Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Tóm Lược Tiểu Sử Đức Hộ Pháp


            Thời kỳ niên thiếu.
    Đức Phạm Hộ Pháp thế danh Phạm Công Tắc, hiệu Ái Dân. Sanh ngày mùng 5 tháng 5 năm Canh Dần ( 21-6-1890 ) tại làng Bình Lập ( Tân An ). Quê quán Đức Ngài tại làng An Hòa, quận Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh. Thân Phụ Đức Ngài là ông Phạm Công Thiện, thân mẫu là bà La Thị Đường.
    Năm17 tuổi, Đức Ngài học trường Chasseloup- Laubat Saigon, Đức Hộ Pháp đã lớn lên trong hòan cảnh lịch sử của một dân tộc bị trị, đầy rẫy bất công. Khi lớn lên, phong trào chống Pháp nổi dậy khắp nơi, đã có sẵn ý thức về nỗi thống khổ của một dân tộc vong quốc, Đức Ngài tham gia vào phong trào Đông Du năm 1906 lúc 17 tuổi, cùng với các nhà cách mạng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Khắc Ninh… họat động bí mật đưa người sang Nhật. Sau khi đưa một số người sang Nhật, có lẽ Thượng Đế đã an bài nên chuyến tàu đưa Đức Ngài sang Nhật bị chận lại, Đức Ngài phải tạm trở về quê ẩn dật.
    Nằm dưới hiên nhà, ngắm trăng đầu xuân Đinh Mùi ( 1907 ) hận vong quốc ngổn ngang trong lòng, Đức Ngài ngâm bài Vấn Nguyệt, ý thơ nhẹ nhàng, lời thơ truyền cảm, đưa Đức Ngài vào cõi mộng. Không nắng nhưng ánh sáng vẫn trong, ấm dịu chan hòa khắp nơi đầy huyễn ảo : Một cụ già tiên phong đạo cốt, râu tóc bạc phơ, nét mặt nghiêm trang nhưng hiền hòa, phong thái uy nghi tiếp Đức Ngài trong đền ngọc bích nguy nga, cụ dạy Đức Ngài nhiều điều cao siêu huyền bí ở thượng giới, phân tích cho Đức Ngài rõ về phương thức tu, tỏ ý đặt nhiều hy vọng vào Đức Ngài trên đường Đạo. Đây là lần đầu Đức Ngài triều kiến Chí Tôn.

             Ngộ Đạo.
    Năm 1920-1924, phong trào Thần Linh Học ở Âu Châu tràn sang Việt Nam, trong thời gian nầy Đức Ngài cùng với các ông Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang.. đêm đêm xây bàn cầu cơ thỉnh các vong linh về họa thi và học hỏi nơi cõi vô hình.
    Đêm 15 tháng 7 năm Ất Sửu ( 1925 ) trong số các chơn linh giáng hạ, có một vị không xưng danh mà chỉ xưng là A Ă Â. Mãi đến Noel 1925, ông AĂÂ mới cho biết Ngài là Đức Chí Tôn tức Ngọc Hoàng Thượng Đế , chúa cả vạn loài. Ngài giáng trần lập Đạo… Từ đó Đức Chí Tôn thường giáng dạy Đức Ngài về Đạo lý, cùng các cơ mầu nhiệm ở cõi thiêng liêng.

    * Đêm mùng 8 tháng 8 năm Ất Sửu ( 24-9-1925 ) Đấng AĂÂ bảo ba Ngài : 15 tháng 8 năm Ất Sửu ( 1-10-1925 ) thiết tiệc chay thỉnh Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên Nương dự, tiệc ấy gọi là Hội Yến Diêu Trì.

    * Ngày mùng 1 tháng 11 năm Ất Sửu ( !6-12-1925 ) ba ông lập bàn, quì giữa Trời Vọng Thiên Cầu Đạo y như lời Cửu Thiên Nương Nương giáng dạy.

    * Ngày 01 tháng 09 năm Bính Dần ( 07-10-1926 ) Đức Ngài cùng các vị tiền bối khác gồm 247 vị đứng đơn xin Khai Đạo. Đạo Cao Đài được chánh thức thành lập và cũng từ ngày đó Đức Ngài xin thôi việc để trọn phế đời hành đạo.

    * 11 giờ 30 đêm 14 rạng 15 tháng 3 năm Bính Dần  (đêm25 rạng 26- 4- 1926 ) Đức Ngài được Đức Chí Tôn trục hồn khỏi xác để chơn linh Hộ Pháp ngự vào. Trong Đạo Cao Đài chỉ có Đức Ngài là môn đệ duy nhứt được hưởng đặc ân nầy. Sứ mạng thiêng liêng của Đức Hộ Pháp được mô tả trong mấy câu kinh :

    “ Giáng linh Hộ Pháp Di Đà,
    Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.
    Thâu các Đạo hữu hình làm một,
    Trường thi Tiên Phật dượt kiếp khiên.
    Tạo đời cải dữ ra hiền,
    Bảo sanh nằm giữ diệu huyền Chí Tôn.”

    * Đêm 18 tháng 10 năm Mậu Thìn ( 1928 ) Bát Nương giáng cơ tiết lộ :
        Năm 1789 sau khi Quang Trung Hoàng Đế đại thắng quân Thanh, triều đình Thanh bên tàu bí mật sai một vị địa lý sang Việt Nam, dùng Long Tuyền Kiếm ếm long mạch, khiến thánh chúa và dũng tướng Việt Nam không xuất hiện được và năm 1917, triều đình Thanh sai thên một vị địa lý khác len lỏi qua Việt Nam kiểm soát lại nơi ếm Long Tuyền Kiếm, rồi dùng linh phù ếm thêm để bảo vệ Long Tuyền Kiếm.
        Thiên Đình đã định, Đức Ngài có nhiệm vụ thu hồi Long Tuyền Kiếm để sau nầy Việt Nam có được thánh chúa và tướng tài.

    * Đêm mùng 28 tháng 2 năm Kỷ Tỵ ( 1929 ) Bát Nương giáng cơ bảo : đã đến thời kỳ Đức Ngài đi thu hồi Long Tuyền Kiếm, và theo sự chỉ dẫn của Bát Nương.
    Đức Ngài và một số tín hữu, từ Khổ Hiền Trang ( lúc Đức Ngài xuống làng Phú Mũ Tỉnh Mỹ Tho truyền Đạo, tạo được nơi đây một Thánh Thất lấy tên là Khổ Hiền Trang ) đi thuyền theo kinh chợ Thầy Yến về hướng Đông Bắc độ 5.000 thước, gặp một láng cát, rời thuyền lên bờ đi bộ, băng qua cánh đồng sình lầy, năng lác, khoảng 700 thước gặp một gò đất độ 700 thước vuông, chạy dài theo chiều đông tây. Từ mực nước ở đầu gò hướng đông, đo vào 70 thước, chọn đúng trung tâm, đào xuống 1m3 tấc, gặp một phiến đá lớn, khiên phiến đá ấy lên, đào thêm xuống 3 tấc gặp một khối đá khác, trên mặt khối đá ấy có một hình nhơn bằng đồng đen, cao 1 tấc 8, một lưỡi dao gảy cán đè lên 6 con cờ tướng bằng ngà gồm : 1 con tướng, 2 con sĩ, 2 con xe, 1 con chốt và 6 đồng tiền kẽm để 6 góc, ứng vào 6 cung : chấn, cấn, tốn, ly, khôn, đoài, còn hai cung càn và khảm để trống. Khiên khối đá ấy lên, ở dưới có cái hộp bọc chì dài 9 tấc, rộng 3 tấc, cao 1 tấc 8, Đức Ngài cho biết bên trong hộp ấy có thanh Long Tuyền Kiếm và đạo linh phù. Vừa lấy hộp đựng Long Tuyền Kiếm khỏi lòng đất thì một mạch nước trắng xóa phun lên, Đức Ngài hành phép giải khai long mạch và chỉ dạy tín hữu đào một con rạch dẫn nước từ long mạch ra sông, để được châu lưu khắp giang san Việt.(Đặc san –HTKD ngày 7-4.CT (11-5-1970) 22-6.CT(24-7-1970)

    * Ngày 17 tháng 10 năm Ất Hợi (12-11-1935 ) Đại Hội Nhơn Sanh và Đại Hội Hội Thánh thỉnh Đức Ngài kiêm nhiệm Chưởng quản Cửu Trùng Đài, thiên trách nầy đã được Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chấp thuận, có cho bài thơ khoán thủ :
    (ĐĐSC – Tg-Trần văn Rạng)

    HỘ   giá Chí Tôn trước đến giờ,
    PHÁP   luân thường chuyển máy thiên cơ.
    CHƯỞNG   quyền cực lạc phân ngôi vị,
    QUẢN   xuất càn khôn định cõi bờ.
    NHỊ   kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
    HỮU   duyên đông á nắm thiên thơ.
    HÌNH   hài thánh thể chừ nên tướng,
    ĐÀI     trọng hồng ân gắng cậy nhờ.

            * Trong TNHT cũng có một bài thi khác :

    Bắt ấn trừ yêu đã tới kỳ,
    Ngọc Hư định sửa mối Thiên thi.
    Cửu Trùng không kế an thiên hạ,
    Phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.
    Hành pháp dìu đời qua nẻo khổ,
    Nên công giúp thế lánh cơn nguy.
    Quyền hành từ đấy về tay nắm,
    Phải sửa cho nên đáng thế thì.

    * Ngày 4 tháng 6 năm Tân Tỵ ( 28-6-1941) Đức Ngài bị Pháp bắt đày đi Madagascar ( Phi Châu ), lúc đó việc tạo tác Tòa Thánh đã trải qua được 5 năm gần hoàn thành, các phần chánh yếu căn bản đã xong, công việc phải đình lại chờ ngày Đức Hộ Pháp trở về.

    * Ngày 4 tháng 8 năm Bính Tuất (30-8- 1946 ) Đức Hộ Pháp được trở về Tòa Thánh sau 5 năm 2 tháng 3 ngày nơi hoang đảo. Ngay sau đó Đức Ngài huy động số công thợ công quả trở lại để tiếp tục phần đắp vẽ, trang trí gắp rút trong vòng 4 tháng và Tòa Thánh được hoàn thành vào ngày 30 tháng 12 năm Bính Tuất ( 21-1-1947 ).

    * Ngày mùng 3 tháng 1 năm Đinh Hợi ( 24-1-1947 ) Ban xây dựng gồm Tổng Giám Lê văn Bàng, các phó tổng giám và tá lý, đại diện các công thợ nam nữ làm Lễ bàn giao Tòa Thánh cho Hội Thánh.

    *  Ngày mùng 6 tháng 1 năm Đinh Hợi ( 27-1-1947 ) Đức Hộ Pháp thiết lễ Trấn Thần Tòa Thánh ( tức là 3 ngày sau khi bàn giao).

    * Ngày mùng 8 tháng 1 năm Đinh Hợi ( 29-1-1947 ) Lễ rước Quả Càn Khôn an vị nơi Tòa Thánh.

    * Ngày mùng 6 tháng 1 năm Ất Mùi ( 29-1-1955 ) Đức Hộ Pháp tổ chức Lễ Khánh Thành Tòa Thánh, nhân dịp lễ vía Chí Tôn một cuộc lễ được tổ chức long trọng kéo dài suốt 10 ngày, nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều tôn giáo và đoàn thể cử phái đoàn ngoại giao đến dự.

    * Báo Ân Từ được khởi công xây dựng ngày 16-1-Nhâm Thìn ( 11-2-1952 )

    * Đức Hộ Pháp trấn thần và an vị cúng Đức Phật Mẫu ngày 4-8- Quí Tỵ ( 11-9-1952 )

    * Khánh thành ngày 6 -1- Ất Mùi, nhân dịp Đại Lễ Khánh Thành Tòa Thánh Tây Ninh.

    *  3 giờ sáng này mùng 5 tháng 1 năm Bính Thân
    ( 16-2-1956) Đức Hộ Pháp cùng vài vị chức sắc tùy tùng sang Cam Bốt, trước phút ly hương Đức Ngài ký gởi nỗi lòng :

    Khuất mắt không nhìn nước rẽ hai,
    Nên cam chịu khổ tự lưu đày.
    Biên thùy binh cách còn đe dọa,
    Quốc nội chủ quyền lắm đổi thay.
    Trị loạn những nhờ người dị chủng,
    An dân lại cậy kẻ tay ngoài.
    Cơ đồ nếu muốn ngày vinh hiển,
    Cứu nước toàn dân phải trổ tài.

    * Triều Thiên.
    Ngày mùng 10 tháng 4 năm Kỷ Hợi ( 17-5-1959 ) lúc 13 giờ 30 phút, Đức Hộ Pháp thoát xác qui Thiên, để lại bao nổi tiếc thương trong lòng người tín đồ Cao Đài trước một bậc vĩ nhân đã hiến trọn đời mình khai sáng và xây dựng nền chơn giáo của Đức Chí Tôn.
    Đức Ngài hưởng thọ được 70 tuổi, Tháp của Đức Ngài được xây dựng tạm nơi phía sau Thánh Thất Nam Vang
    ( Thủ Đô Cao Miên )

    * Đêm mùng 10 tháng 4 năm Kỷ Hợi, lúc 22 giờ 45, Ngài Hồ Bảo Đạo và Sĩ Tải Bùi Quang Cao phò loan, Đức Ngài giáng cơ dặn dò công việc tế lễ và cho bài thài :

    Ba năm xa cách để chờ may,
    Vạn sự do Thiên đã sắp bài.
    Chí muốn cao bay trong một kiếp,
    Giờ đây nhờ cậy các anh tài.
    Đã đành danh phận còn xa thẳm,
    Nhưng đấng mày râu chẳng mảy may.
    Một kiếp vì đời tua gắng trả,
    Cho rồi nợ thế khỏi ai hoài.

    *  Đêm 13 tháng 4 năm Kỷ Hợi, vẫn Hồ Bảo Đạo và Sĩ Tải Cao Phò loan, Đức Ngài giáng cho bài thài khác, dùng hiến lễ Đức Ngài đến mãi sau nầy :

    Trót đã bao năm ở xứ người,
    Đem thân đổi lấy phút vui tươi.
    Ngờ đâu vạn sự do Thiên định,
    Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi.
    Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
    Buồn nhìn cội Đạo luống chơi vơi.
    Rồi đây ai đến cầm chơn pháp,
    Tô điểm non sông Đạo lẫn Đời.

            Thời gian hành đạo của Đức Ngài suốt 34 năm liên tục, trong nội ô Tòa Thánh đâu đâu  cũng thấy được những dấu tích nhắc nhở đến công nghiệp vĩ đại của Đức Ngài. Thể xác Đức Ngài tuy đã khuất nhưng hình ảnh của Đức Ngài vẫn sống mãi trong lòng người tín đồ Cao Đài qua nhiều thế hệ .



    Sơ Lượt Tiểu Sử Đức Hộ Pháp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More