Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Nhơn lễ kỷ niệm Đức Q. Giáo Tông : Luật Thương yêu.

Nhơn lễ kỷ niệm Đức Q. Giáo Tông : Luật Thương yêu.
Ngày 14-10-Đinh Sửu (dl 16-11-1937)


DIỄN VĂN
của Đức Hộ Pháp
đọc nhơn ngày Lễ kỷ niệm Đức Q. Giáo Tông.

Thưa cùng chư Viên Quan quí chức, quí Ông, quí Bà, chư Chức sắc Thiên phong lưỡng phái, chư Đạo hữu nam nữ.
Thưa, chúng ta đã rủi sanh nơi cõi trần nầy, tỉ chẳng khác chi người khách du lịch. Trước khi để bước ra đi, hằng mong tưởng rằng : cái tánh háo kỳ của ta sẽ đặng thỏa mãn, ngoạn mục đặng một phong cảnh tốt tươi đẹp đẽ, hứng chí thích tình.
Ôi !  Biết đâu chúng ta lại chẳng mong tìm mảy may sự hứng chí thích tình ấy mà phải chịu đòi phen khổ nhọc, lặn suối trèo non, thắng nguy mạo hiểm.
Chí hướng tâm thần của loài người bao giờ cũng đeo đuổi mãi theo con đường hạnh phúc, chẳng phải hạnh phúc nơi xác thịt hình hài, mà ta lại mong tìm cái hạnh phúc tinh thần hơn hết, nên đòi phen ta đày đọa hình hài xông lướt đến nơi luồng đầm hổ huyệt.
Tâm chí của khách du lịch vẫn nhiều hạng tùy theo khí phách của mỗi người.
Có kẻ đã đổ đường lên đèo xuống ải tìm cho ra cảnh an nhàn, khi đến tận nơi gặp phải chốn đìu hiu quạnh quẽ, non nguy nước hiểm, phong cảnh âu sầu thì nhắm mắt dậm chơn, nghiến răng chắc lưỡi mà than thở rằng : Uổng công trình ngàn trùng diệu viễn mà lạc bước đến chốn vô tình. Cái thất vọng ấy cũng  nên cho là quá đáng, nhưng cũng có người đặng thiên tánh tự nhiên thích hợp với nước biếc non xanh, rộng bước tang bồng hồ thỉ, ham hứng trăng thanh, vui mùi gió tối, quen cùng điểu thú, bạn với cỏ cây, có sẵn chất phong lưu tài tử thì đâu đâu cũng là cảnh hữu tình : dầu đẹp dầu thô, dầu hèn dầu trọng, dầu lịch xinh tươi nhuận, dầu cùi cụt đìu hiu, thì cái cảnh thích của người cũng gần một giá, bởi khí hứng của khách hữu tình vốn để vào nơi mật thiết nhiệm mầu của máy hóa công tạo vật.
Những mặt du lịch nhà nghề nầy, dầu rủi để chơn nơi trái cảnh thì lại đem cả cái ái tình mà châm chế vào chốn bất phước vô duyên đặng thay thế cho cái phước thích tình, ngoạn mục. Thật ra thì nơi nào có vẻ u nhàn ảm đạm lại là nơi giục bước  khách hữu tình.
Những cuộc đau thảm ngờ ngờ trước mắt con người, đối với khí phách của bậc siêu hoát tâm hồn vốn y một lẽ.
Ta chẳng hiểu rõ đặng đích xác, bởi nguyên do nào mà ta đã sanh nơi thế gian nầy, rồi ta lại chết trong vòng tục nầy, nhưng Thiên lương ta chiêm nghiệm tự biết lấy rằng : vốn chẳng phải là việc ngẫu nhiên hay là vô duyên cớ.
Những khách đồng thuyền của ta phân ra nhiều hạng, con đường tấn bộ trí thức của mỗi kẻ vẫn không đồng, dầu cho ngậm miệng cúi đầu ruổi dong trên ngả tự trí tự giác, hiu quạnh một mình đi nữa, thì mọi điều hành động của ta cũng đã tả thành một bài học hay, in vào cuốn sách đời của toàn thiên hạ.
Ôi !  Ai đã mang thi phàm xác tục nầy rồi cũng phải chịu dưới quyền thương yêu của Tạo vật, ta dầu không biết thương ai tất cả thì ta cũng buộc biết thương ta, mà đã còn biết thương thân ta thì ta chưa hề đặng phép quên thương thân của kẻ khác.
Nơi trường tranh sống của con người, giống chẳng khác chi chiến trường náo nhiệt. Nếu chẳng có cái năng lực thương yêu của Đấng Hóa công dính vào óc não của chiến sĩ võ quân thì đời chắc phải tàn diệt lẫn nhau lâu rồi mà chớ.
Ta còn lại dám mạo hiểm xưng hô lên rằng : Con người dầu cho có nạn oán nghịch tàn hại lấy nhau đi nữa, cũng do luật thương yêu của Trời mà có vậy. Nếu như ai vấn nạn thì ta lại trả lời rằng : Khuôn luật thương yêu chia ra hai mặt :
            1. Thương mình.
            2. Thương người.  
Hai hình trạng của luật thương yêu ấy phải nương theo cây cân công bình tạo đoan mới hòa bình tâm lý. Nếu mình quá thương mình mà bỏ người thì bị cái điên vị ngã, còn quá thương người mà quên mình thì bị cái ngây vị chủng.
Ấy vậy, rõ thật ra thì ta đã quả quyết rằng : cũng vì cơ quan vị ngã vị chủng phản khắc tương tranh mà gây thành loạn lạc vậy. Trời phải định cho có nơi lòng của mỗi người một cây cân công bình thiêng liêng mới đặng.  Cây cân công bình ấy là chi ?
Ấy là chất Thiên lương, tục gọi là Lương tâm của ta đó vậy.
Hại thay !  Thiên lương hằng buộc ta phải ngó chăm chỉ sự thật của Đời vì chính nó là bạn thương yêu mật thiết của Đời, rồi buộc ta phải thú thật rằng : dầu cho ta muốn làm màu chê ghét Đời, gớm ghê Đời, kinh khủng Đời, chán ngán Đời mà ta chưa hề buổi nào từ bỏ đặng Đời bao giờ.
Trái lại, những khách hờn Đời lại là người thương Đời hơn hết.
Cái quyền năng cảm hóa phi thường của tuồng đời, sớm thay hình, chiều đổi dạng, diễn trên sân khấu thế tình nhiều màn mới mẻ, lắm lớp hay ho mãi mãi hoài hoài, làm cho thính giả khán quan ngồi không biết mỏi, nghe chẳng nhàm tai, đặng gầy sự nghiệp của Đời thêm vĩ đại.
Nơi cảnh tục ta đây, Đạo gọi là sông mê bể khổ, vốn còn náo nhiệt hình bóng của loài người, là nhờ sự khéo khôn của quyền Đời đào tạo.
Số khách hữu tình của Đời ngày nay đã tăng thêm chín trăm hai triệu mặt.
Đời càng phụ ta lại càng thương, Đời càng nguy ta càng thêm mến, vì cớ nên ta hằng thấy, hễ buổi nào Đời bị khổ não hiểm nguy thì có Thánh nhơn trổ mặt.
Thật sự thì Đời có quyền phụ ta, còn ta không phép phụ Đời. Nhờ đấy mà bậc thượng đẳng nhơn sanh thường nương theo Bí pháp của Đời mới đào luyện tinh thần siêu thoát.
Sự thế còn dài, con người còn khổ. Có khổ mới có hay, có dài mới có thú. Cơ nghiệp của Đời thâu thập các món thuế của khách trần, phải nạp giọt đau thương, phải đóng sưu sầu thảm.
Nầy đảnh thương sơn, nọ nguồn lệ thủy, hãy càng ngắm càng cao, càng nhìn càng rộng, dầu ta xuống hang sâu hay chen vào vực thẳm, trên chẳng đụng trời, dưới không thấu đất, hầu mong xa lánh nợ đời, quyết tránh hồng trần, tính lìa thế tục, không muốn gặp mặt của bạn khách trần, kỵ lóng đặng lời ăn tiếng nói hầu mong diệt tận thất tình cho đặng đi nữa, thì thoạt nhiên ta sẽ thấy cả sắt đá cỏ cây phát động âm thanh xúm nhắc luật thương yêu tạo vật.
Ta dầu cứng lòng chắc dạ, chưa để cho ai cảm hóa với ngôn ngữ thường tình, khi nghe đặng ngôn ngữ của Vạn linh thì ắt cái quyền lực ái tình nó tăng thêm vô độ.
Những bậc lánh trần, ta xem kỹ lại là ai ?
Có phải mấy vị thầy tu là trước hết chăng ?
Vậy thì có tu mới biết thương Đời, chẳng phải thương Đời với khuôn viên hình bóng mà vì nồng nàn của khí phách tinh ba, thì  sự  thương ấy mới ra cao thượng.
 Ôi !  Biết bao nhiêu khách đã chịu riêng đau, ấp thảm, ngậm khổ nuốt sầu, chịu lắm cuộc bể dâu, xem những nỗi nên hư thế sự.
Khi đêm tàn canh lụn, ẩn thân nơi nước trí non nhân, đặng lén dòm quanh cuộc thế, gởi tình chung cho gió mát trăng thanh, nạp đức tánh cho trời cao đất rộng, một bóng một hình, không ai là bạn. Cái may của một kiếp sanh bậc siêu hoát tâm hồn đã thường phải vậy. Ấy là một kiếp sanh để cho Đời phụ bạc, chớ chẳng phải cốt để phụ bạc lại Đời, đến đỗi  dầu ép thân theo thú hạc cầm, cũng chưa gặp mặt tri âm tri kỷ, sống cũng không ai hay, thác cũng không ai biết. Ôi !  Tưởng cái lịch sử của thế tình, nếu có thiếu sót thì do nơi đấy mà ra khuyết điểm.
Hỏi, nếu Đời biết cảm tình, gìn ân giữ nghĩa, thì những bạn đồng thuyền ấy, ta phải khép vào nơi hạng phẩm và giá cả bậc nào ?
Đức Thích Ca bị bỏ đói, Đức Lão Tử bị cút côi, Đức Khổng Phu Tử bị xô đuổi, Đức Chúa Jésus Christ bị tàn sát, nhưng may thay, dầu cho mảnh thân bị nơi tay ác độc của nhơn sanh tàn hại thế nào, khi qui thần, đời biết hiểu, biết nghe, biết nhìn tiếng than thở đau thương, ái nhân ái vật, và đặng công nhận là người ân của nhơn loại thì cũng nên gọi rằng, chết gặp kiếp duyên mà trừ cái khổ sống  mang  kiếp  trái.
Ta cũng nên chắc hẳn quả quyết rằng, từ thượng cổ đến chừ, cũng còn lắm bậc siêu hoát tâm hồn, thùy từ mẫn khổ, cũng gần như các vị Giáo chủ trên đây, nhưng thiếu cái bằng chứng ngôn ngữ thế tình mà công nghiệp của kiếp sanh phải ra mai một.
Ôi !  Anh cả ôi !  Anh cũng là một người đã chịu mang một kiếp sanh để cho Đời phụ bạc, chớ chưa hề biết phụ bạc lại Đời. Em nhớ khi đêm hôm tăm tối, anh hay thuật tâm tình. Ngoài em thì chưa ai hiểu đặng chỗ để tâm trí của anh là nơi nào ?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More