Tại sao thờ Thiên Nhãn ?
Ngày 26-6-Mậu Dần (dl 23-7-1938)
ĐỨC HỘ PHÁP
giảng đạo tại Tòa Thánh
Đề tài : Tại sao thờ Thiên Nhãn ?
Do lời Thánh giáo của Đức Chí Tôn từ buổi mới khai đạo, thờ Thiên Nhãn là chủ nghĩa Nhứt Điểm Linh Quang của Tạo Hóa.
Bởi Thiên Nhãn thuộc chơn thần : Thần cư tại nhãn.
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả Ngã dã.
Tâm thuộc hỏa, hỏa thuộc dương, dương là mặt nhựt, mặt nhựt là thanh khí, thanh khí là Trời.
Có câu : Thanh phù giả vi Thiên.
Con người biết tôn sùng Trời, thì phải biết kính trọng Thần lương tâm. Có câu : Khi kỳ tâm tất tự khi kỳ Thiên. Thiên kỳ bất khả khi hồ ?
Mọi nhà thờ Thiên Nhãn, sùng bái hằng ngày đặng xét mình, coi các điều tội lỗi. Thoảng như trong tâm giục khởi làm việc chi bất bình thì sợ có quyền năng của Trời răn phạt.
Nên thờ Thiên Nhãn là một phương mầu nhiệm cho mọi người biết tùng Thiên lý.
Kỳ Hạ nguơn nầy, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Đạo, không có chơn linh giáng sanh nguyên hình như các vị Giáo Chủ trước nữa.
Nếu sự thờ phượng riêng một vị Giáo Chủ buổi trước thì không đủ thống nhứt đặng tín ngưỡng của nhơn sanh trong toàn cầu thế giới.
Cho nên thờ Thiên Nhãn là cơ quan hiệp cả chơn thần của toàn vạn linh và hiệp Tam bửu : Tinh, Khí, Thần vi nhứt.
Ấy là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.
Từ khi các tôn giáo bị bế, âm thạnh dương suy, nên Thần chẳng hiệp cùng Tinh, Khí được, vì vậy nên người tu hữu công mà không đắc quả.
Nay Đức Chí Tôn khai Đại Đạo, đem chơn thần huờn nguyên cùng Tinh, Khí, là cơ mầu nhiệm cho chúng sanh đắc đạo.
Ai biết noi theo chơn truyền luật pháp, giữ trai kỳ 10 ngày trở lên, đến ngày công viên quả mãn, đặng thọ truyền bửu pháp, chơn thần siêu thăng.
Trong buổi Hạ nguơn chuyển thế, Đức Chí Tôn khai đạo dạy thờ Thiên Nhãn là thờ chơn thần của Chí Linh cho hiệp cùng Vạn Linh, tức là thờ ngôi Thái Cực, là thờ Trời vậy./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét