được với khí Lưỡng-Nghi của khí Hư-vô. Vì vậy mà phải luân-hồi mãi mãi cho tới ngày tế-bào đã phân rõ âm dương mới thôi.
    Vậy thì, ở trong sự hữu-hình lại có vô-vi ẫn chuyển; còn vô-hình lại là khí điển-quang mà thôi. Các em đã rõ chưa?
    Thôi Bần-Đạo kiếu.


    Đêm 23 tháng 11 Tân-Mão ( 21/ 12/ 51 ).
    Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
    Hầu-bút: Luật-Sự Hưỡng.


    Cao Thượng-Phẩm

    Bần-Đạo chào mấy em.
    Bần-Dạo thấy mấy em có điều thắc mắc, Bần-Đạo cũng cần giải rõ cho các em được hiểu.
    Mấy em đã hiểu rõ thế nào là nguyên-nhân, hoá-nhân, và quĩ-nhân rồi đó chớ. Vậy nói thử cho Bần-Đạo nghe.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Thưa Đức Ngài, nguyên-nhân là những người tạo được phẩm-vị nhiều kiếp.
    - Không phải.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Là Nguyên-Linh Đức Chí-Tôn cho xuống trần.
    - Mà xuống trần để làm gì?
    Thừa-Sử Phước bạch: - Để dìu-dắt hoá-nhân đi lên đường tiến-hoá.
    -Cũng chưa đúng. Để học hỏi về cơ tấn-hóa. Cũng có phần nguyên-nhân đến đặng mở cơ giáo-hoá; song không ở trong số một trăm ức của Chí-Tôn đã cho xuống thế từ buổi thượng-ngươn. Còn hoá-nhân là gì?
    Thừa-Sử Phước bạch: - Cầm-thú tấn-hoá lên loài người.
    - Phải vậy. Nhưng họ đi từ vật-chất lần đến loài người, và đoạt được phẩm-vị Thần, Thánh, Tiên, Phật do nơi công-quả tạo nên. Còn Quỷ-nhân là gì?
    Thừa-Sử Phước bạch: - Thuộc hàng hóa-nhân và nguyên-nhân phạm tội.
    _ Chỉ có hoá-nhân phạm tội tình mà trở nên quỷ-nhân.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Và còn nguyên-nhân phạm tội?
    - Nguyên-nhân do một Chơn-linh của Chí-Tôn chiết ra, nếu họ phạm tội thì Chơn-linh ấy trở về , và Chơn-thần phải tái kiếp đặng đền bù tội lỗi. Chừng tội lỗi đền xong, thì Chơn- linh sẽ trở lại, mà dìu-dẫn Chơn-thần thêm nữa, trên đường tấn-hoá của họ.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Khi hoá-nhân và nguyên-nhân đồng phạm tội?
    Nguyên-nhân thì Chơn-thần của họ được tạo ra ngay từ kiếp người. Còn hoá-nhân là khi phân Lưỡng- Nghi biến thành Bát-Quái mà tạo ra vật-chất , thì họ chỉ là vật-chất biến thể, lần đến loài người, nên Chơn-thần của họ vẫn còn là thể-chất, bỡi cớ mới tùng theo quỷ-vị.
    Nguyên-nhân có cựu vị, nếu trong trường thi tấn-hóa mà họ đoạt được thì phẩm-vị ấy sẽ được cao thăng. Còn như Chơn-thần quá ư mê muội thì cựu-vị của họ phải để trống. Còn như hoá-nhân thì khi họ tạo được phẩm-vị, rồi họ mới được hưỡng hồng ân của Chí-Tôn ban cho điểm linh-quang. Nguyên-nhân và hoá-nhân khác nhau ở chỗ đó.
    Chừng hóa-nhân lập được vị rồi lại còn muốn lập vị thêm nữa, thì lúc xuống thế đặng lập công thêm nữa, cũng được gọi là nguyên-nhân.
    Nguyên-nhân thì có Chơn-linh chế ngự, còn hóa-nhân khi tạo được vị, mới được ban bố hồng ân hưởng được Linh-quang. Còn như khi chưa tạo được vị, họ chỉ có giác-hồn chế ngự họ thôi.
    Mấy em đã hiểu rõ nguyên-nhân và hóa-nhân thế nào chưa?
    Thừa-Sử Phước bạch: - Dạ hiểu, nhưng hóa-nhân chưa có Chơn-linh thì họ là thú?
    - Chơn-thần của Phật-Mẫu ban cho họ, sao lại gọi là thú? Thú tức là thể-chất chứ?
    Thừa-Sử Phước bạch: - Dạ thú cũng có Chơn-thần?
    -Nhưng nó chưa được có giác-hồn như người, tức là nó chưa có lương-năng.
    Luật-Sự Hưỡng bạch: - Dạ xin cho biết về lương-tri và lương-năng là thế nào?
    - Lương-tri là trí biết tự nhiên do nơi não cân mà có. Còn lương-năng là năng lực do trí biết ấy nẩy-nỡ.
    Đêm nay cũng đã nhiều, bữa khác Bần-Đạo giảng dạy thêm. Bần-Đạo kiếu.

    TAM THỂ ” XÁC THÂN (Đợt thứ hai) ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

    Tái-Cầu:

    Bát-Nương

    Chị chào mấy em.
    Muốn học hỏi phải ra công, dày sức thì mới mong thâu được kết-quả, mấy em cũng vậy.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Dạ mấy em cố-gắng, nhưng còn tối-tăm quá.
    - Cười... Vậy chớ ngọn đèn khêu chưa sạch bất, chùi chưa sạch bóng, hỏi tõ rạng sao được. Hãy lau bộ não đi.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Chừng nào bỏ xác phàm mới hoàn-toàn sáng-suốt được.
    - Lẽ dĩ-nhiên; nhưng sự học hỏi trong khi còn mang xác phàm thì cơ tấn-hóa mới có giá-trị.
    Khi học Đạo, muốn học điều gì phải coi đi coi lại, rồi suy gẫm cho rõ lý. Chừng hiểu được tường tận rồi mới học qua điều khác, chớ muốn học cho biết luôn một lượt, thì đến tận-thế đó mấy em.
    Lau bộ óc là đừng cho sự hám biết, và khí giận xen vào. Phải hòa-hưỡn, thư thái và trì chí suy gẫm thì sẽ được kết-quả. Chị khuyên mấy em ráng xem sách và tra cứu đặng tầm lý thì đến khi học Đạo rất dễ chớ chẳng chi. Đạo-pháp là khoa huyền-bí vô-vi, mấy em phải dày công mới được.
    Bây giờ chị cho thi, rồi ngâm cho chị nghe.

          Thi: Đông về bấc đến tận hiên mai,
          Gõ cửa kêu ai dạ luống hoài.
          Gió lạnh cành mai xơ-xác lá,
          Sương mù bóng hạc chập-chờn cây.
          Ngân-Kiều ngắm laị xa xôi khách,
          Kim-Khuyết nhìn ra vắng vẻ bầy.
          Mở trí đón đường phong tuyết phũ,
          Đông về bấc đến tận hiên mai.
    Chị lui nghe mấy em.
    Thăng.



    Đêm mồng 4 tháng 12 Tân-Mão.
    Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
    Hầu-Đàn: Luật-Sự Hợi, Hưỡng, Tỷ, Du;
    Giáo-Hữu: Thượng Tý Thanh.


    Cao Thượng-Phẩm

    Bần-Đạo chào mấy em.
    Mấy em đã được học hỏi nhiều trên đường Bí-Pháp, nhưng bỡi từ trước vì Thần chưa định, điển chưa thuần, nên những bài học-tập có phần không rõ rệt, hay là có chỗ khuyết điểm. Vậy từ đây Bần-Đạo khởi dạy lại cho thêm rõ và bồi-bỗ thêm.
    Nói về Đệ-Nhứt xác thân, hay là thể xác, thì sự cấu-hợp của nó do những tế-bào, trong đó có điển-tử dương và điển-tử âm mà tạo thành. Mỗi thể xác đều do những tế-bào, mà trong nguyên-tử tinh trùng cấu-tạo bỡi những hột nguyên-tử; trong đó, có một điển-tử dương và chín điển-tử âm, thể xác nào cũng vậy, có khác nhau là do nơi Đệ-Nhị xác thân mà thôi. Thể xác ấy là nguyên-tinh của thảo-mộc và vật-chất tạo nên. Bỡi cớ, khi thể xác đã trở về đất thì trở nên đất.
    Nói về Đệ-Nhị xác thân, Chơn-khí là sự tiết khí của Chơn-tinh hoặc trong sạch, hoặc ô- trược mà đổi nên hình sắc. Như Chơn-khí toàn trong trắng, chí Thánh, thì nó là một hào- quang sáng chói, còn chưa được Thánh chất thì nó là màu hồng; còn như ô-trược, thì nó lại là màu tím. Những hào-quang ấy bao phủ lấy thể xác đặng tiếp-điển cùng Chơn-linh hay Chơn-thần.
    Thoảng như Chơn-khí bị lay động, thì nó hoàn-toàn vẫn là thể-chất hay là vật-chất khí. Do đó, mà những người chưa được tinh sạch, hay định tĩnh vẫn bị thể-chất lôi cuốn và không thể đi cao hay tầm hiểu cao hơn được, nó cấu-tạo bỡi hơi của Chơn-tinh bốc ra.
    Chơn-thần hiệp với Chơn-khí gọi là Đệ-Nhị xác thân. Chơn-thần ấy gọi là điểm-linh của Phật-Mẫu ban cho, nên nó thuộc về âm, gọi là âm-khí, hay âm-quang.
    Còn Đệ-Tam xác thân, là điểm Chơn-linh, tức là dương-khí hay là dương-quang, do nơi ngôi Thái-Cực, tức là Chí-Tôn chiếu xuống. Âm-khí tiếp dương-khí mới làm cho Chơn-khí được nhẹ-nhàng tinh-khiết; ví như hơi nước được nấu lại một lần nữa mà biến thành không khí. Khi Chơn-khí được tinh ba thì điển của dương-khí mới rọi thẳng được đến Nê- huờn-cung, mà làm cho người trở nên sáng-suốt, minh-mẫn.
    Về Tam-Thể xác thân cấu tạo bởi nguyên-lý ấy, mấy em coi lại mấy bài trước thì thêm rõ. Nói cho thật hữu-vi thêm nữa, thì Thái-Cực là một khí Chơn-Dương; do đó, mà chỉ có thanh khí mới có thể tiếp được Linh-quang chiếu rọi.
    Mấy em hãy ráng học tập, một ngày kia hữu-dụng, và sẽ biết về mặt Bí-Pháp Tâm- Truyền. Đây chỉ là Bí-Pháp Khẩu-Tụng mà thôi.
    (1) Thêm vào:
    - Điển-tử cấu-hợp thể xác của người do một điển-tử dương và chín điển-tử âm;
    - Còn Chơn-khí thì một dương ba âm;
    - Chơn-linh thì một dương một âm.
    - Còn Ngôi Thái-Cực chỉ có một dương mà thôi.
    Bần-Đạo kiếu.
    Thăng.

    Đêm 9 tháng 12 Tân-Mão ( D.L. 6/1/1952 ).
    Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
    Hầu-Đàn: Luật-Sự Hưỡng, Hợi.


    Cao Thượng-Phẩm

    Bần-Đạo chào các em.
    Về Tam-Thể xác thân, Bần-Đạo tiếp dạy cho mấy em được thêm phần hiểu biết cho rõ- ràng. Đêm nay, Bần-Đạo giải về Đệ-Nhứt xác thân. Hôm trước, Bần-Đạo đã chỉ rõ Tam- Thể xác thân là gì, bây giờ trở lại phân-tách rõ-ràng từ xác thân một.
    Đệ-Nhứt xác thân là sự cấu hợp bỡi tinh-trùng, mà tinh trùng ấy nãy sanh do nơi vật-chất thảo-mộc và thú-cầm, vì cớ nó thuộc về thể-chất tức là vật chất hình, tiếng Pháp gọi là Matière ou Corps Matériel. Hình thể hữu-vi của thể-xác là một cái máy của Tạo-Hoá đã làm ra bằng các nguyên-liệu do nơi vật-chất chiết thành vi-tố, đặng xử-dụng cơ lập thể. Những tinh-trùng cấu tạo nên một thể xác, là do khí bẩm của lẽ âm-dương phàm thể; bỡi có xác thân trong sạch, mà cũng có xác thân ô trược. Thể xác tạo thành bỡi vật-chất, nên nó là vật-chất biến-hình đó thôi.
    Vậy thì, Đệ-Nhứt xác thân là một cái máy để cho cơ Tạo-Hóa xử-dụng, mấy em đã hiểu rõ về Đệ-Nhứt xác thân chưa? Có em nào chưa hiểu cứ hỏi.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Xin Đức Ngài giải rõ cho biết sự nuôi sống của tế-bào?
    - Xác thân ấy được sống là nhờ các tế-bào còn liên-kết, sự liên-kết ấy có được là nhờ khí âm dương được lưu thông trong lục-phủ ngũ-tạng. Một khi trong lục-phủ ngũ-tạng bị bế tắc thì lẽ tự nhiên khí âm dương bị ngưng trệ, làm cho mạch máu ngừng lại, và liền lúc đó, các tinh trùng tiết ra một khí cực âm, nên các tế-bào không còn liên-đới mà chỉ đóng riêng từ tế-bào một mà thôi. Bỡi những cớ ấy, mà Đệ-nhứt xác thân không còn cử động được nữa, và trở nên lạnh cứng.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Dạ, đó là nói về khí âm dương làm cho các tế-bào kết-hợp, tức sự sống cho Đệ-nhứt xác thân, nhưng còn sự nuôi sống Đệ-nhứt xác thân bằng thực-phẩm, xin Đức Ngài giải cho.
    - Về thức ăn để nuôi sống vật thể thì chỉ có các vi-tố mà thôi, khi đồ ăn vào tỳ vị rồi tự nhiên biến-hóa thành một chất hồ, do sự làm cho tiêu-hóa của chất nước cường toan, khi chất hồ ấy đi qua ruột non, thì những vi-tố cần dùng nuôi thể xác lượt qua màng mỏng của ruột non mà biến thành máu. Khi máu ấy về tim, hấp thụ được khí âm dương của vũ- trụ do phổi đem vào, thì nó chia vi-tố ra làm bốn phần:
    - Một phần để làm cho xương được nở-nang.
    - Một phần làm cho da thịt được đầy-đũ.
    - Một phần làm cho ngũ-tạng được điều-hòa.
    - Một phần làm cho gân được dẽo-dai.
    Còn như tóc và lông là hơi bài tiết của chất thịt tạo thành. Trong cả thể-chất lượt lại thành một chất tinh ba gọi là tủy; do nơi tủy ấy biến thành tinh, do nơi tinh biến thành sự minh- mẫn của thị-giác và trí-não.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Như vậy tế-bào không cần đến thực-phẩm?
    - Phải vậy, các tế-bào có lẽ sống riêng biệt của nó chớ không cần đến vi-tố.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Nếu vậy một đứa trẻ sơ-sinh rồi trưởng thành, số tế-bào gia tăng do đâu mà có?
    - Những tế-bào được tăng gia ấy là những tế-bào ở trong bốn thứ vi-tố đã phân ra đó, nó có tự nhiên chớ không phải nhờ vi-tố mới có nó nó.
    Luật-Sự Hưỡng bạch: - Thưa, vi-tố có phải tiếng Pháp gọi Vitamine không?
    -Phải.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Xin Ngài giải rõ về sự ảnh-hưởng tốt xấu của sự ăn chay, và ăn thịt đối với Đệ-nhứt xác thân.
    - Nói về ảnh-hưởng tốt xấu của sự ăn chay, và nhục thực, thì các tế-bào không phương di hại chi cả. Chỉ có hại cho lục-phủ ngũ-tạng mà thôi, bỡi nhục thực thì phần nhiều trong các con vật hay có vi-trùng, nên ăn thịt thì những vi-trùng trộn theo vi-tố mà phá hoại; lại nữa, thịt là chất sanh hơi độc, vì vậy làm cho thân thể hoá ra mệt nhọc, biếng nhác. Đó là cái hại cho thể xác. Còn cái hại cho tinh-thần thì trong thịt đã chứa sẵn các thú chất, do đó, làm cho tinh-thần thường bị mê muội, nhứt là có hại cho đệ lục giác-quan là Thần. Còn ăn chay thì khỏi bị vi-trùng phá hoại, và không bị hơi độc làm cho mệt nhọc.
    Thừa-Sử Phước bạch: - Nếu nói ăn thịt có vi-trùng làm hại tạng phủ, thì nấu cho chín, tức vi-trùng phải chết rồi còn đâu mà phá hại?
    - Cười . . . Nếu nói rằng nó bị chết thì đúng có phân nữa, bỡi vì vi-trùng cũng kết cấu bằng tế-bào thì không bao giờ chết. Bỡi vậy, thực nhục mà nấu kỹ, nếu trong người khỏe mạnh thì những tế-bào vi-trùng vẫn nằm yên, khi nào mà thể xác bị yếu, thì nó lại kết cấu mà làm hại cơ thể.
    Đệ-nhứt xác thân như vậy là đủ rồi.
    Bần-Đạo kiếu.
    Thăng.

    Bài học bổ-túc.

    Rút trong Thánh-Ngôn Hiệp-Tuyển quyển 1 , Đức Chí-Tôn có dạy về Đệ-nhứt xác thân:
    " Phàm xác thân con người, tuy mắt phàm coi thân hình như một, chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn một khối chất chứa vàn-vàn, muôn muôn sanh vật. Những sanh vật ấy cấu-kết nhau mà thành khối ( La Formation des cellules ), vật-chất ấy có tánh linh, vì chất nuôi sống nó cũng đều là sanh vật, tỷ như rau , cỏ, cây, trái, lúa, gạo... mọi lương vật đều cũng có chất sanh.
    Nếu nó không có chất sanh, thì thế nào tươi tắn và chứa sự sống, như nó khô rũ thì là nó chết, mà các con nào ăn vật khô héo bao giờ. Còn như nhờ lửa mà nấu thì là phương-pháp tẩy trược đó mà thôi, chớ sanh vật bị nấu chưa hề phải chết.
    Các vật thực vào tỳ vị, lại biến ra khí, khí mới biến ra huyết. Nó có thể hườn ra nhơn hình, mới có sanh sanh, tử tử của kiếp nhơn-loại. Vì vậy, mà một giọt máu là một khối Chơn-linh. "

    Bần-Đạo chào các em.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More